Cuộc đời hoạt động của danh nhân Nguyễn Văn Tường gắn liền với thời kỳ bi hùng của đất nước và dân tộc ta, đó là thời kỳ đế quốc Pháp xâm chiếm nước ta từ năm 1858 đến năm 1884, biến nước ta thành thuộc địa của chúng.
Vào quãng thời gian đó, Nguyễn Văn Tường thi đỗ cử nhân và ra làm quan. Quá trình làm quan kinh qua nhiều chức vụ ở các địa phương và cả ở kinh đô Huế, ông luôn luôn tỏ ra là vị quan đức độ, hết lòng chăm lo cho đời sống nhân dân.
Năm 1883, Pháp tấn công Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cũng là lúc vua Tự Đức mất, Nguyễn Văn Tường được sung làm Đệ nhất Phụ chánh đại thần. Với tư tưởng chủ chiến, ông đã cùng với Đệ nhị Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết kiên quyết phế bỏ các phần tử chủ hòa thân Pháp.
Nguyễn Văn Tường đã có công rất lớn trong xây dựng hệ thống sơn phòng miền núi các tỉnh miền Trung làm căn cứ kháng chiến phòng khi kinh thành Huế thất thủ. Từ những đóng góp đó, ông đã được ban tước Kỳ Vĩ Quận công.
Để giành thế chủ động với Pháp, đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết đã tổ chức tấn công vào các căn cứ chiếm đóng của thực dân Pháp ở Huế nhưng bị thất bại, phải đưa vua Hàm Nghi ra kinh đô dã chiến Tân Sở (Quảng Trị).
Nguyễn Văn Tường sau khi hộ giá vua Hàm Nghi đến Kim Long (Huế) thì nhận mật chỉ của Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ ở lại Huế tìm cách thương thuyết với Pháp giành giật lại một số điều kiện có lợi cho đất nước.
Việc Nguyễn Văn Tường trở lại Huế sau sự kiện 4/7/1885 đã trở thành một nghi án đối với ông.
Sau này nhờ những tài liệu tìm được ở Pháp và Tahiti đã cho thấy một sự thật đáng tự hào: Trong nanh vuốt của kẻ thù, mặc dù bị tỏa chiết mọi hoạt động, Nguyễn Văn Tường vẫn bí mật hoạt động vì nền độc lập dân tộc...