LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM
Trần Xuân An
biển chờ nắng hẹn tháng ba
dâng hương tạ ơn Đất – Nước
cơm cá trống cờ nến đuốc
kì yên, thế lính khao lề (1)
thề trăm đi, nguyện trăm về
hội đình vượt suất, đảo quê gọi người
thêm buồm, Bình Thuận ra rồi
Cảnh Dương đã vào chèo góp (2)
mấy tỉnh một bờ tụ họp
tuần đội Bắc Hải chung tay
theo đội Hoàng Sa đảo này
sau lễ tế, toả rộng dài Biển Đông
chầu bên linh vị, song song
hai hàng nối vai sóng cuộn
pháp sư giọng trầm quán tưởng
như kẻ sơn tràng, rừng ơi
biển hỡi, ngư dân bao đời
khác chi lính, có ra khơi, không về...
kìa thuyền giấy (chuối làm bè)
hình nhân, thạp, lu... (hàng mã)
thế mạng, không chùn chí cả
thấy chiếu bọc thây, vẫn đi
ra khơi, khát vọng lạ kì
máu dân biển chỉ yên khi dong buồm
không thể sống đời ao chuôm
Hoàng Sa – Trường Sa bất tận!
như tế sống người ra trận
pháp sư vái cùng dân làng
hai đội ưỡn ngực hiên ngang
hẹn ngày về, sau thời gian canh tuần…
tháng ba tháng ba đã gần
tháng tám không xa mãi mãi
thần ra khơi, người về lại
phải đâu phép thuật đời thường
nghi thức như lau tấm gương
sáng trưng đảo Lý, trầm hương ảo huyền.
TXA.
09:53 – 16:15, 25-10 HB11
____________________
(1) Có thể phối kiểm với các thông tin cơ bản, được mô tả khách quan (thiếu vắng chất thơ) bởi nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, về lễ hội khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đã đăng trên nhiều báo chí.
(2) Cảnh Dương thuộc tỉnh Quảng Bình. Thời hạn mỗi chuyến tuần hành trong mỗi năm là khoảng từ 5 đến 6 tháng, từ tháng ba đến tháng tám. Xem: “Đại Nam thực lục tiền biên”, bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục (tái bản), 2002, tr. 164...