HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI
Chương IV
Trần Xuân An
1
Dãy nhà tập thể giáo viên gồm năm phòng có hành lang và hai phòng lồi ở hai đầu. Năm phòng giữa ấy, mỗi phòng lại được ngăn ra bằng thưng gỗ, thành một phòng phía trước vừa đủ cho hai người ở và một phòng đơn, cửa mở ra phía sau. Phòng lồi phía tay phải được ngăn đôi, dành cho anh Ích, thư kí công đoàn, và anh Sắc, hiệu phó. Phòng lồi phía tay trái lại ngăn thành bốn, dành cho bốn giáo viên nữ.
Trong dãy nhà ấy, có một đặc điểm duy nhất là chỉ có hai khung cửa lớn của hai căn phòng kề nhau, lại vuông góc với nhau. Đó là phòng Huyên ở chung với một đồng nghiệp nam, tên Tinh, dạy sử và phòng lồi của hai cô giáo. Vì đặc điểm ấy, nên đã nhiều lần Huyên hoặc Tinh, Nguyện Hứa hoặc Hậu, suýt đụng đầu, vì tình cờ cùng mở cửa, bước ra cùng lúc.
Chính nhờ những lần suýt đụng đầu ấy, nên Huyên mới thấy được nụ cười hơi hé mở của Nguyện Hứa, một cô giáo cùng nhóm ngữ văn Việt, từ vài năm trước được đặt thêm biệt danh là “Tủ lạnh”. Thật ra, Nguyện Hứa bị oan bởi chữ “tủ”, vì cô không thô và thấp như những chiếc tủ lạnh thông thường, nhưng “lạnh” thì hẳn không sai. Nguyện Hứa ít nói, khi nói lại nhỏ nhẹ, lại ít cười, lúc cười, chỉ nhếch môi, và dáng dấp, cử chỉ rất nghiêm trang.
Một hôm, cũng tình cờ hai cửa phòng được mở cùng một lần, nhưng hai người chưa vấp vào nhau, nên Huyên nói đùa với Nguyện Hứa:
- May là chưa có “cuộc đụng đầu, chạm trán lịch sử” nào xảy ra!
Cô giáo trẻ khẽ cười, vì cách chơi chữ cường điệu của Huyên, và cũng im lặng, khẽ gật đầu chào, rồi bước xuống thềm.
Huyên chỉ biết đứng trước cửa phòng mình, nhìn theo một dáng người nữ trạc cùng tuổi, tóc buông dài trên lưng áo len màu đen, hai tà áo dài trắng hơi phơ phất theo bước đi chậm rãi, từ tốn.
2
Một ngẫu nhiên khác, hai lớp mười một B và A, năm ấy chưa xoá phân ban, Huyên và Nguyện Hứa đảm trách dạy môn ngữ văn Việt, lại kề nhau. Có thêm một nguyên nhân khác nữa. Nguyện Hứa còn là giáo viên chủ nhiệm của lớp mười một A, phải có mặt tại lớp mình phụ trách trong mười phút ổn định đầu mỗi buổi học – goi chung là mười phút ổn định lớp, nhưng thực ra là bao gồm việc điểm danh cùng nhiều thứ việc khác giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong lớp. Vì vậy, nên hình như mỗi lần Huyên có tiết nhất dạy tại lớp mười một B, đều thấy bóng dáng của cô giáo Nguyện Hứa ở lớp mười một A chung vách.
Một buổi sáng, ở tiết đầu, khi Huyên bước lên thềm, sắp vào lớp mười một B, rất bất ngờ, thấy Nguyện Hứa đi tới, đứng lại ở cửa, khẽ chào và nói:
- Tôi dự tiết “Sở kiến hành” của anh nhé!
Huyên mỉm cười:
- Vâng, xin mời cô.
Huyên nhường bước cho cô giáo Nguyện Hứa vào trước. Học sinh đứng dậy chào. Chỗ ngồi của giáo viên dự giờ luôn luôn là ở cuối lớp. Một học sinh đã nhường chỗ cho cô giáo. Huyên giới thiệu cô giáo với học sinh, mặc dù cô trò không xa lạ gì nhau, để cả lớp vỗ tay đón mừng như một thủ tục.
Đó là một tiết dạy rất tâm đắc của Huyên, vì bài thơ chữ Hán ấy của Nguyễn Du (với bản dịch ra tiếng Việt), khắc hoạ cảnh cùng khổ của bốn mẹ con trên đường đi, đối lập với cảnh giàu sang, thừa mứa của những kẻ quyền thế xa hoa, làm bật lên tứ thơ phê phán, tố cáo mạnh mẽ, và thắt lại ở hai câu kết khá táo bạo, thể hiện khát vọng dân chủ dưới chế độ phong kiến:
“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ”
Học sinh cũng tham dự vào việc phân tích, cảm thụ thơ, bằng những phát biểu khá sinh động.
Chuông reo, báo hết tiết. Huyên cảm ơn cô giáo cùng trong nhóm chuyên môn với anh đã dự giờ. Học sinh đứng dậy tiễn chân. Huyên cũng rời bục giảng, bước theo cô giáo Nguyện Hứa.
- Cảm ơn anh. Xúc động lắm. – Nguyện Hứa mỉm cười, ngoảnh lại, nói với Huyên –.
Lần đầu tiên, Huyên thấy đôi mắt Nguyện Hứa rưng rưng.
- Vâng, cảm ơn cô Nguyện Hứa. Tôi có tiết dạy tiếp. Cô có bận dạy lớp nào nữa không? Hẹn chiều nay, để nghe cô góp ý cho tiết dạy vừa rồi. – Huyên nói, và bước đi, đến lớp học khác đang chờ anh –.
- Không... – Nguyện Hứa không nói đủ câu vì thấy Huyên đã bước đi cho kịp tiết dạy –.
Huyên quay lại, thấy Nguyện Hứa bước ngang qua phía trước hội trường và rẽ vào lối phía sau dãy phòng học cũ, nơi học sinh để xe đạp. Cô từ tốn đi về nhà tập thể giáo viên.
Sau đó vài ngày, Huyên đã thực hiện tiết thao giảng trước cả tổ xã hội, bài “Chạy Tây”, thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Tất nhiên thư kí hội đồng cũng là chuyên viên về thời khoá biểu của trường đã sắp xếp việc đổi tiết để toàn tổ đều dự được, nên cô giáo Nguyện Hứa cũng có mặt. Nguyện Hứa tỏ ra rất đồng cảm với thầy giáo Huyên. Và có một tiết khác, gần với tiết ấy, Nguyện Hứa lại cùng cả nhóm ngữ văn dự giờ Huyên dạy, bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, cũng của Nguyễn Đình Chiểu.
Đó là những bài giảng văn theo đúng bảng phân phối chương trình, cô giáo Nguyện Hứa và những giáo viên ngữ văn khác đều dạy.
Huyên là một người vốn rất tự tin về chuyên môn, nên qua những tiết thao giảng, tiết thường có đồng nghiệp dự giờ ấy, anh lại càng tự tin vào năng lực của mình. Và dần dần, anh trở nên thân quen với Nguyện Hứa hơn.
3
Tết Dương lịch đã trôi qua.
Ngàn cùng Huyên tha thẩn dạo quanh sân trường sau bữa cơm chiều, vừa thong thả bước vừa chuyện trò bâng quơ. Bỗng nhiên, giọng của Ngàn buồn hẳn:
- Anh Huyên này, không hiểu sao cô Nguyện Hứa lại xin nghỉ dạy luôn, anh à!
Huyên giật mình, nhưng cố tự trấn tĩnh:
- Ngàn nói như thật! Cô ấy nghỉ Tết Dương lịch, về với gia đình ba má ở Đà Lạt, chắc bị cảm bệnh gì đó, nên chưa kịp về lại Đạ Nông này, vậy thôi, chứ đâu phải xin thôi dạy luôn!
- Thật đó! Anh không tin à? – Ngàn lại bông đùa –. Có điều, không biết có phải do thầy giáo Huyên tệ tình với cô ấy thế nào đó, khiến cô ấy nghỉ dạy luôn hay không? – Và Ngàn lại cười tếu –.
Huyên cũng phải cười theo:
- Mình với cô Nguyện Hứa có tình ý gì mà phải "tệ tình" với nhau?
- Chẳng hạn như anh không chịu hiểu cô ấy, một khi cô ấy đã “bắn tín hiệu” cho anh!
- Chỉ vậy mà cô Nguyện Hứa nghỉ dạy à? Giáo viên chúng mình đâu còn là trẻ con!
Ngàn không nói gì nữa, nên Huyên cũng im lặng. Dạo bước thêm một vòng sân trường, rồi cả hai bước vào lối đi dẫn lui phía nhà ở tập thể.
Chiều hôm ở cao nguyên se lạnh.
Trước khi về phòng mình, Huyên nói với Ngàn:
- Để Ngàn xem, ngày mai hay chậm nhất là ngày mốt, cô ấy sẽ về dạy lại.
Ngàn cũng không nói gì, cúi đầu ngẫm nghĩ bước vòng lui phía sau, nơi những phòng đơn có cửa riêng của mỗi phòng.
Mãi đến tuần sau đó, Huyên mới tin cô giáo Nguyện Hứa đã nghỉ dạy học thật rồi, khi anh Đặng Đắc San, hiệu trưởng, gọi Huyên vào phòng giám hiệu, thông báo là Huyên phải “gánh” thêm hai lớp ở hai khối mười và mười một, cô Nguyện Hứa bỏ lại. Huyên cảm thấy băn khoăn, mặc dù tự đoán chắc cô giáo Nguyện Hứa chỉ xin thôi dạy vì lí do riêng hay việc gia đình ba má gì đó mà thôi.
4
Phía trước Trường Phổ thông trung học Đạ Nông là quốc lộ 20. Bên kia quốc lộ, một cách ngẫu nhiên, hai quán cà phê đối diện và đối xứng với trường. Một quán, cà phê chỉ là loại nấu và lọc sẵn, dùng nhanh, nên được gọi thành tên là quán “Bít tất”. Quán này còn có thêm thức ăn điểm tâm buổi sáng và mì bún gì đó suốt cả ngày. Một quán khác, mới khai trương vài tuần, số nhà là tên quán: 99.
Quán 99 mới đích thực là quán cà phê. Đó là một ngôi nhà sàn, nhưng sàn cách mặt đất cũng chỉ chừng dưới một mét, được làm hoàn toàn bằng gỗ, trừ mái lợp bằng tôn. Ngôi nhà ấy đứng giữa một khu vườn khá rộng, với nhiều loại hoa cỏ, cây trái làm kiểng. Bên trong là những bộ sa lông cũng bằng gỗ, được đánh vẹc ni vàng óng như lớp gỗ trần và gỗ ốp vách nội thất. Quầy cũng bằng gỗ vàng óng như vậy. Trên quầy luôn có một lọ hoa tươi. Sau quầy là cô con gái chủ nhà ăn vận lịch sự. Tiếp viên bưng nước đến cho các bàn cũng là con gái của chủ nhà, ăn vận cũng lịch sự không kém. Bên ngoài nhà sàn là những khúc cây được cưa ngang, lớn làm bàn, nhỏ làm ghế. Có khoảng dăm bộ bàn ghế như vậy đặt hẳn dưới bóng cây, giữa mưa nắng, cùng với một chiếc xích đu.
Quán 99 là nơi có cà phê phin tuyệt ngon cùng những thức uống nhâm nhi khác, như chanh rum chẳng hạn. Đặc biệt, có dàn máy và loa với nhiều cuộn băng nhạc hoà tấu, không lời cùng dăm cuộn có giọng hát ca sĩ được chọn lọc, khá hay. Âm nhạc thường ở độ vừa đủ nghe.
Đây là nơi thật sự yên tĩnh để nghe nhạc, suy tư. Khách đến không phải là những ai thích đám đông, sôi nổi, ồn ào.
Huyên với giáo viên đồng nghiệp thường vào quán 99 này.
Chiều nay, ngồi ở quán, không những Ngàn, còn có ba thầy giáo trẻ cùng tuổi khác: Nho, dạy sinh vật, vốn học cùng trường với Huyên không những ở bậc trung học tại Quảng Nam mà cả ở bậc đại học tại Huế. Chu, cũng chung trường thuở sinh viên, nhưng Chu học vật lí, và nay Huyên đã chuyển sang ở chung phòng với Chu. Thuỷ, học cùng lớp, cùng khoa với Huyên, năm học 1980-1981 này lại cùng nhóm ngữ văn Việt tại Trường Phổ thông trung học Đạ Nông.
Không khí từ những phút mới vào quán đã đượm buồn, nên không ai nói gì nhiều, chỉ ngồi nghe nhạc, nhấp môi cà phê và nhả khói thuốc lá.
Thật ra, từ khi được Ban giám hiệu thông báo chính thức về việc cô giáo Nguyện Hứa đã làm đơn xin thôi dạy học, với lí do trên văn bản là để ở nhà lo việc nhà giúp ba má và các em, trong hội đồng giáo viên ai cũng buồn. Lớp mười một A do chính Nguyện Hứa làm chủ nhiệm, học sinh ngơ ngác rồi buồn tiếc, khiến lớp ấy vốn trầm lại càng trầm hơn.
Bỗng dưng Ngàn lại khơi chuyện về cô giáo Nguyện Hứa, với giọng bông đùa cho không khí đỡ nặng nề:
- Anh Huyên, anh là trưởng nhóm ngữ văn Việt, sao anh không cất công lên Đà Lạt một chuyến để động viên tinh thần cô Nguyện Hứa?
- Ngàn đùa đó hả? – Huyên cười –. Đó là công việc của công đoàn trường, chứ đâu phải của nhóm chuyên môn.
- Tôi lại nghĩ cô ấy vì không phù hợp với môn ngữ văn Việt hiện nay, – Ngàn nói –, mặc dù cô ấy giảng dạy cũng đã hai năm rồi, và cả học kì này nữa...
Nho cũng cười:
- Ngàn làm gì mà rành rẽ về người khác lắm vậy? Đừng đoán mò nghe!
Ngàn thẳng lưng lên, vẻ mặt thật sự nghiêm túc:
- Các anh không biết đó thôi! Tôi là dân gốc Đà Lạt mà! Ở Đà Lạt, cũng như Ban Mê Thuột của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn vậy, đó là “một nơi ai cũng quen nhau”. – Rồi Ngàn nói chậm từng tiếng –. Cô Nguyện Hứa chuẩn bị đi tu, các anh có tin không?
Huyên giật mình, hỏi nhanh:
- Đi tu? Phật giáo hay Thiên Chúa giáo?
- Trời! – Ngàn nhếch môi, ngạc nhiên –. Chúng ta sẽ gọi cô ấy là “Ma soeur”!
- Mình cũng cảm thấy dáng vẻ cô Nguyện Hứa toát ra hơi hướm nữ tu thật –. Chu nói, trong khi Thuỷ gật gù –.
Huyên lặng người, ngồi im lặng nhớ lại những hình ảnh về Nguyện Hứa mà anh ghi nhận được vào kí ức mình. Và Huyên lại một lần nữa giật mình khi nhớ tiết dạy có Nguyện Hứa dự giờ cùng với các giáo viên khác trong nhóm ngữ văn Việt: bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu. Cố nhớ kĩ hơn, Huyên cũng không thấy ở Nguyện Hứa có nét biểu lộ gì có thể gọi là bất bình chẳng hạn, khi anh đang giảng bài văn ấy cả.
“... Tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa;
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ...
... Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó...
... Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ...
... Sống làm chi theo quân tả đạo, quẳng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu ngọt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ...”
Những dòng văn tế được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết bằng tất cả rung cảm thành khẩn, thương đau và phẫn nộ (phẫn nộ đến mức gọi Thiên chúa giáo là “tả đạo”, giáo dân là “cừu tanh”, Tây Pháp là “mọi rợ”...), từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XIX, lại vang vọng về trong lòng Huyên.