Để rồi, trong không gian hình thành từ dư âm của trận mưa dài thảng thốt, bất thường từ “Đêm cuối năm”, trong cơn say bởi men rượu, Huyên nhận ra niềm vui hư ảo, hư ảo như thoáng nắng trên mưa sương ven hồ Xuân Hương nhớp nhúa, hôi hám, lại trở về trong giấc chiêm bao đầy mưa. Niềm vui hư ảo không phải trên một đôi mắt mà cả nghìn, cả triệu đôi mắt. Một trời lãng mạn với bao thoáng chốc hân hoan hư ảo giữa đời thực, hiện về trong chiêm bao. Nhưng mưa chiêm bao ấy chảy ròng trên khuôn mặt chính anh hay khuôn mặt ai xa lạ, anh không rõ. Khuôn mặt ấy rũ ập xuống bàn như một tấm khăn sũng nước. Khuôn mặt ấy ngẩng lên, sửng sốt nhìn hai bàn tay mình, hai bàn tay trắng, đã khánh kiệt vốn liếng sự nghiệp. Thơ ca “hiện thực nên có”, “hiện thực ‘phải đạo’” đã phá sản, thì đã đành chăng? Thứ thơ ca lãng mạn sáng, bất chấp bối cảnh hiện thực đen, một cách duy ý chí, cũng đã thực sự phá sản chăng? Có thực chăng giấc mơ men say đầy thảng thốt ấy?
Huyên cảm thấy anh đã hoàn toàn phá sản, khánh kiệt, bởi vốn liếng thơ ca của anh hoá ra chỉ là vàng mã hư vô, sự nghiệp văn chương của anh chỉ là giấy rác vô giá trị.
Nhưng Huyên không buông xuôi, vứt bỏ cuộc đời mình. Anh lại bắt đầu một kiếp sống mới, như một đứa trẻ bắt đầu con đường chữ nghĩa của nó bằng chữ thứ nhất trong bảng chữ cái. Huyên cảm thấy anh hạnh phúc trong sự thoát kiếp, đổi đời lần này, 1982.
Mặc dù viết với tâm trạng khủng hoảng về phương pháp sáng tác, gồm cả trong đó phương thức phản ánh hiện thực, và chỉ về phương pháp sáng tác mà thôi, ở một thời điểm không thật bình tĩnh, Huyên không ngờ trước được bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” (hay “Lại tập đánh vần”) là nguyên nhân chính dẫn đến tai hoạ trong cuộc đời một giáo viên, một người làm thơ là anh. Và cả điều này nữa, liệu có đúng là vậy không? Huyên cũng không rõ.
3
Dáng người của anh Nguyễn Huynh không thể lẫn với người nào khác. Quả là đúng rồi, chính anh Nguyễn Huynh. Anh ấy đang cỡi chiếc xe Honda nữ, được sản xuất từ những năm sáu mươi, chạy vượt qua cổng trường. Và chừng như thấy ở các phòng học không khí học tập, giảng dạy nghiêm túc quá, anh ngừng xe, tắt máy giữa sân trường, dắt xe đi bộ đến văn phòng. Đang ngồi bên bàn nước, Huyên vội bước ra ngay để đón anh:
- Anh vừa từ Đà Lạt về đây? Thật bất ngờ.
- Ừ, đi chiếc Honda này cũng tiện.
- Anh kiếm ra xăng trong giai đoạn này là tài lắm.
Anh Nguyễn Huynh cười.
Gần đây Huyên đã chuyển sang phòng lồi bên phải của nhà tập thể, nơi trước đây là phòng của anh Ích, để cùng ở chung với Bùi, một giáo viên vật lí mới về trường. Huyên dẫn anh Nguyễn Huynh về phòng của mình. Sau đó, hai anh em cùng xuống chợ Tùng Nghĩa để mua một ít thức ăn. Anh Nguyễn Huynh vốn là người tháo vát ngay cả trong việc chợ búa này, và cả trong nấu nướng nữa, khi đã mang thức ăn về đến bếp tập thể. Bếp tập thể dạo này bệ rạc hẳn, không còn nền nếp như năm học trước. Bác Uy gái cũng đã xin thôi việc để lo làm cải chua ra bán ở chợ chồm hổm chiều, gần quán “Bít tất”. Bếp vẫn còn đỏ lửa than nhưng cô nhân viên mới tuyển tên Nhi đã xong việc của mình. Anh Nguyễn Huynh và Huyên tiếp tục bắc soong lên bếp ấy, sau khi làm cá, rửa rau ở thềm giếng bên cạnh. Đó là chiếc giếng phải sử dụng tay quay, vì có độ sâu ít ra cũng ba mươi mét.
Xong xuôi, Huyên và anh Nguyễn Huynh về phòng ở.
Dĩ nhiên là bữa cơm trưa hơi sớm so với thường lệ này có cả rượu. Chừng như anh Huynh không thể thiếu rượu được, và thói xấu này cũng lây sang cả Huyên, mặc dù Huyên không thể nghiện được loại chất cay này!
Thật ra, đó là bữa rượu thì đúng hơn, để còn xem thơ của nhau nữa.
Huyên không thể không đưa bài thơ mới nhất của mình, “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”, cho anh Huynh đọc bằng mắt, vì phép lịch sự, không thể đọc to thành tiếng như ở nhà anh trên Đà Lạt. Vả lại, loại thơ này cũng khó để đọc lên bằng miệng, nghe bằng tai. Anh Huynh sửng sốt, đọc đi đọc lại mấy lần. Anh bảo đưa cho anh một bản chép tay, về lại Đà Lạt anh sẽ đánh máy chữ giúp cho.
Sau đó, cuộc rượu vẫn tiếp tục. Trên gương mặt anh Huynh, càng hiện rõ tâm trạng buồn bực, bức bối, đau đời vốn có ở anh.
Lúc tiễn anh Nguyễn Huynh lên lại Đà Lạt, có lẽ cũng đã ba giờ chiều. Nắng vẫn còn vàng ấm, chưa se lạnh.
- Huyên làm thơ như bài mới nhất vừa rồi, anh thấy sẽ phiền hà lắm đó. Không khéo Huyên sẽ về Huế chơi với Trần Vàng Sao! Huyên đừng tưởng là trong đám học sinh, trong cán bộ công nhân viên nhà trường, không có PA.25! – Anh Huynh cười, trấn an Huyên sau câu nói thật –. Nhưng đã sinh ra làm thằng làm thơ, viết văn thì phải chấp nhận tai hoạ. “Chữ tài liền với chữ tai một vần” mà!
Anh Huynh ngồi lên xe, nổ máy.
- Huyên nhớ Trần Vàng Sao không? Tay đó khổ một đời vì thơ! Anh cũng vậy, Huyên cũng vậy. Mỗi đứa khổ một cách.
- Vậy thì, anh đừng đánh máy chữ bài thơ đó nữa. Anh xem một mình thôi nghe!
Huyên cảm thấy hơi sợ trong lòng, mặc dù biết nội dung bài thơ chẳng có gì phải đáng sợ. Huyên những muốn lấy lại bài thơ Huyên đã chép tay đưa cho anh Huynh giữa cuộc rượu vừa rồi, vì với bản tính nghệ sĩ, biết đâu anh ấy vô tư, hứng chí cho người này, kẻ khác xem. Nhưng anh Huynh đã nói:
- Huyên yên tâm. Anh lên Đà Lạt lại đây!
Anh Huynh chìa tay. Huyên bắt tay anh. Hai bàn tay siết chặt, tin cậy. Ngay sau đó, anh Huynh rồ ga, vọt đi trên quốc lộ 20.
Khi quay bước vào sân trường, Huyên tự nghĩ, chẳng có gì đáng sợ cả, ở bài thơ ấy. Có lẽ nó không thể đăng trên báo, in vào sách được, trong bối cảnh hiện nay, nhưng hoàn toàn không có một chi tiết, từ ngữ nào có thể làm nhức mắt PA.25. Ờ, cũng có thể có, ở ít câu chữ cường điệu đen, tạo ấn tượng mạnh, nhưng Huyên không quả quyết đó là thực, để rồi kết thúc vẫn là khởi đầu một giai đoạn sáng tác với ý hướng sáng tạo mới: “... những gì là có thực? / tôi ngọng nghịu hỏi mình như trẻ thơ / và tập đọc lần thứ nhất / chữ A / ngơ ngác / chữ A / môi run hạnh phúc”.
Phải đặt mỗi chữ, mỗi hình ảnh thơ trong chỉnh thể bài thơ, không nên tách ra để suy diễn. Hỡi những kẻ có quyền lực, những kẻ có chức năng theo dõi, hãy hiểu giúp điều đó cho bao người làm văn chương! Huyên muốn nói như vậy. Nhưng Huyên lại chợt giật mình khi thấy nấm đất trồng hoa cỏ giữa sân trường, Nho cho học sinh đắp đắp và ươm tưới, để tạo cảnh quan như thể công viên, sao từa tựa nấm mộ Đạm Tiên!
4
Những ngày sau đó, Huyên nghĩ đến Hồng Vàng, và tự hỏi: liệu Hồng Vàng sẽ cảm nhận như thế nào nếu đọc được bài thơ ấy. Chẳng phải là Huyên và cả Hồng Vàng nữa, từng mơ ước là văn chương nước mình sẽ được vận động, phát triển đúng với quy luật hơn đó sao! Chẳng phải Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến và cả Tố Hữu, quan trọng nhất là Tố Hữu với bài thơ “Đêm cuối năm”, đã mở ra một trào lưu sáng tác mới mẻ, chân thực hơn trước đó sao! Đúng rồi, chân thực. “Đêm cuối năm” không hay, không mới về thi pháp, nhưng chân thực hơn vì đời thường hơn, con người hơn – con người có khi đối diện với cái tôi cô đơn của chính mình, chứ đâu phải cứ luôn luôn là con người của tập thể.
Ở nước ta, sự thể là thế. Mỗi người sáng tác không thể là một chủ thể sáng tạo độc lập có tính mở đường. Tất cả phải chờ ở “tiếng chim đầu đàn”! Nay “tiếng chim đầu đàn” đã phát tín hiệu đổi mới, cho phép mỗi cánh chim có những phút tách khỏi đội hình tập thể, sống với cõi riêng của nó! Không biết đó là sự đổi mới với ý thức tự giác, thấy cần phải đối diện với cái tôi riêng tư, hay là do sức ép từ bên dưới tác động ngược lên trên, thể hiện ở Tố Hữu từ “Đêm cuối năm”, 31-12-1981!
Ở nước mình, sự thể là thế! Bất kì sự sáng tạo đột phá nào cũng cần đến những người bảo trợ tinh thần, những người chịu làm tấm mộc che đỡ. Người ta cũng không muốn những kẻ không đáng tin tưởng lắm về lí lịch lại dám làm Phùng Quán, Hữu Loan, Boris Pasternak, Solzhenitsyn, thậm chí chỉ là người cầm bút phản biện với ý thức xây dựng! Thật ra, Huyên chỉ là người làm thơ bị khủng hoảng về phương pháp sáng tác mà thôi!
Huyên cũng muốn chép bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” để gửi Hồng Vàng, nhưng rồi anh ngại phiền hà, rối rắm cho cô sinh viên năm thứ nhất ấy.
Thầy giáo Huyên cũng có ý đợi anh Lê Thừa Ích, hiệu trưởng, nói cảm nghĩ của chính anh về bài thơ thế thái nhân tình của Tố Hữu, nhưng từ trước Tết Nguyên đán mãi đến sau Tết hơn hai tháng, anh Ích vẫn không nói gì. Anh ấy là một người kín kẽ!
Huyên cảm thấy không dám chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp, cho dù đã có những kỉ niệm phấn trắng bảng đen, những lần ngồi quán cà phê, dăm cuộc rượu nhỏ rất thâm tình với nhau:
“ĐÊM UỐNG RƯỢU Ở TRƯỜNG, DẶN NHAU - 1982
một dĩa cải chua, vài con khô cá
chạy được chai rượu đầy, sẵn cái chén mẻ,
cũng hay!
ba thằng giáo chuyền tay vầng trăng nứt
nhớ nước mắt đừng rơi, xin ấm góc trời này!”
Huyên làm thơ về nhóm bạn giáo viên của mình với ước muốn xin giữ ấm góc trời dạy và học. Đó cũng chính là lí do để Huyên không chia sẻ với đồng nghiệp bài “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”, mà chỉ chia sẻ với bạn văn chương là anh Nguyễn Huynh.
Thậm chí, bài thơ này của Huyên, anh cũng cất giấu dưới đáy va li, sợ Bùi ở cùng phòng, tình cờ đọc thấy. Huyên bắt đầu có cảm giác lo sợ của một người cầm bút cất giấu bản thảo... quốc cấm! Trạng thái tâm lí thường vượt trên mức của sự tự nhận thức, mức tình trạng thực tế một cách thái quá! Đầu óc tự biết là bài thơ ấy chẳng có gì đáng ngại, thế mà cũng lo sợ đến hoang mang, tự đốt đi rồi tự chép lại, sợ cả bạn cùng phòng!
T.X.A.
TP.HCM., 02:17, 16-03 – 11:40, 17-03 HB13 (2013)
ĐÃ GỬI TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM. (17-03 HB13 [2013])
& TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG (17-03 HB13 [2013])
http://txawriter.wordpress.com/2013/03/18/hau-chien-khong-rieng-ai-vi-tiep-theo/
Chương I:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i
Chương II:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii
Chương III:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iii
Chương IV:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iv
Chương V:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-v
Chương VI:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vi
Xem tiếp: