HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI
Chương VIII
Trần Xuân An
1
Chỉ một ngón tay vào xách tay của Huyên, người cùng đi xe khách nói với giọng điệu tuy không gay gắt, dữ tợn nhưng là lạ, như thể doạ dẫm:
- Cái xách này “nặng” lắm đấy!
Huyên cau mày, sau một thoáng ngạc nhiên, nhưng anh kịp hiểu ngay, và đưa cao cái xách tay lên:
- Nhẹ thôi! Chỉ vài cuốn sách, sổ tay, bút viết, ít bộ áo quần, bàn chải răng và khăn mặt... Không có hàng lậu, quốc cấm đâu! Nhưng anh là ai? Tại sao lại chỉ vào xách tay tôi rồi bảo “nặng” lắm?
Gã đàn ông ấy cười gằn và im lặng. Huyên nghĩ có thể gã đàn ông muốn ám chỉ bài thơ “Lại bắt đầu bằng chữ cái thứ nhất” (hay “Lại tập đánh vần”) của anh chăng? Nhưng biết đâu, đó chỉ là sự vô tình, ngẫu nhiên, chứ chẳng có ai hơi đâu lại theo dõi Huyên và doạ dẫm như thế. Dẫu sao, cũng tỏ thái độ mặc kệ y, Huyên ngồi vào chỗ, chờ xe chạy. Suốt mấy tiếng đồng hồ, xe đã vượt qua hai phần ba hành trình, Huyên vẫn ngồi yên với xách tay trong lòng, đặt gọn trên hai bắp vế chân, vì sợ mất tập bản thảo thơ của chính anh. Đến lúc này, Huyên mới quay mặt lại, tìm xem có gã đàn ông vớ vẩn kia không. Quả là vẫn có y ngồi cách anh hai dãy ghế. Huyên bỗng ước ao sao được dịp công bố bài thơ ấy (*) càng rộng khắp càng đỡ bõ ghét, chứ rơi vào cảnh dấm dớ, úp mở, thật khó chịu. Thơ Huyên, Huyên không chịu đốt bỏ! PA.25 không muốn bắt quả tang bài thơ ấy trong tập bản thảo anh đang để trong xách tay! Nếu không có vụ khủng bố tinh thần ở hồ Xuân Hương và ở dốc bưu điện trung tâm Đà Lạt, hẳn Huyên cũng không tin anh đang bị theo dõi, doạ dẫm thế này. Mà thực ra, đây cũng là một cách khủng bố.
Xe đỗ trước quán “Bít tất”, đối diện với cột cây số 270 bên kia đường, chờ cho Huyên xuống xe xong, lại vụt chạy đi. Gã đàn ông vẫn còn trên xe. Hẳn y lên thẳng Đà Lạt. Còn Huyên, anh vào Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, để bắt đầu niên khoá thứ ba, 1982-1983, tại ngôi trường này. Huyên tự biết, anh cố làm cứng như vậy, nhưng thật ra, chừng như thần kinh anh cũng quá căng thẳng, không khéo cũng đã rão ra.
Những vạt ruộng ngô quanh trường vẫn xanh. Sân trường vẫn đang vắng bóng học sinh. Cỏ vẫn thưa thớt mọc dăm vạt. Cây thông cao ngất giữa sân trường vẫn ngạo nghễ tốt tươi.
Hình như giáo viên chỉ có mặt ở trường vài ba người, vì đợt phép hè chưa hết.
Vào đến thềm dãy nhà tập thể, Huyên thấy anh Nguyễn Thái Tráng đang ngồi trong phòng vốn là phòng anh Bùi Sĩ Khen ở, trong năm học vừa qua. Ngoài anh Tráng, còn có một người đàn ông đứng tuổi khác, dáng người khá bệ vệ, mặc áo sơ mi trắng, chiếc mũ cối bọc vải vàng pha cam đặt bên cạnh, mới trông biết ngay là cán bộ công an ngoài Bắc mới vào. Huyên ngạc nhiên, thầm thốt trong lòng, “lại công an!”. Anh khẽ chào hai người, rồi đi vòng lui sau dãy phòng đơn. Một trong năm phòng đơn phía sau đã được Công đoàn trường sắp xếp cho Huyên, từ cuối năm học trước. Huyên tìm chìa khoá trong xách tay, rồi mở cửa phòng, bật công tắc đèn.
Huyên để cả áo quần đi đường, nằm nghỉ trên chiếc giường của mình.
Lát sau, Huyên nghe tiếng chào tạm biệt giữa anh Tráng và ông cán bộ công an ấy. Sau đó dăm phút, lại nghe tiếng chân anh Tráng đang tiến đến phòng Huyên.
Bước vào phòng, ngồi vào ghế sau bàn soạn giáo án, anh Tráng hỏi:
- Ra nghỉ phép có gì vui không?
Huyên ngồi dậy, trên giường của mình:
- Cũng bình thường, anh à. Ông công an nào vậy?
- Anh ruột của anh Lê Thừa Ích, hiệu trưởng cũ của trường mình đó! Ông ta vào hỏi thăm xem tại sao em ruột của ông ta lại bị Sở Giáo dục cho thôi chức ấy mà!
- Thì ra là vậy. Nhưng sao không hỏi Sở Giáo dục, mà hỏi trường mình, lúc chưa tựu trường, khai giảng?
- Ai mà biết ý ông ta thế nào! Công an vốn hay méo mó, lạm dụng nghề nghiệp, thích điều tra, kiện tụng gì đó.
Huyên cười:
- Tôi tưởng PA.25 đến bắt ai trong trường mình đó chứ! Còn như thế thì thây kệ họ với nhau. Rắc rối!
Nói thế, nhưng Huyên cũng nghĩ, biết đâu, người ta điều tra vụ anh Lê Thừa Ích, nhưng lại moi ra vụ khác, cũng là chuyện có thể xảy ra. Nghĩ thế, Huyên nghe lạnh ở sống lưng, khi nhớ đến bài thơ “Lại bắt đầu bằng chữ cái thứ nhất” của mình.
Sau vài câu chuyện trò thăm hỏi khác, anh Tráng và Huyên lại rủ nhau ra quán cà phê 99.
- Năm nay, Nguyễn Văn đã có quyết định của Bộ Giáo dục cho chuyển về Đồng Tháp rồi! Thế là trường mình vắng mất một tay đàn, giọng hát!
- Anh ấy về Đồng Tháp thì anh em mình cũng buồn thật.
Khi băng qua sân trường, băng tiếp qua quốc lộ 20 để đến quán 99, Huyên nghĩ chính bản thân anh cũng bướng, cứ giữ bản thảo bài thơ viết trong lúc say rượu, lại mất bình tĩnh ấy làm gì cho mệt chuyện, sao không đốt quách đi cho nhẹ người. Và anh hối hận là đã đưa cho anh Nguyễn Huynh một bản viết tay mất rồi!
Sau khi gọi cà phê, nhạc hoà tấu đã được bật, Huyên lại nghĩ ngợi tiếp như không thể dứt được luồng ý nghĩ trong đầu mình. Ờ, mà có gì đâu, bài thơ ấy. Chẳng qua là không thể làm thơ lãng mạn cách mạng về niềm vui hư ảo, như thoáng nắng xen lẫn thoáng mưa sương ven hồ Xuân Hương, Đà Lạt, một hồ nước bị bỏ bê đến mức rong nhờn tanh tưởi, rác rến nhớp nhúa, thì lao vào hiện thực để làm thơ nhưng không đích thực là thơ, như trong “Quán bên đường” của Trang Thế Hy, “đời thối phải nói là thơm”, “nghệ thuật... là câm, là điếc, là đui, mà đi...”, và để rồi hối tiếc, thấy mình rơi vào cảnh phá sản loại thơ-phi-thơ đó, đồng thời cũng khánh kiệt cả vốn liếng thơ ca lãng mạn cách mạng, của bản thân, khi đọc “Đêm cuối năm” của Tố Hữu. Suốt cả bài thơ đều được cường điệu để khắc đậm ấn tượng. Cường điệu cả hư cấu chính mình để tự phỉ báng bản thân mình không phải là nhà thơ trẻ, mà là gã lái buôn, đóng thuế bằng lương tâm, chế biến chất liệu đời đen tối thành thi ca tươi sáng trong thực tế cuộc sống! Tự phủ nhận sạch trơn chính mình, một cách thiếu bình tĩnh! Để rồi cuối cùng, thoát xác, trở lại là đứa trẻ tập đánh vần với bảng chữ cái, học tập lại từ đầu... Ờ, có gì đâu, bài thơ ấy! Chỉ là khủng hoảng phương pháp sáng tác thôi mà...
Huyên mỉm cười, tự trấn tĩnh. Thật ra, cho đến giờ phút này, trừ những bản nháp, phác thảo, chưa diễn đạt hết ý, Huyên vẫn giữ kĩ tất cả những tác phẩm hoàn chỉnh anh đã viết. Huyên chẳng phủ nhận bài thơ, đoạn văn nào của mình cả!
Đêm đó, Huyên lại lấy tập truyện Lỗ Tấn ra khỏi xách hành lí để đọc lại “Nhật kí người điên”.
2
Bước dạo trên lối đi ven bờ vực, bên dưới là con sông từ thác Liên Khương chảy về, hai thầy giáo, Huyên và Ngàn, trò chuyện bâng quơ trong ánh nắng buổi xế chiều. Huyên muốn kể cho Ngàn nghe vài ý tưởng đậm chất đời thường gần đây khiến Huyên đến lúc này mới có thể gạt bỏ khỏi lòng mình được. Anh đang tìm một cách nói tế nhị và tự nhiên hơn.
- Tháng vừa qua Ngàn đi tập huấn thể dục thể thao à?
- Đúng rồi, anh! – Ngàn xác nhận –.
Huyên cười một mình, rồi nói:
- Tháng qua, mình suy nghĩ mãi về hai cái truyện ngắn, khiến mình khá đau đầu.
- Truyện gì? Tôi đọc được chứ?
- Không. Mình chưa viết, và có lẽ cũng không viết, mặc dù cốt truyện, với các tình tiết ở truyện thứ nhất, và mặc dù sự việc cùng những suy nghĩ lao lung quanh sự việc đó ở truyện thứ hai, tất thảy đã đầy đủ trong đầu mình. – Huyên đáp –.
Đi qua khỏi xóm nhà ở phía tay trái, Huyên đã thấy quốc lộ 20 song song với con đường đất Huyên và Ngàn đang đi. Trước mặt họ, đằng xa kia là nơi được gọi là Miếu Ba Cô, nhưng đó không phải là ngôi miếu cổ được xây bằng gạch và lợp ngói âm dương, mà là một ngôi nhà lợp tôn, phên thưng cũng bằng tôn, khá lớn.
- Ngàn à, để mình kể cho Ngàn nghe. Ngàn có nghe không?
- Anh cứ kể đi. Rất mong được nghe.
- Truyện thứ nhất thế này: Có một anh giáo viên đang dạy học ở một trường phổ thông trung học nọ, tình cờ gặp và chuyện trò với một cô gái người Nam Bộ, cũng suýt soát tuổi với anh ta, ở một bến xe tại TP.HCM., trong khi sắp hàng mua vé. Anh còn được biết cô ấy là công nhân viên ở một ga đường sắt thuộc tỉnh Phú Khánh. Chỉ thế thôi. Vậy mà bẵng đi một thời gian, cô ta đột ngột đến thăm anh giáo viên ấy tại trường và nhà tập thể. Ban đầu, anh giáo viên cảm động vì sự thăm viếng đó. Nhưng cảm thấy cũng rất bất tiện vì không thể mua vé xe cho cô ta về Nha Trang trong ngày được, bởi vé xe đường dài, ngoại tỉnh, chỉ bán vào mỗi buổi sáng sớm. Do đó, anh ta phải xin cô giáo đồng nghiệp cho cô ta ngủ lại chung phòng trong một đêm. Nào ngờ, cô ta lại nấn ná ở đến cả ngày hôm sau. Điều đó khiến anh giáo viên trẻ bắt đầu nghi ngờ về tư cách của cô khách ấy. Hôm sau nữa, cô ta vẫn ở lại cùng với cô giáo đồng nghiệp của anh giáo viên! Lần này, anh giáo viên phải nói thẳng với cô giáo đồng nghiệp, đề nghị đừng tiếp tục cho cô ta ngủ lại, và anh ta sẽ không chịu trách nhiệm trước đồng nghiệp, nhà trường. Từ đó, anh giáo viên không tiếp xúc với cô khách kia nữa. Nhưng chẳng hiểu thế nào, cô khách ấy vẫn ở lại với cô giáo kia đến cả một tuần lễ, mặc dù ở ngày thứ ba, anh giáo viên đã bảo thẳng vào trước mặt cô khách: Tuy quý tình cảm của cô, nhưng cô không thể nấn ná ở đây, vì đây là nhà tập thể, trường học. Như vậy, việc cô khách vẫn nấn ná cả tuần lễ, hẳn là do cô giáo đồng nghiệp vốn cả nể và tốt bụng! Thế rồi, cũng đột ngột cô khách ấy bỏ đi, lấy theo cả chiếc xe đạp của cô giáo đồng nghiệp! Điều đó, khiến anh giáo viên muốn chết đứng. May thay, cô giáo đồng nghiệp không trách cứ gì anh giáo viên ấy cả, vì tính cách thực của cô khách kia đã biểu lộ rõ rệt ở hành vi cuối cùng. Cô ta không phải là một người tử tế. Anh giáo viên hú hồn, vì nếu không cứng rắn, không thuần lí trí trong trường hợp ứng xử đó, hẳn anh ta sẽ chuốc lấy những phiền toái tày trời! Dẫu sao đi nữa (có thể cô khách kia đã vứt chiếc xe đạp ở đâu đó), Huyên cũng định bụng sẽ có dịp mua lại xe đạp để bồi thường.
Ngàn nói:
- Truyện cũng không hay lắm.
Huyên cười thành tiếng:
- Ừ, không hay. Truyện thứ hai lại giản đơn hơn nữa. Ngàn có nghe không?
Ngàn cười:
- Truyện dở cũng nghe.
Huyên kể tiếp:
- Ở truyện thứ hai, sự việc lại diễn ra cách sự việc trong truyện thứ nhất khoảng gần một tháng. Lần này, lại là một cô gái khác. Cô này là y sĩ ở Đạ Dương (D'Ran), tỉnh mình. Mấy năm trước, khi đi công tác, sinh hoạt chuyên đề về chuyên môn trong vài ngày, ở huyện đó, họ có quen biết nhau. Cô ta cũng đột ngột đến thăm anh giáo viên trẻ, và trong bữa ăn trưa, cô ấy nói có một nhóm người mà cô ta chưa từng quen biết, bảo với cô ta rằng, nếu đến được với anh giáo viên kia, họ sẽ cho hai người một miếng đất để cất nhà và làm vườn. Chỗ đất đó cũng gần đây. Anh giáo viên rất kinh ngạc. Cô khách bảo, trước đây, cô ta cũng rất kinh ngạc khi nghe nhóm người đó hứa hẹn như vậy! Thế rồi, sau bữa ăn trưa đó, anh giáo viên liền đưa cô khách ấy ra bến xe Đạ Nông, mua vé chuyến xe chiều Đạ Dương, để cô ta về lại bệnh viện của mình. Anh đã xử sự một cách lạnh lùng, tuy rất khổ tâm vì hành xử như vậy. – Huyên nói –. Truyện thứ hai này cũng nhạt nhẽo quá, phải không?
- Nhạt lắm, và hơi kì quặc! – Ngàn nói thật cảm nhận của mình –. Anh giáo viên đó cũng đào hoa ra phết đó chứ! Lại quá lí trí!
- Nhiều khi đó là những cái bẫy! Nhưng thôi, đa nghi, suy diễn làm gì cho thêm đau lòng!
Huyên và Ngàn vẫn thong thả bước.
- Cả hai truyện đều nhạt và kì quặc! – Huyên nói tiếp –. Chính vì thế nên mình không viết ra giấy làm gì. Nếu viết thành truyện ngắn, phải hư cấu thêm, để phản ánh hiện thực một cách khái quát hơn, và có giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mĩ hơn. Nếu vẫn để thô sơ như vậy, thì chỉ là hai mẩu chuyện thuộc loại thông tin mà thôi.
Ngàn ngạc nhiên hết sức, vì từ trước đến nay, chưa bao giờ Ngàn thấy Huyên lại nhạt nhẽo và vô duyên trong lúc chuyện trò như thế cả.
Họ im lặng tiếp tục bước, bỏ lại Miếu Ba Cô phía sau lưng khá xa, rồi bước ra phía quốc lộ 20, đi trên lề đường để trở về trường. Mặt trời chiều đã xuống thấp.
- Thôi, quên đi. Nhạt nhẽo quá và kì quặc quá! – Huyên nói –.
Ngàn lại bắt đầu ngẫm nghĩ, về cái nhạt nhẽo và cái kì quặc, nhưng anh chỉ đùa:
- Nhạt như nước ốc, nhưng cũng ngon miệng và bổ dưỡng hơn canh “toàn quốc”, lèo tèo vài cọng rau với bột ngọt ở bếp tập thể trường mình. – Ngàn nói và cười đến ngả nghiêng trên lề đường nhựa –.
Huyên im lặng. Lát sau, Huyên nói:
- Nếu đó là hai truyện ngắn hay hai chương đoạn của tiểu thuyết trường thiên, thì nhạt nhẽo và kì quặc, nhưng nếu đó là hai chuyện xảy ra trong đời một người, dăm người, thì đó là cả một sự kiện, sự cố, gây tổn thương và mãi kinh ngạc, rất đỗi kinh ngạc, Ngàn à!
Trường Phổ thông trung học Đạ Nông đã ở phía trước mặt họ.