DỰ ÁN ĐẶT TÊN ĐƯỜNG
PHỐ: NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)
Theo Nghị quyết “Về
việc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh tên đường thuộc thành phố Đông Hà, tỉnh
Quảng Trị”, số 05/2012/NQ.-HĐND. của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, khóa
VI, tại kì họp lần thứ 4, do Chủ tịch
Lê Hữu Phúc kí, ban hành ngày 13
tháng 4 năm 2012, nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), “nguyên
quán Triệu Phong, Quảng Trị,
quan đại thần triều Nguyễn, người cầm đầu phe chủ chiến chống Pháp của triều
đình Huế” (1) cùng với 46 họ tên danh nhân khác đã được nhất trí đưa vào Quỹ tên đường phố Đông Hà, tỉnh Quảng
Trị.
Qua điện thoại, một vài thân hữu ở Huế (tác giả Trương
Thắng, nhà thơ Ngàn Thương) cho biết, cách đây gần một tháng, Đài Phát thanh –
Truyền hình Huế đã đưa tin: Danh tính nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường
(1824-1886) cũng đã được Hội đồng đặt tên đường phố Thừa Thiên – Huế đưa vào Quỹ tên đường phố. Thông tin này đã được
PGS.TS. Đỗ Bang xác nhận lại qua bài viết trên tạp chí Xưa và Nay, cơ quan của
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, vừa mới phát hành (2). Tuy mới là sơ khởi của các việc cụ thể, như xã hội đã thực
hiện đối với các danh nhân khác, dự án đặt tên đường phố bằng danh tính của Nguyễn
Văn Tường là một sự đánh dấu kết quả bằng hình thức cụ thể, trong quá trình
phục hồi thanh danh, trả lại sự công bằng cho nhân vật lịch sử này. Việc
phục hồi thanh danh nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong lịch sử dân tộc là
thành quả chung của nhiều nhà nghiên cứu đã có tham
luận tại các hội nghị, hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường
(tại ĐHSP. TP.HCM. – 20-6-1996; tại Đại học Huế – 02-7-2002; tại Hội Khoa
học lịch sử Việt Nam ở Hà Nội – 01-11-2003 (3)), sự đóng góp công sức sưu tầm
tài liệu của các hậu duệ ở hải ngoại, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Hội
Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, và sự đăng
tải của Tạp chí Xưa & Nay, Tạp chí Huế Xưa và Nay, Tạp chí Nghiên cứu lịch
sử…, cùng với sự quan tâm về mọi mặt của Ủy ban nhân dân hai tỉnh Thừa Thiên –
Huế, Quảng Trị, sự ưu ái của UBND. xã Triệu Phước, của quý nhân sĩ khắp nơi và
tại địa phương… Cùng các bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về Nguyễn Văn
Tường trên các tạp chí, còn có sách về đề tài này. Đến nay, đã có năm đầu sách chuyên đề về Nguyễn Văn Tường
đã được chính thức xuất bản (4), góp phần vào việc làm sáng tỏ những vướng mắc
sử học về Nguyễn Văn Tường, trả lại sự công bằng khoa học trong lịch sử. T.X.A. TP.HCM.,
01-6 HB13 (2013)
|
__________________
(1) Xem nguyên văn Nghị quyết ở cuối trang này, ở phụ lục II.
(2) PGS.TS. Đỗ Bang, “Nguyễn
Văn Tường vào trang sử mới”, Tạp chí Xưa & Nay, số 428, tháng 5-2013,
tr. 15 & 17.
(3) Gồm có:
3a) Kỉ yếu: 28 bài
khảo luận sử học (29 tác giả), trong đó có nhiều bài viết bàn về Nguyễn Văn
Tường: Gs. Nguyễn Văn Kiệm, Nnc. Trần Viết Ngạc, Nnc. Trần Thị Thanh
Thanh, Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Trần Thị Kim Hoa,
Nnc. Tôn Thất Hào, Gs. Đoàn Quang Hưng, Nnc. Nguyễn Hữu Thông & Nnc. Nguyễn
Quang Trung Tiến, Ts. Võ Xuân Đàn, Gs. Vũ Ngọc Khánh, Ts. Nguyễn Thị Đảm, Nnc.
Đặng Thị Tịnh… cùng với tư liệu: bản
dịch chưa trọn vẹn tập thơ của Nguyễn Văn Tường (do Trần Viết Ngạc sưu tầm) của
hai dịch giả Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển (ĐHSP. TP.HCM. ấn hành).
3b) Tập các báo cáo
khoa học (15 bài khảo luận của 13 tác giả), với chuyên đề về Nguyễn Văn
Tường: PGs. Ts. Đỗ Bang, Nnc. Trần Viết Ngạc, Nt. Trần Xuân An, Nnc. Trần Huy
Thanh, Nnc. Phan Thuận An, Nnc. Phạm Hồng Việt, Nnc. Huỳnh Kim Thành, Ts.
Nguyễn Thị Đảm, Nnc. Trần Thiều, Nnc. Nguyễn Quang Trung Tiến, Nnc. Hãn
Nguyên Nguyễn Nhã, Nnc. Hồ Vĩnh, Nnc. Lê Tiến Công (Trung tâm Khoa học xã hội
& nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế
chủ trì hội thảo và ấn hành, 02-7-2002). Kỉ yếu Hội thảo khoa học tại Huế, 2002,
đã được xuất bản thành sách: Nhiều tác giả, PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên, “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và
lời giải”, Nxb. VH.-TT., 2007.
3c) Thông tin: Hội
nghị thẩm định tư liệu do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, 01. 11.
2003. Theo thông báo trên tạp chí Xưa & Nay, sô 151 (199), tháng 11-2003,
đồng thời trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (331) tháng 11 & tháng
12-2003: Những công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật tư liệu vẫn được tiếp
tục, mặc dù Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định lại sự khẳng định từ
cuối thế kỉ XIX đến nay của giới sử học trong và ngoài nước: Nguyễn Văn Tường
(1824 – 1886) là nhà yêu nước, chủ chiến. Trong các đề mục hội nghị ấy, có việc
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
cũng đã thẩm định và đã đi đến khẳng quyết về tính chân xác của các sử liệu do
Nguyễn Thị Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân sưu tầm, được công bố trong hội thảo
ngày 02-07-2002 tại Huế. Xin xem: Trần Viết Ngạc, “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường”, bài viết giới thiệu, phân
tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ
của cụ Nguyễn Văn Tường, và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân, bns. Xưa &
Nay, số 126 (174) tháng 10-2002, tr. 18 – 20.
(4) Trong đó, có sự đóng góp của bản thân Trần Xuân An là
bốn đầu sách truyện – kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, nghiên cứu – khảo luận,
biên soạn về chuyên đề Nguyễn Văn Tường (đã chính thức xuất bản, Nxb. Văn Nghệ
TP.HCM., 2004 [một đầu sách], Nxb. Thanh Niên, 2006 & 2008 [ba đầu sách]) cùng những bài nghiên cứu khác
cũng của Trần Xuân An về ông (đã được công bố, đăng tải). Đầu sách thứ năm: Nhiều
tác giả, PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên, “Nguyễn
Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, Nxb. VH.-TT., 2007.
|