SÔNG XANH HAY KÊNH ĐEN NHIÊU LỘC?
truyện ngắn
Trần Xuân An
1
Sau chuyến về quê nghỉ hè, thăm má vừa rồi, Ánh Sương mới thật sự để
ý đến ba thửa vườn rau sân thượng
ngày ngày tươi xanh, ngay trước mặt và hai bên căn phòng cô ở trọ.
Năm ngoái, khi mới đến đây, Ánh Sương có cảm giác hơi ngồ ngộ một
chút, vì không phải rau quả trồng trên mặt đất mà trên những chậu sứ, chậu đất
nung, trên những khay, những vỉ bằng chất dẻo, tại ba sân thượng của ba căn nhà
liền kề nhau, cách nhau bằng lan can sắt hay bê tông. Thế rồi, đã hơn một năm
trôi qua, thấy là thường xuyên thấy vậy, bởi phòng trọ của Ánh Sương là căn
phòng duy nhất trên sân thượng căn nhà giữa, nhưng cơ hồ cô quên bẵng sự hiện
diện của chúng, như học trò ở trường huyện bận bịu thi cử đến mức quên bẵng vườn
tược nhà mình và láng giềng mình.
Đúng hơn là cũng nhờ má, trong dịp nghỉ hè gần đây, Ánh Sương mới bắt
đầu để ý đến các ông già, bà già vốn là gia chủ, trực tiếp gieo trồng, chăm nom
ba thửa vườn rau sân thượng này, đặc
biệt là hai ông già ở hai nhà bên trái và bên phải, tên Sen và tên Súng.
Đó là buổi chiều ở quê, khi cùng ngồi trên chiếc võng dưới mấy gốc
khế bên hè nhà, hai má con chuyện trò bâng quơ thế nào lại dẫn đến chỗ Ánh
Sương ở trọ tại thành phố năng động nhất nước. Má hỏi:
- Con trọ ở nhà bác Lục Bình đồng hương với mình, vậy con có biết
trước đây khoảng mươi năm, xóm đó như thế nào không?
Ánh Sương cười:
- Con để ý làm gì, má? Lu bu với việc học, sáng đi, chiều về, mệt
muốn đứt hơi, không chỉ con mà cả con nhỏ bạn đâu có để ý nơi mình ở trọ làm
chi!
- Hồi trước, đó là một trong những xóm bị ô nhiễm khủng khiếp, vì ở
sát bên bờ kênh Nhiêu Lộc mà!
Và má kể chuyện vài người láng giềng gần kề nhà bác Lục Bình đồng
hương. Đúng là qua những lần lên TP.HCM. thăm Ánh Sương, chuyện trò với bác Lục
Bình gái, má biết khá rõ, trong khi Ánh Sương lại hoàn toàn mù tịt về xóm trọ
và về họ.
Lúc này, đêm đã xuống, phố xá đã sáng rực đèn. Ánh Sương và người
bạn cùng quê trọ học chung phòng, sau bữa cơm tối, đang ngồi nhìn ra ba thửa vườn rau sân thượng còn ướt đẫm nước
tưới, dưới ba vòm mái lợp tôn nhựa, đón gió bốn bề. Cô hít một hơi dài không
khí dịu mát, không còn mùi tanh tưởi, nồng nặc thối do bùn sình và nước thải từ
kênh Nhiêu Lộc bốc lên như hồi nào – cái mùi theo lời má kể. Và cũng theo lời
má kể, Ánh Sương còn biết căn nhà, cô và bạn đang thuê phòng trọ đây, là một
trong những căn đã xoay hướng nhà, sau khi những căn nhà khác, kề sát bờ kênh
Nhiêu Lộc, đã được giải toả với sự đồng thuận di dời có đền bù thoả đáng, để
hai con đường ven hai bờ kênh được mở ra. Thế đó, bỗng dưng, nhà gần cuối hẻm
sâu, cách bờ kênh khoảng 30 m, trong khu vực ô nhiễm nặng lại trở thành nhà mặt
tiền đường phố thông thoáng, nhìn ra con đường mới mở và bờ kênh được đóng cừ
bê tông, xây kè vững chắc, lòng kênh được nạo vét, nước chảy thông dòng. Còn về
cư dân, những người trong xóm hiện tại của Ánh Sương, họ vẫn là những người lao
động, những tiểu thương, những công nhân viên chức nghèo thành thị, kể cả một
số ít người may mắn bỗng chốc trở thành gia chủ nhà mặt tiền.
Ánh Sương muốn chia sẻ điều đó với Sông Xanh, người bạn gái cùng
phòng. Chắc nó cũng như cô cách đây mấy hôm, không quan tâm hay tọc mạch gì về
nơi mình ở trọ.
2
Ánh Sương cảm thấy có chút gì đó thú vị, khi nghĩ hai đứa bạn gái
đều là sinh viên thuộc ngành tài nguyên – môi trường lại trọ học tại một nơi
môi trường vốn bị ô nhiễm nặng nề nhưng đã được cải tạo rất hiệu quả như thế
này. Tuy nhiên, đối với Sông Xanh, cô bắt đầu có cảm giác không ổn trong cơ thể
và tâm trạng của mình. Từ hôm nghe Ánh Sương kể lại mùi tanh thối của sình lầy
và nước thải trước đây thuộc kênh Nhiêu Lộc, Sông Xanh phải luôn sử dụng khẩu
trang, không những khi ra đường, mà ngay cả lúc về phòng trọ, đọc giáo trình,
làm bài tập; thậm chí cả khi ngủ, và những giờ vào lớp nghe giảng, Sông Xanh cũng
phải dùng khăn tay che lên mũi miệng. Biết đó chỉ là ảo giác, nhưng Sông Xanh
không thể nào khác được!
Ngạc nhiên, Ánh Sương hỏi Sông Xanh:
- Sao cứ dùng khẩu trang và khăn tay suốt ngày đêm như thế?
- Mình bị ấn tượng khứu giác quá mạnh về mùi tanh thối kênh Nhiêu
Lộc ngày trước! – Sông Xanh nói –. Chính mình, mình thấy cũng quái gở thật.
Nhưng thật sự là vậy đó! Trước đây, chưa một lần ngửi phải mùi đó tại con kênh
này, thế mà mùi cống rãnh, mùi hố ga ở thành phố dưới quê mình hay ở thị xã nào
đó cứ ám ảnh mình, không dứt nổi!
Ánh Sương bật cười khanh khách:
- Hay là Sông Xanh thích dùng nước hoa rồi, phải không?
Sông Xanh chưa dám dùng nước hoa, nhưng hôm sau cô đã mua về một bình
xịt hương thơm cho phòng ở và một chai dầu gió Trường Sơn để tẩm vào khẩu
trang, vào khăn tay. Sự thể đó khiến Ánh Sương biết bạn vẫn chưa thể gột rửa
được ấn tượng khứu giác về mùi kênh Nhiêu Lộc cũ.
- Sông Xanh có lẽ có vấn đề về thần kinh khứu giác, về tâm lí rồi
đó. – Ánh Sương nói với bạn –.
Sông Xanh mỉm cười trong khẩu trang:
- Chắc vậy. Hi vọng một vài tuần thì tự nó sẽ khỏi hẳn. Mình suýt rủ
bạn đi tìm chỗ khác để thuê phòng trọ học, nhưng vậy thì bất tiện quá. Thôi thì
cứ nhẫn nại chịu đựng, dần dần sẽ quên bẵng cái mùi ác nghiệt ấy. Đây là vấn đề
tâm lí thôi. Quỷ thật!
Sông Xanh đã nhiều lần cố gắng, và lúc này, trước Ánh Sương, cô thật
sự cố gắng mở hẳn khẩu trang, hít thật sâu, hít nhiều lần, đồng thời cố day mặt
ra vườn rau sân thượng, nhìn băng qua đường, nhìn thẳng vào dòng kênh Nhiêu Lộc
đã trở màu lam lục, đã khá trong lành, không còn quánh sệt, đen thui màu hắc ín,
tanh thối đến nồng nặc như cô nghe Ánh Sương kể lại. Sông Xanh cố gắng tự chữa
trị bệnh ấn tượng khứu giác của chính mình, cố gắng đến mức nước mắt trào ra.
3
Suốt nửa tháng trời, Sông Xanh vẫn cứ bị bệnh ấn tượng khứu giác
hành hạ, mặc dù cô đã cố gắng rất nhiều bằng cách như thế. Nhưng cố gắng đó cơ
chừng không hiệu quả! Khẩu trang, khăn tay, bình xịt hương thơm mùi trái cây dịu
ngọt và dầu gió Trường Sơn thơm nồng từa tựa mùi khuynh diệp cũng vô hiệu.
Một sáng chủ nhật, Ánh Sương và Sông Xanh cho phép mình dậy muộn khoảng
một tiếng đồng hồ. Sau đó, cả hai cùng nhau tự lo lấy bữa ăn điểm tâm.
Cỡ tám giờ rưỡi, Sông Xanh vẫn đeo khẩu trang, cùng với Ánh Sương thơ
thẩn dạo bước đến từng chậu sứ, từng chậu đất nung, từng khay, từng vỉ trồng
rau quả đã được hai ông bà Lục Bình tưới tắm từ lúc sáu giờ sáng. Hai thửa vườn
rau trên hai sân thượng hai nhà láng giềng cũng đã được ông Sen, ông Súng tưới
tắm như thế. Đúng là rau quả sạch, đạt quá tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giữa
thời buổi báo chí không ngớt báo động về tình trạng hoá chất độc hại bị người
sản xuất, chế biến sử dụng bừa bãi đến mức gần như vi phạm tội ác đầu độc xã
hội, đầu độc cả bản thân và con cháu mình!
Bất chợt Ánh Sương và Sông Xanh thấy ông Sen bên cạnh cái “chòi xây”
nhỏ, vốn được xây chỉ để che cửa cầu thang, nhô lồi lên trên góc sân thượng nhà
ông như cái bót gác. Ông ấy đang sửa chữa dụng cụ tưới rau. Nhác nhìn thấy hai
cô sinh viên, ông nói lớn với nụ cười chào:
- Hai cháu ngắm rau quả hả? Thấy bọn già này tập tành trồng trọt như
thế có đạt không?
- Dạ, ba má bọn cháu ở dưới quê trồng trọt còn kém thua quy chuẩn
VietGap như ở đây nhiều lắm! – Ánh Sương trả lời –.
Ông Sen hơi khựng giọng, vì ông cảm thấy câu trả lời hồn nhiên của Ánh
Sương khiến câu vừa hỏi vừa chào mới rồi của ông như gián tiếp trách móc thế
nào đó. Ông bước tới gần hai cô sinh viên, dịu giọng, như phân trần:
- Thật ra, ở thành phố mà phải trồng trọt tự cung tự cấp thế này là
bất đắc dĩ. Các bác, các chú ở đây chỉ mong sao ở nông thôn cứ theo đúng quy
chuẩn an toàn lương thực, thực phẩm mà sản xuất, thì mọi người, bất kì nơi đâu,
cũng rất yên tâm.
Và ông Sen liền chuyển đề tài, ân cần hỏi:
- Này, sao cháu Sông Xanh gần đây cứ mang khẩu trang mãi thế? Ở nhà,
mà cũng phải như thế kia à? Hay là cháu bị viêm xoang, viêm mũi gì đó?
Tì tay trên thành lan can phân cách hai sân thượng, Sông Xanh không
biết trả lời thế nào! Bệnh khứu giác của cô nó quái quỷ quá, nói ra sẽ chắc gây
cười! May thay, Ánh Sương nhanh nhẩu trả lời giúp:
- Dạ, Sông Xanh nó rất nhạy cảm, và dễ bị ám ảnh những gì về khứu
giác.
Ông Sen hơi ngớ người:
- Chắc là dị ứng về mùi hương, về phấn hoa...
- Dạ, không...
Ở vào thế không trả lời, hẳn bị xem là vô phép, nên Sông Xanh đành
nói thật:
- Dạ, cháu bị cái bệnh ám ảnh bởi ấn tượng về khứu giác. Cháu mới
lên đây ở trọ hơn một năm học thôi. Cả đời cháu chưa hề thấy kênh Nhiêu Lộc
trong tình trạng bị ô nhiễm trước kia, cách đây hơn mười năm trở về trước. Thế
mà chỉ nghe Ánh Sương kể lại theo lời má nó, cháu cũng bị ám ảnh bởi mùi...
cống rãnh... ở kênh Nhiêu Lộc, cho dù bây giờ kênh Nhiêu Lộc đã được cải tạo
rất hiệu quả, đã rất đẹp, rất phong quang, không khí khá trong lành.
- Cháu bị ám ảnh bởi mùi... cống rãnh... của kênh Nhiêu Lộc thuở cách
đây hơn mười năm à? – Ông Sen ngạc nhiên, ấp úng –.
Ông Sen lại bật cười. Ông muốn nói ngay một ý tưởng ông có từ lâu
trong suy nghĩ của mình, nhưng cảm thấy hơi dè dặt trước hai cô gái sinh viên
này. Một tay ông vin vào cột sắt của mái nhà vòm lợp tôn nhựa, ông lại mỉm
cười, rồi nói:
- Đúng
rồi, bây giờ kênh Nhiêu Lộc đã khá đẹp, khá sạch. Hai con đường mở dọc hai bên
bờ kênh... Nhiều chiếc cầu đúc bê tông bắc qua kênh... Nhiều đoạn kênh còn có
những dải vườn hoa dọc theo bờ nữa chứ... Nhưng quả thật, trước đây hơn mười
năm, thì khủng khiếp lắm. Hầu như ai cũng còn bị ám ảnh, nhưng chỉ trong kí ức
thôi, chứ ám ảnh đến mức có biểu hiện, triệu chứng y hệt trực tiếp ngửi thấy,
hít phải trên khứu giác của mình như trường hợp cháu Sông Xanh là hiếm gặp lắm.
– Ông Sen chợt nhận ra chính ông cũng chưa dám nói ý tưởng mà ông định buột
miệng nói ngay –. À, mà này, có gì quan trọng đâu cháu... Chú nói thật nghe!
Nếu cháu cứ nghĩ theo cách ví von là thành phố này cũng như cơ thể của mỗi con
người, thì hẳn cháu sẽ giảm được phần nào căn bệnh ấn tượng về khứu giác của
cháu... Chú nói thế này, có thể hơi bất lịch sự một chút, nếu khó nghe thì hai
cháu bỏ qua... Là thế này! Thành phố có những đường phố. Đó là hệ thống mạch
máu. Thành phố cũng phải có kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hũ... Đó là hệ thống ruột
già. – Ông Sen bật cười –. Ai mà chẳng có ruột già, phải không nào? Vấn đề là
đừng để nó mắc bệnh, bị tắc ruột, bị ung thư ruột...