thức giấc, mảnh đất da vàng và 1973
một thời máu chảy ruột mềm
đau nhìn vượt cắp gọng kềm nghiến tim
sân trường, thét nỗi nín im
bừng tia chớp những quờ tìm mù đen.
biển đời
một thời dầm mình lãng quên
biển mơ, quặn sóng gió rền rĩ xanh
“cắp” xoài cúng Phật vàng hanh
ném bóng mình – kiếp “trời” hành với thơ.
giằng xé
một thời lãng đãng bâng quơ
tóc trùm tai, mướt xanh thờ thẫn xanh
vỡ niềm gạch vỡ góc thành
khoác rêu óng ả tan đành đoạn sương.
mũi tên, sống của chết
một thời rách rưới xanh xương
mét xanh tàu lá bên đường tả tơi
bàng hoàng, ơi kiếp cũ ơi
bứt mình ngọn cỏ mặt trời vút bay.
trấu và men rượu
một thời ngây ngất cơn say
đỏ niềm mộng tưởng rót đầy chiêm bao
nuốt mặn đắng rất ngọt ngào
cam ngàn cái thực lận vào cái điên!?
giữa tấn tuồng sấm sét
một thời cay cực buồn phiền
hoảng hồn, em, chính là triền đất hoang?
cỏ dâng dâng cỏ ngút ngàn
vùi lên tôi
nấm mộ
bàng hoàng
đêm.
kính tặng quê nhà
bao năm về chết đất này
cỏ leo giường mục phủ dày tập thơ
lẽ ra râu tóc trắng phơ
nhờ ơn bút mực nên giờ còn xanh.
chất độc
bao năm phố quẩn phường quanh
lạc xiêu trầm lụy tròng trành u mê
lặng nhìn con trốt vỉa hè
cuốn bao “hàng mã” trút về kênh đen.
“Nhật kí người điên”
bao năm kinh sách chong đèn
từng con chữ cũ nấm lên phiến rầu
một nguồn Biển Chết (*) đỏ màu?
gào đau – Lỗ Tấn, thét sầu – Đinh Linh (**)!
Cước chú của bài “Nhật kí người điên”:
(*) Biển Chết (Tử Hải), ở Isặl (Do Thái), nơi phát hiện Kinh Thánh của người Do Thái… Phải chăng chủ nghĩa Mác là một sự phủ định Kinh Thánh và Giáo hội chuyên chế để khẳng định một hệ tư tưởng mới với sự kế thừa những yếu tố của Kinh Thánh và Giáo hội chuyên chế… Đó cũng là tiến trình biện chứng của sự phát triển bất kì hệ tư tưởng nào. Mặc dù có thể cùng chung một nguồn, nhưng chủ nghĩa Mác (vô thần) với Thiên Chúa giáo (hữu thần) vốn chống đối, triệt tiêu nhau.
(**) Lỗ Tấn (1881 – 1936), nhà văn cánh tả Trung Quốc; ông bắt đầu hoạt động sáng tác văn chương trong phong trào Ngũ tứ vận động (1918…), trở thành một trong những vị thầy của nền văn học vô sản. Đinh Linh (1904 – 1986) cũng là nhà văn cộng sản Trung Quốc; nhưng bà bị quy là cánh hữu, bị đấu tố, nhục hình từ 1957 và cả trong thời “Cách mạng văn hoá” (1966…); được phục hồi từ 1979.
(Xem: Từ điển văn học (bộ mới), NXB. Thế Giới, 2004, ở các trang thuộc hai mục từ này).
Nếu Lỗ Tấn lên án bản chất “người ăn thịt người” của các hình thái nhà nước trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành (1917), thì chính Đinh Linh lại bị “đại cách mạng văn hoá vô sản” tại Trung Quốc “ăn thịt”! Nói theo cách của một sử gia, đó là cái oái oăm lịch sử hay là chân lí lịch sử? Phải chăng sứ mệnh của bộ phận tiên tiến trong nhân loại nói chung và nhà văn nói riêng là phải luôn luôn đấu tranh (dưới bất kì hình thái nhà nước nào) cho đến một thời viễn tưởng (hay hoang tưởng?) – thời không còn giai cấp, nhà nước, chính đảng, tôn giáo… như chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khẳng định.
Vấn đề đáng ưu tư về quá khứ và về hiện thực trước mắt là mức độ cũng như tính chất của sự thể “người ăn thịt người”, “người bức hiếp người”, và thái độ của con người chân chính trước sự thể ấy!
Xin xem thêm tập thơ Tôi vẫn ở trên đường (đặc biệt là các trang phụ lục mới được bổ sung, 2005) và tiểu thuyết Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến) của Trần Xuân An.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).
đêm tối
đột biến nắng ngời chất lửa hạ
hạt bão vùi trổ nghẹn vườn cằn
rễ chạm mạch nghìn xưa tươi máu
nền khuya sáng ngần sao ngọc lan.
trái đỏ
rưng rưng sương rơi theo ngàn úa vàng
đứng sững, trong nấm mồ xác lá
quả tim hồng nẩy cây xanh trĩu quả
tàn rụng võ vàng, úa để xuân sang!
1991
phương nam vàng tươi, bấc phùn xứ bắc
miệt vườn hồng lũ, mỏ than óng mùa
bay bay trong veo lâng lâng toả mật
xẻ dọc con đường bên nắng bên mưa.
kĩ nghệ
kẻ sĩ buồn ở ẩn góc lao xao
sạch Tây Tàu bút lách luồn chớn chở
thời rền máu sao đến thời rặt chợ
khát công trường phòng nghiệm, nến tàn hao.
tâm hồn Trăm Việt
bỏ lại Lưỡng Quảng mênh mông
nỗi giận hoá núi rừng
rồng giương móng – chĩa sắt –
chặn bàn chân giặc
cánh cò lửa trên cán thép Trường Sơn
xoè bóng mát
sóng gió lấp láy cần đàn,
dạt dào xao xuyến luyến rung.
ca dao Nam Ai Nam Bình
viên gạch Hồi In-đô
còn ướt đất Phù Nam Shi-va tây bắc
xa xăm?
vượt biển xanh? hay bươn rừng?
đỏ nung trên bãi bờ thưa vắng
trống đồng Chim Lạc Việt Thường
đành vùi bùn tro thầm lặng!
và sáu-tám-Kinh-Mường
mãi thắm hồng
hồn lục-bát-Thái-Chăm.
gốc giọng Thạch Sanh
gà rừng gáy Óc Eo – trên vùi lấp cảng chợ
xanh tràm
cây đước choãi rễ
lấy mình giữ phù sa Hi Ma xứ lạ
máu Kinh Tày pha Chăm
chất tiếng giờ đây ngọt quá
giữa bát ngát bùn hoang
bác Ba Phi Khơ-me ha hả
tẩm giọng tình
hương đường thốt nốt
phương nam!
trong vòng tay biên giới
vầng trán da chàm Việt Kinh
ấm nụ hôn Việt Chăm nâu hồng
(chợt ngán ngẩm những tranh đoạt
những hàng rào vàng, đen, trắng, “đỏ”!)
tiếng lục lạc reo trên tay
lung liêng
nắng thơm tháp cổ
mỉm cười nhìn uyên ương tung vó ngựa
xoải dài suốt dải non sông.
“nhược tiểu”…
tha thiết tiếng ca thao thức với đất lành
bỗng èo uột mát tươi niềm khờ khạo
chất độc chích vào, viễn mơ, mộng hão
con tò vò nuôi con sâu xanh!
bão khơi
gân guốc một đảo đá
dập vùi nghìn sóng thần
nước tung tràn động biếc
đọng ngời tiếng chim ngân.
từ 1982
buốt cơn hoang tưởng niềm đau mắt
bão xoáy bỏng tim hội chứng đời
trào nỗi bệnh mây nhàu nếp trán
biển mặn dâng sóng vỗ con ngươi
đôi mắt bốn nghìn năm
cái nhìn mềm mại như sông
khuấy bùn dao chém vẫn trong không rời
nhìn từ nguồn cội xa xôi
cong queo rất thẳng phía trời rạng đông.
nhịp điệu vỉa hè, kinh điển
dệt hoa lên vải, xuân ra ruộng vườn
ủ nhụy ngoài đồng, tết vào phường phố
ơn đời mồ hôi, và đời mắc nợ
đoá “cẩm tú cầu” chất xám ngát hương.
ở ngã ba, biển tên đường
mũi giáo xoáy đùi người ngồi đan sọt
chín chín đỉnh Hồng, kìa ai ngóng vua!
kẻ sĩ nào đây nghiến sầu kiếp mọt
đục sách hốc tối chữ rêu thắp mùa?!
Hàn nho và Tài tử đa cùng (*)
áo xanh, nhà trắng – gấm vóc, lầu đài!?
trên cát hát tràn, giữa đồng ứ hự
tâm đỏ muội đèn, chí vàng lính thú
thông vút – mo cau, đầu cúi – cành mai!
Cước chú của bài Hàn nho và Tài tử đa cùng:
(*) Hai bài phú của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).
với Tùng (*)…
ngâm thấm tanh bùn, đục bào dác vỏ
rất đỗi con người, tre gỗ dựng nhà
cỏ khô che nắng, đất nung che gió
đạp trên cỏ đất?! rường cột đơm hoa!
Cước chú của bài Với Tùng…:
(*) Một bài thơ của Nguyễn Trãi.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).
Gióng, người con của trời
nỗi uất nghẹn đứa trẻ câm
bỗng vang hồn nước, đỏ tầm tre vung
sạch thù, xoải vào vô cùng
lòng dân – xanh rộng, anh hùng – cánh chim.
Thạch Sanh, khát vọng từ đất
hoà bình, vang ngát lắng im
tiếng đàn cho giặc trái tim con người
nồi cơm độ lượng không vơi
nàng tiên, câm, cũng hát lời dân gian!
dọc đường
mới trước
đã sau
xanh mượt
trắng đầu!
mỗi người
ngọn cỏ
treo sương
chuốc gió
xoáy cuồng!
lúc nhìn
sáng nắng?
trăng mơ?
hồ lặng
nét thơ.
nhà thơ
lầm lội
khơi vơi
tám cõi
nghìn đời.
trà thơ
đây em, sương muối nắng hanh…
nỗi đời – vò nát chồi xanh hồn này
toan trơ trụi lá khô cây
thôi thì chát chén trà say với người.
bút thơ
đây em, vắt sắc tóc ngời
nỗi đời – bóp – thả, đầy – vơi, ứa – ròng
sá gì giọt mực trên sông
cũng xin cấy chữ xuống đồng đón xuân.
sống thơ
đây em, lóng bút – đòn cân –
tao nôi hẫng, quả tim ngân mảnh gầy
anh cân hồn chữ anh đây
đặt lên trang giấy, gió bay, không đành!
nghiệp thơ
đây em, cơn khát trời xanh
sao bao đồng, sao loanh quanh quẫn mình
trái tim ơi lũ lụt tình
chuốc ma mị nỗi tà tinh, bọt bèo!
trắng giấy
giấy trắng, chồi xuân chưa xanh
cánh hoa rời, đỗ long lanh ánh đào
kết cùng bè chữ chiêm bao:
lục bình trôi cõi xưa nào đây em?
trắng khăn
hoa và chữ ấm khăn tay lụa mềm
vân chìm mây, tre trúc, nắng, trắng thềm
thời mộng tưởng em thêu bài thơ biếc
trong đĩa hồng, thắp bấc sáng ngày đêm.
trắng tay
cánh hoa rơi mực đỏ nhem
bàn tay trắng phấn dạy kèm trắng khô
chân chim – đường phận, mơ hồ!
thơ bốn nhánh, đau nhánh thơ cuối cùng?
trắng tranh
thơ và hoa trên góc lụa lên khung
tơ – tóc xanh – bỗng bạc trắng nghẹn ngùng
vầng trán gấp tư ngắm tranh song hỉ:
bốn bánh rẽ bùn – tứ tuyệt rưng rưng.
im lìm
ơi em, đời chả ra sao!
điên và dại ở trong “bao” (*) chết chìm
ngỡ đành ngủ giấc im lìm
may thay dây bục trái tim bồng bềnh.
Cước chú của bài Im lìm:
(*) Thơ Tố Hữu: “Gỡ lối “bao” xưa, người mọc cánh; được mùa “khoán” mới, đất lên men” (bài Đêm cuối năm), phê phán cơ chế cũ nặng tính chất quan liêu, bao cấp (bao cấp gắn liền với thói tệ quan liêu làm một).
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).
rong chơi
ơi em, tim mẻ đá ghềnh
nở hoa bèo tím lênh đênh cõi người
giạt trôi theo gió rong chơi
nhìn mây trắng ngẫm chuyện đời đất đen!
thung thăng
ơi em, triều mặn gió rền
bèo ra cửa chết, ngợp đèn giăng giăng
lại dung dăng sống thung thăng
thành sao biển rủ sao băng xuống đời.
tầm phơ
ơi em, mấy kiếp luân hồi
vẫn một tôi thuở nằm nôi đến giờ
nghêu ngao cười khóc tầm phơ
và rêu rong rất người-thơ-mây-trời.
xem tranh tuổi thơ
vỏ cây nứt xếp thành gương mặt
gió rơi vèo điểm đôi mắt xanh
tìm đâu ra đoá hoa mùa bão
vẫn lá thôi, nụ cười long lanh
nhìn đốm lửa thuốc lá
một mai vẫn làn khói lạ
tan cùng thoáng gió tinh sương?
nắng có bâng khuâng đọng hạt
xin ơn vệ cỏ ven đường.
Trần Xuân An
TIẾNG CHUÔNG XƯA
sáng nay em đi chùa
lòng tôi buồn hơn xưa
một thời con dế nhỏ
ngậm sương mùa tương tư
một thời con kiến nhỏ
khóc vùi trên đường mưa
sáng nay em đi chùa
tóc em cài hoa xưa
thắp lên mùi hương khói
trên bình nhang linh hư
môi em thuyền bát nhã
xa tôi bờ đời mưa
ngắn dài câu gian dối
ướt sũng lời lọc lừa
sáng nay em đi chùa
em mặc áo người xưa
dìm tôi dòng mộng cũ
ngậm nhánh rong mơ hồ
sáng nay em đi chùa
lá ngủ còn hương xưa
tôi làm con chim nhớ
hót mừng ai giao mùa?
tôi là chim đổi xứ
tìm hoài mùa ngây thơ
tôi mang thân cổ thụ
níu mãi mây ngu ngơ
một đời còn thương nhớ
khi nghe tiếng chuông xưa.
1973
ĐỌC MỘT TRẦN XUÂN AN LẠ LẪM…
bạt của HOÀNG DŨNG (*)
“Giọng thơ Trần Xuân An tuồng như chính là mêlôđi (**) của đồng quê trong Nắng và trong Mưa, là âm thanh của giọt nước tàu cau trước sân nhà, và là tiếng hát của chim sơn ca giữa trời xanh mây trắng”; quả là sắc sảo nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường về tập thơ đầu tay Nắng và mưa. Nhưng đến tập thứ năm này, bản hoà âm điền dã đã mờ nhạt đi rất nhiều.
Nhạt đi, chứ không mất hẳn. Vẫn là một Trần Xuân An trước đây, trong trẻo và dịu dàng như hồn Đất. Trong thơ anh, cũng như trước, thiên nhiên không có cái cuốn hút của sự kì vĩ. Sắc màu bình dị của hoa đồng cỏ nội đủ lay động hồn anh. Và ở những câu thơ thành công nhất của anh, người ta phải bàng hoàng trước cái đẹp thanh khiết của thi ca. Đây, câu thơ lộng lẫy, nhạc điệu ngây ngất, lảo đảo như chuếnh choáng hơi men, không, phải nói là như trạng thái nhập đồng:
tím ngan ngát hoa và phơn phớt nắng
sim sim mua mua vàng hồ phấn thông
Đây, tài tình không, những liên tưởng bất ngờ, những chuyển đổi cảm giác tinh tế mà một bông hoa súng đơn sơ giữa đồng không gợi lên trong anh:
lung lay chim nhỏ
hé giọng đỏ hồ
búp bấc đèn nở
đêm loang bao giờ.
Nhưng đậm lên rất nhiều là một Trần Xuân An thích triết lí; vì vậy, có khi không ngại rối rắm để biểu đạt. Tôn giáo, vũ trụ, máy cày, tem thư, toà án, sống chết… và nhất là lịch sử đều có thể khơi gợi ở anh cảm hứng triết lí. Và nhìn một hướng khác, cũng đậm hơn rất nhiều là một Trần Xuân An chói gắt, bề bộn, đa dạng, thành thị. Chỉ cần đọc tiêu đề một số bài thơ cũng đủ cho ta cái ấn tượng ấy: Từ vệ tinh, ảnh không lời về những quảng trường lăng tẩm trên trái đất, Khoả thân sống, Đồ chơi điện tử, Địa cầu bùng nổ thông tin, Hiệu ứng nhà kính, Vi tính cho trái tim… Điều ấy thể hiện ngay ở tên các tập thơ; này xem, bốn tập trước còn nhẹ nhàng: Nắng và mưa, Hát chiêu hồn mình, Tôi vẫn ở trên đường, Lặng lẽ ở phố, thì nay: Kẻ bị ném vào bão! Những câu thơ day dứt thế này thật hiếm hoi ở các tập trước: “thời rền máu sao đến thời rặt chợ”, “bao năm phố quẩn phường quanh, lạc xiêu trầm lụy tròng trành u mê”, “cơ hồ giáp mặt cuộc đời…, tôi ngồi bệt xuống ngó tôi trên nền”…
Ngay cả về kĩ thuật, cũng có nhiều nét không giống trước. Dường như Trần Xuân An muốn thí nghiệm. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ này đều chỉ bốn dòng, nhưng tất cả, theo cách nói của anh, là loại “thơ bốn nhánh”, “thơ bốn chuỗi chữ”. Tuy nhiên, trong hạn định ngặt nghèo ấy, anh vẫn tự do: một bài chưa đủ, thì bốn bài liền mạch như một bộ tứ bình; câu thơ đa dạng, cả một phổ từ hai chữ đến vài chục chữ; thể thơ khi tự do, khi tứ tuyệt cổ điển, khi lục bát…; vần gieo đủ loại: vần liền, vần cách, vần lưng, vần chân…, cho đến cả vần ngỡ không vần, và cũng không ngần ngại dùng đến loại vần dân dã chữ cuối câu lục ăn với chữ tư câu bát; ở một số bài, các hình ảnh đột ngột, bề ngoài như rời rạc, mà sâu xa được nối kết bằng những liên tưởng…
Một Trần Xuân An lạ lẫm như vậy đã thấp thoáng trong Lặng lẽ ở phố, nhưng phải đến Kẻ bị ném vào bão mới rõ nét.
Gấp tập thơ lại, người đọc có cái bâng khuâng khi thấy tỉ lệ các bài thơ ta thích không nhiều bằng các tập trước. Nhưng rồi giật mình: Không khéo lại lẩn thẩn, đòi phải trở lại một Trần Xuân An hệt như xưa! Không, “thơ anh tránh được những lối mòn quen thuộc, có nét độc đáo trong ngôn từ và một cái ‘souffle’ riêng” (Trần Phong Giao) (***), thì chính anh cũng phải tránh lối mòn của chính mình, tự vượt lên với một giọng điệu mới. Cái mới nào cũng làm ta bỡ ngỡ! Thử nghiệm cái mới thành công sẽ khiến ta thay đổi cả nền tảng thẩm thức! Trên con đường thăm thẳm của thi ca, phải dám chấp nhận khả năng lạc bước, và điểm đến của sáng tạo không phải bao giờ cũng là ảo ảnh.
Khẳng định hay phủ định, điều đó thuộc về thời gian.
Tp. HCM., cuối năm 1994
HOÀNG DŨNG
Cước chú của bài Bạt của Hoàng Dũng:
(*) Bởi có nhiều Hoàng Dũng thành danh trong thời đoạn này, do đó, xin xác định đây là giảng viên Đại học Sư phạm Huế (PTS.) & Đại học Sư phạm TP. HCM. (PGS. TS).
(**) Melody: âm điệu du dương; giai điệu.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).
(***) Souffle: hơi thơ (khí thơ).
KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO
tập thơ
TRẦN XUÂN AN
◘ Tựa: Cao Quảng Văn
1. Thay lời ngỏ: Chén rượu tràn bông khế tím
2. đồng không, bông súng
3. đất và cát
4. quê cha
5. mặc niệm mới: Người Mẹ Việt Nam
6. tình yêu
7. đùa chút đỉnh với “tôn nữ” và mưa…
8. một-đi-không-trở-lại và ảnh ảo
9. sức hút của đất
10. thắp nhang
11. cuồng tín
12. thơ ở Nhà Cười với những khung kính
13. tượng trắng và hoa sân nhà
14. còn trong gió rét
15. khi không và về đâu
16. ảo giác Đầm Sen
17. sớm của muộn
18. vườn trẻ cho tuổi xế tàn
19. tuổi bỗng triệu năm và tươi trẻ
20. bên những nấm mộ
21. ở đan viện đồi thông
22. khất thực và thiền
23. tượng Phật Tánh trong chùa nguyên thuỷ
24. chút lòng về trước
25. phân thân
26. ca dao khóc
27. xứ cát
28. tranh tố nữ (I)
29. tranh giọt lệ (II)
30. tranh Người Mẹ (III)
31. tranh Tây Nguyên (IV)
32. dáng đàn chòm sao (I)
33. chất sáo (II)
◘ phụ bản 1: trăng, bùn và ánh sáng…
34. kèn hồng hoang (III)
35. đàn bầu (IV)
36. từ vệ tinh, ảnh không lời về
những quảng trường lăng tẩm trên trái đất
37. thấy ở hiệu may
38. khoả thân sống
39. đen đúa (I)
40. xanh bầm (II)
41. bạc trắng (III)
42. biếc trong (IV)
43. mùa xuân (I)
44. mùa hạ (II)
45. mùa thu (III)
46. mùa đông (IV)
47. tàu đi (I)
48. Trường Sa (II)
49. về bờ (III)
50. những không ảnh từng cù lao (IV)
51. tinh mơ (I)
52. bìa vở (II)
53. trà khuya (III)
54. tuổi chiều (IV)
55. mưa đông trắng xoá
56. sông Hương buông rủ
57. cảm thông Hồ Dzếnh
58. nắng dưới vòm me
59. con gái biển (I)
60. làng chài (II)
61. nhìn qua mắt lưới (III)
62. đảo lạnh (IV)
63. mùa lụt (I)
64. mùa bưởi (II)
65. mùa hạn (III)
66. mùa mía (IV)
67. dân dã (I)
68. thiên đường trăng mật (II)
69. thuỷ cung vàng đá (III)
70. thơ tặng những thiên nhiên hồng… (IV)
71. máy cày Giao Chỉ đêm, những vầng trăng đất
72. từ hình tượng cổ
73. ca dao cánh trắng
74. đồng dao cò trắng
◘ phụ bản 2: Dáng cò
75. khe nước biến màu (I)
76. lưỡi đao hai khối (III)
77. thời trang
78. nghệ sĩ
79. trạng nguyên
80. hoa khôi và dân khúc
81. ngủ dưới túp lều tranh phên trát
82. trời và đất
83. đồ chơi điện tử
84. đáy mắt bão (I)
85. lực mắt bão (II)
86. trường mắt bão (III)
87. áp mắt bão (IV)
88. ngân hà
89. địa cầu bùng nổ thông tin
90. hiệu ứng nhà kính
91. vi tính cho trái tim
92. ánh sao (I)
93. liễu rủ (II)
94. nến hồng (III)
95. hạt máu (IV)
96. tem thượng cổ và phố (I)
97. tem điện tử và yêu (II)
98. tem thiên giới và đời (III)
99. tem tuổi nhỏ và mộng (IV)
100. cơ khí (I)
101. con gái làng và trạm giống (II)
102. xe máy và máy-cùng-hát (III)
103. thuỷ lợi (IV)
◘ phụ bản 3: Chắt chiu
104. chữ thập ngoặc và kẻ sĩ…
105. Quốc Xã và Gơ-ben
106. nghĩ về toà án
107. thức giấc, mảnh đất da vàng và 1973 (I)
108. biển đời (II)
109. giằng xé (III)
110. mũi tên, sống của chết (IV)
111. trấu và men rượu (V)
112. giữa tấn tuồng sấm sét (VI)
113. kính tặng quê nhà (I)
114. chất độc (II)
115. “Nhật kí người điên” (III)
116. đêm tối
117. trái đỏ
118. 1991
119. kĩ nghệ
120. tâm hồn Trăm Việt (I)
121. ca dao Nam Ai Nam Bình (II)
122. gốc giọng Thạch Sanh (III)
123. trong vòng tay biên giới (IV)
124. “nhược tiểu”…
125. bão khơi
126. từ 1982
127. đôi mắt bốn nghìn năm
128. nhịp điệu vỉa hè, kinh điển
129. ở ngã ba, biển tên đường
130. Hàn nho và Tài tử đa cùng
131. với Tùng…
132. Gióng, người con của trời (I)
133. Thạch Sanh, khát vọng từ đất (II)
134. dọc đường
135. mỗi người
136. lúc nhìn
137. nhà thơ
138. trà thơ (I)
139. bút thơ (II)
140. sống thơ (III)
141. nghiệp thơ (IV)
142. trắng giấy (I)
143. trắng khăn (II)
144. trắng tay (III)
145. trắng tranh (IV)
146. im lìm (I)
147. rong chơi (II)
148. thung thăng (III)
149. tầm phơ (IV)
150. xem tranh tuổi thơ
151. nhìn đốm lửa thuốc lá
152. vườn cây đời (bìa 4)
◘ phụ bản 4: Cuối cùng xin một lần cảm ơn (trong Hát chiêu hồn mình) – Nguyễn Long phổ nhạc
153. Tiếng chuông xưa (trong Nắng và mưa) &
◘ phụ bản 5: Tiếng chuông xưa cũ – Lê Văn Hoà
phổ nhạc
◘ Bạt của Hoàng Dũng
◘ Mục lục
TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
DANH MỤC TÁC PHẨM & BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(TÍNH ĐẾN 2005)
TRẦN XUÂN AN
sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
dân tộc: Kinh (Việt Nam);
quê gốc: Quảng Trị;
tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt,
Đại học Sư phạm Huế
(khóa 1974 – 1978);
dạy phổ thông trung học ở Lâm Đồng
(1978 – 1983);
hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.
(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)
Tác phẩm đã xuất bản:
1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
10. Sen đỏ, bài thơ hòa bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004.
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình, 2004.
Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo (*):
13. Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 & 2003.
14. Thơ những mùa hương, thơ.
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo (*):
17. Thơ Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003.
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 2004.
22. Tiểu luận, Tcđt. Giao Điểm, 2005
Tặng thưởng, giải thưởng:
1. Báo Văn nghệ giải phóng, 1975.
2. Giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
(*) Tất cả các tác phẩm, soạn phẩm biên khảo đã được xếp chữ vi tính, ấn hành với phạm vi từ 10 đến 20 bản sách (gửi các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, các người bà con và một số bạn thân), trong khi chờ giấy phép và điều kiện để có thể xuất bản rộng rãi. TXA.
ĐỂ HIỂU MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
VÀ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù
lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, “những người trung nghĩa từ xưa,
tưởng không hơn được”,
XIN TÌM ĐỌC:
PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)
(truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử)
trọn bộ 4 tập (985 tr. 16 x 24 cm)
Tác giả: TRẦN XUÂN AN
Hội đồng Tư vấn, Phản biện & Giám định
thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
giám định.
Tổng Thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
DƯƠNG TRUNG QUỐC
viết lời giới thiệu.
NXB. VĂN NGHỆ TP. HCM. ấn hành, 12. 2004
FAHASA phát hành
KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO
tập thơ
TRẦN XUÂN AN
1995
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
161B Lý Chính Thắng, Quận 3, TP. HCM.
Chịu trách nhiệm xuất bản:
LÊ HOÀNG
Biên tập:
THÁI THĂNG LONG
Tranh bìa: Giữa bão, NGUYỄN THÁI TUẤN
Ảnh tác giả: NGUYỄN NGỌC KHÔI – VÂN ANH
Phụ bản: TRẦN XUÂN AN (vẽ), NGUYỄN LONG,
LÊ VĂN HOÀ (nhạc)
Sửa bản in: Tác giả
Xếp trang, vi tính: LAN ĐÌNH, LƯƠNG BẰNG VINH
và Cơ sở 220/200 Lê Văn Sĩ, Quận 3, TP. HCM.
In 800 cuốn, khổ 13 x 19 cm tại Xưởng in Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM.. Số đăng kí kế hoạch: 666/210, Cục Xuất bản cấp này 28-11-1994. Giấy phép số 175 TN/95, NXB. Trẻ cấp ngày 21-04-1995. In xong và nộp lưu chiểu: tháng 5-1995.
Giá: 6.500đ