GỬI CÔ GÁI LẤP LÁNH
thưa em, tôi vốn rất tình
thầm mê tóc nắng vàng xinh tơ tằm
ba lô bay bổng về thăm
mắt xanh biêng biếc xa xăm vòm trời
chuỗi trai quê ngoại đâu rồi
máu Mị Châu mãi buốt ngời ngực thơm
cha em quặn nhớ hạt cơm
gạo trong lệ ứa từ rơm rạ này
hơn trăm năm đó còn đây
ngàn năm Giếng Ngọc rót đầy mời em
tàn nhang rơi ấm tay thêm
tôi nâng lên mắt mặn mềm giấc si.
TẢN MẠN
VỚI MỘT NGƯỜI EM
“mọi lí thuyết đều màu xám
và cây đời mãi mãi xanh tươi”
(Gớt - Goethe)
cánh chim vành khuyên bé bỏng
nở từ bài ca thuở nào
chập chùng tháng năm
chập chùng sương khói
nắng bất ngờ
biếc xanh tiếng hát nao nao
kết tổ dưới vực sâu
hay chóp đỉnh đồi cao
cũng chỉ vành khuyên của nắng mưa cây cỏ
ôi vàng rơm xé ra,
từ giẫy giụa với hư vô
trái tim bung vỡ
cơn tủi giận thiên tài
quỳ sụp bên đường
hỡi bùn, máu, sương, sao!
tôi nhớ Tố Như siết kiếm ngó cờ đào
mấy lần cáo quan
thương Kiều, viết Phản chiêu hồn
tóc càng thêm bạc
viếng mộ ông
gò hoang
mưa bụi đầm nước mắt
dám trách gì nắm cốt tàn đã thuộc về
vạn thuở muôn nơi
hai trăm năm rồi
bao người đau cùng ông
niềm đau ngoại xâm nội chiến
thiên tài trầm tư dằn vặt suốt đời
hồn thi sĩ xoáy lốc ngả nghiêng vật vờ
bão táp
bị nỗi nghìn năm níu chặt,
ông chẳng sinh ra
cho cái nhất thời?
phải chăng,
“kẻ phản động có lời thơ tao nhã”? (*)
Tố như chọn lựa phân vân
rồi hối hận biết bao
những chọn lựa xót lòng (*)
hiện thực hùng vĩ nào
hiện thực ảm đạm nào đã cưỡng bức
âm thầm vô thức (*)
chẳng nuối gì Lê mạt!
nhưng lánh về xa xưa,
khi cửa ngõ kia
giặc sắp nghênh ngang
súng thép tàu đồng!
vẫn dân tộc nhất, hoá hồn thơ đất nước
thế trận chữ nhân
lại mọc lên từ lục bát cha ông
đành phổ muợn phận Kiều
từ ưu uất siêu hình kiếp người quằn quại…
tôi hiểu Tố Như tự sát trong cơn bệnh
cuối đời. Ông buồn biết bao nhiêu!
ôi xương máu thiêng liêng
nỡ quy ra quyền chức
chiến công kia đâu chỉ của một thời
kẻ bán nước im lìm,
con hát cung đình câm bặt
lầm lạc nào theo vận nước nổi trôi
tôi kính chào nỗi khổ tâm lịch sử
cả những vênh vang, nông cạn, thiên tài!
thương Đất Nước bốn ngàn năm
phải miệt mài đánh giặc
mái rạ xiêu gầy xơ xác đến hôm nay!
tất cả khổ nhục
đều khởi đầu từ lòng tham đế quốc
nát ruột nhìn Tàu,
xe ruột nhìn Tây! và Nhật!
người nhức buốt giữa gọng kìm.
Người thắng Mỹ.
Những “nóng vội” rụng rơi
trên luống cày cằn xói
Bành Trướng lộ nguyên hình. Hòn Đá Tảng bạc màu,
tan rã. Từng đất nước đứng kề vai
ơi chất xám nở hoa
chất xám xưa sau kết ngọc
ta lại nhìn ta nước mắt dâng đầy
mực tôi pha máu mồ hôi bùn đen
và dầu mỡ
vẫn đặt hi vọng vào kẻ sĩ với ngọn bút trĩu tay
ơi cánh chim vành khuyên hồn mở cửa
em hát lên ngân vang bài hát tự đời
hãy chân thành vút cao
nốt chữ đẫm mồ hôi lao nhọc
mỗi người tự sinh nở trái tim mình,
như đích thực con người
giọt sương ngọt vùng quê mưa dầm bụi đỏ
kết đính chát cay
trên rêu xanh đàn đá u trầm
bỗng bật mầm khi gặp tiếng khèn rừng lạ
em ngổ ngáo phố phường
lại hát tinh ròng
trong veo chất giọng miền nam?
mỗi người đều là kẻ “mồ côi”.
Hãy “mồ côi”
cho lời ca tự đáy lòng thơm ngát
xao xuyến nao nao ngoảnh tận xa vời
chút lãng mạn bâng quơ
chạm vào xưa thẳm
thiên tài Tố Như bơ vơ
trong thời buổi ấy, chơi vơi.
Cước chú của bài Tản mạn với một người em:
(*) Mác (K. Marx), Nguyễn Diệp, Nguyễn Đình Thi, Khơ-ráp-chen-cô.
CHÉN RƯỢU
TRÀN BÔNG KHẾ TÍM
người lính già bâng khuâng đọc thơ
mái tranh chiều giọt từng bông khế tím
kẻ từ xứ giá băng
nhấp ráng hồng buồn lịm
tê tím những vì sao khuya khoắt Ca-li (*)
xưa vác tầm vông vạt nhọn ra đi
gửi lại quê nhà đứa con chưa biết mặt
ngày súng tắt
nơi rào tù tàn binh
giấu tím dòng nước mắt
ruột thịt lần đầu thấy nhau!
chuyện trò ngàn đêm, nào gặp gỡ đâu
dẫu cùng dưới mái tranh này
cùng mền khăn cơn sốt rét
mẹ thêm già nua giằng xé lòng mỏi mệt
bao bữa cơm bỏng lạnh
hiên chiều giọt tím rơi rơi
người lính già lại đăm đăm,
trơ trọi chơi vơi
thắp hương thương vợ
chạnh nhớ con trôi giạt
tiếng súng rền giấc mơ nửa đêm tỉnh giấc
sương tím nhem nhoè phong thư xa xôi
bây giờ, cha bên con
đều trầm lắng nỗi đời
bông khế rụng vào nền trời tím
sao tím vợi vời
tím nốt nhạc rưng rưng
khói nhang vờn tím
đứa con trở về nhìn cha
bâng khuâng chén rượu
tím chiều.
Cước chú của bài Chén rượu tràn bông khế tím:
(*) California, một tiểu bang của Mỹ (USA.).
(Chú thích ngày 15. 03. 2005).
GIỌT MÁU ĐÀO
lênh đênh ruột thịt chân trời
nửa vòng trái đất máu trôi xa nguồn
thăm quê khóc giữa quê hương
cành xanh phượng trổ vui buồn đỏ tươi
mười chín năm tuyết trắng trời
khói nhang giọt lửa chơi vơi thương về
mơ hồ trống vọng bừng mê
hạt hồng trăm trứng đôi bè trầm cao.
TRĂNG TỪ TIẾNG ĐÀN BẦU
SAU MƯA
cơn mưa rửa gió trong ngần
sân rêu đất sáng, lòng gần nhau hơn
niềm thơ loáng thoáng oan hồn
uất hờn xưa thẳm chờn vờn chưa tan (*)
rúng cần lẩy nấc dây đàn
bão trăm sông máu lửa ngàn núi xương
đôi tay mười sáu ngát hương
khơi cao vút lắng trầm buồn buốt căm
một trăm và ba mươi năm
vầng trăng em mới thực rằm Việt Nam.
Cước chú của bài Trăng từ tiếng đàn bầu sau mưa:
(*) Theo cách diễn đạt cũ…
HỐI TIẾC
mặt đất không tắt lịm màu xanh
và vẫn xạc xào lá úa
thời gian muôn thuở tươi xanh
rụng rơi xót lòng từng tờ lịch úa
con chữ thiên tài cổ xưa mấy ai đọc nữa
duy tấc lòng
thành trời đất
mong manh
nhưng gã người tình khờ khạo là anh
dẫu cho mênh mang bát ngát nhớ thương
câu thơ yêu em vội vàng một nửa
sao đành!
ĐẦU NĂM THƯƠNG NHỚ
I. HUYỀN TƯỢNG TRẮNG
lụa trắng ngát mười hai tháng
em xinh xắn giữa xa xăm
khi không muốn trào nước mắt
cúi đầu trước tuổi mười lăm.
II. LIÊN TƯỞNG Ở SÀI GÒN
cốc rượu lanh canh khói toả
sương lạnh ấm tình cao nguyên
ròng ròng mồ hôi nước mắt
lửa cháy trong lòng cố quên.
III. CỎ LAU
sáng sớm soi mặt vào gương
đôi kính thiển cận đâu rồi
chỉ mày râu nhợt nhạt
ai nhìn tôi thế kia? hay tôi đã khác?
một ngọn cỏ lau trơ trọi giữa đồi cằn?
GỬI NGƯỜI BẠN TRẺ
tặng Nguyễn Thái Tuấn
(Quảng Trị & Đà Lạt, Lâm Đồng)
mưa, trời cứ mưa hoài
thôi thì mặc trời mưa với đất
người thanh niên ấy bước ra đường
con đường nhỏ dẫn anh đi lạc
về với ngôi trường xưa
mặc cho tóc ướt đầm mưa
lòng anh nắng!
hồng thơm tuổi nhỏ
anh bâng khuâng ngồi lên ghế cũ
giọt mực xanh xưa
sao nhoè ướt mặt bàn
đôi mắt mở to, ngơ ngác, bàng hoàng
anh run lên trong niềm cùng cực
ôi chút nắng hồn nhiên
làm sao hong tóc được
ngoài kia, trời cứ mưa hoài!
anh chạy ào ra trong làn mưa bay
chẳng có con đường nào
cho riêng anh phía trước
người thanh niên đưa hai tay vuốt mặt
anh lặng lẽ bước đi
bất chợt hát ca
tiếng anh bay lấp lánh trong mưa
giọt mưa long lanh nắng hồng ấm áp
cùng anh đi trong mưa
có ai cười rưng nước mắt
bạn ơi, bình tâm nuôi bền tiếng hát
dù giọt lệ cũng hoá hạt mầm
ngậm nắng tươi non
và thơ tôi cũng trải ra làm đất
chờ mùa nắng mới bừng lên.
1984
Cước chú của bài Gửi người bạn trẻ:
(*) Khoảng 1984. (Chú thích ngày 15. 03. 2005).
SINH RA CHÍNH MÌNH
kính tặng anh Trần Dzạ Lữ
sức bay lên vời vợi
chết mủn mục sao đành!
nhánh xương rồng tức tưởi
gãy, tự đâm rễ, xanh
dẫu cát nóng gió thổi
hoá gai góc bao quanh
nghiệt ngã đừng đụng tới
hoa như thơ, hiền lành
quê cằn những năm đói
xả thân làm bát canh
quả thanh long đỏ chói
giờ mát bờ môi anh.
GIẾNG THI CA
THĂM THẲM
tôi nối triệu câu thơ Hà Nội
tự nghìn xưa
thả xuống lòng giếng nào rất tình và tứ
tiếng gàu va lanh canh
vào gạch cổ Bát Tràng
phấp phỏng hơn hai mươi năm,
mộng mơ không chịu cũ
sẽ đầy gàu sương mù huyền sử
pha trà cùng bút lửa Thơ Thần,
đọc mộng Ỷ Lan
đàn trong túp lều
phong phanh Nguyễn Trãi
nhớ Ôn Như Hầu giả điên,
vì bao kẻ sĩ lụi tàn
sẽ nhấp rượu “Tản Đà”
mê lại chất ngông ngang
(chỉ dám giống thiên tài
từng si cô hàng sách!)
nâng niu lá cờ đào
(Ngọc Hân tiếng khóc ướt đầm
– xót cha, thương tiếc chồng,
ngất đau vận nước –)
thoắt như đứa trẻ thập thò
lén ngắm Thạch Lam
tìm Cổ Nguyệt Đường
nghe cợt đùa dê cỏn sư gàn
Phùng Quán ở Nghi Tàm,
cho tôi đọc vết son xưa,
bên bát chè xanh vầng trăng xưa không nhỉ
xa xăm chỗ Chế Bồng Hoan
ngó đoá súng hồng?
hỏi năm cửa ô, giọt sương ngân rung
tiếng hồn thi sĩ
thăm những Nàng Hương
men chữ thủ đô ủ sâu mộng mị
tên dân dã quá say, nhưng rượu bây giờ
lấy nước đâu đâu
thương gàu tôi bấy nhiêu năm
chưa chạm mạch
ôi ngụm thắm muôn đời tinh tuý,
mong được vã lên, vã lên nếp trán tôi
chằng chéo nhăn nhàu.
BÂNG QUƠ,
CHÉP TẶNG MỘT CHUYỆN TÌNH
đến từ ngàn xưa vô ngần Hà Nội
đôi bạn yêu ơi, duyên của thuở ào
thủ đô mắt, Đông Đô môi, Thăng Long giọng nói
cùng rất Quảng trái tim
rót nắng tuổi chiêm bao
… tôi cát trắng, biếc dòng Hương, gập ghềnh núi
xa ngái Đàng Trong răng rứa mô tê
ơn Huyền Trân,
say dáng múa đội vò Chiêm nữ…
mang vết cứa sông Gianh đứt ruột ngoảnh về…
Bến Hải lau tranh trắng phơ hồn tấm bé
đặt chân lên bờ bắc
lòng rúng triệu tấn bom
khuya thông cầu Tiên An
búa dội rền giấc mỏi
chảy trên xương sống nối liền…
tôi cùng được mặn ngời
trong đầu máy nắng hồng
như giọt mồ hôi thơm
… khi không rất Huế rất Sài Gòn tha thiết
nhìn ai nắm tay ai,
nghẹn hoang vu Thăng Long
đẫm niềm Hà Nội rực mũ rơm vàng
đã tìm thấy một nửa mình
hỡi trống đồng chim Lạc
cho hạnh phúc chạm vào hồn,
ngân nga trầm vang
thân thương ơi, tình yêu như cơn lốc
đôi bạn đắm say trong bùng xoáy nỗi đời
và mặc tâm bão tự quả đất tròn
bao lần suýt vỡ
cày xuống những cuộc tình
từng chia biệt đôi nơi.
hạt sương – cái tôi trữ tình
với phương thức biểu hiện
và tự biểu hiện
hạt sương này là hạt sương này,
và hạt sương này khúc xạ đồng thời phản chiếu
ánh sáng từ bao nhiêu vì sao đời người
bằng cách riêng của nó
trong bóng tối thao thức.
nó trăn trở tìm ra chính nó đích thực,
và ý thức về cái ngỡ là, cái cố tình ngỡ là,
cũng như cái không phải nó…
tự biểu hiện, biểu hiện hoặc tự biểu hiện bằng biểu hiện,
vẫn rất nó
can chi với bất kì thủ pháp nào
nếu trong những thi thoảng
nó trở thành kết tinh của hồn đời
hạt sương thơ ca sẽ vô nghĩa biết mấy
nếu chỉ long lanh bằng cái long lanh
riêng tư
và chỉ cho riêng tư.
hạt sương này là hạt sương này.
sao đành làm nghèo đi sự hiện hữu
của hạt sương nhỏ bé
trên mặt đất bao la
và dưới vòm trời bát ngát.
TRẦN XUÂN AN
LẶNG LẼ Ở PHỐ
tập thơ
TRẦN XUÂN AN
◘ Phụ bản I
1. Mưa trong khuya mùa nắng
2. Với biển
3. Những mùa trăng thu Huế cổ
4. Bất giác ở Sài Gòn
5. Những nàng tiên cổ tích
6. Giấc rượu đùa Giáng Kiều trong xó nhà
7. Về quê
◘ Phụ bản II
8. Hành lang giảng đường trưa vắng
9. Lê Thị Hương Sen thành cổ
10. Quê quán
11. Lục bát ả đào trong bóng mờ
12. Mưa miền cao
13. Mãi tìm một nửa trái tim
14. Điệu múa xanh dáng hình sông núi
15. Trưa Tết thăm bạn cũ
16. Đại ngã ơi, anh chỉ là thành tố của em
17. Tháng giêng cùng hoang dã (4 bài)
18. Mùa xuân sáng hoa đồng tử trong đôi mắt
19. Chốn cũ
20. Gửi chào lộc biếc (4 bài)
21. Đường mưa khuya học trò và lời kinh tình yêu
22. Về nghe mưa tím
23. Đà Nẵng một thuở Tản Đà
24. Thư tay, khuya quê bạn
25. Thảng thốt và nhớ (3 bài)
◘ Phụ bản III
26. Sớm mai quên tuổi (2 bài)
27. Ngọn nến người xưa
28. Khuya khoắt ở phố
29. Câu hỏi nghìn xưa ca dao
30. Làng cũ ở Sài Gòn
31. Triết nhân đánh thức
32. Hương của xa xưa (4 bài)
33. Những mùa hè quê xa
◘ Phụ bản IV
34. Thất lạc
35. Xuý Vân bên sông
36. Kết tinh
37. Nghĩa trang chiều
38. Dù khi chỉ một mình, em yêu dấu!
39. Khuya hòn ngọc viễn đông, nhớ Sở kiến hành Nguyễn Du
40. Đa Nhim, nhớ lại một tứ thơ mười lăm năm trước
41. Cánh tay học trò vươn tới
42. Tháng năm này ở làng mới
43. Ngôi trường tháng giêng
44. Gửi cô gái lấp lánh
◘ Phụ bản V
45. Tản mạn với một người em
46. Chén rượu tràn bông khế tím
47. Giọt máu đào
48. Trăng từ tiếng đàn bầu sau mưa
49. Hối tiếc
50. Đầu năm thương nhớ (3 bài)
◘ Phụ bản VI
51. Gửi người bạn trẻ
52. Sinh ra chính mình
53. Giếng thi ca thăm thẳm
54. Bâng quơ, chép tặng một chuyện tình
55. Ngó trời (phần gấp bìa 4)
◘ Phụ bản VII (*)
56. Hạt sương – cái tôi trữ tình với phương thức biểu hiện và tự biểu hiện
◘ Mục lục.
Cước chú ở Mục lục, mục Phụ bản VII (*):
(*) Phụ bản:
1. Như phố quận làng xưa – Nguyễn Thái Tuấn
2. Từ thứ nhất đến thứ bảy – Trần Xuân An
3. Với một góc phố Sài Gòn – Nguyễn Sông Ba
4. Sài Gòn, lặng lẽ ở phố – Trần Xuân An
5. Thiếu nữ và trăng – Nguyên Hạo
6. Lá âm dương – Trần Xuân An
7. Vẽ lại ảnh mình – Trần Xuân An
(Chú thích ngày 15. 03. 2005)
ĐỂ HIỂU MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
VÀ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất
của chủ nghĩa thực dân Pháp”, “những người trung
nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”,
XIN TÌM ĐỌC:
PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)
(truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử)
trọn bộ 4 tập (985 tr. 16 x 24 cm)
Tác giả: TRẦN XUÂN AN
Hội đồng Tư vấn, Phản biện & Giám định
thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam giám định.
Tổng Thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
DƯƠNG TRUNG QUỐC
viết lời giới thiệu.
NXB. VĂN NGHỆ TP. HCM. ấn hành, 12. 2004
FAHASA phát hành
LẶNG LẼ Ở PHỐ
tập thơ thứ tư
gồm sáu mươi chín bài thơ
và một phụ lục
TRẦN XUÂN AN, tác giả
●
hoàn tất bản thảo
tháng sáu 1994
●
ĐT.: 453955 (*)
thành phố Hồ Chí Minh
TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
Cước chú ở trang ghi bản quyền (gần cuối tập thơ):
(*) Ở thời điểm này, số điện thoại chưa phải thêm một số 8 phía trước. Sau đó ít lâu, số điện thoại là: 8453955.
LẶNG LẼ Ở PHỐ
tập thơ thứ tư
TRẦN XUÂN AN
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ TP.HCM.
1995
Chịu trách nhiệm xuất bản:
LÊ HOÀNG
Biên tập: CHINH VĂN
Trình bày: HUYÊN ĐÌNH
Phụ bản:
NGUYỄN THÁI TUẤN
TRẦN XUÂN AN
NGUYỄN SÔNG BA
NGUYÊN HẠO
Sắp chữ vi tính: MINH TRIẾT
(165 Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, Tp. HCM.)
Sửa bản in: PHAN NGỌC
In 800 cuốn, cỡ 13 x 19 tại Xưởng in Công ti Văn hoá Tổng hợp Quận 11, TP. HCM. Số đăng kí kế hoạch: 528 / 20, Cục Xuất bản cấp ngày: 04.9.1995. Giấy phép số: 429 TN / 95, NXB. Trẻ TP. HCM. cấp ngày 16-9-1995.
In xong và nộp lưu chiểu, tháng 10.1995.
GIÁ: 7.000 đ
Bìa 3
Phần gấp bìa 4:
giữa trắng và trắng
cát
và nắng bụi mưa lầy
ngọt
đắng
cay
chua
chát
chất tạng nào
cũng hay
can chi trơ hai mắt
ngước nhìn
mây trắng bay!
Trần Xuân An
Bìa 4
Tranh cắt dán
chân dung tác giả
Tác giả tự thực hiện
bằng giấy thủ công học sinh