TRẦN XUÂN AN
m ù a
h è
b ê n
s ô n g
(nỗi đau hậu chiến)
tiểu thuyết
nnhà xuất bản
1997 & 2003
TÁC PHẨM DỰ THI
CUỘC THI TIỂU THUYẾT 1998 – 2000
DO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TỔ CHỨC
tiểu thuyết
hư cấu
Bản in vi tính lần thứ nhất:
1997 - 1998
Bản in vi tính lần thứ hai
(có sửa chữa, bổ sung):
2001 [HB.1]
Bản in vi tính lần thứ ba
(có sửa chữa, bổ sung):
25.10 - 19.12.2003 [HB.3]
Xin tạ ơn ngọn bút,
biểu tượng của sự công chính và liêm khiết trí tuệ.
Xin yêu thương, trân trọng và bảo vệ
từng dòng chữ mồ hôi nước mắt
của chất xám và trái tim.
TXA.
Khi đọc, vui lòng:
Không lược bỏ một chữ,
một đoạn nào trong tiểu thuyết.
Xin cảm ơn.
TXA.
Vài lời thưa, trước khi vào truyện
Cuốn tiểu thuyết Mùa hè bên sông (hay Nỗi đau hậu chiến) này cho đến nay vẫn chưa có giấy phép để xuất bản, mặc dù nó đã được viết xong từ tháng bảy 1997, cách đây đã hơn sáu năm trời. Đầu tiên, Mùa hè bên sông (bản 1997) được gửi ra Hà Nội để dự cuộc thi tiểu thuyết 1998 - 2000 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, thông qua Nhà Xuất bản của Hội. Cuối năm 2001, tôi lại gửi bản mới sửa chữa, bổ sung ra Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, nhưng giấy phép xuất bản vẫn không được gửi vào. Sau đó, Mùa hè bên sông bị vùi quên ở Nhà Xuất bản Trẻ (Tp. HCM.). Đầu quý một năm 2003, ở Chi nhánh Nxb. Văn Học, nó cũng bị từ chối. Và cũng bị từ chối như vậy, khi cuốn tiểu thuyết này được mang đến Chi nhánh Nxb. Văn hoá - Thông tin.
Cả bốn nhà xuất bản đều không cấp giấy phép ra đời! Mùa hè bên sông là cuốn sách lận đận nhất, trong khi mười cuốn sách khác tôi viết, trước và sau nó, đã xuất bản! Tôi vẫn còn những bản thảo chưa được xuất bản, trong đó có cuốn, có bộ thuộc thể loại khảo luận - phê bình sử học và truyện kí - khảo cứu tư liệu lịch sử, nhưng chắc hẳn cũng không lận đận như Mùa hè bên sông.
Tôi quyết định sửa chữa Mùa hè bên sông một lần nữa, vào quý tư năm 2003. Đây là bản thứ ba. Với bản 2003 này, tôi cảm thấy đã thể hiện khá đầy đủ những điều cần phải viết, mặc dù biết rằng như thế lại càng khó được xuất bản. Hiện nay, Mùa hè bên sông 2003 đang chờ giấy phép ở một nhà xuất bản khác. Không biết nó có được phép ra đời với một tờ giấy khai sinh đàng hoàng hay không.
Một số bạn văn thân quen đã đọc các bản thảo Mùa hè bên sông (b.1997, b.2001, b.2003), và chỉ góp ý một cách hết sức chung chung vì dè dặt. Có bạn văn rất chân tình bảo, cần bớt đỏ đi mới có thể xuất bản được, bởi hiện nay, những từ ngữ được nhắc đi nhắc lại mãi là gác lại quá khứ, hội nhập vào diễn trình quốc tế, kinh tế thị trường, giao lưu văn hoá, không ai còn bàn bạc gì nữa đến chủ nghĩa xã hội, mà chỉ giới hạn lại ở mức xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà thôi, nếu có cũng là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có bạn văn khác, cũng rất thành thực bảo, đụng đến tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo, sẽ rất gay go. Bạn văn khác nữa, thật lòng bảo, bàn bạc về các học thuyết, các chủ nghĩa, trong đó có chủ nghĩa Mác - Lê-nin, theo quan điểm riêng, cũng không thuận lợi bao giờ. Và tất cả các bạn văn đã đọc, họ đều ngạc nhiên là Mùa hè bên sông mỗi lần sửa chữa, bổ sung cùng quyết tâm chấp nhận đối thoại, nhìn thẳng vào sự thật lịch sử và chân lí với cái nhìn điềm tĩnh, lại càng đỏ thêm; đỏ thêm, nhưng đồng thời lại càng đậm cá tính (quan điểm riêng quá rõ)! Rất tiếc là các bạn văn đều góp ý chung chung, ngắn gọn, sơ sài với thái độ dè dặt như thế, không ai bàn sâu vào tác phẩm hoặc bổ cứu gì thêm.
Qua đó, tôi biết, phải hướng đến tinh thần Đổi mới, với những vấn đề do hiện thực và chính công cuộc Đổi mới đặt ra.
Tôi không thể không băn khoăn khi nhiều người vẫn cố tình lãng quên hay tránh né sự thật lịch sử và chân lí các giáo thuyết (tôn giáo, học thuyết) vốn có quan hệ trực tiếp đến chính trị, kinh tế, văn hoá cùng nhiều lĩnh vực khác, đã trở thành sự xung đột, đấu tranh ý thức hệ trong giai đoạn cận - hiện đại, 1858 - 1975 - 1989, với những vấn nạn còn tồn đọng chưa được soi sáng đến nơi đến chốn. Một nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết này đã nói: "... bao nhiêu người, nhất là những ai mười lăm, mười bảy tuổi, họ sống theo đà lao cuộc sống, theo tốc độ cuộc sống, họ chẳng nghĩ ngợi gì. Họ đến với tương lai đang tít tắp, mênh mông cùng vết thương ngầm. Họ xa lánh chuyện triết học, chính trị, phong tục, lịch sử... Họ chế giễu những ai sính những vấn đề này. Như thế, thật đáng âu lo. Họ sẽ vỡ mộng, ngã bệnh, vết thương ngầm sẽ lại nhức nhối, mưng mủ, hành hạ họ, trên bước đường tương lai nào đó...". Để tránh nguy cơ đó, tại sao chúng ta không quyết tâm đi đến tận cùng của những vấn đề? Những ảo tưởng, nỗi bệnh, vết thương, chỉ có thể chữa khỏi trong hiện tại, phòng ngừa cho tương lai, bằng sự sáng suốt, điềm tĩnh, với quyết tâm nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, vào chân lí các giáo thuyết, và chấp nhận đối thoại về sự thật, về chân lí. Không khí dân chủ, tự do khá cởi mở trong công cuộc Đổi mới hiện nay đã khơi dậy những vấn nạn tồn đọng đó. Lẽ ra phải quyết tâm đi đến tận cùng, mỗi người đều góp phần để soi sáng những gì còn tồn đọng trong thời kì chiến tranh (1858 - 1975 - 1989), suốt một trăm ba mươi mốt năm gần đây.
Nhưng tôi cũng biết rằng, không thuận lợi bao giờ cho quyết tâm đi đến tận cùng sự thật lịch sử và chân lí các giáo thuyết! Ai cũng biết vậy, nhưng đại đa số không thể không khao khát nhìn thẳng, đối thoại về sự thật và chân lí!
Chẳng lẽ Đổi mới là gõ cửa khe khẽ để rồi sau đó là sự đóng đinh hoặc xây bít vĩnh viễn những cánh cửa vốn chỉ khép lại trong thời kì chiến tranh? Tôi không tin vậy.
Trong một tấm ảnh chụp về cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ Tp. HCM. lần thứ nhất (15 - 16.11.2003), có mấy dòng chữ lớn nguyên văn trên phông:
"Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người".
(trích nghị quyết Hội nghị lần 5
BCH. TW. Đảng khoá 8).
Tôi biết vậy, và cũng biết trước đó đã có nhiều nghị quyết Hội nghị Trung ương và Đại hội Đảng khẳng định: phấn đấu xây dựng một nền văn học có nội dung chống chủ nghĩa đế quốc, thấm nhuần tinh thần xã hội chủ nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc, để góp phần hình thành con người mới từ con người cũ, nhất là từ thế hệ được sinh ra dưới ánh sáng chế độ mới.
Đi tiếp chặng đường hiện tại, chặng đường tương lai, không thể không ngoảnh nhìn chặng đường quá khứ với những gì đã trở thành lịch sử. Thật ra, dù đúng dù sai, dù tốt dù xấu, dẫu sao đi nữa, quá khứ là những gì đã xảy ra, không ai có quyền xuyên tạc, cắt xén lịch sử. Những gì đã xảy ra? Các sự kiện đã xảy ra như thế nào? Lúc nào? Nơi đâu? Trong bối cảnh nào? Lực lượng nào giương cao chính nghĩa? Lực lượng nào phi nghĩa? Tại ai? Do đâu? Ai phải chịu trách nhiệm? Ai xứng đáng được tuyên dương công trạng? Bài học lịch sử nào được rút ra và đúc kết? Những câu hỏi cổ điển ấy phải được trả lời một cách khoa học với đầy đủ tư liệu, một cách minh bạch và rốt ráo, không thiên kiến, không cố chấp, hoặc trả lời bằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực với các tiêu chí: chân - thiện - mĩ. Đổi mới không phải là sự phủ nhận quá khứ - lịch sử, nhưng chắc hẳn phải nhận thức lại quá khứ - lịch sử với cái nhìn điềm tĩnh, sáng rõ hơn. Đây là một vấn đề của ngay chính sự Đổi mới!
Đâu phải tôi không Đổi mới với khát vọng chân - thiện - mĩ! Đâu phải tôi không muốn được xuất bản! Càng đỏ thêm nhưng càng đậm cá tính trong tư tưởng là điều tôi không biết có nên diễn đạt như thế hay không. Nhưng quả thật, trong quá trình đấu tranh thầm lặng với các sức ép từ xã hội (các thế lực ngầm), đấu tranh với sự cưỡng bức của hiện thực (không phải là mặc nhiên đối với vô thức), dần dần tôi cảm thấy mình nếm được hương vị tự do sáng tác. Rõ ràng từ bản 1997 đến bản 2003 này, tôi có mạnh dạn, táo bạo hơn, dám thể hiện tinh thần dân chủ hơn.
Nhưng tôi cũng có phần thiếu thận trọng, kém khôn khéo!
Đến bản 2003 này, tính phê phán đã hướng đến nhiều nơi, nhiều phía và nhiều thế lực quá. Như vậy, tôi lại càng tự cô lập mình! Tôi biết mình đã mạnh dạn, sáng suốt, khoa học một cách bất lợi. Nói chính xác hơn, mạnh dạn, sáng suốt, khoa học như thế là bất lợi! Phải chăng tôi đã thiếu thận trọng, kém khôn khéo, không mềm dẻo theo tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến" (*),trong giai đoạn thoái trào cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay trên toàn thế giới? Cuốn tiểu thuyết này càng khó được các nhà xuất bản cấp giấy khai sinh để nó được quyền sống, sống đàng hoàng, tử tế ở đời! Không những thế, tác giả Mùa hè bên sông là tôi, sẽ có quá nhiều kẻ thù, quá nhiều thế lực thù ghét trong và ngoài nước... Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai hệ thống tổ chức lãnh đạo, quản lí toàn diện, thống nhất của nước ta, đã và đang xác lập quan hệ đối ngoại đa phương: Việt Nam muốn làm bạn bè với tất cả mọi nước trên thế giới. Có lẽ nào tôi không học tập, bước theo đường hướng Đổi mới đó?
Có điều, sự thật lịch sử vẫn là sự thật lịch sử. Không thể viết khác đi được. Tôi không thể viết khác với sự nhận thức, chiêm nghiệm của tôi được. Ai cũng đều hiểu như vậy. Chẳng lẽ cuộc chiến tranh khốc liệt và hào hùng với quá nhiều thắng lợi đồng thời cũng tổn thất nhất trong lịch sử bốn nghìn năm, kéo dài đến một trăm ba mươi mốt (131) năm (1858 - 1975 - 1989), không được chiêm nghiệm lại, viết lại một cách chân thực nhất với cá tính sáng tạo của tác giả? Tại sao không quyết tâm đi đến tận cùng sự thật lịch sử và chân lí các giáo thuyết?
Cái tôi của con người bao giờ cũng ứng xử thích hợp với không gian - thời gian - đối tượng nhất định. Cái tôi sáng tạo nghệ thuật cũng thế. Đặt cái tôi TXA. hiện tại (1997 - 2003) vào bối cảnh của các giai đoạn 1858 - 1885 - 1945 - 1954 - 1975 - 1989, sẽ có tâm thế khác. Cũng cái tôi TXA. 1997 - 2003 ấy, nhưng đặt vào bối cảnh hiện tại (1997 - 2003) sẽ có tâm thế không giống tâm thế kia. Hai tâm thế của một tác giả ở hai bối cảnh sáng tạo tuy khác nhau nhưng vẫn rất thống nhất cá tính, bản ngã. Dạng loại hình tượng nhân vật nói chung cũng tương tự thế. Những tên lính viễn chinh, xâm lược Pháp, Nhật, Mỹ và tên "tả đạo" phản quốc thời kì chiến tranh 1858 - 1975 cũng khác hẳn nhà giáo Pháp, thương gia Nhật, kĩ sư Mỹ thời Đổi mới và tín đồ Thiên Chúa giáo "kính Chúa, yêu nước" hiện nay (1997 - 2003). Tôi biết có nhà thơ đã làm thơ về cái bắt tay rất thân thiện với một người vốn là tên lính Tàu bành trướng, kẻ đã bị anh nguyền rủa trong thơ hồi 1979, thời điểm mặt trận biên giới phía bắc nổ ra. Nói giản dị là, tuỳ bối cảnh - nhân vật của đề tài mà tâm thế sáng tạo nẩy sinh tương ứng.
Và mong rằng, xin người đọc quý mến hãy đọc theo cách của mình, và nếu không đồng ý, xin cứ phê bình tác giả thật tối đa, hết mức, không nể nang, một cách thật sự văn minh, lịch sự, như chúng ta thường tâm niệm về thái độ văn minh, lịch sự cần thiết trong phê bình. Tôi nào dám thuyết phục ai một điều gì đâu, chứ đừng nói là cưỡng bức người khác phải thuận theo. Đồng thời, tác giả chỉ dám hướng tất thảy trần gian này và lòng mình đến nỗi niềm tự vấn.
Trình bày như thế, là cũng mong rằng, xin đừng quên lịch sử là chuyện quá khứ, những gì đã trôi qua. Chiêm nghiệm lịch sử nhưng phải hướng đến hiện tại và tương lai với ý thức góp phần sáng tạo nên lịch sử bằng chính mọi hành vi, hoạt động ở mọi lĩnh vực, để lịch sử về hiện tại và tương lai không còn lắm kẻ bị giặc lừa bịp, phản quốc, không còn sự thù hận, giết chóc, bức hại, để lịch sử về hiện tại và tương lai sẽ người hơn, đẹp hơn, nhân hậu hơn, đáng tự hào hơn (vì hôm nay và ngày mai đều trở thành lịch sử). Cũng xin được nhấn mạnh lại một ý tưởng: Tôi tin rằng, nói theo tục ngữ với hình ảnh ẩn dụ, sông lịch sử vẫn có khúc, cũng như người sống trong tiến trình lịch sử cũng có lúc, không có gì không phát triển, chuyển biến một cách biện chứng. Vì thế, tôi tin rằng không ai thù ghét tôi, tôi cũng không tự cô lập mình.
Tôi xin mở rộng lòng mình ra với cả Tổ quốc (Đàng Trong - Đàng Ngoài, Miền Nam - Miền Bắc) và với cả thế giới, tất nhiên, bao gồm các tổ chức, các nước cựu thù của dân tộc ta như Thiên Chúa giáo, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Mỹ, bá quyền Trung Quốc, kể cả nước Nga sa hoàng (**)... Cựu thù nhưng đã trở thành bè bạn.
Vả lại, thật sự tôi viết cuốn tiểu thuyết này với tất cả tấm lòng thành, tất cả thiện chí. Chẳng lẽ lòng thành, thiện chí của tác giả lại bị người đọc thù ghét, cô lập? Chẳng lẽ với lòng thành, thiện chí, nhất là với tính chân thực lịch sử và sự lành mạnh văn học, cuốn tiểu thuyết này không được quyền khai sinh, không được quyền sống (quyền xuất bản, quyền phát hành)?
Cuối cùng, vẫn mong có một nhà xuất bản nào đó cho phép Mùa hè bên sông (hay Nỗi đau hậu chiến) được sống, và sống một cách đàng hoàng. Tác giả cũng xin được tất cả mọi người rộng lòng thứ lỗi để được nhắc lại:
Xin người đọc quý mến hãy đọc theo cách của mình. Nếu không đồng ý, xin cứ phê bình tác giả thật tối đa, hết mức, không nể nang, một cách văn minh, lịch sự như chúng ta vẫn quan niệm.
Là một người cầm bút trung thực, thật sự cầu thị, luôn luôn khao khát được độc lập, tự do, dân chủ trong sáng tác, nhưng tôi cũng rất quý trọng sự phê bình văn nghệ, học thuật với tinh thần khoa học đích thực. Lẽ nào tôi không hiểu với độc lập, tự do, dân chủ trong lĩnh vực sáng tác phải thường xuyên đối thoại thẳng thắn, cởi mở với mọi cây bút độc lập, tự do, dân chủ trong địa hạt phê bình; nếu không sẽ dẫn đến vũng bùn, hố thẳm sai lầm, đồi bại, để rồi cuối cùng sẽ triệt tiêu độc lập, tự do, dân chủ rộng mở và chính đáng!
Cuốn tiểu thuyết mở ra vài lời thưa, trước khi vào truyện như thế.
Tôi xin mở rộng lòng mình ra với cả Tổ quốc và với cả thế giới.
Trân trọng, biết ơn.
Tp. HCM., 11 giờ 06 phút, 19.12.2003
(26.11 Quý mùi HB.3)
25.12.2003 (03.12 Quý mùi HB3).
TRẦN XUÂN AN
địa chỉ liên lạc:
71B Phạm Văn Hai
P.3, Q. Tân Bình
TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 08 – 8453955
& 0908 803 908
CƯỚC CHÚ bài LỜI THƯA TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN:
(*) Lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với vạn sự chuyển biến, đổi thay.
(**) Nước Nga sa hoàng (trước Cách mạng Tháng mười Nga 1917, thuộc cánh thực dân xâm lược) đứng ra điều đình để chấm dứt cuộc chiến tranh Pháp - Hoa (1883 - 1885), và hai nước ấy tiến tới kí hiệp ước Thiên Tân (11.05.1884, 04.04.1885. 09.06.1885), khiến thế trận "toạ sơn quan song hổ đấu" của triều đình Huế (do Nguyễn Văn Tường - Tôn Thất Thuyết chủ trương tác động) bị phá vỡ. (Trong sự kiện này, còn có vai trò một người Đức tên Đê-tring [Détring]). Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, tập 36, bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., 1976, tr. 174.
Cảm nhận bên dòng sông
lang thang dọc cửa sông khuya
tâm hồn Đất nước hiện về như mơ
suốt ngày ngây dại sững sờ
dòng sông bỗng hóa dòng thơ chiều này
TXA.
1
sông nơi cửa sóng muôn phương
lắng niềm chớp bể mưa nguồn thẳm sâu
nắng phơi mái rạ buồm nâu
dáng ai tóc trắng ngẩng cao sáng ngời
bập bùng bếp lửa bừng soi
bên đàn cháu nhỏ nụ cười an nhiên
như trăm truyện cổ thần tiên
nghìn câu dân dã sáng lên nụ cười
dáng ai in giữa biển trời
nghìn-năm đọng ở nụ-cười-trẻ-thơ
trời hồn nhiên đến không ngờ
ở nơi nguồn thẳm chạm bờ biển sâu
ở nơi sóng gió lao đao
trời xanh như lọc từ bao nỗi niềm
2
lẽ đời, sinh tử, buồn tênh
gậy thần chỉ sáng cái nhìn mù đau
(không có gì tan mất đâu
thấy trong gỗ mục nguyên màu chồi tươi
bàn tay in dấu vào đời
cho nghìn xưa sống với người nghìn sau)
với niềm khát vọng thẳm sâu
người mang sách ước đọc vào tự nhiên
con người bỗng hóa thần tiên
bởi rất người rất tự tin chính mình
như từ trong thuở u minh
cánh tay người muốn nâng lên vòm trời
là hoa, phải sáng nụ cười
người ta - hoa của đất trời - sáng lên!
3
trước giặc thù vẫn điềm nhiên
uy rồng ở nụ cười tiên Diên Hồng
từ dân, Gióng đẹp lạ lùng
lòng dân - trời rộng - anh hùng bay lên
hoà bình xanh ngát mông mênh -
tiếng đàn cho giặc trái tim con người
nồi cơm độ lượng không vơi
Thạch Sanh - rạng rỡ chất người-rồng-tiên!
4
bài ca sức sống Kẻ Diên
hát trong tuyệt vọng, sáng thêm cách nhìn
oán thù, vẫn sẵn ngọt lành
bát nước đổ xuống, bưng lên, lại đầy
nhân tình, cười ấm lòng say
rất nhân hậu, nhẹ nhàng thay nụ cười
buồn, vui cũng miếng trầu tươi
bâng khuâng thắm thiết hồng đôi môi người
5
trước trò hợm của trêu đời
tự mình biết giá nụ cười, Bờm ơi!
6
Ba Phi cười rộng đất trời
trăm câu chuyện Trạng cho người người hơn
cho loài chuột ngự ghế son
ngậm danh thiếp chạy đuôi cong trăm vùng
lòng thương trải đến muôn trùng
bia căm ghét cũng chập chùng dân gian
khổ, nên cười lộng cười vang
cười ngăn nước mắt hai hàng rưng rưng
7
cơ chi nắng sáng mọi hồn
có đâu Thị Kính ôm con trước chùa
đạo đuổi xua, đời đuổi xua
biết đâu đất sống, mưa lùa oan khiên!
Xúy Vân ơi, đời sáng lên
đời vui, đâu phải giả điên giữa đời
khát khao hạnh phúc con người
ngán lòng khô khốc, nhầm lời dối gian
có cần chi nắm cơm vàng
nỗi niềm bi đát chưa tan giữa dòng
còn gì để chọn bên sông
mang mang nước chảy ròng ròng lệ trôi
thân bằng cuộn lá chợ-người
buộc hờ mà siết vòng đời xót xa
“đau đớn thay phận đàn bà”
bao ngâm khúc cũng nấc òa đàn môi
môi cười ấm giọt lệ rơi?
sum vầy? oan rửa? điên đời vẫn điên?!
ước ao mùa tốt, xanh chiêm
giọt mồ hôi đổ mới nên hạt vàng
uất ức, giẫm nát tan hoang
trong tha hóa, nghèo gây oan cho nghèo
gặt rồi còn được bao nhiêu
ao khuya bắt ốc mò nghêu qua thời
đêm còn cúi mặt dưới trời
ruộng giăng xiềng xích làm người được đâu
“đòn tre chín rạn vai đau”
con đường lẩn quẩn nối nhau gánh gồng
“cái cò cái vạc cái nông…”
sợ dòng nước đục đau lòng cò con!
đành mong nghiệp báo xoay tròn
cơ chi thoát kiếp ngay trong một đời
thị vàng, quả thị vàng ơi
bao nhiêu cô Tấm mỉm cười vời trông...
8
xuân tàn, thân bệnh...
Vô thường!
cành mai sức sống sáng bừng sân đêm
mọc từ khổ sợ lo phiền
đóa sen thanh tịnh nở trên lửa hừng
chiều thôn dã khói trầm hương
theo kinh siêu thoát như sương thấm lòng
bụt là bụt của ước mong
nụ cười tỏa ấm bếp hồng chiều hôm
9
nén mình, nghe tiếng non sông
đời bao bước ngoặt, tấc lòng sáng soi
gươm nhân nghĩa, giặc tan rồi
tự do, thông vút, đầu rơi, đỏ cành!
vẫn lồng lộng ánh trăng thanh
nụ cười ưu ái, ngời xanh dáng tùng
10
lòng thênh thang, bước ung dung
vào đời, ẩn giữa triều cung với đời
chốn lao xao, mây nhẹ trôi
vẫn làn mây trắng bên trời quê xa
ra về, thơ vẫn ngâm nga
ngỡ là mây, hay mây là mình đây
hoà vào trời đất cỏ cây
ta trong mình, thiên nhiên này trong ta
tắm trong sắc nắng hương hoa
mùa nuôi sống với tinh hoa của mùa
càng thương đồng ruộng xác xơ
ghét loài cắn phá nên thơ vẫn nồng
cửa đời có một khoảng không
có khoảng không mới có khung cửa đời
chí vô vi như nắng trời
mong dân tự sáng cuộc đời, đời vui
lập am, ẩn một nụ cười
không quên chuẩn bị cho đời tương lai
niềm thơ dân dã không phai
tứ thơ mây trắng bay hoài đầu non
11
dẫu đau tiếng khóc oan hồn
dẫu đời quặn thắt đoạn trường tiếng kêu
nụ cười đọng cuối dòng Kiều
trong như ngấn nắng tuôn theo lệ người
“cuộc đời đến thế thì thôi”
cố tìm chút nắng cho đời trấn an
thương sao
ánh mắt lạc quan
nhòa trong sương-khói-chữ-tâm
nghẹn lòng
thương sao trang giấy chập chùng
thương dòng mực chảy lạnh nguồn xưa sau
kiếp người thê thiết đớn đau
những điều trông thấy đọng sâu nỗi niềm
thương ai se nắng trong đêm
gắng hừng nét mực, bấc đèn chơi vơi...
mắt nhìn thấu suốt nghìn đời
rưng rưng lấp lóa nắng ngời trên nghiên...
cách chi cho nắng hồng thêm
mạch đời nào phải đứng yên cho đời...
thương ai trắng tóc ba mươi
khóc Kiều cười được với môi úa tàn...
người đến sau ba trăm năm
biết ai nhớ lại khóc thầm ai không?
đoạn trường sổ lệ ứa ròng
vua quan khơi mãi bao dòng đau thương
làm sao xóa lấp Tiền Đường
chảy mê tiềm thức tự nguồn trời xa
sao người thêm cõi người ta
nâng cành hoa gãy, giữ hoa bao vùng
khi Kiều mang phận đời chung
trỏ gươm phán xét, nắng hồng thật hơn!...
ngước lên Hồng Lĩnh chon von
cồn hoang, phiến đá trắng mòn, mồ chôn!
12
phương nam! rời rã, mỏi mòn
đã mất Mẹ, Nước có còn Nước ơi
có đôi mắt cũng mù rồi...
vượt qua số phận, chân người cứng thêm!
ước mơ - ngọn lửa bùng lên
nung rèn gươm bút Vân Tiên giữa đời
từng đơn thuốc ấm tình người
với quê hương lại rạng ngời trái tim
đuốc nghĩa quân sáng niềm tin
từ trong dân dã, cái nhìn sáng hơn?
13
Dụ Cần vương dậy Trường Sơn
Giải Triều, trung nghĩa, tờ son gửi về
bình Tây, sát tả-tà-mê
cho Tân Sở - Huế tư bề hoa giăng
lễ tần viết sắc “hòa” ban
Tôn Thuyết chiến để Nguyễn Văn Tường đàm
Pháp tung cáo trạng bắc nam
lưu đày Kì Vĩ, chết thầm đảo xa
súng rền, khâm sứ bôi nhòa
hòm tù đỏ, Hạnh Thục ca hoen vàng
Vè Thất thủ giữa dân gian
giọng run lệch bởi chuông vang giáo đường
thơ Nguyễn Thượng Hiền buốt sương
thương thái phó, ngó sen vương, dặm về (*)
14
bơ vơ, sống với làng quê
nụ cười Yên Đổ thoáng nghe thu buồn :
“cờ dở cuộc, bạc chạy lường”
quốc kêu khuya vắng máu tuôn thấm lòng...
rất riêng, vẫn một nguồn sông
chút tình non nước vọng hồn nước non
trách mình chi, buổi hoàng hôn
chao ơi, phỗng đá vẫn còn đó đây
lửa bùng, tắt nghẹn, đêm dài
mưa đời vây bủa như dây trói lòng
niềm đau buốt xót tận hồn
Tú Xương bật tiếng cười giòn, ngẩn ngơ
lạc đường ngóng đến bao giờ
giật mình, lạnh tiếng gọi đò, đêm khuya
15
mắc mưu Hữu Độ tỏa mê
Khang, Lương (đại Hán !), xóa thề Cần vương
Duy tân theo Nhật, nghẹn đường
súng gươm Quang phục, tự cường, khôn nguôi
Mai Lão Bạng sống bên Người
sách kia ai sửa?
Sai lời sắt son! (**)
gót chân ngang dọc chưa mòn
mắt sương Bến Ngự vẫn còn ngóng trông
xa xa một ngọn cờ hồng
nụ cười hi vọng ấm dòng sông Hương
16
nát tan phân rã loạn cuồng
sương mù mịt vẫn mịt mùng bủa giăng
nụ cười nở sáng lòng dân
còn ai chưa tỉnh mà nâng lòng mình
thả đời trôi nổi lênh đênh
mờ mờ nhân ảnh in quanh lệ buồn
giọt nước mắt, trời tang thương
khác chi trái đất quay cuồng trong đêm
thuế máu sôi trào đất đen
sóng hồng vỗ gọi bao triền đá mê
bài ca cách mạng còn kia
ánh sao từ ấy, sương khuya, soi đường
vẫn chia dòng nước sông Thương
ngậm ngùi giấc mộng bình thường rưng rưng
trăm cơn gió lốc mịt mùng
nghìn luồng gió xoáy không ngừng trong tim
còn ai ngơ ngác kiếm tìm
trong quằn quại mắt ngợp nhìn hư không
trăng! trăng! trăng! trăng não nùng
hồn ai ớn lạnh sặc từng ngụm trăng
nhớ sao trưa nắng chang chang
bóng cô gánh thóc rực vàng đường thôn
“Cha! sao Cha đành bỏ con”
những mong sống lại tâm hồn Gái Quê
xác thân mục rữa sần tê
nhớ ơi Thôn Vĩ sao về mà thăm
nến lung linh huệ trắng ngần
trong ảo giác trăng chợt gần chợt xa
ôi vầng trăng Ma-ri-a
sáng như viên thuốc sáng lòa hư vô
đức tin nghiệp chướng ngây ngô
niềm mất nước hoá giấc mơ kinh hoàng
thơ ai trên gạch tháp Chàm
mười bảy tuổi, vội điêu tàn tóc xanh
bóng ma gào khóc chiến tranh
đau trong đau, đã kết thành, triệu năm
17
ôi Ma-ri-a Tố Chân
nắng hòa bình ấm khăn quàng yêu thương
Nhất Chi Mai - đuốc soi đường
cành hoa sức sống sáng bừng tự do
máu tuôn ngực áo học trò
mặt đường khát vọng rực bờ sông xanh
khúc da vàng, lửa mong manh
khói trời ngơ ngác toả nhành nhạc kinh
hoa vô thường, sương lung linh
theo hương tìm cõi yên bình cho nhau
mây thênh thang giữa trời cao
lạc vào mộng tưởng, chìm sâu sông buồn
bao nước mắt, bao mảnh gương
ai đem ghép lại soi khuôn mặt mình
mong sao gương vỡ lại lành
nụ cười thêm sáng dưới vành trăng thiêng
18
quãng đời cay đắng lênh đênh
lắng sâu mặt nước ngày đêm đưa đò
mái chèo Mẹ Suốt nối bờ
đưa quân đi tự nghìn xưa đưa vào
mẹ cười sáng mỗi ngôi sao
sáng trên vầng trán sáng vào nước non
sao bay đỉnh gió Sài Gòn
có về soi lại tấm lòng mẹ không
19
sông nơi cửa sóng muôn phương
lắng niềm chớp bể mưa nguồn, chứa chan
giữa nơi lốc bão ngàn năm
lại làm lốc lặng bão tan cho người
và người thơ - ngọn thu lôi
nhận bao sấm sét giữa trời thương đau
dẫn truyền xuống tận đất sâu
mạch đời hóa giải biết bao nỗi đời
lọc từ nghìn nỗi muôn nơi
lắng sâu tỏa rộng vòm trời bình yên
đọng thành nguồn sáng trong tim
trái tim đằm thắm hồng lên nụ cười
dẫu đi cuối đất cùng trời
trong lòng đã có nụ cười an nhiên
nghìn xưa còn đó hồn thiêng
phơ phơ tóc trắng bao miền dân gian
nụ cười tự bốn nghìn năm
rạng ngời bản lĩnh lương tâm giữa đời
sẽ qua đi mọi rối bời
để thêm thanh thản nụ cười thẳm sâu!
1985
@ Bên dòng sông Bến Hải và tại đình làng Kẻ Diên
@ Kỉ niệm lần thứ 100 Ngày Kinh đô Huế quật khởi,
và lần thứ 10 Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước.
TRẦN XUÂN AN
(*) (**) 14 câu khúc 13 và 6 câu khúc 15 mới bổ sung thêm, trong quý thứ tư, năm 2001.
Mùa hè bên sông
“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì,
nhưng một nửa sự thật chỉ là giả dối”.
(danh ngôn khuyết danh)
Có nhận thức đúng và đủ về hai miền Đất nước,
để cảm thông thật sự,
cảm thông tận cùng,
mới có đại đoàn kết vững bền, không gì chia cắt được nữa.
TXA.
Chẳng lẽ bạn nhân danh một hoặc những giáo thuyết: Phật, Lão, Khổng, Giê-su, Ma-hô-mét..., Mông-tét-x-ki-ơ, Rút-sô, Von-te, Tôn Văn..., có thể cả Mác - Lê-nin nữa (dẫu sao cũng chỉ là giáo thuyết ngoại lai, hàng ngoại nhập) để bức hại, giết chết lẫn nhau; bức hại, giết chết những người chỉ tôn vinh dân tộc tính (bản sắc văn hoá - lịch sử dân tộc Việt Nam) và chủ nghĩa Hồ Chí Minh (không có gì quý hơn độc lập, tự do; độc lập, tự do cho cả dân tộc, cho mỗi người; hướng đến một nền dân chủ thực sự) với hồn rộng mở?
(Lời dòng sông Bến Hải)
CHƯƠNG I
1
Chiếc xe khách chậm lại rồi dừng hẳn ven đường. Anh thanh niên ở phía sau chạy tới mở cửa hông cho người đàn ông và cô gái bước xuống. Chiếc xe cũ kĩ đầy ứ khách lại mệt nhọc lăn bánh ra Hồ Xá.
Khoảng mười giờ sáng, nắng mùa hè chói chang.
Người đàn ông, khoảng năm mươi lăm tuổi, mặc chiếc quần bò bạc thếch và áo thun xanh. Cô con gái cũng quần bò, áo thun màu xám nhạt, có dáng dấp sinh viên. Người đàn ông xách va li, đứng nhìn con đường làng cắt ngang cánh đồng mạ non mới cấy, ánh mắt thoáng đăm đăm, bồi hồi nhìn xóm nhà sau lũy tre xanh.
Hai người bước xuống con đường đất. Người đàn ông nói khẽ:
- Đằng xa kia là làng nội đó! - Giọng thầm như độc thoại.
Đi một quãng, người đàn ông chợt nhớ, đứng lại, chỉ tay theo hướng quốc lộ, phía xe khách hồi nãy đã chạy ra.
- Kìa, cầu Hiền Lương. Tên con là mượn của cái cầu ấy đó.
Cô gái bỏ chiếc va li đang xách xuống đất, mỉm cười, bâng khuâng nhìn theo hướng cha chỉ. Một chiếc cầu sắt hết sức bình thường bắc ngang một con sông có lẽ cũng không rộng lắm, cô không ngỡ ngàng khi trông thấy. Cô là Hiền Lương, chiếc cầu ấy đã gắn vào đời cô từ tấm bé, mặc dù đây là lần đầu tiên, không phải hình ảnh, mà chiếc cầu thật cô được nhìn tận mắt.
- Rồi con sẽ có dịp bước đến chiếc cầu ấy, sờ và ngắm cho bõ công. Bây giờ phải về làng cái đã. - Người đàn ông nói.
Hiền Lương vừa bước theo cha, vừa ngoái nhìn, nghe rưng rưng cảm động.
- Ba tên Nông. Nông là làm ruộng. Nông cũng là cạn! - Chú Nông vừa nói vừa cười.
Đi một quãng, chú lại nói:
- Cha con mình là dân gốc rơm, gốc rạ chính cống, mặc dù ở Bình Dương nhưng vẫn đích thực là dân gốc ruộng Bến Hải.
Hiền Lương khẽ cười thật tươi thành tiếng. Áo cô ướt mồ hôi dưới nắng trưa, nhưng gió đồng lồng lộng thổi, mát rượi. Gió lùa vào từng chân tóc. Cô dừng bước, buộc lại tóc, ngoái nhìn cầu Hiền Lương. Nỗi mệt mỏi sau một chuyến đi tàu đường xa, suốt mấy giờ ngồi ở sân ga chờ sáng, nỗi ê ẩm chật chội suốt mấy chục cây số ngồi xe khách xộc xệch chạy, bỗng theo ngọn gió đồng bay đi đâu mất. Cô vác một bó thanh gỗ có ốc vặn và xách va li theo cha. Chẳng có gì, một giá vẽ, mấy bộ quần áo, chút ít quà Bình Dương, nhẹ tênh.
Gần tới làng, chú Nông vừa bước vừa cúi đầu nhìn đất.
2
Khoảng năm giờ sáng, chú Nông đã trở mình, mở mắt nhìn vào bóng đêm đang tràn ngập trong nhà. Ngoài khung cửa sổ, nền trời với những vì sao le lói xanh biếc, in đậm bóng cau và chuối. Tiếng trâu nhai lại cỏ, thỉnh thoảng chen tiếng đuôi quất muỗi. Mùi phân trâu tan loãng trong gió lành lạnh. Chú Nông bắt gặp lại cả một thuở thiếu thời với cảm giác bồi hồi, nghèn nghẹn.
Đang lơ mơ trôi trong hoài niệm, chú nhác thấy ánh lửa đã bập bùng ở gian nhà ngang. Mùi lửa rơm thơm nồng cay cay. Có lẽ thím Cận đã dậy đun nước.
Ngoài ngõ, bác Su đã ồm ồm lên tiếng. Bác qua uống trà, chuyện vãn với hai người em, nhưng chưa ai dậy.
Lát sau, khi nước trà đã chuyên ra ba cái chén nhỏ, dưới ánh đèn ống ba tấc, ba anh em ruột cười cười nhìn mặt nhau.
Bác Su nói:
- Năm nay, giỗ cha, có chú Nông và cháu Hiền Lương về, hay thật. Hèn chi hồi đêm trời trở sương.
- Dạ, cũng cố gắng đưa cháu về cho biết quê nội.
Chú Cận, vốn là tên Cạn - vì làm nông, có ruộng su (sâu), ruộng cạn - sau đi lính ngụy, đổi lại thành Cận cho có vẻ chữ nghĩa một chút. Chú uống trà, chép miệng khen ngon. Chú Cận rít thuốc, vừa nói, vừa thở khói ra:
- Năm nay giỗ cha ở nhà em, tất cả mọi cái đã lo liệu gần xong. Chỉ còn chuyện đi chợ mua đồ vặt, che rạp, mượn bàn ghế. Hôm nay, ý anh Nông muốn đi thăm nhà thờ tộc và lăng mộ trước. - Chú Cận nhìn bác Su.
- Dạ, cái đó là quan trọng. - Chú Nông cũng hướng vào bác Su để nói.
Hiền Lương cũng đã dậy, áo quần đàng hoàng tươm tất, không phải quần bò áo thun đi đường như mấy hôm trên tàu xe. Sau một hôm ngủ ngon bù giấc, cô nom khỏe khoắn. Hiền Lương thật xinh đẹp, từ gương mặt đến dáng hình.
Con gái chú Cận, khoảng mười lăm tuổi, vào vòng tay mời người lớn xuống nhà ngang ăn cơm sáng. Bữa ăn sáng ở đây cũng là bữa chính.
Cơm nước xong, chú và bác, Hiền Lương và cha ra ngõ, đi qua nhà thờ họ Hoàng.
Đối với Hiền Lương, khung cảnh nông thôn cô quen nhìn thấy chỉ là “miệt vườn”. Cô cũng đôi lần về thăm quê bạn, nhưng ở Miền tây Nam bộ, cũng đồng bằng “miệt vườn” như thế. Ở đây, vẫn làng quê, nhưng quê kiểng Miền Trung, nhất là bên sông Bến Hải này, sao có nét gì khang khác. Cô biết huyết thống trong mình cũng từ mạch đất này mà ra. Với ý tưởng đó, cô thấy mình lặng đi trong cảm giác nao nao, vừa thiêng liêng vừa máu thịt. Con đường quê đất cát pha còn ướt sương, hai vệ cỏ bên đường lóng lánh. Những khóm tre, khóm hóp, những cây dứa dại, những hàng rào râm bụt, chè tàu, các mái tranh, mái ngói, tất cả đều tinh khiết trong sương và gió nhẹ ban mai. Ồ, những đụn rơm vàng tươi mùa gặt mới...
Chú Nông đi bên những người ruột thịt, cảm thấy ấm áp, tin cậy. Cái đầu cúi lặng buồn lúc mới gần đến làng, hôm qua, giờ không còn nữa cảm giác nặng nề ngài ngại.
3
Ở vùng quê từng là vành đai trắng này, suốt mười mấy năm sau Ngày Thống nhất, đình chùa miếu vũ vốn đã bị bom đạn tàn phá đến mức không còn một thanh gỗ, một phiến gạch, đâu đã được chú tâm xây dựng lại. Mới mấy năm gần đây thôi, những gì đã gắn bó một dòng tộc, một cộng đồng hương ấp về mặt văn hóa tâm linh mới được phục hồi.
Trên nền gạch cũ, trong khuôn viên cũ của nhà thờ họ Hoàng, là một ngôi nhà gạch lợp ngói nho nhỏ. Trên bốn thân cột hàng hiên là hai cặp câu đối chữ quốc ngữ viết theo dạng chữ nôm xưa, ai cũng có thể đọc được, nhưng vẫn rất cổ kính ngàn năm.
Ông từ ở nhà ngang lợp tranh, vui vẻ đi ra kéo cái cửa ngõ bằng nè (chà) tre. Người trong họ gặp nhau là nhớ tên liền.
Chú Nông dẫn con gái vào gian thờ, trong khi ông từ đốt đèn, thắp nhang. Rút lặng lẽ trong túi xách ra một phong bao đựng tiền, chú Nông bảo Hiền Lương bỏ vào thùng đã được niêm phong và khóa kĩ, chỉ có một khe nhỏ được đục sẵn. Chú kính cẩn thắp một nén nhang nhận từ tay ông từ. Ông từ cũng trao cho Hiền Lương một nén nhang khác.
Hai cha con trang nghiêm, thành khẩn khấn niệm. Một cảm xúc thiêng liêng dâng lên trong vòm ngực, khiến chú Nông nghèn nghẹn. Nước mắt chừng như sắp ứa ra. Chú Nông cố ghìm lại. Mắt chú đăm đăm nhìn vào bài vị tổ tiên bao đời, nhìn vào khung kính có vẽ tranh con trâu, bờ tre, cánh đồng, vòm trời, đàn chim, tượng trưng cho Đất và Trời, Núi sông Làng nước, nhưng rồi chú không thấy gì cả, chỉ nghe một cảm xúc tủi thẹn dâng trào, cay cay sống mũi. Mắt chú mờ đi.
Hiền Lương vừa xúc động trong không khí trang nghiêm thành khẩn, vừa cố trấn tĩnh dõi nhìn cha. Chú Nông làm gì, nhất cử nhất động, Hiền Lương đều làm theo.
Lát sau, khi đã cắm nhang ở các lư nhang xong, chú Nông quay ra. Đến gần ông từ, râu bạc, đang niềm nở cười, chú thưa:
- Cháu chắt làm ăn xa, chẳng biết đóng góp chi cho đủ, chỉ xin tổ tiên họ tộc lượng thứ cho.
Nói xong, chú Nông lặng lẽ quay mặt. Chẳng biết nói chi hơn, chú xin phép cáo từ. Chú cảm thấy mình có lỗi với làng tộc quá.
Ông từ già nua ngơ ngác trước cử chỉ khá đột ngột của chú Nông. Nhưng ông hiểu chú Nông buồn, mặc dù chẳng rõ nỗi tủi buồn ấy ra sao. Chú Nông thấy mình hơi thất lễ với ông từ, nhưng đành im lặng.
Ra đến ngõ, chú Nông cúi chào thêm một lần nữa, và lặng lẽ bước. Từ nhà thờ tộc, về theo đường lớn của làng, rẽ qua ngõ nhỏ ra bãi nghĩa trang, chú trầm ngâm không nói gì.
4
Đây là bãi tha ma, cũng có thể gọi là nghĩa trang của làng. Những gốc dương cằn, nhiều thân bạch đàn non, lắm bụi duối dại bao quanh. Thời chiến tranh, ai nấy đều bỏ làng mà đi, không kịp mang theo ảnh thờ, bài vị, bình nhang, nói chi chuyện mồ mả. Những người già, thấm thía câu dặn dò của ngàn xưa, “sống là nhà, thác là mồ”, buồn lắm. Rồi bom thả dày đặc những hố là hố. Đất làng lành lặn, xanh tươi nghìn năm, bỗng như cái rỗ thưa!
Nhà cửa, ruộng vườn tan hoang, lau và tranh bời bời, ngút ngàn. Mồ mả mưa nắng xói mòn, có nhiều nấm mộ bị bom đào, xương khô hòm mục bay tứ tán.
Chú Nông cùng hai người anh em ruột thịt của mình, cùng Hiền Lương đứng trước mấy nấm mộ đã được xớt cỏ dăm hôm trước. Có những nấm đắp lại, chắc chắn ít nhiều sai vị trí cũ, sau khi dân làng được hồi hương. Và cái lăng được xây trên vị trí áng chừng ấy. Đôi ông thầy địa lí ở các làng bên được mời xác định lại mồ mả. Biết thầy cũng suy đoán mò, nhưng thế cũng yên tâm, mặc dù chỉ là tự dối mà yên tâm.
Chú Nông cứ nghĩ nấm mộ, thẻ bia, lăng xây quét vôi xanh đỏ, giờ đây có thể chỉ là tượng trưng. Nhưng, chú lại nghĩ, sống trên đất làng, nhờ vào đất làng mà có cái ăn cái mặc, chết cũng tan hòa vào đất đai làng này, dù xương khô tan tác bụi kia bờ nọ, thì người thiên cổ cũng đã thấy ấm áp tình làng.
Gió nam mùa hè bắt đầu thổi mạnh hơn. Khói nhang giạt theo gió. Bốn người chắp tay đứng trầm ngâm tưởng niệm.
Hiền Lương nghe bâng khuâng một niềm man mác. Sống trong một gia đình, mẹ là Thiên Chúa giáo toàn tòng, bỏ đất Bắc vào Sài Gòn cũng vì Chúa, nhưng cha vốn gốc lương, theo đạo lí người Việt thuần túy, chỉ thờ kính Nguồn cội, Tổ tiên, Đất nước, không phải theo Chúa kiểu “đạo dòng”, và đã từ rất lâu nhạt đạo, chỉ đi nhà thờ cho mẹ vui lòng, bên ngoại khỏi trách, Hiền Lương cảm thấy mình rất dễ hòa đồng với bất kì kiểu tín ngưỡng nào. Bạn bè thuộc lứa tuổi của Hiền Lương cũng đủ thứ đạo. Tranh cãi với nhau lúc này lúc khác, rốt cuộc, nhóm bạn cũng có chung với nhau một mẫu số về tâm linh, dù tương đối thế thôi.
Hiền Lương bâng khuâng nhìn khói nhang bay trong gió. Tâm hồn cô cứ xao xuyến hoài một ý tưởng: huyết thống của cô từ mạch đất này. Đất làng này, nơi nuôi dưỡng bao đời dòng họ cô và như thế đã biến đổi cả máu thịt của dòng họ. Cây rau muống đất Bắc (1) vào châu Ô này bao đời, chất rau ấy đã khác. Chất mới ấy là chất Bến Hải, chất Quảng Trị. Đến đời cha cô, chất Bắc đã thành chất Quảng Trị đặc sệt, thuần chất. Trong cô có chất Bắc kì của mẹ, chất Bình Dương của đất ở và của bạn bè, nhưng đậm đà nhất vẫn là chất Bến Hải này đây. Không chỉ là ước lệ xã hội, mà với ý nghĩa rất thực nghiệm, Đất đã làm nên huyết thống. Cô chẳng biết mình có ảo tưởng về mình không.
Tất cả những ý tưởng vừa mới thức ngộ ấy, ở Hiền Lương, không rạch ròi, rõ ràng, và tuy cứ xao xuyến trong cô, vẫn rất mơ hồ, rất cảm tính. Nhưng, quê nội, hai tiếng ấy ruột rà, thiêng liêng biết chừng nào.
Hiền Lương nhìn thấy gương mặt chú Nông trầm ngâm.
Chú Nông quay nhìn chú Cận bên bác Su đang phì phèo hút thuốc lá dưới gốc dương liễu đằng kia. Bước tới gần, chú nói với em và anh trai:
- Nắng lên khá rồi, chú với bác cứ về trước với cháu, lo việc nhà như thường ngày. Lâu quá mới ra thăm ba mạ, ông mệ, muốn ở đây một chốc. - Chú nhìn anh trai - . Em ở đây một chốc, lát nữa em về sau. - Lại nói với Hiền Lương - . Con về trước nghe.
Hiền Lương tần ngần, rồi cũng theo chân chú và bác.
Còn lại một mình, chú Nông ngồi dưới gốc dương liễu to, cằn, có lẽ do bom hay pháo phạt ngang, chĩa cành xanh um. Trái khô mùa trước nở hết gai rụng đầy với lá, ngả màu nâu sẫm. Chú bồi hồi mỉm cười. Thời tấm bé, chú với bạn bè cùng tuổi hay ra đây, leo hoặc vói hái duối dại, vàng và ngọt, rồi vừa nhấm nháp, vừa vơ lá, hạt dương khô về cho mẹ thổi cơm.
Gần năm mươi năm rồi, kể từ ngày ấy. Sinh ra, lớn lên, sinh con đẻ cháu, rồi lại về với đất, đấy là chu kì tự nhiên của Đất, như cây như cỏ. Điều đó đã đành là vậy. Nhưng khác với cây cỏ, được làm người, chẳng công danh gì thì thôi, dẫu vậy cũng quá ngậm ngùi, lại mang tiếng là ngụy. Ngụy là giặc, là bù nhìn, là đồ giả. Làm người, cầm súng của thực dân, đế quốc, còn gì đau đớn hơn! Không. Không. Chú Nông siết hai bàn tay, vặn vẹo vô thức. Chính lòng yêu quê hương, Đất nước của bao người đã được thổi phồng, được nung nấu, và đã bị những âm mưu chính trị lợi dụng. Ngày còn đi học, ngày xin được chỗ dạy, thời đi lính ngụy, chú đã nhiệt tình yêu nước, nhiệt tình chống cộng. Chú đâu biết mình là ngụy, cứ ngỡ bị đối phương vu khống hàm hồ. Truyền thống chống ngoại xâm, yêu Tổ quốc đã được đồng nhất với chống cộng. Càng yêu nước, càng phải chống cộng sản vô thần, bảo vệ di sản tổ tiên. Khi đã hiểu ra chân và ngụy, đã muộn rồi. Cái guồng máy tuyên truyền ám thị cứ ngày đêm thì thầm, gào thét luận điệu của nó, cứ thôi miên con người thành người máy. Người ta mụ mị, nửa tỉnh nửa mê, bị cuốn đi trong cơn say thuốc súng. Không. Bao người lính ngụy đã yêu nước đến tận cùng gan ruột. Lòng yêu nước ấy, với sự ám thị mù quáng, đã dựng nên những người hùng chống cộng có thật. Sự ám thị đúng khấc với tình cảm yêu nước, lòng thờ kính Tổ tiên, Cội nguồn, nên đạt được hiệu quả tối đa, như que diêm đặt vào, đống củi nỏ rực cháy, không hề vấp phải phản ứng tâm lí nào! Tâm thế của bao người lính ngụy đã đón nhận ám thị ấy một cách tự hào, thậm chí có người còn nhiệt tâm tự kỉ ám thị nữa! Bây giờ, khi thức tỉnh, sáng ra nhiều lẽ, bao người đau đớn chấp nhận mình là giặc, lũ giặc trên quê hương, Đất nước mình, một lũ giặc thất bại, tan hàng thê thảm vì bị Mỹ và đồng minh của Mỹ bỏ rơi, phải bán xới, thấm thía bao nỗi nhục nhằn, đau đớn. Về quê, họ gặp bao người du kích, cán bộ ngày xưa, ngỡ là giặc, lại thành chính nghĩa, và đích thực chính nghĩa, nên vừa sợ oán thù, vừa tủi thẹn.
Chú Nông đâu phải thuộc loại mù chữ ngu dốt, nhưng rồi cũng bị tuyên truyền ám thị lừa dối. Đến bây giờ, đã hai mươi năm hơn, kể từ Ngày Thống nhất, ở chú vẫn niềm đau bị làm giặc cứa vào lòng không nguôi. Chú cúi gầm, ràn rụa nước mắt, nghe một cảm giác cay và đắng nơi sống mũi, cuống họng.
Nhìn những nấm mộ, chú Nông càng nghẹn ngào. Cái chết của người chết, đã đành. Cái nhục còn nặng nề hơn cái chết, đối với kẻ sống. Biết làm sao bây giờ, trước ba mạ, ông mệ (bà), Tổ tiên họ mạc, và biết làm sao với con, với cháu.
Gió nam đã thổi khô nước mắt, chú Nông vẫn rút khăn ra lau ngấn muối mặn. Tiếng thở dài não nuột của chú tan trong tiếng vi vu dương liễu và lao xao bạch đàn.
Thì cũng sống đời sống của mình, chú thầm nghĩ.
Hơn chín giờ sáng, nắng gió quê nhà chói chang. Chú Nông rứt một đọt lá hóp, nhai trong miệng, nhấm nhấm đầu lưỡi, như một thói quen thuở cỡi trâu qua truông. Chú bước về nhà.
5
Ở làng quê, khác với thị xã thức khuya dậy muộn, mới chín giờ tối, mọi nhà đã tắt đèn đi ngủ và sáng sớm còn tối mịt đã thức, chuẩn bị cho một ngày mới. Ngày thứ hai ở quê hương, Hiền Lương suốt buổi sáng đến cả buổi chiều, đi bộ quanh làng, thăm nhà thờ tộc, lăng mộ ông mệ, lại cùng cha đến nhà bà con xa, láng giềng thân thiết ngày xưa, nhà của các anh, các chú, bác làm việc trong Uỷ ban xã, nhà thầy cũ và bạn của cha, trước để thăm, sau là mời dự đám giỗ, nên tối đến, mỏi ê ẩm chân, vẫn khó ngủ. Đêm nay, đêm thứ tư ở quê hương, cũng với nhịp điệu thức ngủ của thị xã, cô lên giường, vẫn nằm mở mắt tỉnh táo, dù suốt ngày hôm qua, đã cùng thím Cận đi chợ huyện, chợ Đông Hà, bằng chiếc xe đời bảy tám cũ rích, ngợp trong nắng và gió.
Hiền Lương nằm nghĩ bâng quơ. Cô sực nhớ một ít câu thơ cô đã học thuộc lòng từ sách giáo khoa hồi cấp hai, cấp ba gì đó - thơ của Tố Hữu:
sông Bến Hải bên bồi bên lở
cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương
cách ngăn mười tám năm trường
khi mô mới được nối đường vô ra
bây giờ cầu lại bắc qua
ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình
anh về Quảng Trị, Gio Linh
trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang
bời bời cỏ lút đồng hoang
chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn
tả tơi mấy ấp, khu dồn
mái tôn rào kẽm tháp đồn chơ vơ
thương em chín đợi mười chờ
con đò xưa lại đỏ cờ sang sông
em vui em mặc áo hồng
máy reo máy đẩy mênh mông biển trời
thuyền về Cửa Việt ra khơi
thuyền lên Ái Tử, thuyền bơi Đông Hà...
Cô nhớ mãi đoạn thơ có nhắc đến chiếc cầu, tên của nó đã trở thành tên cô, đoạn thơ viết về quê nội của cô, cô chưa từng về thăm cho đến bây giờ. Đấy là thơ của nhà thơ cách mạng vào thăm Miền Nam từ bảy hai, bảy ba gì đó. Cô được sinh ra đời, bốn tháng sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mặc dù chôn rau (nhau) cắt rốn, lớn lên ở Thủ Dầu Một và thành phố Hồ Chí Minh, gia đình cô trước đây lại thuộc phía đối phương của cách mạng, nhưng hầu như từ lọt lòng đến nay, trừ một số bản nhạc cũ cô hát bâng quơ với bạn bè, cô sống trong không khí cách mạng, Đổi mới. Và cô mỉm cười với gương mặt cô giáo dạy văn người Bình Dương trong kí ức. Cô nhẩm lại điệu lục bát vỗ về, bâng khuâng ấy với những địa danh quê nội. Quê nội của cô đó, thân thương biết mấy dù lần đầu biết mặt, lần đầu đặt chân đến... Giọng đọc thơ Nam bộ của cô giáo còn ngân nga đâu đây...
Cô đã đi qua Dốc Miếu, Quán Ngang, hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra (2). Cô đã ghé Quán Phượng, chợ huyện Gio Linh. Thị trấn huyện ngợp bụi đỏ và nghèo khó, lơ thơ hàng quán. Mới chia huyện lại, thành ra nơi ấy như mới bắt đầu xây dựng lại từ vài năm nay. Đông Hà, tỉnh lị, có vẻ khởi sắc. Thật ra, trong kí ức cô làm gì có một Đông Hà cũ, đã tan nát, để so sánh với Đông Hà hầu như xây dựng mới hoàn toàn bây giờ.
Chợ Đông Hà như mấy chiếc thuyền neo bên sông Hiếu. Chợ có lầu, như boong tàu. Tầng dưới, buôn bán sầm uất, là hầm tàu. Hình tượng kiến trúc cũng ngộ nghĩnh. Cô mỉm cười một mình trong khuya.
Quảng Trị, cát trắng, nắng cháy, đất ba dan bụi đỏ, đang vào mùa gió nóng từ Lào thổi sang, hút khô hơi nước, nơi có Gio Linh, Bến Hải - dòng sông hiền hòa bỗng nhức nhối một vết thương lịch sử. Quê nội của cô đó, nơi cô lần đầu về thăm.
Cô chẳng hiểu vì sao lịch sử kì lạ thế. Nếu, vâng, nếu lịch sử đã khác đi, thì sao nhỉ? - Cô mỉm cười - . Sao mình có quê hương là nơi dòng Bến Hải này? - Cô tự hỏi - . Có thể chọn lựa số phận không?
Đêm với những ngọn gió nam nóng đã tắt, trở ngọn nồm từ biển, mát rượi hơi nước, ru cô vào giấc ngủ. Có lẽ cô bắt đầu quen với tiếng lá tre xạc xào, mùi phân chuồng trâu tan loãng trong hương rơm mùa gặt đã lên đụn, tiếng đuôi trâu quất muỗi, tiếng ợ của trâu nhai lại cỏ ngoài đồng. Đêm làng quê đang ru giấc cô.
6
Cả nhà chú Cận, và cả nhà bác Su nữa, đã thức dậy từ ba giờ sáng. Bây giờ, gần mười giờ, đã xong xuôi cỗ bàn đâu vào đấy.
Khi mới thức dậy, Hiền Lương ra nhà ngang ngồi canh lửa. Ngủ muộn, thức quá sớm thế này, đôi mắt cay xè. Mắt cay còn vì khói dương liễu nữa. Nước trên soong lớn gần ba chục lít đã sôi. Ngoài sân, Hiền Lương đứng nhìn ra, thấy trên chiếc ghế dài lam nham vết chàng, vết đục, dùng làm đòn bào cho nghề thợ mộc của chú Cận, một con lợn khá to bị trói gô, kêu eng éc, đang bị dây làm bằng cây hóp mỡ chẻ hai vặn lại cột mõm, nằm im. Lần đầu tiên Hiền Lương thấy người ta làm thịt lợn, trông cũng kinh thật. Lưỡi dao phay mài đá mài thợ mộc, sắc lẻm dưới ánh điện câu từ nhà ra. Thau đựng huyết có bỏ muối hột, đôi đũa khuấy chực sẵn. Cô không yếu vía, nhưng thật là không nên nhìn. Thảo nào nhà chùa khuyến khích ăn chay là vậy. Hiền Lương chợt nhớ một truyện ngắn của Hàn Nguyệt. Cô bước vào nhà, cùng các chị các em, cắt và nhặt các loại rau quả. Cắt bằng dao, rứt bằng tay những cây trái, rau cỏ có sự sống, cũng kinh quá đi chứ. Luật tự nhiên kinh thật. Thôi thì đành vậy. Quen, quen tất. Giật mình làm gì. Không thể thay đổi. Không, đúng hơn là chưa thể, chưa thể thay đổi luật tự nhiên này, nhưng sẽ thay đổi được, ở trăm, ngàn năm sau! Khoa học - kĩ thuật sẽ cứu rỗi, giải phóng muôn loài... - Cô tự trấn an...
Bàn ghế đã mượn quanh xóm về. Tấm bạt to rộng nghe đâu Hội Chữ thập đỏ quốc tế cứu trợ đồng bào tị nạn chiến tranh, không nhà không cửa, từ hai mươi mấy năm trước, vẫn còn, được chăng lên.
Bàn thờ sạch bóng. Chú Cận là thợ mộc nổi tiếng, nên tủ thờ của chú quá sang trọng và tinh tế. Cái tủ thờ hóa ra có giá trị nhất trong nhà. Lần cúng thứ nhất, trầm trà hương hoa, mời Tổ tiên ông mệ về nhân ngày giỗ ông, đã được bác Su chủ tế hồi sớm.
Bây giờ, trước và sau tủ thờ là mâm thượng chay, cỗ hạ mặn, trong hương khói, nến đèn trang trọng, trầm mặc. Hiền Lương thấy hình như có cả sự vui vẻ nữa. Giỗ, nhớ ngày mất, vui nỗi gì. Nhưng mất là còn. Cô thường nghe cha cô giải thích vậy: Còn trong huyết thống con cháu, còn trong kí ức xóm làng. Mâm cỗ chỉ là tượng trưng, mời Tổ tiên ông bà về sum vầy liên hoan. Ngày mất thực chất là ngày đã trọn, hoàn tất một cuộc sống, cho dù mất dạng nào, muốn hay không. Đúng hơn, ngày mất là ngày chấm dứt, dẫu rằng có thể mọi điều còn dang dở, nhưng dang dở cũng là xong. Ngày kết thúc cuộc đời quan trọng hơn ngày sinh. Cô biết, có rất nhiều nấm mộ con sa con sẩy, chưa chào đời đã chết. Tất nhiên người ta vẫn quý trọng. Nhưng tưởng nhớ ngày mất là tưởng nhớ một con người đã sống, đã có kỉ niệm, đã mắc nợ đời, cống hiến và trả nợ đời. Ấy là tưởng nhớ một tiểu sử. Tiểu sử ấy, bình thường hay lớn lao, cũng thành huyết thống của con cháu. Ôi, mất là còn. Vinh hiển là quý, nhưng nhỡ đạo tặc, ngụy ngợm thì sao. Thì vẫn còn chứ sao. Không thành nỗi tự hào thì thành niềm đau. Tưởng nhớ, đau một niềm đau về người đã khuất, cũng vô cùng thấm thía và hữu ích với lòng bao dung.
Hiền Lương, đã hai mươi hai tuổi, cử nhân tiếng Anh, tự tìm tòi vẽ vời các loại tranh từ nhỏ, nguyện thành họa sĩ, với một trái tim nhạy cảm, chiếc đầu mênh mang suy lí, đang bâng khuâng suy tưởng. Cô còn quá trẻ để già giặn giải quyết cho bản thân những mâu thuẫn giữa lí - tình, với nhiều tính chất giá trị, cấp độ giá trị không thống nhất với nhau. Cô đang mỉm cười, suy tưởng, trong lúc chú, bác và cha đang mặc niệm trước bàn thờ.
Lác đác, đã có những khách mời đến dự tiệc giỗ, tưởng niệm và sum vầy.
7
Khi đã mời bà con cô bác, đại diện chính quyền, cấp ủy, dân quân ngồi vào bàn cỗ - người lớn tuổi, quan khách ngồi mâm giữa, con cháu, người trẻ ngồi hai mâm hai bên - bác Su với khăn đóng áo dài đen hẳn hoi, hai tay đan vào nhau, nắm lại, đưa cao ngang mặt, khẽ vái chào rất nhẹ. Bác Su thưa, bằng giọng ồm ồm nặng trịch, với âm sắc chắc gọn, không du dương, trầm bổng, ngân nga, mà đặc Quảng Trị, vắn tắt vài câu về ngày tưởng niệm ông thân sinh, rồi bác mời mọi người cầm đũa. Sau đó bác nhờ chú Nông thay mặt cả nhà rót rượu mời quan khách.
Chú Nông đến bên ông giáo Hiền, thưa khẽ:
- Thưa thầy, con kính mời thầy.
Và những cốc rượu được nâng cao, khai vị với nem chả. Tiếp đến, thay vào cốc là những li uống bia có đá lạnh hẳn hoi. Đá được mua từ sáng sớm, ủ bằng dăm bào mạt cưa của chú Cận.
Cuộc tiệc có hơi men bắt đầu rôm rả.
Bao giờ cũng vậy, người ở xa quê, lâu năm trở về, được mọi người thay nhau hỏi han. Bây giờ, mọi người mới rõ thêm, mấy năm nay chú Nông đã thôi chở bánh ngọt bỏ mối cho các quầy hàng, cửa tiệm. Chú vẫn phụ vợ dọn và dẹp quầy áo quần ở chợ mỗi sớm mỗi chiều, lại còn đi dạy thêm ở tận nhà của vài học trò con bạn bè, tiếng Anh và đàn oọc-găng. Hai cô con gái lớn đã có chồng có con, ở nhà riêng hoặc nhà chồng. Và Hiền Lương... Chú gọi con ra để giới thiệu. Một số người đã biết, hôm Hiền Lương đi mời khách với cha, reo lên: Cô cử, xin cô cử nhân ngoại ngữ ra chào bà con. Hiền lương hơi mắc cỡ, trước sự thân tình đến mộc mạc, suồng sã, rất cảm động ấy.
- Thời này là thời tiếng Tây mà. Mở cửa rồi, Tây bây giờ đi khắp, đâu cũng có. - Một người nào đó nói.
Lúc đó, ông Hiệu Điên mới lò dò cắp chai rượu lễ tới.
- Tây đây rồi. Tây của làng mình đây rồi! - Giọng ai đó reo.
Mọi người cười ồ. Quả là ông Hiệu Điên hay nói chêm tiếng Pháp, và thỉnh thoảng trở trời, xùi bọt mép xổ tiếng Pháp từng tràng dài ngoẵng. Ông nghiêm mặt, tưng tửng:
- Trước hết, xin lỗi Đảng và Nhà nước địa phương, xin lỗi bà con, tôi đến chậm, vì các cháu ở nhà không muốn tôi đến sớm. Sau nữa, xin thưa, nói chêm tiếng Tây là bệnh của tôi, thói nô lệ. Chống Pháp đến thân tàn ma dại thế này vẫn chưa bỏ được, có thể chất “bồi” nó thấm trong bao tử rồi. Xin lỗi, xin lỗi.
Mọi người cười thật to. Một người đứng dậy hoan hô ông Hiệu Điên, mời ông cốc bia. Ông lắc đầu, quay quay một ngón tay chỉ vào màng tang. Mọi người vui vẻ cười to hơn, biết ông kiêng rượu.
- Ông nói mỉa, chửi đời vậy, ai dám học tiếng Tây!
- Xin đính chính, ông Hiệu nói thật. Không mỉa, không chửi xiên, chửi xẹo. Đó là bệnh của ông ấy. - Ai đó nói trong tiếng cười.
- Không học tiếng Tây để dốt à! - Người khác nói.
- Tây là đủ thứ, cứ tóc vàng mắt xanh, bây giờ đều là Tây. Phải học hết, Tây Tàu chi cũng học. - Lại một giọng khác.
Ông Hiệu Điên chỉ ngồi cười. Chú Tập, bí thư chi bộ, gắp thức ăn mời ông. Ông vẫn giữ nụ cười, cảm ơn. Chú Tập hỏi chú Nông:
- Mở cửa, Đổi mới, vui không anh Nông?
Chú Nông thoáng ngập ngừng, mỉm cười:
- Lắm vấn đề lắm. Ở trong thành phố Hồ Chí Minh, ở Bình Dương, cũng có ý kiến không tán thành Đổi mới, Mở cửa kiểu này.
Chú Tập và ông giáo Hiền giật mình, nhìn chú Nông.
- Cụ thể hơn là sao? - Chú Tập hỏi.
- Chuyện đời là thế. Chuyện gì cũng vậy, người ý này, kẻ ý kia. Đó là bình thường. - Chú Nông rào đón, dè dặt.
- Anh nói thẳng đi, anh Nông. - Thầy giáo Hiền cười, nói.
- Thưa, như thế này, chỉ Mở cửa cho thông tấn, du lịch, và để ra nước ngoài học hỏi, tiếp thu khoa học, công nghệ. Đổi mới là giải phóng sức sản xuất trong nước thôi. Vấn đề là vốn, vốn mượn quốc tế, vốn từ tài nguyên. Không chấp nhận vòi thứ hai của bạch tuộc, hay vòi thứ mấy chục, luồn vào các nước nghèo. Đại để là vậy. Đó là ý của nhiều người khác. Tôi chỉ nghe.
Rồi chú Nông đánh trống lảng sang chuyện khác. Chú ngại, rất dè dặt. Ở trong kia, thành phố lớn, khác không khí và tâm thế. Ở đây, làng quê, lại trót gieo thù chuốc oán ít nhiều, phải cẩn thận, kẻo lỡ mồm, lỡ miệng, không khéo mang họa.
Thầy giáo Hiền biết ý, cười tin cậy:
- Anh cứ nói thẳng, nói thật. Ở đây, bây giờ thoáng đãng rồi. Chỗ bà con ruột thịt cả, đừng ngại. Chuyện xưa, dứt khoát bỏ qua. Chuyện nay, phải cùng nhau bàn.
Nhưng chú Nông chỉ im lặng cười.
Ở bàn bên cạnh, những người trẻ kéo Hiền Lương vào ngồi chung từ bao giờ. Cô nói giọng Bình Dương pha chút Hà Nội, ai cũng thích nghe. Hành, cháu ông giáo Hiền, cử nhân sư phạm, đang dạy học ở huyện lị, được mọi người lưu ý. Hành cũng mỉm cười. Thế là Hành và Hiền Lương chuyện trò với nhau khá vui vẻ, với sự vui vẻ pha chút nghịch ngợm ban đầu của cả bàn.
Chút rượu và bia Hành nâng cốc với Hiền Lương, khiến cô đỏ hồng gương mặt. Cô thấy quê nội mình mộc mạc mà trí tuệ, vui quá.
Trong năm bàn, nơi Hiền Lương, Hành, đám cán bộ trẻ của Uỷ ban xã, Hợp tác xã (đều là thành phần cơ bản) và một vài chú cựu lính ngụy còn trẻ (cũng thành phần cơ bản xuất thân) là rôm rả, sôi nổi nhất. Bốn bàn còn lại, kể cả hai bàn hai bên trong ngôi nhà ba căn của chú Cận, đều là người lớn. Bàn thứ sáu lại là bàn đặc biệt, dưới nhà ngang, dành cho lũ trẻ con. Bọn nhỏ này thuộc loại “đánh nhanh, rút nhanh”, đang kéo nhau ra vườn sau, đá bóng bằng bong bóng lợn, lấy từ con lợn mới mổ hồi sớm.
Bàn cỗ chay là bàn đặc biệt.
Sư Thích Tâm Tự, trên bảy mươi tuổi, vận chiếc áo nâu dài đã cũ, vừa ăn rất khẽ vừa chuyện trò cũng rất khẽ với mấy ông bà cụ già trong khuôn hội Phật giáo của làng. Sư nom vẫn còn khỏe mạnh lắm, giọng nói rõ, không nhèo nhòa âm sắc vì tuổi tác. Những người già lắng nghe, trao đổi với nhà sư chuyện chùa, chuyện ruộng một cách thân tình và cung kính. Trong bàn chay này, ngoài các vị, còn có ông Nộp. Ông Nộp, trên tám mươi tuổi, râu tóc trắng phơ, có cặp nạng gỗ đã lên nước, đen nhánh, bỏ một bên ghế. Ông chỉ là ông từ giữ đình từ sau ngày học tập cải tạo về đến nay, khoảng từ đầu những năm tám mươi. Ông Nộp ăn trường mặn, nhưng thỉnh thoảng cũng thích ăn chay cho lạ miệng. Ông là chú của thím Cận.
Ngày hôm qua, đi cùng Hiền Lương quanh làng, chú Nông cố tình đi bộ, mặc dù nhà chú Cận có xe gắn máy đời bảy tám, sắm để chạy gỗ. Chú Nông cũng thầm mừng, mức ăn mức ở của bà con làng xóm có phần tươi lên, nhất là sau vụ gặt chiêm xuân vừa rồi, rất được mùa. Bây giờ, qua bữa giỗ, quan chức có, neo đơn có, thấy bà con đã thắm thiết chan hòa, chú nhận ra đấy mới là điều đáng mừng nhất. Làng quê, vốn là nơi ra ngõ chạm mặt nhau, nếu thù hận còn nuôi trong lòng, làm sao sống nổi. Chú Nông lờ mờ suy tưởng trong men rượu say say. Có lẽ nhờ câu ca dao, bầu và bí một giàn, nhiễu điều giá gương, hay cái đình, cái chùa gì đó. Chú Nông bỗng giật mình, sực nhớ cái giá gương ở nhà họ Hoàng mình, khung kính có vẽ tranh Đất trời, Non sông Làng nước - con trâu, thằng cu cỡi trâu, khóm tre, đàn chim... -, sao thiếu mất cái khăn nhiễu điều? Khăn nhiễu điều, khăn nhiễu điều tượng trưng cho cái gì? Chú Nông, có chút men rượu gạo, cảm khái quá. Chú nhìn quanh, thấy mọi người cũng đã no say, nên yên tâm rót cho mình lưng cốc rượu nhỏ. Và chú bỗng ngậm ngùi, nghĩ hai hôm nữa phải trở lại Sài Gòn rồi, vì còn công việc, còn giữ nhà cho mẹ Hiền Lương ra thăm. Không biết cô ấy có đổi ý không. Dẫu sao, ở lại lâu tại quê nhà, thân phận thằng sĩ quan ngụy, có tham gia đảng phái chính trị, có một thời hăng máu chống cộng, gây thù chuốc oán - mặc dù cũng yêu nước, yêu quê nhà mà chống cộng, nhưng ai hiểu cho -, không, không, ở lâu, thật không nên. Ờ, cái khăn nhiễu điều là gì nhỉ, là chi rứa hè? Chú Nông trầm ngâm, buồn buồn, mắt nhìn ra sân. Bóng nắng đã xế rồi. Ở mấy bàn cỗ, chú thấy đã có người đứng dậy trong tiếng chào tiễn. Chú Nông cũng đứng dậy, bước tới tiễn khách.
TXA.
CƯỚC CHÚ chương I:
(1) Xem phần chú thích cuối sách; mục từ số: II.1.
(2) Tên riêng, từ ngữ tiếng nước ngoài, xin xem chú thích I cuối sách.
Lưu ý:
Phần chú thích cuối sách hoặc cuối chương, tạm gọi là hậu chú (endnote). Ở 15 chương của cuốn tiểu thuyết này, vốn không có hậu chú cuối chương, mà chỉ có chú thích cuối trang, gọi là cước chú (footnote). Tuy nhiên, để tiện cho việc đưa lên mạng internet ở các tạp chí điện tử (các websites), tôi đổi cước chú (cuối trang) thành hậu chú (cuối chương), nhưng vẫn ghi là cước chú của chương.
TXA.
( xem tiếp chương II )