NHỮNG TRANG NGOÀI SÁCH
TIN GHI NHANH:
CUỘC HỘI THẢO KHOA HỌC
VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)
Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) được tổ chức vào ngày 02.7.2002 (nhằm ngày 22.5 âm lịch, Nhâm ngọ), tại hội trường Nhà khách số 5 Lê Lợi, thành phố Huế, để kỉ niệm 117 năm Cuộc Kinh đô quật khởi và thất thủ (1885 – 2002), đồng thời đánh dấu một bước nghiên cứu, nhận định nhân vật lịch sử chủ chiến, yêu nước từng đứng đầu triều đình ấy.
Chủ toạ cuộc hội thảo: Ông Dương Trung Quốc, tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay, TS. Đỗ Bang, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, kiêm quyền giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Viện Đại học Huế, ông Lê Văn Thuyên, tổng biên tập Tạp chí Huế Xưa & Nay.
Ông phó chủ tịch UBND. tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đến đọc diễn văn khai mạc, hiện diện suốt cuộc hội thảo, và đã đọc diễn văn bế mạc. Ngoài ra, còn có các đại biểu tỉnh Quảng Trị: Ông giám đốc Trung tâm Thông tin – Công nghệ Quảng Trị, các ông chủ tịch, phó chủ tịch UBND. xã Triệu Phước, quê hương của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường… ; và một số hậu duệ của vị phụ chính đại thần yêu nước này.
Tham dự cuộc hội thảo, ngoài các nhà nghiên cứu sử học, giảng viên đại học về khoa lịch sử tên tuổi ở Huế, như các ông Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đại Vinh…, với sự có mặt của các phóng viên đài, báo, còn có TS. Đào Hùng (phó tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay) từ Hà Nội vào, các nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Nguyễn Nhã, và Trần Xuân An, từ Tp. HCM. ra.
Nội dung chính của hội thảo gồm 15 bài nghiên cứu – tham luận, báo cáo khoa học, kể cả bản báo cáo đề dẫn của TS. Đỗ Bang. Tất cả đều tập trung phân tích, nhận định về nhân vật lịch sử chủ chiến và yêu nước Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886). 13 tác giả của 15 bài nghiên cứu – tham luận, báo cáo khoa học đều có mặt: TS. Đỗ Bang, Trần Viết Ngạc, Trần Xuân An, Trần Huy Thanh, Phan Thuận An, Phạm Hồng Việt, Huỳnh Kim Thành, TS. Nguyễn Thị Đảm, Trần Thiều, Nguyễn Quang Trung Tiến, Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Hồ Vĩnh, Lê Tiến Công. Cùng với Lời mở đầu của Ban Tổ chức hội thảo (do ông Lê Văn Thuyên đọc), 15 bài nghiên cứu – tham luận, báo cáo khoa học nói trên đã được in thành tập sách, trước mắt là trực tiếp cung cấp văn bản – tài liệu cho cuộc hội thảo.
Sau mỗi bản tham luận, báo cáo khoa học được trích đọc hoặc được phát biểu những điểm chính yếu, cuộc hội thảo liền diễn ra một không khí tranh luận học thuật sôi nổi trong tinh thần dân chủ.
Đặc biệt, trong buổi chiều, Ban Tổ chức đã dành một khoảng thời gian ngắn để bà Nguyễn Thị Oanh, cô Trần Nguyễn Từ Vân trình bày trên màn ảnh phim đèn chiếu một số văn bản gốc chụp lại được tại các Kho Lưu trữ Bộ Hải ngoại, Bộ Thuộc địa Pháp. Trong số các tư liệu gốc của phía thực dân Pháp, có những bức thư, bản báo cáo mật và tối mật, vốn đã được viết tay với thủ bút của các tướng thực dân Courbet, Millot, De Courcy, Lacascade…, một số trang báo nguyên bản như Saigonnaire, Journal officiel des établissements français de L’Océanie, Avenir Tonkin… Màn phim đèn chiếu được giăng cạnh tấm bảng đính những bức ảnh về căn nhà lưu đày, ngôi mộ táng tạm thi hài Nguyễn Văn Tường, hiện vẫn còn tồn tại ở Papeete (quần đảo Tahiti) do cô Trần Nguyễn Từ Vân chụp.
Ngoài ra, các tác giả còn tặng biếu sách báo, trao đổi tư liệu cho nhau trong những phút giải lao. Trong đó, có tập bản thảo, dạng sách, đã xếp chữ vi tính, gồm một số bài nghiên cứu, phê bình sử học của Trần Xuân An (và phần phụ lục tư liệu) (*), với luận đề phân tích, phê phán một vài trang đảo ngược sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường vì mục đích tuyên truyền trong Việt Nam vong quốc sử – cuốn sách mà từ lâu giới nghiên cứu Trung Quốc đã khẳng định là của Lương Khải Siêu (chứ không phải của Phan Bội Châu!) và họ đã đưa vào Ẩm Băng Thất hợp tập, tuyển tập (**) của nhà văn bảo hoàng, Đại Hán chủ nghĩa hạng nặng này.
Cuối buổi chiều cùng ngày, ông tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay Dương Trung Quốc đã tổng kết cuộc hội thảo, và nhận định chung nhất được khẳng định: Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) là một nhân vật lịch sử lớn, có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước ta ở giai đoạn đầu chống Pháp (1858 – 1885). Ông Dương Trung Quốc đã liệt kê các mức độ đánh giá khác nhau của các nhà nghiên cứu nhưng tựu trung vẫn cùng kết luận chung nhất trong cuộc hội thảo như đã khẳng định, đồng thời ông vẫn ghi nhận rõ sự tồn tại hai loại ý kiến khác nhau: Sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi và thất thủ 05.7.1885, Nguyễn Văn Tường thực hiện kế hoạch “kẻ ở, người đi” (đánh và đàm) hay đã sai lầm trong việc vừa thoả hiệp với Pháp vừa đấu tranh với chúng để giành lại ít nhiều chủ quyền cho dân tộc và vương triều Nguyễn. Theo ông, cuộc hội thảo khoa học đã đánh dấu một bước tiến trong tiến trình nghiên cứu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, trên cơ sở các tư liệu được tìm kiếm, thẩm định ngày một đầy đủ hơn. Ông Dương Trung Quốc còn thông báo, ông sẽ cho đăng bài tổng kết hội thảo của ông trên tạp chí Xưa & Nay để rộng đường công luận.
Cuối cùng, ông Lê Văn Thuyên cùng TS. Đỗ Bang, thay mặt Ban Tổ chức, cũng thông báo: Các bài nghiên cứu – tham luận, báo cáo khoa học và các ý kiến thảo luận, bản tổng kết hội thảo sẽ được tập hợp để xuất bản thành kỉ yếu.
Khi Ban Tổ chức đã tuyên bố bế mạc, trong hội trường vẫn còn những tiếng nói yêu cầu vận động, thúc đẩy việc công bố trọn vẹn các nguồn tư liệu: Châu bản triều Nguyễn, châu bản triều Thanh, tư liệu gốc của thực dân Pháp, của các nước, các tổ chức có liên quan, như Tây Ban Nha, Anh, Đức, Xiêm, Lào…, Hội Truyền giáo hải ngoại Paris …; tất cả các tư liệu gốc ấy phải được giám định khoa học thực nghiệm.
Ngày 03.7.2002, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế đã cử một số đại biểu ra viếng từ đường họ Nguyễn Văn, mộ phần và đền thờ Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường tại làng An Cư, xã Triệu Phước, tỉnh Quảng Trị. Tại đền thờ, các đại biểu đã trang trọng treo lên lá cờ lưu niệm của Hội.
PHAN HUYÊN ĐÌNH
(11.7.2002).
8. CƯỚC CHÚ bài TIN GHI NHANH: CUỘC HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)
(*) Đó là cuốn Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” này. TXA.
(**) Xem Lời giới thiệu của Chương Thâu: Những tác phẩm của Phan Bội Châu (tập 1), gồm Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sử khảo, Văn Tạo chủ biên và nhiều người dịch, hiệu đính, Nxb. KHXH., 1982, tr. 48: “Ký Việt Nam vong nhân chi ngôn” (Chép lời người Việt Nam mất nước) …; “Những lần xuất bản sau đều in trong các bộ Hợp tập, Chuyên tập, Toàn tập Ẩm Băng Thất” của Lương Khải Siêu.
MỘT VÀI TƯ LIỆU
TRONG CHUYẾN ĐI THỰC ĐỊA
Ở QUẢNG TRỊ
(SAU KHI THAM DỰ CUỘC HỘI THẢO KHOA HỌC
VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG
[1824 – 1886]
TẠI HUẾ, DO TRUNG TÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN THUỘC VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ, HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ THỪA THIÊN – HUẾ PHỐI HỢP TỔ CHỨC,
DƯỚI SỰ CHỦ TRÌ HỘI THẢO
CỦA HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM,
02.7.1885 [22.5 ÂL., NHÂM NGỌ]).
I. Ngày 04.7.2002, lúc khoảng 14 giờ, tôi đến khảo sát, chụp ảnh và ghi chép nguyên văn các dòng chữ Hán – Nôm đã được dịch ra quốc ngữ trên tấm bia đá phía sau tháp tử đạo tại làng Trí Bưu (Cổ Vưu), Quảng Trị.
Các chữ được khắc trên tấm bia đá:
LĂNG TỬ ĐẠO TRÍ BƯU
ĐỂ TƯỞNG NIỆM MUÔN ĐỜI CÔNG ĐỨC TỔ TIÊN
LỊCH SỬ BIẾN CỐ TỬ ĐẠO
Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, phái Văn thân xứ Dinh Cát phát động phong trào “Bình Tây sát tả”.
Sáng ngày 06.9.1885, phong trào được phát lệnh trong thành Quảng Trị.
Tối ngày 06.9.1885, hơn 800 giáo hữu Trí Bưu chia thành 2 nhóm chạy vào LA VANG lánh nạn cùng với cố Mathey (Thiện) [*] và cha phó Bửu [khoảng để trống, có lẽ để chua tên tiếng Pháp – TXA. chua thêm (ct.)] nhưng sau đó vì sợ không an toàn, nhóm của cha Bửu [khoảng để trống – TXA. ct.] lại trở về Trí Bưu.
Ngày 07.9.1885, quân Văn thân chiếm làng Trí Bưu và đốt phá nhà thờ, trong đó có cha phó và hơn 400 giáo hữu bị thiêu sát.
Sau biến cố, cha Bùi Thông Bửu và hơn 600 giáo hữu đã anh dũng chết vì đạo Chúa.
CỔ TỰ HÁN – NÔM
LĂNG TỬ ĐẠO:
1) Bốn góc đỉnh tháp:
Ai làm cho người hoà thuận ấy là phước thật.
Ai có lòng thương xót người ấy là phước thật.
Ai khóc lóc ăn năn tội ấy là phước thật.
Ai chịu khốn vì đạo ngay ấy là phước thật.
2) Bốn mặt tháp:
a. Tiền:
Nhất thiên bát bách [**]
Thiên Chúa giáng sanh
Cửu thập tam niên.
[Năm 1893 / Thiên Chúa giáng sinh – TXA. ct.].
b. Hậu:
Nhất thiên bát bách
Hồng ân Thiên Chúa
Bát thập ngũ niên.
[Năm 1885 / hồng ân Thiên Chúa – TXA. ct.].
c. Hữu:
Ất dậu niên cửu nguyệt thất nhật
Giáo hữu sở bị thiêu sát tử.
07.9.1885
[Ngày bảy tháng chín [dương lịch] năm Ất dậu [***]
Giáo hữu vốn bị chết [do] đốt giết – TXA. ct.].
d. Tả:
Lục bách dư giáo hữu hài cốt
Dĩ an táng chính tại thử địa.
[Hơn 600 hài cốt giáo hữu
Vốn an táng đúng tại [chỗ] đất này – TXA. ct.].
3) Bốn góc tháp dưới:
a. Tiền – hậu:
Qua đống lửa than đốt tan mọi chước
Cõi sinh thường muôn phước hy hoàn.
Phó mình con cho ngọn lửa tiêu pha
Chốn thánh điện dâng mà tế lễ.
b. Hữu – tả:
Vì đạo Chúa mặc lưỡi gươm phân xẻ
Tiết trung can rạng rỡ làm gương.
Theo cờ Thánh giá thắng cả ba thù [Nho, Phật, Lão?!? – TXA. ct.]
Chức tử đạo nghìn thu rực rỡ.
[Hán + Nôm].
CON CHÁU ĐỒNG PHỤNG LẬP.
CHÍNH TẠO: 1893.
TÁI TẠO: 1997 - 1998.
Các chữ khắc trên tấm biển đá nhỏ dưới tấm bia đá:
KÍNH NHỚ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRÍ BƯU
HỘI ĐỒNG HƯƠNG TRÍ BƯU
TẠI: QUẢNG THUẬN, 12-8-1998.
[Tháp vốn được khảm các dòng chữ Hán – Nôm như trên bằng mảnh gốm sành sứ, vào năm 1893, và có lẽ đã bị bom đạn làm hư hỏng ít nhiều; nay đã được tái tạo đúng như nguyên trạng, với thời gian thi công trong khoảng hai năm, từ 1997 đến 1998 – TXA. ct.].
[*] Theo Henry de Pirey, bài “ Một kinh đô phù du: Tân Sở”, BAVH., bản dịch, tập I, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 233: 2 tên thực dân – cố đạo MATHEY này và cố đạo Patinier – đã đẫn quân Pháp lên Tân Sở, tấn công, đốt sạch, phá sạch Tân Sở cùng các làng Mai lộc, Mai Đàn và Bảng Sơn quanh đó.
Xem thêm: Jabouille, “Một trang viết về lịch sử Quảng trị: tháng 9. 1885”, BAVH., bản dịch, tập X, Nxb. Thuận Hoá, 2002, tr. 433 – 445… TXA chú thích.
[**] Trên bia đá, các dòng chữ quốc ngữ, Hán, Nôm được trình bày theo hàng dọc, theo nguyên tắc đọc từ phải sang trái. Chúng tôi chép lại theo cách trình bày và đọc của chữ quốc ngữ, thường được viết theo hàng ngang, đọc từ trái sang phải. TXA.
[***] Xin lưu ý: Bia được khắc ghi ngày, tháng, năm dương lịch (07.9.1885) nhưng có chua thêm năm thuộc âm lịch (Ất dậu). Lưu ý thêm: Ngày Nguyễn Văn Tường bị Pháp bắt lưu đày là 27.7 âm lịch, Ất dậu, đối chiếu chính xác với dương lịch là 05.9.1885. TXA.
II. Ngày 04.7. 2002, lúc khoảng 04 giờ, tôi về viếng mộ, dâng hương, chụp ảnh và ghi chép tại Đền thờ Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (vừa mới được xây dựng), tại làng An Cư, xã Triệu Phước, tỉnh Quảng Trị:
Chiêm khởi [:khỉ], kính tôn, tinh linh hộ thế xán tung thiên
Ngưỡng di, cao trãi [:trĩ], thể phách tuẫn quốc hoàn bổn quán.
[Tạm dịch:
Chiêm nghiệm cao trông,
thờ kính tôn vinh:
anh linh giúp cho thế hệ chói lên trời dọc;
Ngưỡng vọng xa ngó,
quý trọng trọn đầy:
thể phách chết vì non sông về lại quê xưa.
– TXA.].
Kỉ niệm chuyến đi hội thảo khoa học và khảo sát thực địa:
Tp. HCM. – Huế (Cửa Hữu, cửa Hiển Nhơn, Khu Lục bộ,
nhà thờ Kim Long, cửa Chương Đức, miếu Âm Hồn,
đàn Âm Hồn) – Thành Cổ – làng Trí Bưu – làng An Cư – làng Hậu Kiên (nhà lưu niệm cố tổng bí thư Lê Duẩn) –
Đông Hà – sông Bến Hải (các làng Xuân Hoà, Hải Chử
thuộc xã Trung Hải, các làng Võ Xá, Kinh Thị [chợ Kên (Kênh?)], có đường tỉnh lộ đất đỏ dọc sông Bến Hải, thuộc xã Trung Sơn;
cầu Tiên An, làng Giàng Phao, Kinh Môn
bên kia đường sắt) – Cam Lộ (Khu Chính phủ lâm thời Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam 1973 – 1975;
vùng Cùa, di tích thành luỹ Tân Sở thuộc xã Cam Chính) –
Tp. HCM.,
từ ngày 01 đến 08.7.2002 (21 - 28.5 âl., Nhâm ngọ, năm thứ 2 công nguyên Hoà Bình).
TRẦN XUÂN AN
TƯ LIỆU DÂN GIAN CHĂM
NHÂN CHUYẾN ĐI NINH THUẬN
KHỞI HÀNH VÀO LÚC KHOẢNG 04 GIỜ 30 NGÀY 17.7.2002,
VỀ ĐẾN NHÀ VÀO LÚC 03 GIỜ NGÀY 20.7.2002
Rất tình cờ, ở Chakleng (làng Mỹ Nghiệp, Ninh Phước, Ninh Thuận), Inrasara tặng tôi cuốn Văn học Chăm II – Trường ca, Nxb. Văn hoá Dân tộc, 1996. Mở ra, tình cờ phát hiện một đoạn ngắn trong trường ca Ariya Po Parơng [đọc là Pô Parăng], có nhắc đến cuộc Kinh Đô Quật Khởi, 05.7.1885 (23.5 Ất dậu), ở tr. 170 - 174. Đây là trường ca do một người Chăm, bị bắt buộc phải đi “du khảo bác vật” với tên quan lớn Pháp (pô Parăng [France]) E. Aymonier, viết về chuyến đi đó. Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 158 có chép lại việc Viện Cơ mật – Thương bạc cấp giấy phép cho chuyến “du khảo bác vật” này trong một đề mục thuộc tháng 06 năm Giáp thân (1884). Có lẽ E. Aymonier đã “du khảo” ở phía nam thuộc tỉnh Bình Thuận xưa (Phan Thiết) vài ba tháng, rồi mới yêu cầu quan sở tại điều động những người Chăm ở phía bắc thuộc tỉnh Bình Thuận xưa (Phan Rang) đi theo y. Chính HƠP AI, tác giả bản Ariya Po Parơng, đã viết rõ: tác giả khởi hành từ tháng giêng năm Ất dậu (1885):
… “Ngày hai mươi tháng giêng năm Dậu (1)
Quan Pháp sai bắt chúng tôi đi cùng” …
(sđd., tr. 163).
Về cuộc Kinh Đô Quật Khởi, nguyên văn bản dịch của Inrasara như sau:
“… Vào lúc bảy giờ ngày hai mươi tháng sáu (1)
Quân Pháp đánh vào Huế, bắn phá dinh vua
Khói lửa bay tung mù trời
Quân nhà Nguyễn chết như kiến, cả ngựa lẫn
voi
Sau đó, quân Pháp tiến vào mở cửa thành
Binh lính trong thành sống sót, chẳng biết
đường nào mà đi
Mãi tới trưa mới tìm được lối ra
Bụng đói, mắt thâm quầng, chân run đi
không nổi
Hoảng hồn bước lên rồi té ngã
Thêm choáng váng bởi thuốc súng, người họ
mệt lả bơ phờ
Có người bò trườn ra tới cửa thành
Vừa ngóc đầu lên nhìn thì bị một tên lính Tây
đứng gác, nạt lớn không cho ra
Khi ấy (nghe tin) Tôn Thất Thuyết phò vua
Cùng chạy ra khỏi thành đi ẩn náu ở xứ khác
Nguyên soái (2) cho chạy tin khắp đất nước
Lệnh cho quân nhà Nguyễn trong mười ngày
phải (nộp vũ khí) xin hàng
Tướng (3) trong triều cũng đã giao thành
Rồi ký sắc lệnh chịu hàng không chống Pháp
nữa
Ngoài khơi, bảy chiến hạm chực sẵn
Sáng hôm sau, quân Pháp ra lệnh truy tìm
nhà vua…”
(sđd., tr. 171 & tr. 173).
(1) Có lẽ tác giả người Chăm có tên là Hơp Ai này tính ngày tháng theo lịch Chăm.
(2) Nguyên soái (nguyên tác: “Ngwen Srwac”, xem sđd., tr. 172): chỉ De Courcy. Xin xem thêm từ “nguyên soái” này ở sđd., câu 196, tr. 191.
(3) “Tướng”, nguyên văn tiếng Chăm là “Praung Ywơn” (sđd., tr. 172), có nghĩa là tướng người Kinh hoặc đại thần người Việt, chỉ đệ nhất phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Thật ra, quân tướng Pháp đã chiếm thành bằng cuộc tấn công với hoả lực mạnh. Nguyễn Văn Tường phải kí thoả ước tạm thời với De Courcy để nhận lại kinh thành. Tác giả Hơp Ai của kí sự thơ này không ghi nhận được kế sách kẻ đánh, người đàm, “kẻ ở, người đi” của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
TXA. chú thích.
Đoạn thơ lục bát kiểu Chăm (từ cặp câu thứ 61 đến cặp câu thứ 70) nói trên, vào ngày 24.7.2002, Inrasara đã dịch sát nghĩa từng chữ (theo cách thức dịch tư liệu) như sau:
… “Năm [ngày sau ngày rằm: 20] tháng sáu, đánh ở Huế
Bảy giờ sáng, Pháp đánh tan thành (dinh)
Khói lửa tối tăm mù mịt
[Người] Kinh chết như kiến, ngựa [và] voi không sót
Rồi họ mở cửa thành [dinh] thật lớn
Mấy [:số] tàn quân sót lại không biết đi nơi đâu
Giữa trưa mới thấy lối ra
Bụng đói, mắt quầng, run rẩy đi không nổi
Sợ hãi bước đi, đứng dậy rồi lại ngã
Kiệt lực không đi nổi, [mùi thuốc] đạn làm xây xẩm
Trườn lết ra tới cổng thành
[Gượng] dậy, trông thấy một người Tây [nạt] nộ
không cho ra (1)
Đâu vua [?], Tôn Thất Thuyết, ông ta bồng [:phò]
Chạy ra, mang lên, đi đâu xứ khác
Nguyên soái [Pháp] cho chạy thư khắp xứ
Đánh hoặc làm thế nào, ông ta hẹn mười ngày
Tướng Việt [:Kinh] chịu giao thành [:dinh] cho Tây
Làm thư rồi ban bố*, xin hàng, không dám đánh
Tàu Pháp đậu ở Huế bảy chiếc
Buổi sáng nó [:họ] ở không [:không động tĩnh], nó [:họ] chạy
thư đi tìm vua (2)”…
(1) Dị bản: Nhìn thấy một người Tây treo cờ lên.
(2) Dị bản: Treo cờ, chuẩn bị xong, cho thư tìm vua.
*Nguyên văn tiếng Chăm là brei, có nghĩa là thông [qua]. Cả câu là: Làm [văn] thư xong, thông qua, xin chịu [thua], không dám chiến đấu [nữa].
Ngoài ra, ariya Po Parơng còn ghi nhận không khí trước ngày Kinh Đô Quật Khởi 05.7.1885, trước sự uy hiếp Huế của De Courcy, ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi:
“… Riêng tôi cáo từ mọi người ra Bình Định
trước tiên
Lòng những e ngại khi phải đi một mình
Ông parơng khôn hơn nên lánh mặt
Xua chúng tôi toàn bọn đi trước dẫn đường
…”.
(sđd., tr. 167).
“… Một người Kinh đi tới, tay xách theo chiếc
roi
Người thấp lùn và xấu trai, hắn bảo có quen
tôi
Lời lẽ hắn với vẻ chân thành
Bảo vì thương tôi nên mới báo tin cho biết
Rằng có người doạ tìm giết
Rồi khuyên can tôi đừng đi tiếp nữa, kẻo chết
oan
Thật là số hên nên được người Kinh thương
Quay về ngay trong đêm, tôi ghé ngủ nhờ nhà
dân đạo
Sáng sớm, sau khi nhét thuốc súng vào đầu
súng
Chúng tôi trở về báo cáo với quan Pháp
Tôi trình bày những điều nghe được
Với po Parơng và ông ta thở dài
Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng có người
Chuẩn bị gươm đao để tấn công đoàn chúng
tôi
Doạ giết rồi họ sẽ chạy thư đi
Cho quân bao vây và nhắn tin khích người
Pháp tới đánh
(sđd., tr. 171).
Và về phong trào Cần vương ở Trung – Bắc kì:
“… Ngày chủ nhật, Tây lên tấn công
Tàu salút chuyển quân suốt đêm ngày không
nghỉ
Bên Pháp một ngày có năm mươi quân bị giết
Khi đem chôn xác chết, họ cởi hết áo quần
Tập tục như thế, ai họ cũng không chừa
Thể xác trần truồng không còn manh áo
Đêm đêm chúng tôi sợ run không ngủ được
Nuốt không trôi cơm nên ai nấy mệt phờ
Mãi khấn nguyện trời cao phò hộ độ trì
Được bình an thoát khỏi chốn này nhờ ơn
trên
Còn khi nghe tiếng súng nổ đùng đùng
Lại bắt đầu thấy hoảng nên chẳng ai ngó tới
bữa ăn
Rồi thì xúm nhau lại cầu nguyện nữa
Đó là nơi họ gọi Phủ Kho Quang (1) (2) …”.
(sđd., tr. 177).
(1) Khauw Kwang: tên một phủ ở Bắc kì (?).Inrasara chú thích.
(2) Phủ Nho Quan ở Ninh Bình?
Và những mưu toan thực dân với luận điệu lừa mị, trong khi chúng đã vơ vét, cướp đoạt tượng thờ, bia đá Chăm trong chuyến đi này …
Tp. HCM., ngày 21 – 24.7.2002
(12 – 15 tháng 06 Nhâm ngọ,
năm thứ 2 công nguyên Hoà Bình).
TRẦN XUÂN AN
TRẦN XUÂN AN
Trích bài thơ dài
CẢM NHẬN BÊN DÒNG SÔNG
12
Nguyễn Đình Chiểu
Phương nam! Rời rã mỏi mòn
Đã mất Mẹ, Nước có còn, Nước ơi!
Có đôi mắt cũng mù rồi
Bước qua số phận, chân người cứng thêm
Ước mơ – ngọn lửa bùng lên
Nung rèn gươm bút Vân Tiên giữa đời
Từng đơn thuốc ấm tình người
Với quê hương lại rạng ngời trái tim
Đuốc nghĩa quân sáng niềm tin
Từ trong dân dã cái nhìn sáng hơn?
13
Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết,
Lễ tần Nguyễn Nhược Thị Bích,
Nguyễn Thượng Hiền,
và vè “Thất Thủ kinh đô”
Dụ Cần vương dậy Trường Sơn
Giải Triều, trung nghĩa, tờ son gửi về
Bình Tây, sát tả-tà-mê
Cho Tân Sở – Huế tư bề hoa giăng
Lễ tần viết sắc “hoà” ban
Tôn Thuyết chiến để Nguyễn Văn Tường đàm
Pháp tung cáo trạng Bắc, Nam
Lưu đày Kì Vĩ, chết thầm đảo xa
Súng rền, khâm sứ bôi nhoà
Hòm tù đỏ, Hạnh Thục ca hoen vàng
Vè Thất thủ giữa dân gian
Giọng run lệch, bởi chuông vang giáo đường
Thơ Nguyễn Thượng Hiền buốt sương
Thương thái phó +, ngó sen vương, dặm về
14
Nguyễn Khuyến
và sau đó, Trần Tế Xương
Bơ vơ, về với làng quê
Nụ cười Yên Đổ thoáng nghe thu buồn
Cờ dở cuộc, bạc chạy lường ++
Quốc kêu khuya vắng, máu tuôn thấm lòng
Rất riêng, vẫn một nguồn sông
Chút tình non nước vọng hồn nước non
Trách mình chi, buổi hoàng hôn
Chao ơi phỗng đá vẫn còn đó đây
Lửa bùng, tắt nghẹn, đêm dày
Mưa đời vây bủa như dây trói lòng
Niềm đau buốt xót tận hồn
Tú Xương bật tiếng cười dòn, ngẩn ngơ
Lạc đường, ngóng đến bao giờ
Giật mình, lạnh tiếng gọi đò, đêm khuya
15
Phan Bội Châu
và “Việt Nam vong quốc sử”…
Mắc mưu Hữu Độ toả mê
Khang, Lương (Đại Hán!), xoá thề Cần vương
Duy tân theo Nhật, nghẹn đường
Súng gươm Quang phục, tự cường, khôn nguôi
Mai Lão Bạng +++, sống bên Người
Sách kia ai sửa?
Quên lời sắt son!
Gót chân ngang dọc chưa mòn
Mắt sương Bến Ngự vẫn còn ngóng trông
Xa xa một ngọn cờ hồng ++++
Nụ cười hi vọng, ấm dòng sông Hương
TRẦN XUÂN AN
+ Ngoài tước hiệu Kì Vĩ quận công, Nguyễn Văn Tường còn có cung hàm là thái phó.
Bài thơ có nguyên văn như sau:
[VÔ ĐỀ]
Huyền vũ lâu tiền mãn địa sương
Dũ phong đình nguyệt thái thê lương
Sơn xuyên cố quốc âm tình cải
Nhung mã toàn gia đạo lộ trường
Không quá Tây môn bi thái phó
Thùy tòng Bắc hải vấn trung lang
Ngu uyên thử nhật vô tiêu tức
Trường đoạn thanh khê bích ngẫu hương.
Mai Sơn
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
(1868 - 1925)
Huyền Vũ lầu không đặc lớp sương
Trăng sân gió cửa quá thê lương
Non sông cố quốc bao thay đổi
Gươm ngựa toàn gia vạn dặm trường
Không (*) đến cửa Tây thương thái phó
Ai về biển Bắc hỏi trung lang (**)
Tìm trời đáy biển (***) không tin tức
Đứt ruột sen khe lộ ngó hương.
Chu Thiên Hoàng Minh Giám
(1904 – 1995)
dịch thơ
(*) Không: cái hư không, tức là Trời.
(Không và thuỳ [:ai], tiểu đối với nhau).
(**) Làng Trung Lương bên sông Bến Hải?
Quan chức thượng nguồn trung thành (trung lang)?
Có lẽ là hai chức danh đối với nhau theo phép tiểu đối.
(***) Ngu uyên: phương mặt trời lặn, chứ không phải là đáy biển!
++ Cũng chẳng nghèo mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng
Cờ đang dở cuộc, không còn nước
Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng
Mở miệng nói ra gàn bát sách
Mềm môi chén mãi tít cung thang
Nghĩ mình mà gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng!
Dị bản: Ta chẳng nghèo mà cũng chẳng sang.
+++ Theo cuốn Tự Phán của Phan Bội Châu (Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2000, tr. 142 – 144): Mai Lão Bạng là một linh mục Thiên Chúa giáo. Ông có tham gia vào Duy Tân hội và Quang Phục hội của Cường Để và Phan Bội Châu. Tổng cộng số thời gian Mai Lão Bạng bị chính quyền Trung Hoa, Xiêm La, chịu áp lực của Pháp, bắt giam, và bị chính thực dân Pháp bắt tù, lưu đày ở Côn Đảo là gần mười lăm năm. Mai Lão Bạng là một người yêu nước, hoạt động chống Pháp, nhưng vẫn là một linh mục Thiên Chúa giáo, và theo lời Phan Bội Châu, “một đời Cụ vì thương xót đồng bào, ngậm cay nuốt đắng, vào tội ra tù, thiệt là tín đồ của Dê Du vậy” (sđd., tr. 144). Dê Du chính là Chúa Jésus, người đã chống đế quốc La Mã xâm lược của các çésar một cách “ôn hoà”, trong lịch sử Do Thái, được chép lại trong Kinh Thánh.
Trong cuốn Tự Phán, Phan Bội Châu xác nhận những điều trên. Tuy nhiên, cụ Phan cho rằng Mai Lão Bạng là đại biểu của Giáo hội Thiên Chúa giáo; điều đó là không thể chính xác được, vì chính các cố đạo thực dân Tây (Pháp, Tây Ban Nha), vốn nắm các chức sắc trong “giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam”, đã cải tạo tư tưởng yêu nước, chống Pháp của Mai Lão Bạng, đồng thời chúng đe doạ Mai Lão Bạng sẽ bị vạ tuyệt thông (bị rút phép thông công, bị cô lập) (*a). Do đó, rõ ràng Mai Lão Bạng hoạt động độc lập, không tuỳ thuộc vào cố đạo thực dân Pháp, Tây Ban Nha. Ngoài ra, cũng trong Tự Phán, Phan Bội Châu có viết: “Tôi khi chưa gặp Cụ, chưa chụp bóng bao giờ, đến lúc hoan nghênh Cụ, tôi mới cùng Cụ chung nhau chụp một bức ảnh. Người Pháp biết được ảnh tướng tôi là từ lúc đó” (sđd., tr. 144). Xin hiểu câu này, trong điều kiện máy ảnh còn thô sơ, chưa có ống kính tối tân hiện đại, việc mật thám chụp ảnh lén là rất khó; chỉ có thể chụp ảnh trong hiệu ảnh. Chúng tôi nghĩ rằng, việc Pháp có được ảnh Phan Bội Châu để truy nã hẳn là ngẫu nhiên.
Dẫu sao, Mai Lão Bạng vẫn là một nhân vật ngây thơ hoặc nhân vật bi kịch: một linh mục Thiên Chúa giáo phải chống lại Giáo hội Thiên Chúa giáo, mà các giáo hoàng thời bấy giờ thực chất là những tên thực dân chủ trương xâm lược (xin xem lại các tư liệu đã dẫn (*b)).
Trong những năm cuối đời, ông sống gần gũi với cụ Phan tại Bến Ngự (Huế), và mất sau cụ Phan. Người ta có thể ngờ rằng, ngoài tư tưởng đoàn kết của cụ Phan, chính Mai Lão Bạng khiến cho cụ Phan đã ít nhiều bày tỏ sự tranh thủ cảm tình đối với Thiên Chúa giáo; hoặc ngờ rằng, chính Mai Lão Bạng đã lén lút sửa sách của Phan Bội Châu theo chính kiến của một linh mục Thiên Chúa giáo kính Chúa, yêu nước, thương xót giáo dân Việt Nam, chống Pháp, chống Tây Ban Nha, chống Toà thánh Vatican, và chắc hẳn Mai Lão Bạng cũng chống những lãnh tụ, nghĩa sĩ Văn thân, Cần vương chủ trương Bình Tây sát tả. Phải chăng linh mục Mai Lão Bạng vẫn muốn biện minh cho Thiên Chúa giáo trong chừng mức có thể? Chúng tôi mong sẽ đọc được những tư liệu xác thực, đã được giám định về Mai Lão Bạng. Chúng tôi vẫn theo câu ngạn ngữ đã thành phương châm: “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết vậy). Có một điều đã được nhiều nhà văn bản học khẳng định, rằng sách của Phan Bội Châu đã bị sửa chữa, sao chép sai lạc, “tam sao thất bản” (sao chép ba lần, có đến bảy dị bản!), “xuất [bỏ bớt], nhập [thêm vào]” (**), nhưng không rõ là do ai, những người nào, hoặc có thể do chính cụ Phan tự sửa chữa? Chúng tôi không dám gieo nghi án cho cụ Phan và linh mục Mai Lão Bạng. Lúc này, chúng tôi vẫn gọi Mai Lão Bạng là “ông”, không phải một cách trung tính, mà ở mức độ kính trọng (?) (như đã phân tích).
(*a) & (*b) Xem: Linh mục Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, linh mục Vương Đình Bích dịch từ nguyên tác tiếng Pháp, Nxb. Trẻ, 1988, tr. 189 – 190.
(**) Xem Lời nói đầu: Những tác phẩm của Phan Bội Châu (tập 1), gồm Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sử khảo, Văn Tạo chủ biên và nhiều người dịch, hiệu đính, Nxb. KHXH., 1982, tr. 6 – 7.
++++ Trong cuốn Tự Phán, sđd., tr. 232 – 236, tiểu mục “Giao thiệp với người Nga và thấy sự xảo quyệt của họ”: Vào năm Canh thân (1920), cụ Phan Bội Châu có tiếp xúc với phái đoàn cán bộ Liên Xô do Voitisky làm trưởng đoàn. Cụ Phan cho đoàn cán bộ Liên Xô là xảo quyệt, khi họ đề nghị cụ đứng vào hàng ngũ những người cộng sản quốc tế và tuyên truyền về cách mạng vô sản cho nhân dân Việt Nam. Nhưng về sau, theo nhiều nhà nghiên cứu, cụ Phan Bội Châu lại viết tác phẩm Chủ nghĩa xã hội, tán thành phong trào cách mạng vô sản này, với niềm hi vọng lớn.