Web Tác giả Trần Xuân An
Trần Xuân An
biên soạn (tổ chức nội dung, khảo luận, bị chú các bài khảo luận của các tác giả,
chú giải thơ, chuyển ra ngôn ngữ thơ
trên cơ sở Thi tập chữ Hán do Nnc. Trần Viết Ngạc sưu tầm,
bản phiên dịch của Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Nguyễn Tôn Nhan
[Ts. Ngô Thời Đôn hiệu đính các bản dịch]).
Xem phần nguyên tác chữ Hán (hình ảnh quét chụp [scan]):
http://www.tranxuanan-writer-3.blogspot.com
http://www.tranxuanan-writer-4.blogspot.com
Bài 50
TẶNG DƯƠNG QUAN (GIA ĐỊNH
TỈNH NHÂN) VÃNG HƯƠNG CẢNG
Lục thất niên dư hựu nhất lai
Ngã lai quân khứ lưỡng bồi hồi
Khứ lai dị lộ quân tu kí
Mạc sử lâm kì hữu sở xai (sai)!
NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa
50
TẶNG QUAN [LÀM Ở CỬA] BIỂN (NGƯỜI
TỈNH GIA ĐỊNH) (1) ĐI HƯƠNG CẢNG (2)
Hơn sáu, bảy năm (3) [qua], [nay] lại một [lần] đến
Tôi đến, ông (1) đi, cả hai dùng dằng bước lui, bước tới
Đi [và] đến, khác con đường, ông nên ghi nhớ
Đừng khiến đang lúc [gặp gỡ, chia tay vào dịp thế này]
có điều gì suy xét, đong lường trước!
(1) Tác giả dùng từ “dương quan”, với hai nghĩa: quan làm ở cửa biển; quan làm việc cho người ngoại quốc (tay sai của thực dân Pháp tại Nam Kì, vùng đất lục tỉnh ngày xưa đã bị Pháp xâm chiếm, từ 1862, 1867). Nguyễn Văn Tường ghi chú rõ bằng chữ cỡ nhỏ, trình bày khác hẳn (xin xem bản chữ Hán nguyên tác): “Người tỉnh Gia Định”. Hơn nữa, ở hai dòng thơ thứ hai, thứ ba, Nguyễn Văn Tường lại dùng đại từ “quân” để gọi y. “Quân” là từ các kẻ sĩ cùng lứa gọi nhau. (Xem TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 226; tập hạ, tr. 157). Lại căn cứ vào nội dung bài thơ, thấy rõ Nguyễn Văn Tường khẳng định dứt khoát: “Đi [và] đến, khác con đường, ông nên ghi nhớ”. Đến Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) để đấu tranh, giành lại Nam Kì lục tỉnh. Đi Hương Cảng (Hongkong), làm tay sai theo lệnh Pháp. Rõ ràng, dứt khoát! Tuy khẳng định vỗ mặt như thế, vẫn không tránh khỏi chút bồi hồi về tình kẻ sĩ cũ, và chút phân vân về sự ngờ ngại, hiểu lầm từ phía sĩ phu và nhân dân (đánh đồng với Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành chẳng hạn!).
(2) Hương Cảng (Hồng Công), nhượng địa của nước Trung Hoa dưới áp lực của thực dân Anh. Người Anh mới trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997!
(3) Theo ĐNTL.CB., sđd., tập 31, tr. 184, vào tháng chạp Đinh mão, năm Tự Đức thứ 20 (1867), Nguyễn Văn Tường lần đầu đến Gia Định, với chức vụ tùy biện trong phái đoàn Trần Tiễn Thành. Thời điểm đó, là từ 26. 12. 1867 – 24. 01. 1868. Nói cách khác, tháng chạp Đinh mão nói trên rơi vào khoảng đó của dương lịch (xem Vụ Bảo Tồn Bảo Tàng, Niên biểu Việt Nam, in lần 4, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1999, tr. 113 - 114). Và lần thứ hai, Nguyễn Văn Tường với chức vụ bồi sứ (Nguyễn Văn Phong, chánh sứ; Phan Đình Bình, phó sứ) lại đến Gia Định. Không rõ sứ bộ đi ngày nào, chắc là sau khi Trần Tiễn Thành thất bại trở về vào tháng 2 âm lịch, Mậu thìn (1868), (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 194). Có điều, lần về, tháng 3 âm lịch, Mậu thìn (từ 24. 3. 1868 đến 22. 4. 1868), Nguyễn Văn Tường lại thay mặt cả sứ bộ (tuy chỉ là bồi sứ, vị trí thứ ba trong sứ bộ), để trình bày âm mưu xâm lược Nam Kì lục tỉnh của thực dân Pháp. Ông quyết không chịu kí “hòa” ước mới, nhằm cứ để cho Pháp ở trong tình trạng bất hợp pháp. Lập luận riêng của Nguyễn Văn Tường: kí “hòa” ước mới là mắc mưu Pháp, chính thức hóa việc xâm chiếm Nam Kì lục tỉnh cho chúng, lại để sĩ phu lâm vào cảnh “ăn làm sao, nói làm sao” với chúng và với dân, một khi Triều đình đã thật sự bỏ rơi (“khí dân”) bằng hàng ước, nhượng ước chính thức, như hàng ước 1862! Cũng bản tấu ấy, ông chủ trương tăng cường binh lực để phòng thủ, giành lại Nam Kì lục tỉnh bằng sức mạnh vũ trang (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 202 - 204).
Chú thích dài như thế để xin được hiểu rằng, bài thơ tứ tuyệt trên phản ánh khá cô đọng tâm trạng tác giả.
Riêng ngữ “lục thất niên dư”, không phải là “hơn sáu, bảy năm”, mà là “cuối và ngoài năm 67 (1867)”? Biết đâu, tác giả lại dùng số chỉ năm theo dương lịch? Chắc chắn là không. Có điều, bài trên phải được sáng tác vào các năm 1868 + 6 = 1874; 1868 + 7 = 1875. Có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Hơn sáu, bảy năm” trước cho đến thời điểm bấy giờ và mãi về sau, tác giả vẫn kiên định một quan điểm, một chọn lựa trước hai con đường: “khác con đường, [...] nên ghi nhớ”!
50
TẶNG QUAN LÀM Ở CỬA BIỂN CHO
TÂY, NGƯỜI TỈNH GIA ĐỊNH, ĐI
HƯƠNG CẢNG
Sáu, bảy năm hơn, đến một lần
Anh đi, tôi đến, đều tần ngần
Đến, đi, khác đường, anh nên nhớ
Đừng để đang khi, tình phải cân!
TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
Bài 51
TRÚ GIA ĐỊNH
QUAN TÂY VIÊN HỮU CẢM
Khách xá công dư hướng vãn thiên
Xa hoành khúc kính quá đông biên
Sổ lan mao giới giai tân vật
Bán bức hoa cầm dị vãng niên
Đối cảnh kham bi thùy tác chủ
Phùng nhân nan đạo thử lai duyên
Như hà tạo hóa do đa sự
Không sử lê viên nhuận nhất biên.
NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa
51
Ở GIA ĐỊNH (1), XEM VƯỜN (2) [CỦA] TÂY
(3), CÓ CẢM XÚC
[Ở] nhà khách, việc chung (4) [đã] thư thả, nhìn về
[phía] trời chiều
Xe [chạy] ven đường vòng, qua bờ sông [hướng] đông
Vài chuồng [thú] lông, [loài có] vỏ, đều [là giống] vật
mới (5)
Nửa khoảnh hoa, chim [cũng] khác năm trước
(đã qua) (6)
[Đứng] trước cảnh [ấy], đành chịu buồn rầu, [rằng] ai
làm chủ!?
Gặp người [mình] khó nói (khơi mở) [về lẽ],
ấy là nguyên nhân [tạo hậu quả]
về sau (7) [cho chúng]
Cớ nào tạo hóa còn loạn việc?
Khi không xui khiến [đến] vườn lê (8),
làm thừa lẻ ra một sự ghi chép (9).
(1) Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Thảo cầm viên (vườn cây chim) hiện nay (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q. 1, TP. HCM.).
(3) Tây, chỉ thực dân Pháp.
(4) Lúc này Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường, đang bàn thảo với Dupré, Philastre, về điều ước 1874, hoặc ông cùng Nguyễn Tăng Doãn, với François Emily (?), định thương ước 1874 (kí ngày 31. 8. 1874, lễ thừa nhận diễn ra vào ngày 26. 8. 1875), (ĐNTL.CB., tập 33, tr. 9 - 10, 12, 22, 78, 87 - 88, 102 - 104, 111).
(5) Ám chỉ bọn thực dân Pháp.
(6) Ám chỉ người Việt mình làm tay chân cho thực dân Pháp.
(7) Vận dụng khái niệm “nhân – quả” của tâm thức nông nghiệp cổ đại, của Phật giáo qua hai chữ “lai duyên”. Ý tác giả: Sở thú này chính là viễn cảnh tương lai của bọn Pháp, rằng chúng sẽ bị giam nhốt như các loài vật lông lá kia! Đồng thời, bày tỏ niềm lo âu: sự cộng tác của người Việt mình với thực dân, cũng tạo hậu quả về sau cho sự phát triển của dân tộc, đất nước. [Xem các trích đoạn những bản tấu về Nam Kì, bài viết của Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, KYHNKH., ĐHSP. TP. HCM. sđd., tr. 212 - 216, 40, và cũng hai bài ấy ở cuốn “KVQC. Nguyễn Văn Tường thi tập”, tư liệu Hội nghị trên, tr. 3 - 8, tr. 12].
(8) “Lê viên”: Đường Minh Hoàng (nhà Đường, Trung Hoa) lập ra vườn lê viên, chọn một trăm người chuyên tập múa hát. “Lê viên”, nguyên nghĩa: vườn cây lê, lại có nghĩa là hí viện (nhà vui chơi, nhà hát). [Xem TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 496].
(9) Các ghi chép về nội dung hội đàm, “bên lề” của sứ bộ, đại để là nhật kí để tấu trình cho nhà vua (còn gọi là nhật lịch), qua trung gian liên lạc giữa Triều đình và sứ bộ bởi một trung sứ – trung sứ là một viên chức có chức năng “con thoi” đó (chưa rõ vị trung sứ này tên gì). Ý Nguyễn Văn Tường ở câu này: “tin tức bổ sung cuối ngày”.
51
Ở GIA ĐỊNH,
XEM VƯỜN THÚ TÂY LẬP, CẢM XÚC
Nhà khách, trời chiều, việc sứ thưa
Bờ đông, cong lối, ngựa xe đưa
Nhiều chuồng lông lá (1) là loài mới
Nửa khoảnh chim hoa khác vẻ xưa!
Đối cảnh buồn ai: trò chủ cướp!
Gặp người (2) bảo chúng:
nghiệp riêng mua?(3)
Cớ sao trời đất còn nhiều chuyện
Khiến nỗi vườn hề (4) phải chép thừa!
TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
(1) Nguyên văn: “mao giới” (lông [và] vỏ). Lông và lá! Lá thay áo, thời hồng hoang nguyên thủy. Vải hay lá làm áo cũng là một thứ “vỏ” (mai rùa, vỏ cua...). Trong tiếng Việt, có từ ghép: lông lá, bọn lông lá.
(2) Nguyên văn: “nhân”, chỉ con người, loài người nói chung, đối nghĩa với “vật” ở câu thứ ba.
(3) Xem chú thích ở bản dịch nghĩa bài này. “Nhân lưa” là nhân sẽ lưu lại về sau, như một lời cảnh báo về luật nhân quả hiện thực, nhãn tiền. Tất nhiên, ở đây, nhà thơ Nguyễn Văn Tường chỉ mượn cớ để vẽ ra cảnh thực dân Pháp sẽ bị đền tội như lũ thú lông lá ở vườn thú, một cách rất thực tế, rất lịch sử.
Bản dịch thơ này, xin tạm bỏ chữ “nan” (khó), thêm dấu hỏi, tỏ sự tự phân vân: nên hay không nên nói với người mình điều ấy.
Có thể thay hai câu thơ dịch trên:
Đối cảnh buồn ai dựng chủ cướp
Gặp người bảo chúng tạo nhân lưa?
(4) Tạm dịch, xem chú thích ở bản dịch nghĩa bài này.
Bài 52
QUÁ KIM CHƯƠNG TỰ
Tằng hướng trường sinh thuyết tức ki (cơ)
Bách niên thế sự bất thăng bi
Các trung đế tử kim hà tại?
Thành quách nhân dân bán dĩ phi!
NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa
52
ĐI NGANG QUA CHÙA KIM CHƯƠNG (1)
Từng trông vào [thuật] trường sinh, bàn luận [về] nhịp
thở (2)
Trăm năm, chuyện đời, không kìm được (: khôn xiết)
buồn!
Con vua (3) trong lầu gác [tại chùa], nay ở đâu?
Thành lũy, nhân dân, một nửa đã mất! (4)
(1) “Kim Chương tự”: chùa Bài Văn [bằng] Vàng. Chùa này ở Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa này đã bị phá hủy từ thời Pháp xâm lược. Hình như pho tượng Phật lớn về sau được đưa vào Bảo tàng thuộc Thảo cầm viên tại Sài Gòn (TP. HCM). Xin xem chú thích (3) bài này.
(2) Thuật trường sinh với phương pháp điều hòa nhịp thở, thuộc bộ môn khí công. Các môn phái dô-ga (yoga) ở Ấn Độ, đạo Lão, Thiền tông (Phật giáo) cổ xưa, hiện nay, đều có vận dụng, sáng tạo. Ngoài các thủ pháp quá đáng, cực đoan, như chuyên tập nín thở với các định mức càng lâu càng tốt (!),phép dưỡng sinh này hiện nay đã được khoa học chứng nghiệm là rất hữu ích. Ở nước ta, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà nghiên cứu - phổ cập Nguyễn Minh Kính đã công bố nhiều công trình, tư liệu về thuật dưỡng sinh này. (Xem Senbec, Pocơrốpxki, Cooc-khin, Thể dục chữa bệnh ở nhà, Đào Duy Thư dịch, Nxb. TDTT., 1984).
Cùng với câu thứ hai kế tiếp, tác giả muốn nói, trước cảnh mất nước, bị ngoại xâm, không cách nào giữ được lòng thanh tịnh, tâm không!
(3) Minh Mạng được sinh ra tại một nơi, về sau, nơi ấy dựng thành chùa, ở tỉnh Gia Định. Ngôi chùa ấy là chùa Bài Văn Vàng (Kim Chương tự)? ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 31, ghi rõ: “Năm Tân hợi (1791), hậu [Thuận thiên Cao hoàng hậu] 24 tuổi, sinh ra Thánh tổ Nhân hoàng đế [hoàng tử Đởm (Đảm), tức vua Minh Mạng] ở thôn Hoạt Lộc (thuộc Gia Định); khoảng năm Minh Mệnh [Mạng] dựng đền Khải Tường ở đấy”. Trần Trọng Kim ghi: “ở làng Tân Lộc, gần Sài Gòn bây giờ” (VNSL., sđd., bản 1999, tr. 420). Sài Gòn cũ và tỉnh Gia Định đều thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Theo chỗ chúng tôi biết, trên nền đền Khải Tường, đã xây dựng nên chùa Kim Chương. Chùa này bị Pháp phá hủy từ thuở ấy. Trên nền chùa cũ, hiện nay xây dựng Trung tâm Trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược (1858 - 1988), (góc đường Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn, Q. 1, tp. HCM.).
Về câu thơ “Các trung đế tử kim hà tại?”: đây là nguyên văn một câu thơ của Vương Bột, nhà thơ đời Đường (Trung Hoa), trong bài “Đằng Vương các”, nhắc đến Lý Nguyên Anh, con của Đường Cao Tổ (Thơ Đường, tập 1, sđd., tr. 25). Có điều, cảm xúc của Vương Bột chỉ là nuối tiếc cảnh vàng son xa xỉ đã mất với niềm ngậm ngùi về nỗi vật đổi sao dời. So hai bài thơ, “Đằng Vương các” với “Quá Kim Chương tự”, ta thấy nỗi đau của Nguyễn Văn Tường lớn lao hơn, sâu thẳm hơn rất nhiều.
Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Hoạ đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỉ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại?
Ngoại hạm trường giang không tự lưu.
Gác Đằng cao ngất bãi sông thu
Ngọc muá vàng reo nay thấy đâu?
Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi
Mấy phen vật đổi với sao dời
Đằng vương thuở trước giờ đâu tá?
Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.
TƯƠNG NHƯ
dịch thơ
(sđd., tr. 26)
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển cũng đã từng so sánh ở bình diện rộng hơn (với cả nền thơ Đường – Tống) và cũng nhận định như thế. Hẳn không có gì là thiên vị hay quá lời chăng?
Xem lại chú thích (1) bản dịch nghĩa bài thơ “Quá Kim Chương tự” này.
(4) Chữ “phi”, có nghĩa là “không”, trái nghĩa với chữ “phải”... Nhân dân, thành quách đã mất một nửa! Nhất là nhân dân, còn sống đó, vẫn sinh sôi nẩy nở, nhưng... Không còn gì chua xót hơn! Cũng như hơn vạn người Bắc Kì cam làm tay sai cho Pháp, tổ chức bắt cóc Nguyễn Văn Tường, khi ông đành phải ra Hà Nội để kí hai thỏa ước nhằm triệt thoái quân Pháp ra khỏi Bắc Bộ (xem Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 78). ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 359 ghi rõ: “Nguyên trước, An Nghiệp [Françis Garnier] mộ được 12.000 [một vạn hai ngàn] người, lẫn cả người đi lương, người đi đạo”; ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 356, ghi: “Tiến đến thành Hải Dương (trong thành hiện có viên quan một người Pháp và 30 tên lính đóng giữ), ngụy tổng đốc (tên là Trương, là người thợ rèn, theo giáo, nguyên là người An Nghiệp [F. Garnier] mới đặt) mưu bắt Văn Tường để phá hỏng việc. Văn Tường dò biết, mật bàn với quan nước Pháp, giải đưa xuống tàu giam lại...”. Tất nhiên lúc đó Pháp đã lật lọng với giáo dân, dân lương cam tâm làm tay sai! Tuy vậy, Nguyễn Văn Tường vẫn thận trọng: “... rồi tư ngay cho tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đem quân đến (Bắc Ninh 400 người, Hưng Yên 200 người) và triệu tập lính tổng cộng được hơn 1000 người để sai phái”!
Hải Dương cũng chẳng khác gì Gia Định! Đến như thế thì quả thật, “khôn xiết buồn”, đến nỗi ông phải thốt lên:
“Thành quách, nhân dân, một nửa đã mất!”.
Đồng cảm sâu sắc nỗi đau đó, về sau, khi kinh đô Huế đã thất thủ, Nguyễn Xuân Ôn (cũng như Nguyễn Đức Đạt) vẫn trung thành với Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết trong phong trào Cần vương (kẻ đánh người đàm); và Nguyễn Xuân Ôn đã hai lần lặp lại câu này trong hai bài thơ của ông, sáng tác sau khi bị giặc Pháp bắt, 1887 (xem: ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 138; Thơ văn NXÔ., sđd., tr. 160 và 182).
52
ĐI NGANG QUA CHÙA KIM CHƯƠNG
Theo thuật trường sinh bàn thở sâu
Trăm năm khôn xiết việc đời sầu!
“Con vua trong gác nay đâu nhỉ?”
Thành quách, nhân dân, một nửa đâu!
TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
Bài 53
ĐỀ BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN LÊ
QUẬN CÔNG MỘ
(MỖI CÚ HỮU SỔ MỤC TỰ)
Nam tử đương vi nhất thế hùng
Bán thiên ứng vận kỉ như công!
Lưỡng kì sử tải khôi cương tích
Bách chiến nhân suy (thôi) hỗ giá công
Tam xích hiệp (1) phong tồn cố liệp
Cửu nguyên cô phẫn khởi lương cung
Vị khôi thất thập niên tiền sự
Tụng biến bình Tây lục tỉnh trung.
NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa
(1) Luân? Có lẽ “luân”, đúng hơn.
53
NÊU LÊN [NHỮNG SUY NGHĨ TRƯỚC] MỒ
BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN [ĐƯỢC PHONG
TƯỚC] QUẬN CÔNG [HỌ] LÊ (1) (a)
Người đàn ông (a) [cần] gánh vác công việc, làm [nên]
một đời hào hùng (a)
Nửa nghìn [binh tướng] ứng theo thời vận [“triều đại”]
(2), mấy [ai] như ông (quận công) (1) (a)
Hai miền (3) [Tổ quốc], sử sách chuyên chở [truyền bá]
công lao to lớn (a) [cầm] dây cương ngựa (4)
Trăm trận chiến, người [đời] suy tôn [về] công phò
giúp xe chúa (5)
Ba thước (a) [kiếm, gươm], sự phong tặng [lúc thế đang]
chìm đắm (6) (hoặc: trong sự hòa hợp) vẫn còn
[những] sợi tua [chuôi kiếm] cũ
Chín đồng bằng (a), nỗi căm giận [giữa thời phải chịu]
lẻ loi khởi đầu cho cây cung tốt (7)
Chưa tro tàn (a) chuyện cũ bảy mươi năm trước
[Người đời] ngợi khen khắp cả [về công trạng] dẹp yên
Tây [Sơn] (8) giữa sáu tỉnh [Nam Kì (xưa)].
(1) Lê Văn Duyệt, người Định Tường (tỉnh thời Nguyễn, nay là Đồng Tháp, Bến Tre, Mỹ Tho...); quê gốc: Quảng Ngãi. Ông có công với Nguyễn Ánh, chống nhà Tây Sơn (triều đại do vua Quang Trung, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, đánh Nguyễn, dẹp Lê-Trịnh, chiến thắng quân Thanh [Trung Hoa], quân Xiêm [Thái Lan], lập nên). Lê Văn Duyệt thuộc loại công thần bậc nhất của triều Nguyễn, thời Nguyễn Ánh (Gia Long). Về sau, do con nuôi là Lê Văn Khôi (vốn tên Nguyễn Hữu Khôi, người Cao Bằng) nổi loạn ở Gia Định, nên ông bị Minh Mạng truy các tội cũ, san bằng mộ và dựng bia với tám chữ ngay trên mộ san bằng ấy: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt chịu hình pháp” (dịch từ nguyên văn chữ Hán). Đến thời Thiệu Trị, được giảm án, rồi đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1841), bản án ấy một lần nữa được xem xét lại, minh oan phần nào, và tha tội (1849).
[Xin xem ĐNLT., tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 373 – 414; ĐNNTC., tập 2, sđd., tr.444 – 445: viết gọn hơn, ở mục “Nhân vật” của chương “Tỉnh Quảng Ngãi”].
Hiện nay khu mộ Lê Văn Duyệt ở bên cạnh chợ Bà Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh, vẫn được nhang khói phụng thờ. Tuy người mê tín vẫn còn lén lút xin xăm, bói toán, sùng bái gọi là Lăng Ông, nhưng đa số vẫn hiểu đấy chỉ là di tích lịch sử.
Dẫu sao, Lê Văn Duyệt cũng không phải là người có công chống ngoại xâm, mà chỉ là danh tướng giúp Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn, thống nhất đất nước (sự nghiệp thống nhất Đàng Trong, Đàng Ngoài, công chính vẫn là của Quang Trung Nguyễn Huệ, mà Gia Long Nguyễn Ánh chỉ thừa kế). Xin xem tiếp ở chú thích (8) bài này.
(2) Tác giả nhắc đến việc các binh tướng phò Nguyễn Ánh, lúc chúa Nguyễn bị Tây Sơn đánh bại. Chúng tôi tạm hiểu hai chữ “ứng vận” (đáp ứng vận nước) là như thế (vận “triều đại” Nguyễn). Bởi lẽ triều Nguyễn chính thức xưng đế, từ 1802, nhưng Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Hóa, từ 1558, nghĩa là từ 224 năm về trước. Nếu đánh giá với quan điểm lịch sử – cụ thể, thì sự nghiệp của chúa Nguyễn và triều Nguyễn có bề dày như vậy. Thời phong kiến quân chủ, Đất Nước chỉ là cơ nghiệp của một dòng họ (hoàng tộc)... Xin xem chú thích (6) bài này.
(3) Nước ta từ Nam Quan đến Cà Mau, thời Nguyễn, trên danh từ về địa giới hành chính, thay vì gọi Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra), Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào), thì gọi là Trung Kì, Bắc Kì, Nam Kì. Trung Kì gồm: hữu kì (từ Hà Tĩnh trở ra), tả kì (từ Bình Định trở vào), lấy Quảng Nam, Quảng Ngãi làm tả trực kì, Quảng Bình làm hữu trực kì, lấy Thừa Thiên (gồm cả đạo Quảng Trị) làm kinh sư (trực kì), [ĐNTL.CB., tập 30., sđd., tr. 72, chú thích của Viện Sử học]. Ngoài ra, cũng còn có cách gọi: lưỡng kì Nam – Bắc, gồm tả kì (từ Huế trở vào) và hữu kì (từ Huế trở ra).
(4) Chữ “cương” trong từ ghép “cương tỏa”. “Cương” là dây buộc, điều khiển ngựa. “Tỏa” là hàm sắt khóa miệng ngựa để ngựa khỏi dừng lại ăn cỏ dọc đường (xem TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 142). Ở ngữ cảnh này, là tài cầm cương, tức là tài điều quân khiển tướng. Ngôn từ còn có tính phong kiến chuyên chế hiện nay vẫn còn lắm người sử dụng, bởi ngôn ngữ ở nước nào cũng có tình trạng chung ấy.
(5) Nguyễn Ánh thực sự lên ngôi hoàng đế (vua) vào năm 1802. Trước đó vẫn được gọi là chúa, “quốc chúa” (mặc dù Nguyễn Phúc Khoát, 1744, đã xưng vương hiệu: Võ vương). Ở câu thơ này, Nguyễn Văn Tường nhắc lại công phò Nguyễn Ánh của Lê Văn Duyệt lúc vị chúa này còn phải bôn tẩu ra Côn Đảo, Phú Quốc, sang Xiêm La (Thái Lan). Cũng có thể hiểu là công hộ tống vua Cao Miên về nước.
(6) Lúc Nguyễn Ánh còn bôn tẩu, chịu lắm nỗi cơ cực để quyết giành lại cơ nghiệp chúa Nguyễn đã dày công mở cõi ở Đàng Trong, Lê Văn Duyệt còn là thái giám hầu cận nội cung.
(7) Cung, kiếm, hai loại binh khí, tượng trưng cho tài năng quân sự của Lê Văn Duyệt (mặc dù Lê Văn Duyệt tính hơi dữ tợn, lại xét án trong khi xử tội quân lính khá tàn bạo; xem ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 379 và ĐNNTC., tập 2, sđd., tr. 444). Xem chú thích (8.a) bài này, phía sau.
(8) Ngay từ năm 1919, dưới thời nhà Nguyễn chịu thuộc Pháp, Trần Trọng Kim đã xác định tài năng và đức độ vua Quang Trung, coi Tây Sơn là triều đại chính thống (xem VNSL., sđd., bản 1964, tr. 359, 380 - 381; bản 1999, tr. 395, 407). Tuy nhiên, thời bấy giờ, 1885 trở về trước, nhiều người hẳn không chịu quy phục Quang Trung, vì nhớ “ơn mở cõi” của chúa Nguyễn, vì anh em nhà Tây Sơn bất hòa, và vì lí do chính (lí do chính này lại bền vững): nhà Tây Sơn có gốc gác lâu đời ở Trung Hoa (người Tàu lai làm vua nước ta là nhục quốc thể, cho dù nhà Tây Sơn không thuộc gốc Hán tộc).
Nguyễn Văn Tường là trung thần của triều Nguyễn trong điều kiện lịch sử – cụ thể với những hạn chế của thời đại. Ông không thể phụ công ơn lớn hơn mọi công ơn khác, có thể sánh với công ơn giành độc lập, chống ngoại xâm cho dân tộc, ấy là “công ơn mở cõi” của chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Do đó, hẳn ông vẫn xem nhà Tây Sơn là nghịch tặc, không chịu hiểu rằng, sự chia cắt Đất Nước hơn hai trăm năm là tội lỗi đối với xương máu dân tộc của cả Nguyễn lẫn Trịnh thời phân tranh, mà Quang Trung lại có công thống nhất (dù còn cát cứ do nội bộ ba anh em). Nhưng Nguyễn Văn Tường cũng như bao trung thần của triều Nguyễn vẫn có lí của họ, không chịu nhục quốc thể (dân tộc ta không còn ai sao, lại để người Tàu lai làm vua nước Việt!), như đã nói trên.
Lịch sử có những oái oăm và những vấn nạn của nó. Đấy là những khó khăn thật sự. Đến nay, năm 2000, đã dễ gì có câu trả lời thỏa đáng, nếu chúng ta không có cái nhìn lịch sử – cụ thể. Nói rõ hơn, có những tâm trạng, ý nghĩ, những giá trị vật chất, tinh thần chỉ được chấp nhận, thấu hiểu ở một giai đoạn lịch sử với không gian, thời gian nhất định, lại cũng có những giá trị vĩnh cửu, thuộc về muôn thuở, như lòng yêu Tổ quốc, dân tộc, ý chí chống ngoại xâm, như tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên và nhân loại...
Do đó, “ơn mở cõi” của chúa Nguyễn đã trở thành “sự đã rồi” của lịch sử nước ta, cũng tương tự như “sự đã rồi” của hầu hết các nước trên thế giới, dẫu chúng ta khai hoang lập ấp là chính! Chúng tôi cũng từng cảm xúc về thuở mở nước ấy:
“... Sân đình lặng nhớ cha ông
Thuở nào mở đất dắt bồng cháu con
Hoang vu chí ngợp vai sờn
Ngoảnh về cố quận, hoàng hôn cháy lòng”...
Và có khiên cưỡng không, với sự mở rộng vấn đề ra quá mức của một chú thích thế này, trong khi Nguyễn Văn Tường chỉ nêu vấn đề của công thần triều Nguyễn là Lê Văn Duyệt để chia sẻ niềm cảm xúc, suy tưởng và chỉ nhẹ nhàng nhắc đến nhà Tây Sơn?
(a) Nhà thơ Nguyễn Văn Tường có ghi chú ngay dưới đầu đề một dòng chữ cỡ nhỏ, nhỏ hơn cỡ chữ chép thơ bình thường của ông: “Mỗi cú hữu sổ mục tự” (“mỗi câu có vài chữ số” [số mục]). Ngoài ra, thiết tưởng cũng nên lưu ý đến các nhãn tự (chữ mắt) trong bài thơ này. Có lẽ nhà thơ muốn khẳng định về mặt cá tính, Lê Văn Duyệt là một trang nam tử hẳn hoi, mặc dù có tật bẩm sinh sinh thực khí, lại xứng đáng là hùng (giống đực; dũng mãnh). Nhà thơ trân trọng gọi ông đúng tước được phong: công. Trong bài có hai chữ “khôi”, ở câu 3 và câu 7, tuy đồng âm nhưng phải dùng mắt để thấy khác mặt chữ với tên Khôi (Lê Văn Khôi, xem VNSL., sđd., bản 1999, tr. 473). Đặc biệt là “tam xích” và “cửu nguyên”, đều trùng âm, đồng mặt chữ nhưng có thể hiểu hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất ở bản dịch nghĩa bài này. Nghĩa thứ hai, ở hai câu tạm dịch nghĩa như sau: “Luật pháp ghi ở ba thước thẻ tre đã xử “tội” ông, [nhưng] sự phong tặng [lúc thế đang] chìm đắm vẫn còn chuôi [kiếm] cũ; Chín nguyên tội được tha, [vẫn nhớ] nỗi căm giận [giữa thời phải chịu] lẻ loi đã khởi đầu cho cây cung tốt”.
Vua Minh Mạng và đình thần đã kết án Lê Văn Duyệt “cửu nguyên”, trong đó có bảy tội xử trảm, hai tội xử giảo. “Cửu nguyên” ấy còn dẫn đến đề nghị: thu hết bằng sắc, bổ quan tài ra chém xác để tỏ gương răn (về sau, không quật mộ giết thây mà thay vào đó là dựng bia răn ở mồ chôn, ở nhà học). Vua Minh Mạng còn ra dụ:
“Dụ nay cho chép ra, phát cho kinh ngoại mỗi nơi một đạo, để cho đều biết triều đình hành pháp rất là chí công: rõ ràng cán cân công bằng, luật ba thước oai nghiêm rìu búa, phép ngàn thu” (xem ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 407 - 409). “Tam xích” còn có nghĩa như vậy.
53
NÊU LÊN NHỮNG SUY NGHĨ TRƯỚC
NGÔI MỘ BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN
ĐƯỢC PHONG TƯỚC QUẬN CÔNG
LÊ VĂN DUYỆT
Gánh việc, thân trai một kiếp hùng
Nửa ngàn đáp vận ai như ông?
Hai miền sử chuyển: cầm cương búa (1)
Trăm trận người tôn: phò chúa công
“Ba thước” lặng phong còn tích cũ
“Chín miền” riêng hận dậy cung đồng
Chưa tàn, chuyện bảy mươi năm trước!
Ca khắp: Bình Tây, đất Cửu Long.
TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
(1) Tạm ghép thành từ cương buá. Cương để điều khiển ngựa, búa để điều khiển voi. “Cương [và] búa” là từ ghép đẳng lập, đối với “chúa [và] công”.
Bài 54
TẠI GIA ĐỊNH ĐẮC BÁO THAM BIỆN
NGUYỄN CHI TỬ THU TIỆP
Khách trung xa mã yếm phi trần
Hồi ức thu vi tập tấn thân
Phan quế thử lang nghi đắc thủ
Thừa sà ngô bối vị tri tân
Gia nghiêm trách trọng thần vi phụ
Quốc khánh thù nan tử hữu quân
Vân thủy hà thời quy cựu phố
Nhất môn vũ trạch cánh thiêm tân.
TRẦN ĐẠI VINH
phiên âm
54
Ở GIA ĐỊNH ĐƯỢC TIN CON TRAI
THAM BIỆN NGUYỄN TĂNG DOÃN
THI HƯƠNG ĐỖ
Quê xa người ngựa, chán phong trần
Nhớ buổi thi hương tập tấn thân
Vin quế chàng này càng rõ vững
Cỡi bè đây lão chẳng hay gần
Tôi, quan, làm bố, nghiêm bồ chữ
Vua, nước, tuyển con, nặng gánh ân
Mây sóng khi nào về bến cũ
Hai ơn một cửa lại tươi ngần.
TRẦN ĐẠI VINH
dịch thơ
54
TẠI GIA ĐỊNH (1), ĐƯỢC BÁO TIN CON
TRAI THAM BIỆN [HỌ] NGUYỄN (2) THI ĐỖ
KỲ THI MÙA THU (3)
Khách ở trong [chốn] xe, ngựa, chán ngán bụi bay
Nhớ lại khuôn viên [trường thi hương] mùa thu, tập
tành làm người quan chức (thượng lưu) (4)
Vin cây quế (5) chàng trai này xứng đáng [là] tay nắm
được
Cỡi bè (6) bọn ta chưa hề biết bến bờ!
[Vẻ] nghiêm túc [của] gia đình, [sự] nặng nề
[bởi] trách nhiệm, người bề tôi làm cha [là phải
nhận thức và xây dựng nền nếp ấy]
[Người được hưởng] phúc mừng (phần thưởng) [của]
nước, [việc] khó khăn [trong] sự đền đáp, [nhưng
nay] con[đã] có vua [để phụng sự]
Mây nước khi nào quay về bến cũ
Một gia đình [được ơn] mưa [móc], thấm nhuần ruộng
đất, càng thêm tươi mới.
(1) Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Nguyễn Tăng Doãn (ĐNTL.CB., tập 33, tr. 42, 78...).
(3) Thi hương, thường tổ chức vào mùa thu.
(4) Tấn thân: người cầm hốt mà xõa tay áo đỏ (chỉ quan viên, thượng lưu). Học giỏi, làm quan, như thế cũng là bước vào giai tầng trên của xã hội (theo quan niệm phong kiến Việt Nam, không phân biệt thành phần xuất thân). Đó là con đường tấn thân (tiến thân) của kẻ sĩ.
(5) Vin quế (“phan quế”): thi đỗ (nghĩa bóng).
(6) Cỡi bè, nghĩa bóng: vượt qua bể học (không có bến bờ). Nghĩa này phù hợp với văn cảnh hơn là “cỡi bè” vượt qua “bể hoạn” (bể hoạn: con đường làm quan sóng gió như đi trên biển).
54
TẠI GIA ĐỊNH, ĐƯỢC TIN BÁO CON
TRAI THAM BIỆN NGUYỄN TĂNG
DOÃN THI ĐỖ KÌ THI MÙA THU
Xa quê, chán bụi, ngựa người đua
Nhớ thuở thi hương tiến bước xưa
Vin quế, chàng này càng xứng nắm (1)
Cỡi bè, đây bọn chửa hay bờ! (2)
Nếp nghiêm, nho gánh, thần làm bố
Đàn phúc, sĩ xây, con có vua
Mây nước khi nào về bến cũ
Một nhà nết đất sáng ơn mưa.
(bản biên soạn)
(1) Chữ “nắm” (cái nắm tay) là một danh từ, để đối với danh từ “bờ”.
(2) Chưa bao giờ thỏa mãn trong việc học tập, cứ học hoài học mãi, dù đã đỗ đạt, ra làm quan.
Bài 55
ẤT HỢI NGUYÊN CHÍNH
1. Huyền minh công thành hậu (*)
Giáp tuất thứ kiû trừ
Bộc trúc liên tiêu hưởng
Điều phong lai từ từ
5. Ngũ canh đãi lậu hạ
Đông minh lũ vấn cừ
Chung thanh tài báo hiểu
Loan thanh chí chỉ thư
Cửu trùng lí thủ tộ
10. Bách chấp giao phu như
Đình hạ tập bang khánh
Điện thượng phú Gia ngư
Trân tàng xuất thiên phủ
Thù tình phỉ báo cư
15. Khánh tứ triêm thừa hậu
Chiêm y húc nhật sơ
Tam triêu khí tải thục
Tường quang mãn đế cư
Nhất niên trưng hưu cát
20. Quần sinh giai phát thư
Hi nhiên đăng xuân đài
Hồn nhiên lâm Hoa Tư
Đán hề ca phục đán
Quỳ tâm hướng nhật sư
25. Thái Hòa thành khả lạc
Tung huống đồng thân sơ
Thánh tâm bất tự mãn
Bách vi kì bật dư
Phỉ cung nãi thần phận
30. Hoàng tuất đồ dữ cư (cứ)
Dân sinh hà dĩ toại
Quốc kế hà dĩ dư
Trù mâu thượng vị cập
Vô phụ thử cư chư
35. Phú cường phi biệt đạo
Thành pháp cụ tư như
Khuynh phủ tức phục thái
[… Tri (?) …] dã hữu nhân dư
Hạnh phùng dương chính trưởng
40. Quân tử hỉ đắc dư
Giao tu thận nguyên thuỷ
42. Thứ ki (cơ) vĩnh chung dư (dự).
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm
55
MỒNG MỘT THÁNG GIÊNG NĂM ẤT HỢI
1. Việc luân chuyển huyền bí xong rồi
Năm Giáp tuất đã qua
Tiếng pháo nổ suốt đêm
Ngọn gió nhẹ đến chậm rãi
5. Năm canh chờ mức nước đồng hồ hạ xuống
Nhiều lần trông chừng xem đã hừng đông chưa
Tiếng chuông mới báo trời sáng
Tiếng chim loan ríu rít
Đức vua bước lên ngôi
10. Quần thần đứng chắp tay
Dưới sân rồng chúc mừng
Trên điện đọc thơ Gia ngư
Đem châu báu ra phủ vua
Đáp lại tình cảm không phải bằng ngọc cư
15. Ơn vua thấm đầy
Ngắm nhìn mặt trời mới mọc
Ba buổi sáng không khí dịu mát
Ánh tường quang tỏa khắp cung vua
Hiện ra điềm tốt lành trong một năm
20. Vạn vật đều phát triển tốt tươi
Hớn hở lên đài xuân
Hòa mình vào hàng quan lại
Sáng sớm hề, ta hát đến sáng sớm mai
Lòng hoa quỳ tươi vui theo bóng mặt trời
25. Thái Hòa xong thật là vui
Chúc thọ khắp người thân cũng như sơ
Lòng đức vua không tự mãn
Mọi người hết lòng giúp đỡ
Dẹp phỉ là phận sự bề tôi
30. Nhanh chóng cấp tiền cho người ốm đau tàn tật
Đời sống của dân làm sao được toại ý
Tiền của của nước làm sao được dư dả
Còn chưa đến nỗi chật vật
Chớ phụ những gì hiện đang có
35. Giàu mạnh không phải là con đường khác
Phương cách thành công có đủ trong mưu kế chặt chẽ
Bỉ hết rồi thì thái trở lại
Bởi [… biết (?) …] có người ư!
May gặp lúc dương đang thịnh
40. Người quân tử vui vì được xe tới đón
Giao thiệp nên thận trọng buổi đầu
42. Dân chúng khen ngợi mãi mãi.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
dịch nghĩa
55
ĐẦU NĂM ẤT HỢI (1)
1. Công việc [chuyển từ] bóng tối [ra] ánh sáng (từ
huyền nhiệm thành minh bạch) [đã] thành [một
cách] trọn vẹn
Giáp tuất, năm thứ hai (phục vụ tại Triều đình) [sắp]
trừ tịch (2)
Pháo trúc suốt đêm âm vang
Gió dịu mát đến chầm chậm
5. Năm canh (3) chờ giọt [đồng hồ] hạ thấp [mực nước
trong bình] (4)
Ánh sáng phương đông – nhiều lần hỏi ai (đã hừng
đông chưa?)
Tiếng chuông vừa báo sáng
Giọng chim loan vang ca, lắng ngừng, thư thả
Chín tầng (5) làm việc [: ban] vận may đầu [năm]
10. Trăm người đồng chí hướng vái người đi qua
[để lên ngai]
Dưới sân [rồng] quần thần (các đại thần) chúc mừng
[năm mới]
Trên điện [vàng], [vua đọc] bài phú “Gia ngư” (6)
Kho châu báu [:lời văn của vua] mở ra [ở] nhà trời (7)
Đáp tình [vua], không [dám] tạ lời [như thể dâng]
ngọc cư (8)
15. Ơn huệ người trên ban thấm đẫm, nối liền, [sâu] nặng
Thấy y như ánh sáng ban mai [lúc] mặt trời bắt đầu [mọc]
Ba sớm mai chuyển tải không khí dịu mát
Ánh sáng tốt lành tràn đầy nơi vua ở
Một năm hiện ra [điềm] tốt đẹp
20. Các sinh vật đều phấn phát nhẹ nhàng
Vui thay [vua] lên đài xuân!
Hồn nhiên bước vào [nước] Hoa Tư (9)
Sớm mai, chừ, ca hát [mừng] sớm mai trở về
Lòng hoa dã quỳ hướng về mặt trời [đang] thỏa dạ
25. [Việc trang trọng ở điện] Thái Hòa [đã] xong,
có thể vui vẻ
Lời chúc ở núi Trung Nhạc (chúc vua) (10), lời tạ của
người thân cũng giống kẻ sơ
Tâm thánh thiện không tự mãn
Bách tính (thần dân) cùng trông mong giúp đỡ, cống hiến
Sự vâng chịu của giặc, [đấy] mới là nhiệm vụ (phận
sự) [của] kẻ bề tôi
30. Tiền trợ giúp [cho] người già con trẻ, kẻ tay làm hàm
nhai [được] cấp cho [chút] thịt thà
Đời sống nhân dân sao cho toại nguyện
Kế sách đất nước sao cho dư dả
Trù liệu [cả những] sai lầm [, những gì vì vậy nên]
còn chưa đạt [được]
Đừng phụ những gì [đang] ở [cùng] (những gì đang
có: nhật nguyệt – ngày tháng) này
35. Giàu mạnh không phải là con đường khác biệt
Phương cách đạt được thành công [được] hoàn bị
(chuẩn bị chu đáo) [về] sự chặt chẽ (như rễ cây
đan liền) [các] ý tưởng, sách lược
Nghiêng xuống mức kém (11), tức là cái tốt
[sẽ] quay về
Bởi biết [đến] người [hiền tài] (12) ư!
May mắn [là] gặp [khí] dương cho sự phát triển chính
[đạo] (vươn thẳng)
40. Người quân tử vui mừng có xe vua [đón]
Giao thiệp cần thận trọng như buổi đầu [không bao
giờ để sự thân mật dẫn đến suồng sã] (13)
42. Ngõ hầu tiếng tốt trọn vẹn mãi mãi!
(1) 1875, Ất hợi, Tự Đức năm thứ 28.
(2) Trừ tịch: Đêm [năm cũ] ra đi: đêm cuối năm.
(3) Canh: đơn vị thời gian ban đêm (“đêm năm canh...”).
(4) Đồng hồ nước kiểu cổ.
(5) Cửu trùng: chín tầng (trời, bệ ngai vàng): vua
(6) Gia ngư: con cá đẹp tốt (tên một bài phú của vua Tự Đức), [Xem mục từ Ơn sóng, TĐTNTN., sđd., tr. 477].
(7) Thiên phủ: nhà Trời (theo quan niệm phong kiến: đồng nhất vua với Trời).
(8) Ngọc cư: một loại ngọc quý để đeo.
(9) Hoa Tư: tên một quốc gia mộng tưởng, không có thật, thể hiện ước vọng không còn giai cấp và sự cách bức nào cả (vua cũng như kẻ bề tôi). Đây là đoạn thơ vượt khỏi luật gieo vần (xem bản nguyên tác chữ Hán) như một niềm reo vui, hân hoan tột cùng, ngỡ là khát vọng “nhà nước mộng tưởng” đang hiển hiện, có thật. [Xem mục từ Hoa Tư, TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 366].
(10) Tung: núi Trung Nhạc (Tung Sơn) bên Tàu. Vua Hán Võ Đế đi chơi núi Tung Sơn, bỗng nghe có tiếng chúc tụng vua ba lần. Người ta cho đó là tiếng của thần núi. Nghĩa thông thường: tiếng chúc vua. (TĐTNTN., sđd., tr. 625). Tung hô: chúc vua.
(11) “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cữu…”. Đại ý: cái gì quá cực đoan sẽ dẫn đến sự biến dịch, biến dịch tất phải khai thông, khai thông tất phải như cũ (trạng thái bình quân âm – dương). Lão Tử đã viết rõ về luật “phản phục”: “Vật cùng tắc biến”; “vật cùng tắc phản” (sự vật đi đến chỗ cực đoan sẽ quay ngược lại); “Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản” (Lớn là tràn khắp, tràn khắp thì đi xa, đi xa là trở về); hiểu một cách khái quát, cũng như trên đã nói: sự vật khi đi đến cực độ thì phải biến, mà biến, thì lại biến trở về cái đích của nó (xem: LTTH, sđd., tr. 44, 124). Ở đây, thể hiện rõ quan điểm biện chứng nho gia với tâm thức tam giáo đồng quy.
(12) Nguyên bản chép sót một chữ. Có lẽ là chữ “hiền” hoặc đúng hơn, là chữ “tri”: “Dã hữu hiền nhân dư!” (?); “Tri dã hữu nhân dư”. Tạm điền chữ “tri” (tri ngộ) – diễn đạt thuật dùng người của bậc minh quân –, căn cứ vào văn cảnh.
(13) Quan niệm ứng xử, giao tế của nhà nho Việt Nam (ngay cả trong quan hệ vợ chồng).
55
ĐẦU NĂM ẤT HỢI (1875)
1. Xong việc huyền minh chuyển
Năm Giáp tuất đã qua
Suốt đêm vang pháo trúc
Chậm rãi gió hiền hòa
5. Năm canh chờ đêm cạn
Xem chừng hừng đông xa
Tiếng chuông vừa báo sáng
Chim loan ríu rít ca
Chín tầng nắm vận nước
10. Chung lòng vái người qua
Dưới sân rồng, mừng chúc
“Gia ngư”, văn Thái Hòa
Trời ban lời châu báu
Đáp tình, đâu ngọc ngà!
15. Ơn vua dày sâu thấm
Mặt trời rạng, ngắm xa
Ba sớm mai dịu mát
Ánh lành khắp cung hoa
Điềm năm đẹp hiện ra
20. Muôn vật đều tươi tốt
Hớn hở lên đài xuân
Hồn nhiên hòa vào quan (1)
Sáng chừ, ca sáng sớm
Dã quỳ, mặt trời gần!
25. Vui lắm thay, Thái Hòa!
Thân sơ nồng tạ chúc
Không tự mãn, lòng đức! (2)
Tận giúp, quan dân ta!
Phận bề tôi dẹp giặc
30. Mau chăm người bệnh tật
Dân toại ý mọi nhà
Sao dư thừa tiền nước
Chật vật chưa sao mà!
Đừng phụ gì đang có
35. Mạnh giàu, đâu đường lạ!
Thành công, vững mưu xa
Suýt nghiêng là đứng đó
Nhờ biết dùng người a?
May gặp khi dương thịnh
40. Xe vua đón, sĩ ca
Từ đầu, quen cân nhắc
42. Dân khen mấy sau xa?
TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
(1) Hồn nhiên hòa vào quan, câu này chỉ tạm dịch theo ý. Thật ra, “Hồn nhiên lâm Hoa Tư”: hồn nhiên vào đất nước đại đồng mộng tưởng, không còn cách bức vua – tôi, cao – hạ nào cả.
Dịch sát nghĩa hơn:
“Vào Hoa Tư hân hoan”.
(2) Một lời khuyên, nhắc nhở vua.
Cước chú của bài thơ số 55, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):
(*) Các bài thơ dài, chúng tôi đánh số thứ tự để tiện đối chiếu giữa các bản (nguyên tác, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, nhuận sắc), không phải phân đoạn.
Bài 56
CUNG HỌA NGỰ CHẾ BÍNH TÍ
NGUYÊN NHẬT (NHỊ THẬP VẬN)
1. Vũ phục kim âu điện
Nghiêu giai ngọc lịch tân
Dương niên phùng kỉ tiù
Đẩu bính kháp lâm dần
5. Liù thủy tam dương hảo
Triều nguyên bách tích tuân
Đào phù trừ cựu tịch (tích)
Lậu tiễn báo sơ thần
Tượng khuyết chiêm tinh nhật
10. Uyên hàng túc tấn thân
Tích linh từ tấn chỉ
Hiến thọ đế cung thân
Giáo hiếu tiên thiên hạ
Đôn di ngưỡng nhất nhân
15. Thanh loan di thúy điện
Chu phất củng nghiêm thần
Phụ ỷ đoan nguyên vị
Hô tung biến thị thần
Lộc minh khuông phỉ huống
20. Đường đệ ngạc hoa chân (chấn)
Quỳnh tịch hương ngưng lộ
Tiêu trường ảnh tán ngân
Bửu phân đồng dị tính
Khánh chí tích kim xuân
25. Gia huệ nhân thần bá
Nùng triêm đáo xứ quân
Hóa quân khai thái tượng
Thần hàn ngụ thiên chân
Duệ toán thâm đồ trị
30. Chu hành chính vọng tân
Vi thần tàm bỉ ổi
Đại tiết phạp kinh luân
Lệ chí thường giai phủ
Hòa trung túy nhược thuần
35. Thể nguyên cơ quát chuyển
Đạt thuận nhĩ hà quân
Vũ nhuận Chu nguyên thử
Phong thanh Hán tái trần
Vạn niên ca đế đán
40. Hân duyệt phổ thần dân.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm
56
KÍNH HỌA BÀI THƠ NGÀY MỒNG MỘT
TẾT BÍNH TÍ CỦA NHÀ VUA,
HAI MƯƠI VẦN
1. Áo Vũ vững âu vàng
Thềm Nghiêu sang năm mới
Năm dương lại gặp chi Tí
Bính vừa đúng lúc vào Dần
5. Bước đầu gặp được cái tốt tam dương
Răm rắp triều nguyên
Bùa đào tiễn năm cũ
Thẻ đồng hồ báo trời sáng
Đứng ở cửa khuyết quan sát sao và mặt trời
10. Bá quan đứng thành hàng đai hốt nghiêm trang
Trời ban thêm tuổi, thái hậu thêm phúc đức
Vua cung kính mừng tuổi mẹ
Dạy đạo hiếu làm đầu trong thiên hạ
Ngưỡng mộ một người là ông Đôn Di
15. Chim loan xanh dời đến thúy điện
Những dây thao đeo ấn màu đỏ hướng về cung vua
Quay lưng về phía tấm bình phong đứng nghiêm trang
Các thị thần ai nấy đều tung hô
Ngoài triều vua tôi vui vẻ
20. Trong nhà anh em đầm ấm
Tiệc quỳnh hương đọng thành sương
Trong chén rượu ánh sáng lóng lánh như bạc tan
Châu báu đem chia họ hàng nội ngoại
Ghi nhớ niềm vui mùa xuân xưa nay
25. Ơn huệ ban phát ra khắp cả
Mọi nơi thấm đẫm như nhau
Tạo hóa mở thái tượng
Bút vua ngụ lòng trời
Tính toán sâu xa là mong đất nước thạnh trị
30. Hành động chu đáo phải trông chờ khách có tài
Kẻ bề tôi nhỏ nhoi này thẹn vì xấu xa
Tiết lớn thiếu mất tài kinh luân
Trong phế phủ thường xuyên nung chí
Say sưa trong lòng như dậy men
35. Cơ trời sẽ chuyển dịch
Đến hồi thuận rồi gần xa như nhau
Mưa nhuần trên cánh đồng nhà Chu
Gió thổi sạch bụi trên cửa ải nhà Hán
Vạn năm ngợi ca buổi sáng của nhà vua
40. Niềm vui tỏa ra khắp thần dân.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
dịch nghĩa
56
KÍNH HỌA BÀI THƠ
“NGÀY MỒNG MỘT TẾT BÍNH TÍ (1)”
CỦA NHÀ VUA, HAI MƯƠI VẦN
1. Áo Vũ (2) vững âu vàng (3)
Thềm Nghiêu (4) lịch ngọc (5) mới
Năm dương (6) gặp kỉ Tiù (6)
Sao đẩu Bính (6) thích hợp vào Dần (6)
5. Khởi đầu [sự vận chuyển theo] dịch lí
[lại là] ba cái dương (6) tốt
Buổi thiết triều đầu năm, trăm [việc] khai mở
[đều] tuân theo
Bùa màu đỏ [vui tiễn] sự ra đi [của] năm cũ
Mũi tên (: thẻ có vạch khấc) đồng hồ [xưa] báo
[khắc] khởi đầu [của] sớm mai
Cửa khuyết (7) với những hình tượng, [chừng như
đang] ngắm sao [và] mặt trời
10. Hàng chim phượng sồ là các quan cầm hốt, xõa
tay áo đỏ [trông thật] nghiêm túc
[Trời] ban đêm tuổi, người mẹ [của vua] tiến về [phía]
phúc đức
Chúc thọ, vua cung kính [thưa với] mẹ
Dạy đạo hiếu làm đầu [cho] thiên hạ
Đôn Di (8), [vua] ngưỡng mộ một người [ấy]
15. Chim loan xanh [bay] dời [đến] điện sâu
Những dây thao màu đỏ (9) xoay quanh (chầu) nơi
vua ở [trông rất] nghiêm
Tựa vào tấm bình phong đứng thẳng ở vị trí đầu
[Các] thị thần tung hô khắp cả
[Tiệc] lộc minh (10), [những] giỏ tre, thùng có nắp
[vua] ban nhiều (11)
20. Cây hải đường (12), [các] đóa hoa [được quây quanh
bởi] các lá xanh [quanh chân hoa] phấn phát
Tiệc đêm [với chén] quỳnh (13), hương đọng
[thành] sương
Chén [nồng vị] hồ tiêu (14), ảnh hình tan ra [như] bạc
Châu báu, chừ, người cùng họ (nội), kẻ khác họ (ngoại)
Ghi chép niềm vui, mùa xuân xưa nay
25. Ân huệ tốt đẹp theo tinh thần [ấy] ban rắc ra
Thấm nồng đến [mọi] xứ đều khắp
Tạo hóa (15) khai mở hình trạng tốt đẹp
Thành ý [của] trời ngụ [ở] bút nhà vua
[Sự] tính toán [của] hoàng đế sâu sắc [trong các] dự
định [để] cai trị
30. Làm tròn [chức năng thiên tử] phải trông chờ [ở kẻ
sĩ được quý trọng như] khách
Kẻ bề tôi nhỏ nhoi thẹn [vì vốn trưởng thành trong]
sự quê mùa [tại] nơi chốn gần biên ải (16)
Tiết tháo lớn thiếu tài cứu nước giúp đời
Chí nguyện gắng sức thường xuyên [mài sắc ở] khắp
các phủ tạng [cứng bền như đá]
Lòng hòa mục [với thiên nhiên, đồng loại, bạn bè]
(17) say như thể rượu ngọt
35. Cái lí uyên nguyên [của] bản thể [vũ trụ là] máy vận
hành phổ quát [mãi] luân chuyển (18)
Đạt tới lẽ thuận [thì] nơi xa,
chốn gần đều cân bằng (18)
Mưa tươi nhuần cánh đồng [nhà] Chu (19) [tốt] nắng
Gió [quét] sạch biên ải [nhà] Hán (19) [ngập] bụi
Vạn niên ngợi ca buổi sáng [của] nhà vua
40. [Niềm] vui đẹp lòng khắp thần dân.
(1) 1876, Bính tí, Tự Đức năm thứ 29.
(2), (4) Hai vị vua cổ đại Trung Quốc, biểu tượng lí tưởng hóa.
(3) Cái bình vàng (chắc bền), ví với Nhà nước.
(5) Lịch của vua (có nạm ngọc, hoặc “ngọc” là mỹ từ).
(6) Các khái niệm dịch lí học.
(7) Cửa khuyết (cửa quyết), chỉ cung vua. Khuyết là lầu canh ở cung vua. Cung khuyết.
(8) Đôn Di. Chưa tra cứu được điển này. Nếu theo chữ viết trong nguyên tác, có thể hiểu “đôn di” (chúng tôi không viết hoa – nbs.) là trau chuộng đạo thường (di luân, luân thường); ở đây là đạo hiếu.
Cả câu: Trau chuộng đạo thường, [vua] ngưỡng vọng một người. Với mặt chữ như thế, không phải là danh tính Chu Đôn Di, triết gia đời Tống (Trung Hoa), người xây dựng nên lí học, được tôn xưng là Chu Liêm Khê, 1017 - 1073 (TĐHV., tập thượng, sđd., tr. 176).
(9) Dây thao có đeo ấn: một trong các đồ phục sức của các đại quan theo quy định.
(10) Lộc minh: tiệc vua ban cho các tân khoa thi hương (cử nhân); đây chỉ là sự ví von (ẩn dụ). [Xem TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 517]. Thơ Lộc minh: tên một thiên trong Kinh thi, khen vua nhà Chu đãi yến tịch (tiệc) các quan (ĐNLT., tập 3, sđd., chú thích, tr. 129).
(11) Hẳn là các giỏ đựng thức ăn, các thùng đựng rượu.
(12) Đường: cây đường (loại đỏ, gỗ làm cần cung; loại trắng, quả ăn được). Ân trạch của quan địa phương lưu lại gọi là cam đường. Đệ: cây đường đệ. Kinh thi có thơ Đường đệ nói về việc anh em ăn uống vui vầy [HVTĐ., sđd., tr. 300]. Ở đây, chỉ các hoàng thân trong hoàng tộc.
(13) Tiệc quỳnh: tiệc có uống rượu với chén làm bằng ngọc quỳnh đỏ, vua chiêu đãi các tân khoa thi hội (tiến sĩ), [TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 113].
(14) Ẩn dụ (ví von, so sánh ngầm), chỉ rượu nồng.
(15) Tạo hóa, theo quan niệm cổ, như cái bàn xoay để làm đồ gốm (sành sứ). “Quân”: bàn xoay nặn vật.
(16) Xem ĐNTL.CB., sđd., tập 30, tr. 170 - 172. Quốc sử quán đã ghi chép rất cụ thể, khá chi tiết:
... “Vua [[...]: lược bớt – nbs.] bảo bộ thần rằng: [...], ở nơi biên viễn, mà không được như Nguyễn Văn Tường, thì lợi chưa thấy, mà hại đã sinh ra, hối làm sao kịp. Bèn sai Thân Văn Nhiếp và Nguyễn Văn Tường thương lượng suy xét. Văn Nhiếp xin cho Nguyễn Văn Tường và Trần Đình Túc cáng đáng việc ấy, và đặt thêm chức tuyên phủ sứ, chọn người thổ trước để sửa sang các công việc.
Nguyễn Văn Tường nói: các châu ở Thành Hóa đất liền với kinh đô, đời đời làm phên che giúp đỡ [...]. Còn về rừng sâu khí núi độc, thì có người đã ở quen, chịu đựng nổi; dân Man không biết gì, thì lấy sự dễ dãi để thân cận họ; biên viễn là việc quan hệ [...]. Trần Đình Túc chưa từng kinh lịch nơi đó [mặc dù Trần Đình Túc là người Do Linh, Quảng Trị – nbs.] nhưng địa thế, dân tình ở phủ hạt ấy rất là biết rõ. Thần sinh trưởng ở đất [Quảng Trị – nbs.] ấy, trước kia đã làm tri huyện ở [huyện Thành Hoá – nbs.] đó hơn chín (09) năm, năm ngoái lại đi khám xét [...]. Trần Đình Túc là người giỏi giang quen việc, tôi [:các bề tôi khác] không thể theo kịp được, nhưng về tục xứ ấy, tình người Man, thì Đình Túc chưa được hiểu rõ như thần. Xin cho thần đổi sung chức tuyên phủ sứ, và kiêm cả chức khuyến nông, phàm công việc nên làm ở bảo Trấn Lao, thì đốc sức cho huyện viên sửa sang; còn ruộng nương, việc trị thủy, đời sống của dân, điều lợi điều hại thì hội cùng với đạo thần [quan ở đạo Quảng Trị – nbs.]. Chức kinh doãn [phủ doãn Thừa Thiên – nbs.] có khuyết hoặc cho Trần Đình Túc kế thay, nhưng kiêm coi cả công việc doanh điền.
Vua lại hỏi Trần Đình Túc, Túc cũng cho là phải, lại tự xin trông coi việc ấy tự trước đến sau.
Vua cho là chức kinh doãn và doanh điền đều chưa có công hiệu, cũng chưa rõ được người [tức là Nguyễn Văn Tường – nbs.] có tài năng hay không, bèn sai điều giữ chức cũ. Trần Đình Túc thì kiêm biện cả nông điền thủy lợi ở Quảng Trị; còn các việc trọng đại về doanh điền của phủ đạo, nên cùng với Nguyễn Văn Tường thương lượng bàn định tâu lên, và hội đồng lựa chọn viên quản đạo, viên huyện”.
Chúng tôi (TXA., nbs.) xin chép lại đoạn trích từ Đại Nam thực lục, chính biên (tập 30, sđd., số trang đã ghi ở dòng giới thiệu lời dẫn mở đầu chú thích này). Qua đó, để thấy rõ một số nét rất cơ bản về gốc gác, quê quán, nơi sinh trưởng và tinh thần tự nguyện, sẵn sàng rời bỏ cương vị cao, nơi kinh thành sang trọng, tiện nghi ở Huế để dấn thân vào chốn rừng sâu nước độc là Thành Hóa (Cam Lộ, Quảng Trị) của Nguyễn Văn Tường. Trước hết, thấy rõ Kì Vĩ phụ chánh đại thần, trung thần triều Nguyễn, người mưu trí và tài ba nhất của giai đoạn đầu chống Pháp:
a. là người địa phương, từ lâu đời, tổ tiên từ ngoài kia sông Gianh vào sinh cơ lập nghiệp trước thời chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa trấn nhậm. Do đó, nguyên quán, nơi sinh trưởng là Quảng Trị (làng An Cư, huyện Đăng Xương [: Triệu Phong]).
b. trải qua hơn chín năm làm tri huyện ở Thành Hóa (theo ĐNNTC., tập 1, sđd., tr. 103, đến 1853 mới đặt chức tri huyện ở vùng này).
c. rất thông hiểu phong tục, tâm tình người nhân tộc thiểu số (Vân Kiều, Cà Tu, Pa-kô...) và cả người Lào xiêu tán. Như thế, Nguyễn Văn Tường chắc chắn rất giỏi tiếng nhân tộc (tiếng Thượng).
Ngoài những lượng thông tin trên, vốn làm rõ hai chữ “bỉ ổi” (thô kệch, nơi biên ải xa xôi, quê mùa), chúng tôi xin nhân đây nhấn mạnh ngoài lề vài chi tiết khác:
a’. Nguyễn Văn Tường xin từ chức phủ doãn ở Huế để chuẩn bị xây dựng chiến khu Tân Sở, khôi phục và mở thêm đường mòn từ Bình Định ra Nghệ An, từ thời điểm này [ĐNTL.CB., tập 31, tr. 86 - 87, tr. 89, tr. 103 (sáu điều tâu về Cam Lộ, lưu ý điều 2)].
b’. Nguyễn Văn Tường từ chức phủ doãn còn vì lí do khác: lúc này nhân dân đang chết đói đầy cả đường kinh thành Huế (nhất là từ Quảng Nam, dân xiêu tán ra), mà Tự Đức vẫn cho tiến hành xây Vạn Niên cát địa (ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 131, 186).
c’. Nguyễn Văn Tường được quyền cùng Trần Đình Túc chọn quan huyện, quan đạo (quan quản lí đạo Quảng Trị). Nguyễn Quýnh hẳn là người thuộc nhóm Nguyễn Văn Tường – Thân Văn Nhiếp nên được chọn làm quan quản đạo Quảng Trị (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 86 - 87).
Đó cũng là những lượng thông tin về ông, giúp chúng ta hiểu hơn nghĩa của chữ trong văn ngữ cảnh cụ thể:
Vi thần tàm bỉ ổi
Đại tiết phạp kinh luân
Lệ chí thường giai phủ
Hòa trung túy nhược thuần
...
Vạn niên ca đế đán
Hân duyệt phổ thần dân.
Bỉ: miền đất gần biên giới; quê mùa, thô lậu... [Bỉ nhân (tự xưng một cách khiêm tốn)].
Ổi: quê mùa. Bỉ ổi: quê kệch.
Vi thần (chữ khiêm xưng): kẻ bề tôi nhỏ nhoi.
Ý nguyên cả câu lại ngược với hai chữ Kì Vĩ (lớn lao) mà Tự Đức phong tặng, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản và nhiều người khác ngợi ca.
(17) Hòa: không cạnh tranh.
Chữ “hòa” của nhà nho (hòa hợp với thiên nhiên, đồng loại; không oán trời, trách người...). “Hòa trung” (tấm lòng hòa mục) gắn liền với “đại tiết” (sự cứng rắn, sự giữ vững ý chí với bản lĩnh, nghị lực lớn) và “lệ chí” (ý chí được nấu nung, mài sắc). Nếu vận dụng vào tình hình chính trị lúc bấy giờ, thời điểm 1876, chữ “hòa” ở đây còn gắn liền với ý thức về thời cơ, chờ thời cơ thuận lợi trong nỗ lực tự cường (“đại tiết”, “lệ chí”) để đạt cho được các mục tiêu: sạch bóng quân xâm lược Pháp (liên minh ma quỷ với giặc Tây Ban Nha, phỉ Tàu, lợi dụng “tả đạo” Thiên Chúa giáo làm công cụ, có chia chác quyền lợi), độc lập dân tộc, bình đẳng với các nước trên thế giới, khát vọng dân giàu, nước mạnh... Do đó, quan niệm chữ “hòa” của Nguyễn Văn Tường khi ngồi thương thuyết (đàm phán) với bọn cướp nước, “tả đạo”, không phải là chữ “hòa” nguyên nghĩa, cho dù tư tưởng ông vẫn ở trong khuôn khổ của ý hệ phong kiến độc tôn Nho giáo thời Nguyễn (“Chu nguyên”, “Hán tái”... là biểu tượng lí tưởng hóa của ý thức sử học nho gia).
Nguyễn Văn Tường vốn là một người chủ chiến, ý thức sâu sắc rằng chỉ có thể quét sạch quân xâm lược bằng vũ trang, nhưng lại biết linh hoạt, “hòa” một cách cơ nghi (sách lược thỏa hiệp tạm thời). Nguyễn Văn Tường từng viết rõ trong tấu, sớ đệ trình lên vua Tự Đức: Chiến – Hòa – Thủ – Chiến (“Chiến” là tiên quyết và tối hậu). (Xem thêm câu đối số 1, “Tự trào”, ở phần ngoài Thi tập, sách này).
Chữ “hòa” của Nguyễn Văn Tường được hiểu như vậy, ở từng văn cảnh cụ thể và trong suốt toàn bộ tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng kinh bang tế thế. Tư tưởng cốt lõi chủ đạo trong hoạt động chính trị và sáng tác của ông vẫn là chủ chiến.
Mở thêm một ngoặc đơn: “Hòa trung” còn có nghĩa là: “Tấm lòng thành ấm áp, nồng hậu” (nên mới say nồng nàn như rượu ngọt dịu nhẹ). Dù với nghĩa nào, cũng gắn bó hữu cơ với “đại tiết”, “lệ chí”, “kinh luân”, “Chu nguyên”, “Hán tái” (biểu tượng được lí tưởng hóa)... Và câu trên dịch thành:
“Ấm lòng say rượu ngọt”.
(18) Quan niệm biện chứng về bản thể vũ trụ (Lí khí, Đạo) và cặp phạm trù bao quát nhất: Âm – Dương.
(19) Nhà Chu, nhà Hán ở Trung Hoa ngày xưa, vốn là biểu tượng thái bình thịnh trị (lí tưởng hóa).
56
“NGÀY ĐẦU NĂM BÍNH TÍ (1876)”
(hai mươi vần)
Kính họa thơ hoàng đế Tự Đức
1. Áo Vũ vững âu vàng
Thềm Nghiêu: lịch ngọc sang
Dương lại gặp chi Tiù
Bính vừa đúng lúc Dần
5. Vận đầu, được ba tốt
Răm rắp, xuân triều quan
Bùa đào tiễn năm cũ
Thẻ giờ báo hé vàng
Mặt trời, sao, đẹp cửa
10. Đai hốt nghiêm hai hàng
Thái hậu, thêm tuổi phúc
Vua mừng mẹ, lời dâng
Gương hiếu dành cho dân
Trau đức, lòng vua mộ
15. Điện sâu bay chim loan
Hướng về, ấn thao đỏ
Trước bình phong nghiêm trang
Thị thần hô vạn tuế
Như tân khoa: vua quan
20. Lá quanh hoa: hoàng tộc
Tiệc quỳnh, hương đọng ngọc
Chén rượu ánh bạc tan
Nội ngoại chia châu báu
Vui ghi xuân nghìn năm
25. Ơn huệ ban đều khắp
Thấm nồng mọi nẻo đất
Tạo hóa mở lượng sang
Lòng trời ngụ ngự bút
Suy sâu, mong giàu nước
30. Làm tròn, tài sĩ dâng
Tôi nhỏ, thẹn quê kệch (1)
Tiết lớn thiếu kinh luân
Chí hoài nung tim óc
Lòng hòa say rượu ngọt (2)
35. Rộng cao lẽ chuyển vần
Xa bằng gần, cơ thuận!
Ruộng Chu, nắng mưa nhuần
Ải Hán, gió quét bụi
Sớm vua, hát muôn ngàn
40. Vui đẹp khắp thần dân.
TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
(1) Lúc này Nguyễn Văn Tường đã được phong tước bá với mĩ hiệu là Kì Vĩ (lớn lao); ông tự hạ mình để khuyên nhắc vua một cách tự tin.
(2) Xin xem chú thích (17) ở bản dịch nghĩa bài này.
Cước chú của bài thơ số 56, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):
(*) Bài tấu trên có câu: “Thần sinh trưởng ở đất [Quảng Trị – nbs.] ấy, trước kia đã làm tri huyện ở [huyện Thành Hoá – nbs.] đó hơn chín (09) năm, năm ngoái lại đi khám xét [huyện Thành Hoá cùng với Thân Văn Nhiếp – nbs.]…”. Có thể khiến người mới đọc qua hiểu rằng, Nguyễn Văn Tường sinh trưởng (sinh ra và lớn lên) ở Thành Hóa (Cam Lộ), Quảng Trị; rồi suy đoán thêm: có lẽ cụ thân sinh là Nguyễn Văn Diêu bị lưu đày lên Thành Hóa do một cuộc nổi dậy nhỏ (chống cường hào ác bá? lí tưởng, tri huyện áp bức?) như Yoshiharu Tsuboi ghi nhận từ cuốn sách của linh mục Nguyễn Văn Phong, xuất bản năm 1981 [NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 268]. Lại cứ theo mạch suy đoán ấy, sẽ cho rằng: vợ chồng cụ Diêu sinh và nuôi dạy Nguyễn Văn Tường ở đất ấy.
Tuy nhiên, “thần sinh trưởng ở đất ấy” phải hiểu là “thần sinh trưởng ở đất [Quảng Trị – nbs.] ấy”, còn Thành Hoá (huyện biên ải) chỉ là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị.
Căn cứ vào tư liệu Gia phả chi tộc Nguyễn Văn của Nguyễn Văn Tường và thơ của ông, ta thấy rõ: Thân sinh Nguyễn Văn Tường, ấy là cụ Nguyễn Văn Diêu (tên thường gọi là Dậu?), sinh năm Mậu ngọ, 1798, mất ngày 11. 3. năm Quý hợi, 1863, thọ 65 tuổi. Cụ Nguyễn Văn Diêu thuộc họ Nguyễn Văn ở làng An Xá Trung, huyện Đăng Xương (nay là An Cư, Triệu Phước, Triệu Phong), Quảng Trị. Và chắc chắn thân sinh của Nguyễn Văn Tường (cụ ông Nguyễn Văn Diêu, thân phụ, và cụ bà Dương Thị Liên, thân mẫu), ít ra phải có một vị là nho sinh, giỏi chữ. Bài thơ số 14, “Đắc báo nguyên tôn sinh”, có hai câu kết:
Trung hiếu ngô môn bồi dưỡng hậu
Miễn tai tố nghiệp các nghi đôn.
Lòng trung, đức hiếu nhà (họ) mình vun đắp, nuôi
dưỡng đầy đặn
Gắng nhé! [Cố sức cho] truyền thống gia phong
cao khiết, trong sạch [hoặc vốn có], [mọi điều,
mọi người] đều [phải] nên trau dồi [dốc sức]
Trung hiếu họ mình đầy đặn đắp
Gắng trau nghiệp cũ, nếp ông cha!
(bản biên soạn)
Trung hiếu theo quan niệm nhà nho thời quân chủ, không thể thiếu yếu tố trung quân, và trung ở đây, rõ ràng là thống nhất với hiếu (hiếu với cha mẹ). Như thế, nếu bản chép tay của Pháp (AOM. Aix, Amiraux 12774, theo Nguyễn Văn Phong và Tsuboi, sđd., tr. 268) không sai về chi tiết này (*), thì có lẽ cụ thân sinh là Nguyễn Văn Diêu bị lưu đày lên Thành Hóa do một cuộc nổi dậy nhỏ, chống cường hào ác bá, lí tưởng, tri huyện áp bức, chứ không phải chống lại triều đình nhà Nguyễn.
(*) Nhưng lại sai về chi tiết Nguyễn Văn Tường không được đi thi vì thân sinh “đã dính líu vào một cuộc nổi dậy” (sđd., tr. 268). Ông chỉ bị cấm thi sau sự cố chữ “phúc” (ĐNTL.CB., tập 24, tr. 163 – 165; QTHKL., sđd., tr. 297).
Chùm thơ hai bài 57. 58
CUNG HỌA NGỰ CHẾ THI NGUYÊN
VẬN: “NHUẬN NGŨ NGUYỆT HỘ TỪ
GIÁ HẠNH THUẬN AN TẤN”,
NHỊ THỦ
57: BÀI A
Thánh tâm nhật dưỡng ái như niên (a)
Thân sảnh cương phùng tái ngọ thiên
Minh nguyệt lâm giang đương thủy tạ
Huân phong thanh thử độ lâu thuyền
Trân tàng cự tẩm cung hào thố (b)
Lương phất trùng yên thị thực miên
Trường ngưỡng nhất nhân hoan phụng ý
Hỗ tòng chu tiếp tự vong quyên (1).
(a) Phụng châu điểm: “Phê thường điển nhi vận bút giai cố diệu. Khâm thử”.
(b) Phụng châu phê: “Diệc diệu vận. Khâm thử”.
(1) [quyên?].
NGUYỄN TÔN NHAN
phiên âm và dịch nghĩa
57. 58
KÍNH HỌA NGUYÊN VẦN THƠ NHÀ VUA
LÀM: “THÁNG NĂM NHUẬN, THEO TỪ GIÁ (1) ĐI CHƠI CỬA BIỂN THUẬN AN (2)”,
HAI BÀI
57: BÀI A
Tấm lòng thánh (3) [mỗi] ngày phụng dưỡng, thương
yêu [mẹ] như [trọn các ngày trong] năm (a)
Thư giãn, nghỉ mát, vừa gặp lại một lần nữa buổi trời trưa
[này]
Vầng trăng sáng chiếu xuống sông, ngay chính giữa
nhà thủy tạ
Ngọn gió lành lọc nắng, [gió] vượt qua [sông], [vào]
thuyền có lầu gác
Thức ăn quý cất trữ [trong] cái tẩm (: chằm, chum) lớn,
[các thị tì] dâng lên món ăn thịt chặt cả xương,
đồ hải sản lẫn lộn (b)
Hơi mát thổi phất [qua] khói thuốc lá nằng nặng [bay
(:bay lững lờ)]; [các thái giám] đứng hầu [nhà
vua, thái hậu] bữa ăn, giấc ngủ
Ngưỡng mộ một người [nêu gương] (4) đã lâu dài, bền
bĩ, [đoàn tùy tùng] vui vẻ phụng vâng ý [thái
hậu]
[Mọi người] đi theo giúp đỡ, phục vụ, [lo] việc thuyền
[rồng], chèo [quế], [nhà vua] tự quên cả mệt
nhọc ưu uất.
(1) Từ giá: xe của người mẹ nhà vua (thái hậu).
(2) Xin xem chú thích (1), bài 58, bản dịch nghĩa.
(3) Chỉ vua Tự Đức, người nổi tiếng có hiếu.
(4) Vua Tự Đức rất ngưỡng mộ ông Đôn Di. Xem chú thích (8), bản dịch nghĩa bài 56. Theo văn cảnh: đoàn tùy tùng ngưỡng mộ đức hiếu của Tự Đức.
(a) “Kính [nhận] nét điểm son đỏ [của vua Tự Đức]: “Phê [rằng]: Theo [loại] điển chế thường mà vận dụng hay, cho nên tinh diệu. Kính theo đó”.
(b) “Kính [nhận] lời phê son đỏ [của vua Tự Đức]: “Cũng lại vận dụng tinh diệu. Kính theo đó”.
57. 58
“THÁNG NĂM NHUẬN
THEO XE THÁI HẬU ĐI THĂM CỬA
BIỂN PHÒNG THỦ THUẬN AN”,
HAI BÀI
57: BÀI A
Kính họa thơ hoàng đế Tự Đức
Lòng thánh phụng thờ ngày tựa năm (a)
Trời trưa lại gặp, mát thân tâm
Soi sông, thủy tạ ngời trăng ghé
Lọc nắng, thuyền lầu lành gió thăm
Cất quý tẩm to dâng cỗ béo (b)
Phất êm khói lửng canh giường đằm
Mãi noi một người vui vâng ý
Quên nhọc, theo chèo, thị nữ chăm.
TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ
(a), (b) Xin xem cuối phần chú thích của bản dịch nghĩa bài này.
Chùm thơ hai bài 57. 58
CUNG HỌA NGỰ CHẾ THI, NGUYÊN
VẬN: “NHUẬN NGŨ NGUYỆT HỘ TỪ
GIÁ HẠNH THUẬN AN TẤN”, NHỊ THỦ
58: BÀI B
Hải môn kha (khả) hạm giá ngao phi
Biến phúc từ vân thử khí vi
Quế trạo thuận lưu thanh tế tế
Da lâm thùy ấm lục y y
Sa đôi cổ lũy thăng thiên hiểm
Pháo trĩ tằng đài phục viễn uy
Thử địa duyệt phòng tiên hiếu trị
Nam thiên vĩnh yết Vụ tinh huy.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
phiên âm
(và dịch thơ ở bài giới thiệu).
57. 58
KÍNH HỌA NGUYÊN VẦN THƠ NHÀ VUA
LÀM: “THÁNG NĂM NHUẬN THEO XE THÁI
HẬU ĐI THĂM CỬA BIỂN PHÒNG THỦ
THUẬN AN (1)”, HAI BÀI
58: BÀI B
[Ở] cửa biển, thuyền lớn, thuyền binh, xe vua [như
đàn] rùa biển tung bay
Xem trọn (ôm khắp) [là] mây an lành, không khí sớm
mai dịu nhẹ
Chèo quế (3) theo dòng [nước], [tạo] âm thanh nho nhỏ
Rừng dừa cúi bóng râm, màu xanh lá [nối] theo màu
xanh lá
Cát dồn [lên] lũy xưa, vươn [lên] trời [thế] hiểm trở
[cho địch]
Súng dựng [ở pháo] đài nhiều tầng, làm nên sự oai
phong [cực kì] dài rộng
Đất này, [vua] duyệt xét sự phòng thủ, [lấy] đức hiếu
[làm] đầu để sửa trị (4)
Trời [nước] Nam mãi mãi tỏa bày ánh sáng sao Vụ (5)!
(1) Thuận An: cửa biển, các đồn hải phòng ở Thừa Thiên – Huế (cửa sông Hương). Xin xem Chuyện triều Nguyễn, sđd., tr. 102 - 122, các bài: “Thuận An”, “Công cuộc phòng thủ miền duyên hải”, “Một cảnh đau lòng”; ĐNNTC., tập 1, sđd., tr. 174 - 175.
(2) Trạnh: con rùa lớn ở biển.
(3) Chèo quế: chèo bằng gỗ quế; cũng là một cách dùng mĩ từ, chỉ chèo ở thuyền rồng (thuyền vua).
(4) Theo quan niệm phong kiến Nho giáo, sĩ, dân và lính cũng phải giữ đạo hiếu với vua, như con cái hiếu với cha mẹ.
(5) Sao Vụ: một loại sao (chưa rõ ý nghĩa là gì). Tên đầy đủ là sao Vụ Nữ (*). Có lẽ tác giả muốn nói đến đức tính của vua Tự Đức là luôn có hiếu với mẹ, chăm lo, yêu thương các bà vợ (!). Cũng có thể thấy vai trò tích cực của bà Từ Dũ, ít ra là trong giai đoạn này (tổ chức phòng thủ...). Ngôi sao chiếu mệnh của Tự Đức có tên là Từ Dũ (cũng đọc là Từ Dụ)! Bà gần như một thái thượng hoàng!
Lời sách văn tấn tôn danh hiệu “Từ Dũ thái hoàng thái hậu”, vào tháng ba âm lịch năm Ất dậu (1883), có câu: “Băm sáu năm treo cao gương mẹ, bóng Vụ tinh soi sáng bao lần” (ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 205).
57. 58
“THÁNG NĂM NHUẬN, THEO XE THÁI
HẬU ĐI THĂM CỬA BIỂN PHÒNG THỦ
THUẬN AN”, HAI BÀI
58: BÀI B
Kính họa thơ hoàng đế Tự Đức
Thuyền xe cửa biển: trạnh rồng bay
Trông khắp, mây lành, nắng dịu thay
Chèo quế theo dòng, êm mát tiếng
Rừng dừa rủ bóng, ngát xanh cây
Cát dồn lũy cổ, vươn đồ hiểm (1)
Súng dựng đài cao, dàn trận oai
Chốn ấy, khám đồn, dùng hiếu sửa
Trời Nam sao Vụ sáng ngời hoài.
(bản biên soạn)
(1) Có thể dịch thoát cách khác:
Cát dồn lũy cổ, vươn cừ vững
Súng dựng đài cao, giăng xích oai
“Cừ” không chỉ là các thanh cây làm nòng cốt cho việc đắp lũy, mà còn là những thanh gỗ cắm xuống lòng sông để ngăn chặn tàu thuyền giặc. “Xích” cũng được giăng ngang sông để cản tàu địch tấn công. Tuy nhiên, chữ “đồ” đối với chữ “trận” (theo từ ghép “trận đồ”) cũng khá đạt.
Cước chú của chùm thơ bài số 57, 58, bài B (58), thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):
(*) Chữ “Vụ” gồm chữ “vụ” là “công việc, chuyên chăm” (thiếu bộ lực), và chữ “nữ” là “phụ nữ” [một chữ chỉ nghĩa, một chữ chỉ âm đọc]. Chữ “Nữ” vẫn được ghép thêm với chữ “Vụ” vừa chiết tự. Cả hai chữ thành từ ghép chính phụ: Vụ Nữ (: người phụ nữ chuyên chăm theo công việc phù hợp với sức lực yếu đuối của đàn bà). [Xem: Thiều Chửu, HVTĐ., sđd., tr. 60, 131].
Xem tiếp:
http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_15.htm
Cũng có thể xem tại:
http://www.tranxuanan-writer-5.blogspot.com
http://www.tranxuanan-writer-6.blogspot.com
Trở về trang
danh mục tác phẩm -- muc lục:
http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm
bài mới -- sách mới -- tin tức mới:
http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2