Web Tác giả Trần Xuân An
Trần Xuân An
biên soạn (tổ chức nội dung, khảo luận, bị chú các bài khảo luận của các tác giả,
chú giải thơ, chuyển ra ngôn ngữ thơ
trên cơ sở Thi tập chữ Hán do Nnc. Trần Viết Ngạc sưu tầm,
bản phiên dịch của Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Nguyễn Tôn Nhan
[Ts. Ngô Thời Đôn hiệu đính các bản dịch]).
Xem phần nguyên tác chữ Hán (hình ảnh quét chụp [scan]):
http://www.tranxuanan-writer-3.blogspot.com
http://www.tranxuanan-writer-4.blogspot.com
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
&
THƠ CA
TẤC LÒNG YÊU NƯỚC SON SẮT
CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG...
Nnc. Trần Đại Vinh (*)
Trong số di cảo của Nguyễn Văn Tường, còn có 64 (1) bài thơ chữ Hán sáng tác từ năm 1869 đến năm 1876, đã thể hiện tấc lòng yêu nước, yêu dân chân thành của ông, một người trí thức chân chính gánh vác nhiều trọng trách trong hoàn cảnh gieo neo của đất nước.
Phần lớn số thơ đó được viết trong giai đoạn ông làm tán lí quân vụ ở các tỉnh biên giới miền Bắc.
Năm đầu tiến đến Lạng Sơn, ông đã xác định tình thế và nhiệm vụ:
Tuy nhiên lòng chó sói
Há để kề bên hông
Bọn ta thẹn ngồi không
Kẻ nào đáng hưởng lộc
Nguyện cùng nhau lo toan
May dân khỏi bức bách
Ông đã ước mơ tiêu diệt hết quân xâm lược, thu hồi nền thống nhất vẹn toàn Nam Bắc:
Diệt hết lũ cừ khôi
Khỏi ô uế bờ cõi
Dẹp loài tanh khác nòi
Nam Bắc cùng một mối
(Sơ đáo Lạng Sơn - dịch).
Ông đã cảm nhận nỗi điêu linh của nhân dân:
Bốn thành cỏ lúa sờn kêu khóc
(Họa thơ Từ Diên Húc).
Và đã khao khát chiến thắng:
Bao giờ sông núi ghi công đó
Chẳng phụ giang sơn mấy nỗi niềm
(Họa thơ Tri huyện An Dũng).
Năm năm lặn lội trên chiến trường tiễu phỉ giáp biên giới Việt Trung, ông còn lưu lại 44 bài thơ đau đáu một nỗi niềm lo cho dân cho nước.
Bài thơ “Bảy lần qua Xương Giang” như một tổng kết tình hình chiến trận gian nan và bế tắc:
Năm năm bảy lượt trẩy sông Xương
Cam chịu gian truân mấy đỗi đường
Cứu hiểm chẳng dành tàu chóng lướt
Lái cầm chưa định buồm ồn giương
Việc đời cuồn cuộn vời con nước
Bế tắc lòng tôi đọng tợ sương
Ngóng Bắc, triều đình hôm sớm đợi
Lô, Thao, trên ải nỡ đùa vờn?!
Đến khi trở về kinh, sung vào sứ bộ Lê Tuấn, đi Gia Định thương thuyết việc giao trả bốn thành Garnier vừa lấn chiếm, ông đã cảm hoài:
Bao năm ải Bắc cờ giong
Nay đi Tây sứ ngồi trong hỏa thuyền
Thương cho đường trước gập ghềnh
Đoái nhìn việc cũ bồng bềnh biển dâu
Giặc thì ỷ thói cuồng đâu
Quan triều ai đó có hầu thấy nguy
Không tài thẹn nỗi trọng vì
Bình sinh thơ đọc mắt ghi trăm bài...
(Họa bài Tàu thủy xuống cửa Thuận
của chánh sứ Lê Tuấn).
Ngang qua Tháp Bà Nha Trang, ông cũng ao ước:
Lục tỉnh nghìn năm về nước cũ
Cõi bờ thu lại chuyến Tây hành
Vào Gia Định, nhân đi xem Sở thú vừa mới thành lập, ông đã cảm xúc chua xót:
Vài chuồng thú lạ là tân vật
Nửa khoảnh chim hoa khác cựu phong
Đối cảnh đáng buồn ai đổi chủ
Gặp người khó nói hết nguồn cơn
Cớ sao tạo hóa còn đa sự
Luống để vườn hoa chép tiếp dòng!
Nỗi niềm trăn trở, dằn vặt đó không còn gì chân thành hơn, phải phát xuất từ một tâm hồn gắn bó sâu nặng với đất nước, với nhân dân và một sự nhận thức cao về trách nhiệm. Đó là tấc lòng mà Nguyễn Văn Tường gởi vào thiên cổ.
Thế nhưng, thơ chỉ bộc lộ nỗi niềm, chứ không thể trình bày sâu sắc nhận định sáng suốt của ông. Phải đọc tấu sớ tường trình lên vua mới thấy rõ tầm nhìn và nhận thức chính trị của ông.
Hãy xem một bài sớ, trước hết biểu lộ đức tính dũng cảm, trung thực, dám nói những điều có thể đụng chạm đến tự ái của vua. Bài sớ đề ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 27 (1874) mở đầu viết:
“Kính, từ khi hoàng thượng nối tiếp cơ đồ lớn lao, vỗ yên vận sáng, tuy trì doanh bảo thái (**) chưa từng không lấy sự gắng gỏi làm nỗi lo toan; nhưng quá nửa ngày thì trời xế, ngược với sáng là tối, là lẽ tuần hoàn xưa nay thay đổi; cho nên trong thì biến loạn của anh em, ngoài thì cái họa của mọi rợ, Nam Kì đất cũ thì trầm luân, Bắc Kì thì giặc cướp liền năm”.
Một đoạn khác nói về tình hình quan lại:
“Nay các quan đương chức trong ngoài, tham nhũng hèn yếu vốn cũng có, nhưng người có tài lo liệu cũng chưa từng thiếu vậy. Kẻ gặp việc thì lo khéo tránh, ở quan mà vui làm việc riêng, đã được trích ra trừng trị răn dạy để sửa chữa thì cũng ít vậy. Thậm chí có kẻ tùy việc đòi hối lộ, như là chợ búa, thế mà lại không biết liêm sỉ. Than ôi, lòng người sao một phen đến thế”.
So sánh với người nước ngoài, ông nhận định:
“Thần thường tiếp người các nước Thanh, Tây. Họ há tất cả đều là siêu việt sao! Chỉ vì họ thì lấy điều thực mà làm, còn ta thì lấy điều hư để ứng phó. Lấy thực đối với hư, thì mạnh yếu đã phân định rõ”.
Từ đó ông đề nghị về chính sách dùng người:
“Kính mong hoàng thượng chọn người chân chính sung lo việc thuyên tuyển, khiến cho nắm lấy công bằng, tiến lui tất có ý (...). Mong hoàng thượng giữ vững quyền truất giáng để khích lệ người tài năng, để người người đều tận lực trong công việc. Nội trị được sửa đổi thì ngoại trị khá hưng, mới có thể thư được nỗi lo đêm ngày”.
Nói về mình, ông viết:
“Đến như thần đã không có tài khác, đường làm quan trắc trở, đã nhiều lần lạm dự vào ơn mưa móc không phải phận mình (2), mới có được ngày nay. Kính được sai làm sứ, thần nào dám tiếc tâm sức. Duy được thờ hoàng thượng trải hơn hai mươi năm nay, ở bên ngoài thì nhiều, chưa am hiểu chính thể. Nếu như ban ơn chỉ dụ cho ở tại kinh, hầu hạ bên cạnh, được nghe lời răn dạy, để cho thần mở óc ngu tối mà giảm bớt lỗi lầm, đợi lúc đến kì sai phái tới lui với Tây, tùy cơ thương thuyết để tiện lo cứu vãn, hoặc có thể đền đáp trọng trách trong muôn một. Ấy là nguyện vọng của thần vậy”.
Từ những công việc cấp thiết lo toan mở mang cho cư dân miền núi Cam Lộ suốt 8 (3) năm làm tri huyện, những việc hành chánh chuyên môn tại Quảng Nam, văn phòng Bộ Binh và Phủ Thừa Thiên, cho đến việc sung làm tán lí quân vụ, phải lao tâm khổ trí và xông pha trận mạc, khi thì thương thuyết giao hảo, phối hợp với quân tướng nhà Thanh, khi thì trực tiếp lặn lội trên chiến trường tiễu phỉ, rồi trải qua những lần đấu trí trong thương thuyết với sứ bộ Pháp, mong đem lại bình yên cho nhân dân, thu hồi tỉnh thành cho đất nước, kể cả việc tham gia làm phụ chính đại thần gặp lúc phải có những quyết định táo bạo, dứt khoát, Nguyễn Văn Tường đã chứng tỏ là một người giữ trọng trách có nhiệt huyết, thể hiện một tấm lòng vì dân vì nước sâu sắc.
Tuy nhiên tài ngoại giao của Nguyễn Văn Tường đã không đủ để cứu vãn tình thế. Vì tình hình đất nước từ sau khi kí hàng ước Quý mùi đã hoàn toàn bế tắc. Nam triều chỉ còn quản lí một cách hình thức phần lãnh thổ từ Khánh Hòa ra Đèo Ngang.
Mặc dù thế, cả Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vẫn hợp lực để gắng gỏi vớt vát. Nhưng khi chính phủ Pháp đã bổ nhiệm De Courcy làm tổng thống Trung Bắc Kì quân vụ, kiêm Trung Bắc Kì toàn quyền, và Le Maire bị áp lực phải từ chức, nhường cho De Champeaux thay thế làm khâm sứ Trung Kì, thì hơn ai hết Nguyễn Văn Tường đã thấy bế tắc hoàn toàn. Theo ông thời, thế, cơ đã không cho phép hành động tích cực. Biện pháp cuối cùng như ông phân trần trong bài sớ gửi Tam Cung chỉ là:
“Lấy mặt cười vui để đối phó bàn tay hung bạo, mở tấm chân thành để thông suốt đá cứng, tuy không thể lấy làm mạnh, mà chỉ có thể làm kế lâu dài” (4).
Nhận thức đó đã làm cho ông trở thành người đứng ngoài cuộc trong cuộc tấn kích quân Pháp đêm 22 - 23 tháng 5 Ất dậu, và tự động ở lại điều đình với Pháp. Đó là một sai lầm lớn của ông (4).
Chính vì sai lầm cuối cùng này mà tác giả dân gian trong “Vè Thất thủ kinh đô” đã không thể chấp nhận Nguyễn Văn Tường, đã xây dựng ông trở thành một nhân vật giảo hoạt, bề ngoài chủ chiến mà bên trong chỉ là cơ hội (5).
May mắn cho ông, [đúng hơn là cho sử học – nbs.], hình phạt đày đi Tahiti, cùng với Tôn Thất Đính, và Phạm Thận Duật đã là một minh chứng hiển nhiên cho lập trường yêu nước, bộc lộ rõ sự đánh giá cụ thể của kẻ thù về bản chất của ông.
Hơn một trăm năm đã trôi qua, ngày nay nhìn lại, có nơi có lúc cũng đã không thấy hết sự phức tạp của tình hình. “Hòa”, chiến đã từng là những trăn trở, dằn vặt của mấy thế hệ sĩ phu Việt Nam. Trong điều kiện đất nước thời ấy, cả hai đường lối ấy đều bế tắc. Lịch sử đã trôi qua, chỉ còn đọng lại là tấc lòng yêu nước son sắt của những con người chân chính. Dù chọn giải pháp nào, họ đều đứng trên vị trí những người thiết tha với vận nước. Những con người ấy đã dám làm, dám gánh trách nhiệm. Dù có lúc nhầm lẫn hoặc thất bại, vẫn sáng tỏ phẩm chất người yêu nước chân chính và tích cực (6).
T.Đ.V.
(Trích từ “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập”, do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển sưu tầm, giới thiệu, phiên âm, dịch [mới 45 bài], tư liệu Hội nghị khoa học, 20. 6. 1996, do Trường ĐHSP. TP.HCM. chủ trì và ấn hành, từ tr. 09 đến tr. 13).
(*) Giảng viên ĐHSP. Huế, nhà nghiên cứu (nnc.) văn học.
(**) Trì doanh bảo thái: giữ sự thịnh vượng, tốt lành (chú thích của tác giả bài viết : ).
Tài liệu tham khảo: Di cảo Nguyễn Văn Tường (người viết dịch) [cước chú của TĐV., tác giả bài viết].
(1) Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh không tính hai bài phản đề được viết chữ cỡ nhỏ dạng đề từ ở nguyên tác chữ Hán. Xin xem chú thích (1) của bản dịch nghĩa bài thơ số 42, gồm cả bị chú [bổ sung cho chú thích (1)].
(2) Cách nói khiêm tốn thời phong kiến.
(3) Xin xem chú thích (1), ở bài viết của Vũ Đức Sao Biển.
(4) Đây chỉ là sách lược dành riêng cho Tam Cung và các quan lại chủ “hòa”, già yếu, thay vì đến “tị địa” Khiêm Lăng hay Tân Sở, trong khi đó, vẫn tiến hành kháng chiến vũ trang kết hợp với đấu tranh thương thuyết. Cuộc Kinh Đô Quật Khởi không tâu trước cho Tam Cung. Xin xem chủ điểm 3 của bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” trong sách này.
(5) Xin xem chủ điểm 3 và chủ điểm 4, bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” của Trần Xuân An (tức là bài “Vài chủ điểm sử học sơ lược cần thiết khi cảm nhận bài “Giải triều …””); chú thích (2), (3) của hai câu đối “Thượng đồ trình…”, và cả chú thích (7) của bản dịch nghĩa bài thơ số 27, đặc biệt là bị chú (*a) về vè “Thất thủ kinh đô”, “Thất thủ Thuận An'' của chú thích (7) ấy.
(6) Theo chúng tôi, chỉ có một con đường duy nhất đúng, đó là con đường Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật... chọn lựa. Chỉ một con đường, nhưng hai nhiêm vụ: kẻ đánh, người đàm, tạo sức mạnh cho nhau, cùng hướng đến một mục tiêu chung là đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc, gồm cả việc đập vỡ âm mưu bành trướng của nhà Thanh (Trung Hoa)... Xin lưu ý điểm này ở bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05.7.1885”.
Xem tiếp:
http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_7.htm
Cũng có thể xem tại:
http://www.tranxuanan-writer-5.blogspot.com
http://www.tranxuanan-writer-6.blogspot.com
Trở về trang
danh mục tác phẩm -- muc lục:
http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm
bài mới -- sách mới -- tin tức mới:
http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2