Bài 8
Trần Xuân An
NGÔNG TẾU
VỚI HAI CÂY TÙNG TRƯỚC SÂN
kinh ngạc, sững sờ, chắp tay kính
gốc tùng, ngàn sợi gỗ vấn giằng
trên đời, vạn loài cây thớ dọc
duy các ngươi quá đỗi hiên... ngang
ngang tàng, lặng lẽ gồng, vỏ toác
hay để xích thừng cho ấm chăng?
ta lùi lại, thấy tùng trăm ngạnh
lao lên trời, tên vút, thẳng băng
bỗng tùng hoá uy nghiêm đài tháp
nghìn xưa sau Tổ quốc ghi công
ta xin biến thành lư nhang thép
tóc dựng lên, toả khói, mênh mông
bạn thơ bảo: trong tùng thớ dọc
ta mỉm cười: đặc ruột thẳng lòng
chất dọc ngang đúc thành xương thịt
máu hổ phách cuồn cuộn vàng ròng
các ngươi nhắc ta thương Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi xa, tùng lại rất gần
cũng muốn kết các ngươi làm bạn
tùng cao, ta… chồng sách kê chân!
ta khiêm tốn để tùng đừng ngại
riêng đỉnh thơ ta có ngót ngàn
Trần Xuân An, tùng ơi, nhớ nhé
dọc bên ngoài, trong khá ngông ngang!
TXA.
13 -14:40’,12.9 HB8
Viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt
Bài 9
Trần Xuân An
GÓC CHIỀU BẢO TÀNG LÂM ĐỒNG
nhân dịp tham quan hai ngôi nhà sàn Chiau Mạ, K’Hor;
tặng thuyết minh viên: cô gái Rơ-ông Ben Len-ni
(gốc xứ Lang Biang) và anh Đăng Toàn.
TXA.
vào nhà, quỳ trước cây nêu
mượn em cần rượu, toả đều tứ thơ
ngước trông lên dưới trang thờ
cánh liền đôi phượng bao giờ, còn bay
ai về ở rể bên này
nguyện đời giữ lửa, thóc đầy gùi hương
gian kia pạp mea nồng thương (*)
giàn treo ngô giống, phên buồng: nia tim
nỏ tên xà gạt lắng im
ú chum vịm choé đợi tìm cồng chiêng
yêu xưa, dải khố treo nghiêng
váy hoa văn trắng, áo viền đỏ tươi
ra thang bước xuống triền đồi
tôi trẻ nhỏ trước mặt trời âm vang
– chiêng ngân – hướng vạn buôn làng
ai về nguồn với bảo tàng cùng em?
TXA.
23:40’,12.9 HB8
Viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt
Bài 10
Trần Xuân An
RỪNG NON BỘ MÊNH MÔNG
viết tặng hướng dẫn viên Lưu Do và các nhà văn cùng đoàn
TXA.
ta về lại với thiên nhiên (1)
chào nguồn Suối Tía đọng Tuyền Lâm xanh
lối rừng thả bước uốn quanh
nhà chim treo tận trên cành ngọn thông (2)
bắc thang trăm bậc xa trông
ngó gần xuống bếp lửa hồng chờ ai
ta về rừng núi sớm mai
chào khe trời ngọt vỗ hoài tiếng xưa
này đây cầu gỗ nguyên sơ
chờ chân ai rẽ niềm mơ lối tình
người đi về phía của mình
dáng trường tay chắp xinh xinh ngực đồi
ta về buôn gặp nụ cười
chào đôi mắt thẳm nghìn đời rừng thiêng
già làng ngước trán nghiêm hiền
trẻ tìm từ đáp má nghiêng thẹn thùa
ẩm trầm mẹ giã, bắp thưa
cà phê đỏ hạt phiền mùa dần vui?
ta về nghe tiếng ngọt bùi
chào em sơn nữ mang gùi làm duyên
bạn thơ ghi ảnh dành riêng
cánh tay măng mịn thuộc quyền người xa!
này thổ cẩm Đạ R’Hoa
hay ai Tùng Nghĩa làm quà gửi em?
ta về hồ biếc, bên thềm
chào voi hiền hậu vòi thèm mía lau
bỗng dưng quặn nhớ rừng sâu
Pongour xưa hú bạc đầu Núi Voi
vang lên hăm lăm năm rồi
vọng từ cây cỏ bồi hồi Đá Tiên
ta về soi ảo bóng thiền
sắc như non bộ bên triền đời không:
hồng hoang sinh thái cõi bồng
cho du khách giũ long đong phố phường
chợt trưa chim chóc kêu thương
ảo thanh nào giữa vô thường Nam Qua
ta về nhìn lại lòng ta
một thời đói, đói củi và đói ăn
đến bạn thơ cũng giỏi săn
chim trời lìa phố, rừng dần vắng chim
khúc ngo dồn nhựa, ruổi tìm
trăm cây thông ngã, không kìm rừng đau
ta về ngồi xuống ngó nhau
kia chăng giả tướng? đó đâu giả hình?
học trong ảo hoá chút tình
thương qua tiếp thị thoáng xinh hư huyền
tạ ơn núi đứng xanh nghiêng
ta rao rất thật, báo chuyền tay ai.
TXA.
05: -13:55’,14.9 HB8
Viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt
Bài 11
Trần Xuân An
THIỀN KHÁCH
tiếng còi tàu réo ngày xa
thuở ga ngập cỏ, lòng ta đường cùng
trời Đà Lạt vẫn không ngừng
thoắt sớm mai đã chập chùng nắng trưa
chuyền tàu Trại Mát lạnh lùa
trôi trong mơ trôi bốn mùa sáng nay…
vườn hoa cắm trại che ngày
đêm cho đất ngủ giấc say hồng hào…
đến ga Trại Mát rồi sao
lên chùa, tôi nhé, cho cao mắt nhìn
ngoài chùa, lòng lọc như phin
thấy trong bã chữ chưa in cặn nhiều
tiểu trong sân quét lá kiêu?
chín năm ngó vách, triết siêu ngoảnh đời?
vào bên tịnh thất, tôi ơi
trước cây hồng, gột thơm lời yêu em
lên tàu, tàu lướt êm êm
về ga, lòng bạn cũng mềm trang kinh
chuỗi lần đừng lẫn tên mình
tù và, mua nhé, vỡ thinh không nào
vỡ mưa hồng chốn lao xao
tù và thổi nắng ngọt ngào vô thanh.
TXA.
15: -16:40’, 14.9 HB8
Viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt
Xin xem chú thích ở cuối tập thơ (tệp 7)