Bài 32
Trần Xuân An
TIẾNG VỌNG HOÀNG KIM HÙNG (1764-1835),
TƯỚNG NHÀ TÂY SƠN
Ô Lý, sính lễ cưới Huyền Trân
nhưng rộng đất, xanh rau, ơn chúa Nguyễn
ta chẳng hiểu vì đâu gươm mài võ luyện (1)
ngựa bay theo Tây Sơn ra Bắc vào Nam
buổi đầu quân, nâng chén rượu, khóc thầm
nhạt lòng trung cũng vì bạo thần, ấu chúa (2)
tưới rượu vào, chẳng tắt trong ta nỗi đau ngọn lửa
sông Gianh đỏ máu, đất nước hai Đàng!
thống nhất non sông, ta toan giũ áo về làng
lại phải đuổi Tàu, vun gò Đống Đa như trái núi
chống kiếm về quê, sông Hiếu nhìn ta mừng tủi
dẫu sao, ta không khoanh tay trong cơn lốc thế thời
khi chúa Nguyễn về kinh xưa, ta ngẩng mặt ngó trời
dưới mồ sâu, cả cười nghe kể tội
ngỡ con cháu mấy đời lầm lội...
chỉ sử sách ngầm ghi công
Tây Sơn thống nhất hai Đàng
thời Pháp chiếm, đẩy Nguyễn suy tàn
ta vẫn vô danh trong pho địa chí
cũng đã xa lắm rồi thời chống Mỹ
Hoàng Kim Hùng, ai khẽ nhắc tên ta?
nhắc ta, hãy nhắc thời non sông xé cắt thịt da
để liền da thịt, phải đánh Xiêm, đánh Tàu,
sau khi đánh tan một vua hai chúa
hãy nhớ ta, tướng Tây Sơn,
cũng ngập mồ lời nguyền rủa
khói trầm hương không huyền ảo hay tâm thành,
càng mịt mờ thân thế ta xưa!
thắp giùm ta dăm ngọn nến chưa?
soi mặt ư? Ra sông Hiếu, múc thêm thau nước
thay nước sông Bến Hải, nước sông Gianh thuở trước
uống chén rượu, nhớ nỗi đau ngọn lửa xa rồi!
TXA.
13: – 14:50, 07-11 HB10
Bài 33
Trần Xuân An
CÒN LẠI CỦA NGƯỜI XƯA
khắc vào vách núi quê hương
dăm họ tên, may chưa mất?
bút giấy đêm sâu trầm mặc
súng gươm cứu nước sáng rừng!
Nguyễn Văn Hiển, danh thơm lừng
Phù Cát, “Đồ Bàn thành kí”
và “Bình – Phú – Nam đạo chí…”
rộng tâm lo khắp dân nghèo (1)
Nguyễn Công Tiệp ngỡ bọt bèo
từ Tây Sơn quy thuận Nguyễn
vẫn ngời ấn gươm, kinh truyện
“Sĩ hoạn tu tri…” giúp đời (2)
tác phẩm các ông xa xôi
tro than, và hoài phủ bụi
tìm đâu, tìm đâu, nhắn gửi…
còn chăng dăm bản hiếm hoi!
rừng sâu cờ nghĩa chói trời
giúp vua, cứu dân, đánh Pháp
Trương Đình Hội như mờ lấp
cùng Hoàng Hoản, Trần Quang Chuyên! (3)
thân thế các ông như thuyền
chìm dưới đáy sâu lịch sử
may sao còn dăm dòng chữ
Phạm Ngọc Tản lại mơ hồ! (4)
khắc vào vách núi không mờ
cũng cần dấu son tiền bạc
khắc vào trang thơ, càng nhạt
kém xa sử chí ngày xưa?
thôi chờ hội đình, lễ chùa?
danh – vị, có – không, còn – mất
thơ này chép ra và thắp
thay nén hương, dâng núi sông?
TXA.
15: – 18:10, 07-11 HB10
Bài 34
Trần Xuân An
GIẾNG CỔ TIÊN THIÊN
rất khi không, bỗng nhớ
rừng mọc làng và trường
tiểu thuyết ta từ đó
một thời quá dễ thương
cổ sơ hơn giếng cổ
giếng Tây Nguyên trường xưa
buốt lạnh chân đồi vắng
tre chẻ đôi làm máng
vũng đọng trong hơn mưa
khe tràn quanh năm tháng
không đá lót viền bờ
không máng mài kiên cố
như giếng cổ Ca Lơ
vạn khối mồ hôi đổ
chưa hoá đá Chiêm sơ! (1)
sách vở và phấn bảng
cao xa đến ngạc nhiên
khảo cổ thành sơ đẳng:
nguyên lí giếng, tiên thiên!
mạch ngọt trái đồi đắng...
vốn sống ven đại ngàn
“Ngôi trường tháng giêng” đọng (2)
hiểu giếng cổ Gio An...
kì công hoài vang vọng
rất khi không, bàng hoàng!
dễ thương, bỗng dễ sợ
nếu đầu độc giếng lành
quặng thải lềnh bùn đỏ
bệnh tật tuôn tràn nhanh
và nếu sẽ chiến tranh (3) …
TXA.
6: - 16:20, 16-11 HB10
Bài 35
Trần Xuân An
QUẢNG TRỊ, TRỐNG ĐỒNG
VANG VỌNG ÂM DƯƠNG
quê mình, đất cổ Việt Thường
trống đồng Trà Lộc mười phương nắng dồn (1)
nguyên âm ( - ) Dương Lệ không mòn (2)
lớn lao nhất cõi, thoảng hồn Khu Liên (3)
Triệu Phong lòng nối Cát Tiên
nguyên dương ( + ) to tát nhất miền Phù Nam
mình, con Chim Lạc tìm trầm
bao năm ngậm ngãi nhớ thầm Trà Liên
trống đồng vọng đến vô biên
phi thời gian vang tận tiền kiếp xa
nghìn năm có thật trong ta
Nhật Nam rồi đến Ô – Ma, đến giờ... (4)
mình thành Quảng Trị liền bờ
Miền Trung mở cõi rộng Cồ Việt ra
chúng mình cũng chính chúng ta
Trường Sơn là mái, chái nhà Bắc – Nam
sân Trung chống bão nghìn năm
chồ Nam vàng thóc, bếp trầm Bắc thơm (5)
xuân Miền Trung đẹp mâm cơm
trăm con Chim Lạc theo nồm về đây
Trà Liên gõ trống liền tay
tiếng đồng Trà Lộc vang say tiếng cười
cựu dinh, kinh cũ, Đất – Người (6)
hai trăm năm rộng gấp mười mươi xưa.
TXA.
16: – 18:00, 17-11 HB10
Bài 36
Trần Xuân An
KHÓA BẢO NGUYỄN HỮU ĐỒNG (1860-1920)
theo ra Tân Sở cần vương
Ông cam chọn lại quê hương, đất này
kiệu vua triền đông, dốc tây
nỗi niềm kẻ ở đêm ngày ngóng trông
quan Tường, Côn Đảo, cứng lòng
đày Pa-pơ-ét, đày không ngày về (1)
quan Thuyết, sơn phòng Hương Khê
lại băng trăm núi ngàn khe sang Tàu!
vua Hàm Nghi, gửi rừng sâu
Quảng Bình hoang rậm, biết đâu mà tìm!
chí Cần vương đành lặng im
nón tơi cày cuốc với sim mua buồn
luyện gươm cho bút khỏi suông
nhưng trường thi Huế cũng tuồng Đầm Tây!
làm dân, thuế cướp trắng tay
cùng dân vùng dậy bao vây tỉnh đường
ba năm tù sáng mười phương
vua Duy Tân cũng dầm sương thăm thầm
súng gươm quật khởi chôn hầm
lộ cơ mưu, non với tầm thời cơ! (2)
chín năm tù, tóc trắng phơ
lại về dạy học, lặng chờ một mai
tuổi già ngắn, vận suy dài
huyệt sâu chôn lấp tâm tài ngàn năm
Cam Thành khuya một đêm rằm
tấc lòng còn đỏ hương trầm tỏa thiêng
và sân trường bóng cây nghiêng
nâng bao ngực áo khung viền tên Ông (3).
TXA.
00:30 – 02:23, 22-11 HB10
06-12 HB10
Bài 37 (vui lòng xem bài bổ sung, 29-12 HB10)
Bài 38
Trần Xuân An
THĂM NHÀ LƯU NIỆM
CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (1907-1986)
chiều đưa về với Bích La
bóng tre chỉ lối tìm qua bên này
Hậu Kiên, thời mở cõi đây (1)
bốn trăm năm, vút đỉnh mây sáng bừng
đề đốc uất buồn kiếm cung
trần lưng thợ mộc, cao nung lá nguồn
sinh Người, thông sáng lạ thường
đành làm thư kí bên đường sắt Tây! (2) (*)
ngậm hờn nước mất, đắng cay
lao vào cách mạng. Tù đày, xiềng gông
ngấm đau khổ nhục, bền lòng
thắng Tây. Mỹ xé núi sông. Sao đành!
tắt chiến tranh bằng chiến tranh
xua đói nghèo, tóc trắng nhanh, vẫn nghèo
Tàu kia mặt nạ rơi vèo! (3)
suối sông bờ cõi: trong veo – đục mờ!
ba năm chạm trán hư vô (4)
Người nghe đất biển Liên Xô rạn dần
con đường cứu nước trọn phần
dở dang, rẽ lối cứu dân, vắng Người!
trưa Nhà Lưu niệm nắng tươi
chiều về hoa lá vẫn ngời hoàng hôn
dấu chân thơ dại mãi còn
và còn muôn thuở nước non giọng Người.
TXA.
19: – 21:40, 21-11 HB10
(*) 12-12- HB10: TXA. đã chỉnh sửa khổ thơ thứ hai.
14-12 HB10: bổ sung chú thích (dẫn nguồn).
Xin xem chú thích ở cuối tập thơ (tệp 7)
Bổ sung ngày 29-12 HB10 (2010):
Bài 37
Trần Xuân An
NGHI THỨC NHẶT CƠM RƠI
CỦA BÀ MẸ QUÊ
nhớ bài thơ về Đa Nhim, 1981
quý hạt ngọc trời, thói quen từ bé
chao vào muỗng canh những hạt cơm rơi
đưa lên miệng, kính cẩn lời niệm khẽ
chưa từng nhạt phai, dù tuổi tám mươi
Ất Dậu, bốn lăm, niềm đau trận đói
(cha lén ăn, để chết lịm con thơ
quá tủi thẹn, đã tự mình treo cổ!)
suốt đời bà, chưa khuây quên bao giờ
chuyện quê buồn, tôi nghe từ tuổi nhỏ
người thành ma đói, ngập chợ đầy đường
một cơ khổ giữa trùng trùng cơ khổ
năm năm giặc Nhật, mấy triệu đau thương
trở mặt Đông Du, mị lừa Đại Á
xót đau, biết trước, còn bịp ai đây!
nay tóc bà vẫn trắng mây nhân hậu
lỡ cơm rơi, nhặt lại, dẫu đủ đầy
nỗi mất nước khắc sâu vào số phận
tiếc ngọc trời thành nghi thức nguyện cầu
Hiro, Naga cũng hằng tưởng niệm
với tiếng bẻ gươm? vỗ cánh bồ câu.
TXA.
14 – 15:25, 29-12 HB10
Xem tiếp:
Thơ bạt: "Cuối năm dương lịch ở phố Tây và Xưa Nay"
(31-12 HB10)