Còn về việc đồng nhất Huyền Trân công chúa, chứ không phải Bà Liễu Hạnh như các nơi khác, với Pô Nagar (Thiên Y A Na Ngọc Diễn Bà, Bà Chúa Xứ, Bà Mẹ Xứ Sở) là sự thật ở Quảng Trị. Đó cũng là một trong những biểu hiện phổ biến về tính dung hợp văn hóa, bổ cứu và loại trừ những yếu tố dị biệt văn hóa nào đó mà nhân dân qua nhiều đời xét thấy cần thiết (4).
Việc gọi trái sim là trái Huyền Trân xuất phát từ cơ sở là nhân dân Quảng Trị biết ơn công chúa Huyền Trân, xem bà như Bà Mẹ Xứ Sở, và cụ thể là do ý nghĩa của danh từ riêng Huyền Trân (báu vật màu tím đen). Thêm vào đó, làm sao lại tôn thờ một người phụ nữ mới chịu tang chồng lại tư thông (quan hệ tình dục) với người khác, cho dù sau đó đã đi tu cho đến hết đời! Vì vậy, việc sáng tạo nên một truyền thuyết mới về công chúa Huyền Trân, tự cắt nuốm vú, thề nguyền chung thủy, và hai nuốm vú ấy làm nên những mùa sim chín ngọt (trái sim giống y nuốm vú) cho con cháu muôn đời trên đất Châu Ô, Châu Rí (Lý) xưa, là phù hợp phần nào với cổ tục nhiều nước, nhiều tôn giáo, lại rất phù hợp với tâm linh, tín ngưỡng, đạo lý dân tộc Việt nói chung, Quảng Trị nói riêng. Ngay trong thời đại công chúa Huyền Trân, về anh ruột của bà, vua Trần Anh Tông, cũng có một việc gần giống như thế:
“Bấy giờ, thượng hoàng [Anh Tông – TXA. ct.] có ý xuất gia, nên sai cung nhân ăn chay. Các cung nhân đều ngần ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng làm lương ăn tu hành ngày sau. Rồi Thị Diên quả nhiên đi tu cho đến lúc mất, Phật hiệu là Tịnh Quang ni”.
(ĐVSKTT., sđd., tr. 158).
Như vậy, chi tiết Huyền Trân tự cắt nuốm vú để bày tỏ ý chí chung thủy, giữ trọn tình vợ chồng với Chế Mân, không có gì là phi lịch sử mặc dù không có trong lịch sử, nghĩa là vẫn phù hợp với cách hành xử trong giai đoạn lịch sử ấy. Tất nhiên, ngày nay, không ai khuyến khích hay tự thực hiện cách thề nguyền như vậy, thậm chí là bị phê phán, bị tội hình sự là khuyến khích người khác hay tự hủy hoại thân thể nữa!
Về chi tiết khi ăn sim, nhớ đến nuốm vú Bà Mẹ Xứ Sở Huyền Trân, thì cũng chỉ là “ăn ẩn dụ”, như ăn trầu trong cổ tích Trầu Cau, như ăn bánh thánh của Thiên Chúa giáo…
Thành thật mà nói, sự sáng tạo “truyền thuyết mới” ấy của tôi, theo mô thức truyền thuyết cổ trong dân gian ngày xưa, kể cả truyền thuyết tôn giáo, cũng chỉ là sự nâng cao, kết tinh hóa, chưng cất lại chất liệu sẵn có trong dân gian ở các xóm làng Quảng Trị mà thôi. Vấn đề là tôi đã viết rõ ở nhan đề bài thơ là “truyền thuyết mới” và cũng đã chú thích rõ: “Các chi tiết khác với sử, trong bài thơ, chỉ là truyền thuyết” (5). Đó là sự liêm khiết, lương thiện trí thức của một người cầm bút, cho dù ở thể loại có biên độ rộng mở, chấp nhận nhiều cách tân, khai phá mới mẻ nhất là thơ. Cũng cần nói rõ, ở lĩnh vực nghiên cứu, khảo luận, tôi hoàn toàn bảo đảm tính khoa học ở mức cao nhất và bản thân tôi cũng luôn tâm niệm về tính trung thực của người nghiên cứu, khảo luận.
C. Ngoài năm (05) bài thơ trên, còn có một bài khác, “Còn lại của Người Xưa”, có lẽ cũng xin nói thêm. Tôi đã có sự chỉnh sửa hai chữ trong câu thứ tư ở khổ thơ này, mặc dù nó đã được đăng tải:
“Nguyễn Văn Hiển, danh thơm lừng
Phù Cát, “Đồ Bàn thành kí”
và “Bình – Phú – Nam đạo chí...”
rộng tâm lo khắp dân nghèo”
Và nhiều chữ khác ở khổ thơ dưới đây:
“tác phẩm các ông xa xôi
tro than, và hoài phủ bụi
tìm đâu, tìm đâu, nhắn gửi...
còn chăng dăm bản hiếm hoi!”
Bởi lẽ, tôi biết chắc là một trong hai cuốn sách của Nguyễn Văn Hiển (gốc Quảng Trị, từ đời ông nội vào lập nghiệp ở Bình Định) là “Đồ Bàn thành ký” hiện nay vẫn còn ở Thư viện tỉnh Bình Định, và cuốn “Sĩ hoạn tu tri lục” của Nguyễn Công Tiệp (người Hải Lăng, Quảng Trị), hiện cũng còn ở kho sách Hán – Nôm tại Hà Nội.
Xin có thêm những lời cáo bạch như vậy, sau khi tôi tự thẩm định lại loạt thơ sử của tôi gần đây. Nếu còn những sơ suất nào, xin được nhận lời chỉ giáo của quý người đọc và giới cầm bút với lòng biết ơn chân thật nhất.
Trần Xuân An
9: -- 12:15, 11-11 HB10 (2010)
________________________
(*) Tính đến thời điểm viết bài này.
(1) Tôi đã đọc hai bài nghiên cứu của hai thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến và Đào Nhật Kim về Lê Thành Phương (Phú Yên), trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Huế, số 2 [61] 2007, tr. 69-81), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 6 [398] 2010, tr. 22-29).
(2) PGS.TS. Đỗ Bang cũng có một tham luận sử học về Hoàng Kim Hùng (Quảng Trị), nhân kỉ niệm 217 năm ngày sinh Hoàng Kim Hùng (tài liệu đánh máy, lưu ở dòng họ Hoàng làng Vĩnh An [?], theo http:// pgdcamlo. edu. vn / article / detail / cac -di -tich -lich- su- van -hoa -huyen- cam -lo .aspx).
(3) Theo phản hồi của nhà giáo Nguyễn Phụng (Diên Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị), địa danh “Mộ Ông Chưởng” chỉ là cách gọi tắt về một vùng đất do một ông tên Chưởng nào đó đã mộ dân khai phá, lập trang trại hay xóm dân cư mới, chứ không phải lăng mộ Ông Chưởng Phan Bân (?-1869). Đó là cách gọi tắt hơi tùy tiện, thiếu bài bản! Lẽ ra phải gọi tắt là “Mộ phu ông Chưởng” hay gọn nhất cũng là “Phu ông Chưởng”, “Trại ông Chưởng”, "Sở ông Chưởng" để tránh trường hợp đống âm dị nghĩa (lăng mộ với chiêu mộ, mộ dịch, mộ phu, mộ nghĩa, lính mộ…), dễ gây hiểu lầm…
(4) Chắc chắn văn hóa Việt không thể chấp nhận yếu tố mẫu hệ cổ sơ như Pô Nagar có đến 97 người chồng (phồn thực, nhiều con cháu)…
(5) Các chú thích dưới các bài thơ, tôi không ghi xuất xứ các tư liệu một cách đầy đủ (tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang) mà chỉ ghi tên sách vì các sách ấy quá phổ biến và cũng vì chúng đã có sách dẫn (địa danh, nhân danh), mục lục chi tiết.
Bài viết đã được chỉnh sửa lần cuối: 04 & 10-12 HB10