DÂN CHỦ, HIẾN KẾ & BẢN QUYỀN Ý TƯỞNG
Trần Xuân An
Dĩ nhiên vẫn bầu cử như lệ thường, để “thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở các hội”, nhưng nên chăng cần mời một ít chủ tịch, ủy viên thuộc các ban chấp hành tiền nhiệm vào ban cố vấn?
Người cầm bút văn chương phải viết văn chương, để có nhiều tác phẩm hay, cống hiến cho xã hội. Đó là mối quan tâm hàng đầu, canh cánh khôn nguôi. Nhưng họ cũng cần tự do, độc lập, tự chủ trong một xã hội càng dân chủ càng tốt, vì trong điều kiện đó, tác phẩm mới thực sự là tác phẩm, và tác phẩm có nơi đăng, được xuất bản, được phát hành. Khát vọng ấy cũng là khát vọng chung của tất cả mọi người thuộc mọi ngành nghề, vì sự sản xuất, sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm của họ, vì ý thức cống hiến của họ. Ngành giáo dục – đào tạo và hành chính – dịch vụ công cũng thế.
Và như mọi ngành nghề, giới cầm bút văn chương cũng có hội nghề nghiệp của họ. Ở nước ta, mặc dù các ban chấp hành các hội nhà văn địa phương hay toàn quốc cũng chỉ là một số nhóm người vận dụng, thực thi đường lối, chủ trương, cụ thể là các nghị quyết có tính lãnh đạo từ trên đưa xuống, nhưng cách vận dụng, thực thi như thế nào là tùy từng nhóm người trong mỗi nhiệm kì. Người cầm bút trong hội hay ngoài hội cũng đều bị ảnh hưởng, bởi vai trò tham mưu cho cấp trên (thành ủy, ban tuyên giáo…), bởi công tác quản lí cấp dưới của các ban chấp hành ấy (cụ thể là một số tờ báo, nhà xuất bản do các ban chấp hành các hội chỉ đạo…).
Vì vậy, hình như mỗi người cầm bút văn chương đều muốn và ít nhiều cũng đã lên tiếng trên phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả các loại điểm mạng toàn cầu (internet). Họ đăng tải các ý kiến khen chê, xây dựng. Họ hiến kế…
Tôi thấy không khí như vậy là vui, miễn là người cầm bút văn chương chỉ xem các bài báo, các ý kiến, tham luận các vấn đề cụ thể, trước mắt (1) không phải là sự nghiệp chính, mặc dù chúng cũng thuộc trước tác của họ và họ cũng giữ bản quyền về chúng.
Một khi mọi người cầm bút đã được quyền góp ý, hiến kế và các ban chấp hành đều quan tâm đọc, lắng nghe, rồi tiếp thu, sử dụng các ý tưởng, các kế sách hay, thì theo tôi, hầu hết những ai trong diện quy hoạch nhân sự với những tiêu chuẩn thẻ hồng, thẻ chuyên nhất định cũng có thể đảm trách được vai trò chủ tịch hội, ủy viên ban chấp hành.
Không một ai nghĩ rằng các chủ tịch hội, các ủy viên ban chấp hành đều có ở mỗi người một núi sáng kiến, mỗi người là một mỏ tài nguyên ý tưởng mới, có giá trị thực thi, không bao giờ cạn.
Vì thế, việc chỉnh sửa quy chế, điều lệ để có một “chủ tịch trọn đời” hay một người có thể đảm đương trên hai nhiệm kì là không cần thiết. “Chủ tịch trọn đời” vốn thuộc cơ chế dân chủ trước đây, trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Nhưng, có những cái ngày xưa là “ổn”, nay đã không còn được xem là “ổn” nữa. Trong lúc này, như thế là trái với nguyên tắc dân chủ thời Đổi mới. Khát vọng dân chủ mà ở giữa thời Đổi mới lại làm trái với dân chủ được sao? Thậm chí, hiện nay tán thành với việc làm trái dân chủ như thế cũng đã khó coi rồi (2)!
Tôi nghĩ, các vị đã hoàn tất nhiệm vụ trong một hoặc hai nhiệm kì như quy chế, điều lệ quy định, đặc biệt là các cựu chủ tịch hội, rất nên tham gia vào ban cố vấn. Đây chính là lệ truyền ngôi của triều Trần trong lịch sử nước ta. Gần đây, cũng đã có Ban Cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng. Nên chăng, cần được giới cầm bút văn chương kế thừa, vận dụng trong thời Đổi mới, bùng nổ thông tin? Theo tôi nghĩ, rất nên, rất cần thiết.
Với vai trò trong các ban cố vấn, các vị đã hoàn tất nhiệm vụ nói trên vẫn có thể góp ý, bàn bạc công việc với những người đương nhiệm. Hơn nữa, họ có thể và có quyền tham gia các cuộc họp của các ban chấp hành với tư cách cố vấn. Và một khi ý kiến của họ không được các ban chấp hành trẻ hơn họ lắng nghe, biểu quyết tán thành, thực thi, họ có quyền đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả những điểm mạng các loại. Tất nhiên, ý kiến của họ, họ vẫn giữ bản quyền.