Cố TBT. Lê Duẩn, 1927 (1907-1986)
Bài 14
Trần Xuân An
THĂM NHÀ LƯU NIỆM
CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (1907-1986)
chiều đưa về với Bích La
bóng tre chỉ lối tìm qua bên này
Hậu Kiên, thời mở cõi đây (1)
bốn trăm năm, vút đỉnh mây sáng bừng
đề đốc uất buồn kiếm cung
trần lưng thợ mộc, cao nung lá nguồn
sinh Người, thông sáng lạ thường
đành làm thư kí bên đường sắt Tây! (2) (*)
ngậm hờn nước mất, đắng cay
lao vào cách mạng. Tù đày, xiềng gông
ngấm đau khổ nhục, bền lòng
thắng Tây. Mỹ xé núi sông. Sao đành!
tắt chiến tranh bằng chiến tranh
xua đói nghèo, tóc trắng nhanh, vẫn nghèo
Tàu kia mặt nạ rơi vèo! (3)
suối sông bờ cõi: trong veo – đục mờ!
ba năm chạm trán hư vô (4)
Người nghe đất biển Liên Xô rạn dần
con đường cứu nước trọn phần
dở dang, rẽ lối cứu dân, vắng Người!
trưa Nhà Lưu niệm nắng tươi
chiều về hoa lá vẫn ngời hoàng hôn
dấu chân thơ dại mãi còn
và còn muôn thuở nước non giọng Người.
TXA.
19: – 21:40, 21-11 HB10
(*) 12-12- HB10: TXA. đã chỉnh sửa khổ thơ thứ hai.
14-12 HB10: bổ sung chú thích (dẫn nguồn tài liệu tham khảo).
(1) Ông được sinh ra tại nguyên quán: Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng thời tuổi nhỏ, sống tại làng Hậu Kiên, gần đó. Hiện nay, Nhà Lưu niệm được xây dựng tại Hậu Kiên.
(2) Xem: Lê Bá Tạo, “Gia đình đồng chí Lê Duẩn những năm 1946-1953 ở Bích La Đông”, đăng trong tạp chí Cửa Việt, số 151 (bộ mới), tháng 4-2007, tr. 83-85; cũng đã đăng trên báo Quảng Trị và tập san Tình Quê của Hội Đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng. Cố tổng bí thư Lê Duẩn có thời làm thư kí kho vật tư tại ga xe lửa Đà Nẵng, Hà Nội, dưới thời Pháp xâm lược, thống trị, cũng như chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có thời là lính thợ của thực dân Pháp (tôi viết câu thơ này trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc). Tuy nhiên, ông sớm tham gia cách mạng (1930), trải qua hai lần tù tại Côn Đảo, 1931-1936 và 1940-1945…
(3) Xem: Bộ Ngoại giao Nước CHXHCN. Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua”, Nxb. Sự Thật, 10-1979.
(4) Ông bắt đầu ngã bệnh vào năm 1982.
Xem tư liệu: Lê Bá Tạo, “Gia đình đồng chí Lê Duẩn những năm 1946-1953 ở Bích La Đông”:
Hình bìa đặc san Tình Quê
2 trang 56-57
2 trang 58-59

