VIẾT TIẾP THƠ SỬ VỀ QUẢNG TRỊ
(3 bài)
Bài 8
Trần Xuân An
TRUYỀN THUYẾT MỚI VỀ HUYỀN TRÂN,
BÀ MẸ XỨ SỞ
tóc huyền xinh, xinh mắt huyền
răng huyền ngời nụ cười duyên môi hồng
vào Chiêm, sóng nghẹn thuyền rồng
qua Ô qua Lý, nghe lòng bâng khuâng (1)
Huyền nương vào với Chế quân
Trân cùng Mân hẳn liền vần ngàn năm
đâu ngờ Mân hoá khói trầm
cướp Trân khỏi lửa, phăm phăm, lao thuyền (2)
yếm đào cởi giữa phút thiêng
cắt đôi nuốm vú, xin nguyền thuỷ chung
máu rỏ Trường Sa muôn trùng
mùa sim từ đó tím rưng rức rừng
xưa sau truyền thuyết lưng chừng
ngọt hương mọng trái biểu trưng quê mình
sim Huyền Trân mãi trung trinh
sử dù lưu oán triều đình hai bên!
ngậm sim là ngậm cái tên
chúa Huyền Trân – chúa Ngọc đen, kính hoài (3)
kính thêm rau muối đời dài
sớm hôm trời tím, khoan thai chuông thiền
hoa sim thăm viếng tiên hiền
trái sim thắm ngọt miếu thiêng, linh đài
hồn Nhữ Hài Huế không phai (4)
chín huyền Quảng Trị trải dài Quảng Nam.
TXA.
9: – 11:30, 07-11 HB10
7: – 8:52, 03-12 HB10
Bài thơ này đã được bổ sung thêm 4 câu (màu đen nâu)
03-12 HB10
TXA.
(1) Chế Mân, vua Chiêm Thành, cưới công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, với sính lễ là hai châu Ô và Lý (châu Thuận và châu Hoá, từ Quảng Trị vào đến Điện Bàn, Quảng Nam).
(2) Trần Khắc Chung theo lệnh vào viếng tang, nhân đó cứu Huyền Trân khỏi lễ hoả táng theo chồng như phong tục Chiêm Thành thuở bấy giờ. Thuyền đi lạc ra các đảo xa; một năm sau mới về đến Thăng Long (Hà Nội). Sau đó, Huyền Trân xuất gia tu Phật, trụ trì chùa Nộn Sơn, Nam Định (“Đại Việt sử kí toàn thư”; “Đại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Nam Định; và “Từ điển di tích văn hóa Việt Nam” do Ngô Đức Thọ chủ biên…). Các chi tiết khác với sử, trong bài thơ, chỉ là truyền thuyết.
(3) Có nhiều nơi ở Quảng Trị đồng nhất Công chúa Huyền Trân (chứ không phải Bà Liễu Hạnh) với Thiên Y A Na (Bà chúa Ngọc), thể hiện sự dung hợp văn hóa Việt – Chăm.
(4) Đoàn Nhữ Hài là vị quan đầu tiên trấn nhậm đất Ô và Lý.

Trái Huyền Trân = Nuốm VÚ của Bà Mẹ Xứ Sở
Nguồn ảnh: Picasa - Google
Bài 9
Trần Xuân An
TIẾNG VỌNG HOÀNG KIM HÙNG (1764-1835),
TƯỚNG NHÀ TÂY SƠN
Ô Lý, sính lễ cưới Huyền Trân
nhưng rộng đất, xanh rau, ơn chúa Nguyễn
ta chẳng hiểu vì đâu gươm mài võ luyện (1)
ngựa bay theo Tây Sơn ra Bắc vào Nam
buổi đầu quân, nâng chén rượu, khóc thầm
nhạt lòng trung cũng vì bạo thần, ấu chúa (2)
tưới rượu vào, chẳng tắt trong ta nỗi đau ngọn lửa
sông Gianh đỏ máu, đất nước hai Đàng!
thống nhất non sông, ta toan giũ áo về làng
lại phải đuổi Tàu, vun gò Đống Đa như trái núi
chống kiếm về quê, sông Hiếu nhìn ta mừng tủi
dẫu sao, ta không khoanh tay trong cơn lốc thế thời
khi chúa Nguyễn về kinh xưa, ta ngẩng mặt ngó trời
dưới mồ sâu, cả cười nghe kể tội
ngỡ con cháu mấy đời lầm lội...
chỉ sử sách ngầm ghi công
Tây Sơn thống nhất hai Đàng