TỪ CÕI NHỚ EM VỀ
bơ vơ xiêu lạc miền xưa
nắng mưa trầm tưởng mấy mùa đầy vơi
mặc cho dòng thơ nhẹ trôi
lại trôi về phía chân trời yêu thương
mọc lên cuối vạn nẻo đường
vầng trăng xưa cổ nét buồn sáng tươi
bao năm vẫn một nụ cười
môi em nồng ấm xa vời nhìn trăng
lại về cùng tôi đó chăng
áo bay thuở nó nghiêm trang dáng hiền
cơ hồ tâm rất bình yên
trải lòng ra giữa vô biên, em về!
1992
ĐỨC TRỌNG VÀ “QUÁN BÊN ĐƯỜNG” (*)
Tặng bức tranh "Nạn nhân của sadisme [văn sử triết...]"
treo trong nhà ở Diên Sanh
trường cũ ta về như rơi hẫng
trong đám cỏ khô đang mùa khô
bạn bè năm ấy rất đồng cốt
gặp nhau ngờ ngợ còn đồng cô
cùng đau xé ruột cười ha hả
ai hớp hồn rồi lũ rối ơi!
xác như lắp ráp đời chắp vá
lơ láo phân thân giữa rối bời
ta biết tận lòng nhau máu ứa
thương nhau muốn khóc vẫn sợ nhau
đắng lưỡi đôi đằng lời đôi nẻo
riêng biệt đời riêng còn ngấm đau
dẫu thông Đức Trọng ngút sĩ khí
sân trường đành đắp mộ Đạm Tiên
gió lốc xoáy cuồng trong cuồng tưởng
nỗi bệnh thắp bùng Nhật kí điên… (**)
đèo nhau quanh quẩn đầu suýt quẫn
mừng trò bác sĩ tâm rất thiền
mừng thầy còn sống còn cười được
thoát nghiệp đời giữa phố tu tiên!
vẫn thích rượu: ngồi nhìn bạn uống
nỗi đau xưa đã ấm trong tim
lắng xuống đời nhau niềm trầm uất
thơ thấu lòng nhau sao lặng im!
thôi nhé, đêm hoang sơ thị trấn
ta về quán trọ, bạn yên thân
chúc từng tổ ấm là lô cốt
giữ chút chất người. Đừng cười khan.
Đức Trọng, 29. 12. 1992 – Sài Gòn, 1993.
Cước chú của bài Đức Trọng và “Quán bên đường”:
(*) Nhạc Phạm Duy, thơ khuyết danh (Trang Thế Hy [?]). Trong đó, có một số câu thật nhức nhối: … Rồi em hỏi anh làm chi? / Cầm bút để viết ngày đêm / Viết gì? / Đời thối phải nói là thơm / Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm / […] Em hỏi nghệ thuật là chi? / Là câm là điếc là đui mà đi…
(**) Nhật kí người điên của Lỗ Tấn. Xin xem: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản 2003.
NGÕ RÊU
bước chân về lối cũ
rêu xanh trên thành chiều
vệt nắng tà dần úa
hắt hiu buồn tàn xiêu
tôi bây giờ xa lạ
mỗi tôi nhìn ra tôi
chợt tím hoa me đất
từ vết thương nguôi rồi
chia tan từ độ ấy
em trôi giạt phương nào
cố quên lòng vách cổ
màu gạch không hư hao
tìm chi nơi cõi hẹn
bóng tối đang khoả nhoà
ánh tím hoa me đất
hoá vì sao quá xa!
1992
ĐÂU ĐÓ GIỮA VÔ BIÊN
I. TIẾNG GIÓ
đôi khi hồn bỏ thân tôi
ra đồng xuống phố lên đồi vào mây
hiện về trang giấy run tay
gió trời vạn tuổi cuốn bay, sương mờ.
II. TIẾNG CHIỀU
mang mang sóng nước xao nghiêng
bên kia ngan ngát một triền nắng hanh
nghe trong sương khói buông nhanh
vạc kêu miền nhớ thắp xanh vòm trời.
III. TIẾNG MÙA
ngã mình ngủ dưới cội cây
tàn phai hoa lá phủ đầy thân tôi
chợt bừng thức giấc giữa đồi
ngước lên sao biếc vạn chồi xanh non.
IV. TIẾNG LÁ
nghe xa vọng tự tháng năm
gió sông hun hút rét căm biển trời
mong manh kiếp lá, vèo rơi
vẫn trông lồng lộng cõi người xanh reo.
1993
ĐỌC LẠI ĐẠO ĐỨC KINH,
THẤM BUỒN
đến trần ai làn sương không tuổi
rất già nua và quá trẻ thơ
tên ông huyền ẩn như nguồn Đạo
tạc Hư Vô dáng Mẹ bao giờ
tôi muốn khóc theo từng âm cổ
buốt khói mây ấm giọt lệ người
bên sông máu núi xương đụn sách
phác lời kinh thật đến khơi vơi
ông nhập thế lại bằng xuất thế
ước nơi nơi dòng Đạo khoả đều
lặng lẽ, cỡi trâu chiều huyền thoại
gượng lập ngôn với mộng tiêu diêu
giữ thanh đạm một niềm hiền triết
khinh kỉ cương trí tuệ, giễu mình
gương sáng láng cơ hồ mông muội
tất yếu tự nhiên, vút tâm linh!
đời mãi chảy thực hư, hư thực
thực trong hư, va đập, nở sinh
ông thấu suốt ngồi im dõi ngắm
chí vô vi ngỡ rất vô tình
ôi Huyền Đồng Huyền Đồng là Đạo
hỡi câu kinh trầm tĩnh không ngờ…
dẫu hư không vẫn không vô dụng
khoảng trống nào giữa những dòng thơ
ơi “bản tánh nguyên sơ” thơm ngát
tôi thấy tôi đầu nẻo vô thường
ơi đứa bé hai tay nắm chặt
đang nằm nghe lòng Mẹ yêu thương
cũng suýt ngỡ mình thành bướm trắng…
đậu sừng trâu chiêm ngưỡng trích tiên
nhưng sợ hãi lách lau hiu hắt…
nửa hồn này cứ chớm an nhiên
niệm về ông khúc ca Tịnh Khẩu
ôi phố phường vui biết bao nhiêu!
khi lếch thếch, ờ, khi ngất ngưỡng
tập cười xoà cho bớt đăm chiêu.
1993
HÌNH NHƯ
CÓ MỘT SỚM MAI TUỔI THƠ
gió thơm cây mây nhẹ trời
sớm khai trường nắng tinh khôi rất là
tay con như níu tay ba
phố nhà trong mắt, sáng và trong veo
tuổi thơ ba cũng bước theo
đâu sân trường nhỏ khó nghèo quê xưa.
1991
TẠ LỖI MỘT NGƯỜI
chừng như rơi thoảng mơ hồ
tiếng gì xa vắng gió mờ lạnh căm
vọng về một thuở xa xăm
loé hồng đốm thuốc trầm ngâm bóng người
vọng về năm tháng xa vời
rưng rưng mắt nhớ môi cười xa xôi
bâng khuâng thầm trách, muộn rồi
nắng mưa độ ấy chơi vơi ngợp hồn
tóc em ngát ánh trăng non
tôi còn nông nổi, cúi hôn – khóc oà
biết chân trời mãi còn xa
vẫn đành rét buốt, đường nhoà, bơ vơ
thoáng nghe rơi giữa hư vô
tiếng kêu thảng thốt vật vờ một tôi
hồn cam chịu kiếp mồ côi –
yêu tình yêu hơn cả người mình yêu?!
khuya buồn, chưa tuổi tàn xiêu…
ngẩn ngơ, mộng tưởng tiêu điều, thương ai…
1992
TÔI VẪN YÊU
TRÁI ĐẤT NÀY
trên đầu là bao la
dưới chân nghe bát ngát
thân tôi muôn bụi cát
vạn hừng đông trăng tà
hồn thiêng hoài khẽ hát
tự cội nguồn mờ xa!
cúi đầu ơn mẹ cha
nhắm mắt niệm quê nhà
ôi chấm xanh – quả đất
rưng rưng cùng thiên hà
có có và mất mất
thoáng đọng và tan ra
hư vô sao chất ngất
nhưng nỡ nào im bặt
còn nợ triệu năm qua!
chắp tay vọng chim ca
quỳ lạy từng đoá hoa
hết mình rồi vữa nát.
1993
TRANG THỨ NHẤT
hãy viết lên tâm hồn anh những điều em nghĩ
chữ là hạt mầm
sẽ nẩy xanh trên đất ấy mùa xanh
giọt mực em loang khắp mặt hồ mùa hạ
hương sen phả ngát thơ anh
cùng ngọn gió dịu dàng
chữ và hương
chất đầy trong từng ô vở nhỏ
cuốn sổ yêu thương
mở tung đôi cánh cửa
cho lòng thêm mênh mang
thơ yêu người yêu trời xanh
là hương lúa hương sen thơm vào nhật kí
em gieo lên tâm hồn anh…
1977
HAI MƯƠI NĂM TRƯỚC,
KHI UỐNG TRÀ Ở CHÙA
vùi cỏ gốc chè biếc
ngẫm thương cây lá hiền
nâng tách, vàng sánh đượm
nguyện đền ơn thiên nhiên
lẽ đời sao trầm thống
ngàn sau còn đảo điên
chén trà như bể khổ
sen cúi trong ngực thiền.
1993
TẠ ƠN
từ vành nôi đến mồ chôn
ngửa và sấp – kiếp đã tròn – thoáng thôi
lún sâu tận đất đen rồi
có khi kết mật cành đời, xanh non
thấm thía cõi ta bà hơn
vẫn ơn cha mẹ cho con làm người.
1991
GIỮA VÔ CÙNG
xanh lên xanh với đất xanh
cơn mưa ngọn nắng kết thành thân tôi
thương ai thơ biết mỉm cười
lắm khi tào nước mắt đời cùng ai
mưa từ thiên cổ không phai
long lanh dòng nắng trôi hoài, ngàn xưa
quê Cha bão hạn vạn mùa
xanh từ lòng Mẹ xanh chờ tóc em
tôi nhìn tôi đứng bên thềm
vô cùng chạm trái tim mềm, khẽ ngân…
1993
MÙA VÀNG MIỀN CAO
nắng mùa khô đến rồi
trời xanh Ma-đa-gui
gió buổi chiều núi đồi
ngân nga trong mùa vui
mùa khô trên vùng cao
đồi vàng hươm sắc lúa
ai kia, trong chiều về
gùi vàng, chiều vàng hoe
nhớ cánh đồng tháng hạ
lòng sôi lên mùa ve
đây mùa mưa, tháng tư
lưỡi cuốc vung ngoài rẫy
tháng mười, đang mùa khô
trưa vàng, chiều rét ngọt
thóc vàng, lâng hương mơ
chờ mùa ngô mẩy bắp
một vùng đồi ấm áp
một vùng trời mưa bay
ơi đất nước rộng dài
bao nhiêu tháng mười hai?
cứ mong ai ngoài ấy
trong chiều Ma-đa-gui
giọng Huế nào ngọt vậy
giữa mênh mông núi đồi
nhớ mưa làng, phố cũ
nên nắng vàng chờ ai
quê hương là đất ở
là giọng nói không phai
nỗi nhớ quê lạ quá
hoá nỗi chờ mong ai
đất đỏ, vàng nắng gió
ngày xanh năm tháng dài
muốn về thăm ngoài đó
mùa vỡ đất đến rồi
ai vào cho đỡ nhớ
cùng gieo hạt ngày mai.
1979
VỚI TRUYỀN THUYẾT
VỀ KHÁT VỌNG CỨU RỖI
“Người đã bị người-ta khinh-dễ và chán-bỏ, từng trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm, bị khinh như kẻ mà người-ta che mặt chẳng thèm xem; chúng-ta cũng chẳng coi Người ra gì. Chính Ngài đã lấy tật-nguyền của chúng-ta, và gánh lấy bệnh-hoạn của chúng-ta”.
(ÊSAI 53: 2-4 / MATHIƠ 8:17)
nhịp trái tim mãi ban sơ
giáo đường nhạc vút xanh lơ sớm chiều
trầm tư, lắng tuổi xế xiêu
ngấm trong sầu khổ đã nhiều phúc âm
ngát thơm nguồn sáng từ tâm
hồn em cúi xuống, vọng thầm sóng mơ
vai oằn thập giá bao giờ
tôi tìm Đức Mẹ đọc thơ tình người
em là ngọn nến trong tôi
xua đi bóng tối truyền lời yêu thương
máu cứu rỗi sáng con đường
ánh vàng Núi Sọ rung chuông chói loà
xin nhân danh Đất Trời và
nỗi Khổ Đau và Thăng Hoa giữa Đời
nhà người thợ rất thánh ơi
mồ hôi nước mắt muôn thời hương bay
cõi trần gian còn đắng cay
vẫn còn khát vọng như ngày xa xưa
nắng ngời tiếng hát bốn mùa
hai ngàn năm nếu chẳng mưa máu Đời! (*)
1992
Cước chú của bài Với truyền thuyết về khát vọng cứu rỗi:
(*) Nguyên văn trong bản in năm 1992 là:
hai ngàn năm dịu gió mưa
nắng ngời tiếng hát bốn mùa cho nhau.
Ở bản chép lại trên máy vi tính lần này (08. 03. 2005), tôi xin sửa lại như trên.
TIN QUÊ
lá cuối thu xanh ngắt
đông phương nam óng vàng
quặn chút lòng chưa lạc
tổ tiên nơi ruột gan…
mưa lũ đã khoả tràn
sóng duềnh con nước bạc
miền gió lửa, hạn, cát
bão dìm trong tan hoang!
quê nhà ơi quê nhà
dù vòng tay bền chắc
cái lo nhìn rất xa
qua trùng trùng buốt rát…
dù đất đai quê nhà
mùa lại thơm thiết tha
sương bâng khuâng tím ngát
rưng rưng hồng phù sa…
sách tuổi thơ nhoè nát
giạt trong em, bàng hoàng
chơi vơi… Mẹ thương làng
chiều trắng dâng nhoè mắt.
1992
NÀY LÀ MÌNH VÀ MÁU
NHÀ THƠ
kính tặng Abraham Lincoln,
người khai sinh cho Lá cỏ của Whitman.
năm nhà thơ nước mình ngã xuống mỉm cười
mắt nhoà kiếm xưa đoá mai không nát (*)
Lá cỏ mọc lên. Gót giày giẫm lên tiếng hát!
Đông thanh thoát và Tây sống thật
niềm tin vào Con Người khát vọng làm người
thiêng liêng hơn ngàn thiêng liêng khác
bút vạch bất công ngang ngược trải phơi
tượng đài da đen đục thơ chạm khắc
Đường luật cúi đầu trước môi hôn xứ lạ say đời
Thánh kinh nhũ hương cho thân xác
linh hồn lấp lánh mồ hôi
ngạo nghễ thách thức tầm sống của thời
này và kia, trái đất
vẫn một biển đôi bờ bát ngát
đẹp thảm biếc toả ngời đẹp suối máu hồng trôi.
1993
Cước chú của bài Này là mình và máu nhà thơ:
(*) Tác giả (TXA.) xin có một cái nhìn tỉnh táo hơn về Cao Bá Quát: Ông là một nhà thơ thiên tài, nổi loạn với ngọn cờ “phù Lê” (1854 – 1855) đã bị lịch sử vượt qua, trở nên phản động. Cuộc nổi loạn “phù Lê” của Cao Bá Quát thực chất chỉ là sự phản ứng chống đối của kẻ sĩ Đàng Ngoài không chịu thần phục nhà Nguyễn Đàng Trong, cộng với sự ảnh hưởng do phong trào “bài Thanh phục Minh” – Thái Bình thiên quốc – bên Trung Hoa. Cao Bá Quát đã làm rối nhiễu thêm tình hình Đất nước trong khi thực dân Pháp và “tả đạo” đang chuẩn bị xâm lược nước ta.
(Chú thích ngày 08. 03. 2005)
GIÁ NHƯ
vẫn con đường lầy đất đỏ
những đôi chân lấm tới trường
mưa rơi âm thầm bụi nhỏ
vai nghiêng gió lạnh đến thương!
vẫn màu vôi loang trên tường
lưng trâu cà lên dấu mực
bàn ghế vẹo xiêu gãy mục
chữ thầy trên bảng nhạt nhoà
vẫn là tuổi thơ của ba
khi con mai kia đi học?
không, không, ba đâu có khóc
mưa rơi vào mắt xót xa…
1990