SAU MƯỜI NĂM,
CHIỀU ĐÀ LẠT
mười năm thương nhớ gọi về
mặc bao rối nhiễu tôi nghe tim mình
có gì đâu một chút tình
vùi sâu rét mướt tâm linh, cháy bùng
tôi về sương nắng mông lung
mùa anh đào nở lặng mùng trong tôi
bên hồ đăm đắm bồi hồi
gần nhà em lại xa xôi, ngại ngần
mười năm tưởng niệm, bâng khuâng
tình yêu ơi, đã rất gần, càng xa
trăng B’Lao hoài bao la
hình Đà Lạt nào nhạt nhoà, hoa lay…
tôi về tìm lại gì đây
sương và nắng, nắng sương bay, trắng hồ
ngôi nhà bé bỏng đơn sơ
em còn ở đó hay giờ nơi đâu
mười năm gió giạt nát nhàu
hồn tôi nhàu nát bợt màu buồn tênh
bao lần bóng ngã chênh vênh
mất mình, sông. biển. thác. ghềnh, mất nhau
tôi về chẳng hiểu về đâu
chiều ngơ ngác chiều buông mau chiều rồi
bên hồ tê buốt riêng tôi
phía nhà em nắng lưng đồi gần, xa…
Đà Lạt, 27. 12. 1992
Sài Gòn, tháng Giêng 1993
HÁT TRƯỚC MẶT TRỜI BÁCH VIỆT
trước giặc thù vẫn điềm nhiên
uy rồng ở nụ cười tiên Diên Hồng
TXA.
hình như khát vọng cùng tôi
nở ra từ trứng Hồng thời hoang sơ
một đàn chim Lạc hát thơ
giấc mê chợt tỉnh vắng trơ trống đồng…
bia văn võ, bướm phiêu bồng
đình làng nhã nhạc, thu không chuông chùa (*)
hồn ve lột xác mấy mùa
sân trường nắng đỏ gió lùa cỏ cây
xưa sau phảng phất đâu đây
đêm đêm hương thắp khói bay xa mờ
tôi tìm tôi tận hư vô
tiếng trầm nghiêm tự đáy mồ cha ông…(**)
mong từ mái đẩy chiêng cồng
dệt kinh điển Việt lắng trong điệu hồn
tuyệt với hào khí nước non
Rồng qua xâu xé vẫn còn rất Tiên
rợp bay chim Lạc ba miền
Diên Hồng tận đất nguồn thiêng mạch đời
đổi trao tinh tuý muôn nơi
trống đồng toả sáng mặt trời ý dân
tôi cười tôi bay bâng lâng
chỉ cành hoa sao kéo gần tương lai?
mộng mơ thôi đã bạc phai
nhìn Rồng thúc trống bùng hoài lửa Tiên.
Cước chú của bài Hát trước mặt trời Bách Việt:
(*) Nguyên văn, 1993: nhà thờ [họ tộc] nhã nhạc, thu không chuông chùa.
(**) Nguyên văn, 1993: tiếng cha ông tự đáy mồ trầm vang …
BÀI THƠ CÓ TÊN LÀ “BÉ”
bé tên Bài Thơ
tâm hồn cha mẹ
ơi khúc sông sâu
ơi khúc ca dao
vô ngần đẹp đẽ
mạch núi phải đâu
mênh mang như thế
hương đồng gió bể
cuốn bớt bồi vào
mới thành ca dao
mới thành sông sâu
trong vắt ngọt ngào
tứ thơ ban đầu
mai sau ra sao
biếc đổi xanh trao
với đời, con nhé
tấm lòng cha mẹ
chắt cạn khô khao
mong bài thơ “Bé”
như khúc ca dao
như khúc sông sâu…
1988
KÍNH TẶNG MẠNH TỬ
nhân dân là thượng đế hay hoàng đế
trước bàn cờ vua cờ tướng – cõi đời
khát vọng ngàn năm đông tây nam bắc
với cuộc chơi nhưng không phải cuộc chơi!
1993
KA ĐUM
suối ầm ào trầm bổng giữa rừng trăng
tiếng trống tiếng cồng tưng bừng bên ngọn lửa
câu hát nồng nàn hương lúa
ché rượu nghiêng cả trời đất ngấm vào người
Ka Đum! Ka Đum! ngọn lửa mùa vui
lửa mãnh liệt, lửa cháy bùng dưới vầng trăng
rực đỏ
lửa, lửa hồn nhiên như tiếng reo,
lửa kiên tâm như ngọn lúa
lửa tỏa cao, từ trang sách sáng mặt người
đôi tay pạp (*) mở lòng ra, vỗ nhịp liên hồi
thác rơi trên mặt trống nghìn năm âm hưởng mới
lồng ngực căng, rung
như cánh rừng bão nổi
cơn bão chói hồng, dậy từng đêm thao thức
băn khoăn
Ka Đum! Ka Đum! cồng ngân sâu,
hương lúa ngút hơi trăng
tan trong câu hát ngày mùa,
trái tim này nghiêng vào lòng nọ
con mắt quay đi, con mắt nhìn chăm Ka Đum
như câu đố khó
đã ngời lên, lóng lánh giọt rượu vui
ơ buôn làng ơi! rừng già ta qua,
trơ lại rừng chồi
một sá (**) lúa trăm cây cao rạp xuống!
chạy quanh quẩn nghìn đời giữa núi cao rừng thẳm
nay địu con đi dựng lán xây trường,
mỗi ngọn rau hạt thóc ngát bình yên
Ka Đum! Ka Đum! trăng tháng mười
hồng rực Tây Nguyên
bao ngọn lửa chừng như huyền hoặc:
tiếng trống chạm vòm sao,
lịch sử vượt nghin năm tít tắp
giọng hát suối rừng: bao nhiêu cô gái Ka Đum!
1981
Cước chú của bài Ka Đum:
(*) Pạp (tiếng K’Hor): cha.
(**) Sá (tiếng K’Hor): loại gùi cao đeo sau lưng.
ĐẠO NỘI –
CÁI ĐẸP VÀ TRẺ THƠ
hoài niệm Tiên Dung và Chử Đồng Tử
cởi hết rồi tạm bợ
cát trôi, bãi Tự Nhiên
cao sang và cùng khổ
trong tâm nhìn, tiên thiên.
1993
ĐÀ LẠT VÀ EM
chẳng lẽ tôi trở về
chỉ với sương cỏ biếc
đồi thông dù thao thiết…
gặp mình là hư không…
xa hút thời ngóng trông
B’Lao sao thắp tím
đêm lạnh se ngọt lịm
hương hoa chè tóc thơm
còn đây nỗi tủi hờn
xé lòng nhau buốt bỏng
bến xe trưa Đức Trọng
gió xoáy ù cuồng mê
chẳng lẽ tôi trở về
như chìm vào niềm nhớ
lối quen ngôi nhà nhỏ
hiện dần trong mơ thôi?
tôi về, yêu dấu ơi
cũng chỉ thêm buồn khổ
mắt đen tròn, bỡ ngỡ…
từ vực chết tôi về…
dẫu còn xanh tóc thề
em bồng con thờ thẫn
tôi như người ngớ ngẩn
tìm thăm nhau làm chi!
đã qua rồi qua đi
chẳng bao giờ trở lại
tôi biết mình điên dại
quán khuya Đà Lạt buồn
chắt chiu niềm nhớ thương
qua quá nhiều cay đắng
dốc chơi vơi, bão trắng
tôi có còn tôi không.
Đà Lạt, 26 – 27. XII. 1992
Sài Gòn, 1993
THĂNG HOA
SINH THỰC KHÍ (*)
trầm hương sương ngát miếu đền
phiếm thần khẽ cúi hôn lên đoá hồng
ngàn xưa đèn toả nhớ mong
hoà xương thịt tình yêu trong đất trời.
1984 – 1993
Cước chú của bài Thăng hoa sinh thực khí:
(*) Prianisme, với những hình tượng cách điệu, thẩm mĩ và với cái nhìn hồn nhiên tề vật cổ sơ: biểu tượng của hai nguyên khí âm dương.
TÔI VẪN Ở TRÊN ĐƯỜNG THƠ
không phải khởi đầu năm mười chín tuổi
nhưng thương quá câu thơ cháy nồng thơ dại ấy…
cảm ơn cảm ơn vì sao dẫn tôi đi suốt tháng năm dài
gập ghềnh đường thơ
đi từ ước mơ đến cùng… mơ ước!
nén tận thẳm sâu bao đêm thao thức
để bây giờ còn giữ chút non tươi
chưa đến tuổi ba mươi
may thấm hiểu màu xanh của lá
và chấm nắng trong ngần mắt trẻ
mong thơ tôi
chỉ là tre là gỗ
cho bầu bí xanh tràn nối lại những góc sân
tôi vẫn ở trên đường
vẫn dặn lòng cứ đi là đến
dẫu mười năm sau, lần nữa, ngoảnh về
cơ chi hồn còn mãi những ngô nghê!
ôi, kẻ tuẫn đạo
đã hoang tưởng quay cuồng bụi đỏ!
cơ chi hồn mãi hoài bỡ ngỡ
sau mỗi chặng đường
ngoảnh lại
cười, với nụ cười buồn
bước tiếp!
chưa đến tuổi ba mươi
bàng hoàng trước muôn đời lá biếc
và chấm nắng xưa sau trong mắt trẻ non tươi
tôi mãi ở trên đường. Lặng lẽ nụ cười.
1982
THOÁNG THIÊN THU
tơ trời nghiêng nghiêng gió
chiều nghiêng nghiêng lá vàng
khẽ choáng hồn thu cổ
bên em qua đò ngang
bao năm nghe thu sang
niềm muôn trùng thuở nọ
đêm biếc nghiêng nghiêng nhớ
nghiêng nghiêng trăng hồng hoang
tim nghiêng nghiêng chín đỏ
tay nghiêng nghiêng tiếng đàn
hình như tôi ngồi đó
ngàn mùa thu phủ tràn!
1992
ÁM THỊ
“HOANG TƯỜNG BỊ CƯỠNG HIẾP
VÀ BỊ BÔI NHỌ”
tặng Nhật kí người điên của Lỗ Tấn (*)
bao nhiêu lần muốn thoát ra
cho lòng thoáng nắng gió và mây bay
lại xanh sông nước cỏ cây
đàn chim nó hót với bầy trẻ thơ
nỗi đau rợn lạnh giấc mơ
dù ám thị, đến bây giờ còn đau
tự mình cắt rốn chôn nhau
từ nay sống với kiếp sau, giữa đời
kiếp xưa đã đắp mộ rồi
giờ ôm tiếng hát chào đời, đời ơi
đất hứa cũng là đây thôi
đời đang thoát, tôi thoát tôi ngày nào
hát cho trời chẳng còn cao (**)
đất không còn thấp trăng sao bên người
hát cho số phận mỉm cười
ảo thanh cú rúc trong tôi xa lìa.
1982 – 1991
Cước chú của bài Ám thị “hoang tường bị cưỡng hiếp và bị bôi nhọ”:
(*) Xin xem chú thích của TXA. ở lời giới thiệu đầu tập thơ và phần phụ lục (trích Từ điển văn học) cuối tập thơ.
(**) Chữ Trời có thể viết hoa: Trời cao (Thượng đế, Chúa Trời).
Ghi chú: Nhan đề "Ám thị “hoang tường bị cưỡng hiếp và bị bôi nhọ”" cần được ghi thêm cho rõ ý: (Nạn nhân của sadisme văn sử triết).
Bài thơ này còn có nhan đề là "Hoang tưởng bị bức hiếp" (trong cuốn "Những gương mặt thơ mới", tập 1, Nxb. Thanh Niên, 1994)
ÁO ĐỎ
tặng Phú
gió xám mờ buốt lạnh
bay bay bỗng rực hồng
chiếc áo mưa màu đỏ
sáng ngõ buồn chiều đông
và em sà vào lòng
áo trở thành ngọn lửa
toả ấm từ góc phòng
ngây thơ ngơ ngẩn ngó…
1990
B’LAO, MỘT THOÁNG TIẾNG HÁT
chóp núi hừng đông tràn nắng sớm
gió mùa ngân nga trên nương rẫy vàng
Ka Rem hát cho mình đứng ngó
tiếng lồ ô – bè trầm –
truyền theo dây mây âm vang…
1979
GẶP EM VÀ NAM HOA KINH
em đang mây nhưng đâu phải mây trôi
khi mãi nhớ thuở nào trong biếc nước
thân bay bổng thân tuôn xanh róc rách
vẫn đẹp như mưa toả ngát bốn phương trời
làn mây tiêu dao đâu còn khắc khoải chơi vơi
với bao ảo tượng vàng ròng hay bùn đất!
em đích thực em, bay trọn tầm bay thanh thoát nhất
dù không thể thành tiên và còn ngọn gió của đời.
1993
HÌNH DUNG
KHI ĐỊNH LẬP NGHIỆP Ở SÀI GÒN
lời quê kính tặng Mạ
Mạ đã già rồi Mạ ơi
một đời quê kiểng, nay rời xa quê!
phố phường ào ạt người xe
đi dọc vỉa hè cũng níu tay con
vì con, xưa sống neo đơn
giờ lo cho cháu Mạ thương Mạ vào
xa quê nhớ cả gió lào
ngốt bụi đỏ với bão gào mưa ru
gặp ai, Mạ chỉ ậm ừ
giọng làng trĩu nặng, trầm như điệu hò
ngồi nhà, nhớ đến bơ thờ
bao năm quên phố, ngẩn ngơ lạc loài
đang đi, giấu tiếng thở dài
nhìn con nhìn cháu mũi cay môi cười
cháu như bay giữa đường đời
Mạ con mình hoá mây trời bay theo.
1991
MẶC NIỆM
trong tôi có một miền quê
đôi khi buồn quá tôi về trong tôi
bao nhiêu vỡ nát rối bời
thiêng liêng quốc tuý vẫn ngôi đình làng
nến lung linh khói trầm nhang
nghe lòng ấm lại bốn ngàn năm xưa
đất trời buốt bỏng nắng mưa
trái tim thanh lọc nhịp mùa nguyên sơ
chiêng rung trống vọng bóng cờ
trăm con chim lạc giọng hò trăm nơi
mẹ Tiên yêu núi biếc ngời
cùng cha Rồng hát chung lời sóng vang
Đông – Tây
khúc xạ
hoà tan
tan vào vũ trụ mênh mang mãi còn
mở trương ẩn giữa làng thôn
sớ dâng, kẻ sĩ nhớ ơn người thầy
và ai thấu nỗi đắng cay
giả lười, sách thuốc đọng đầy tình dân (*)
bâng khuâng…
xa khuất, suối ngân
lắng trong heo hút tiếng chân không mòn
quên thù cha vì nước non
vung gươm, truyền hịch, vạn hồn bừng nghe
và ai thắp lửa hội thề
án oan tưới máu … (*)
bia đề, rưng rưng…
thây phơi, đàn nhị nghẹn chùng
vô danh câu hát, mung lung hương đồng
sân đình lặng nhớ cha ông
thuở nào mở đất dắt bồng cháu con
hoang vu chí ngợp vai sờn
ngoảng về cố quận hoàng hôn cháy lòng
nao nao diệu vợi pháo hồng
bồi hồi trăng ngát đèn lồng lễ vui
ngấm bao chát xót ngọt bùi
ngàn xưa reo múa ngậm ngùi ngàn xưa
mương kênh rửa mặn thau chua
ngàn sau điện sáng trĩu mùa ngàn sau
còn đây tóc chỏm khoe màu
áo dài khăn đóng bạc đầu ô đen
vẫn còn đây làm sao quên
ước mơ nẩy lộc đẹp thêm một thời
gốc bàng cổ thụ khô rồi
bây giờ sống lại cho đời, vạn năm
trong tôi, khuya một, đêm rằm
ngát xưa hương toả hướng tâm về nguồn
bao ngôi đình quá thân thương
nơi tôi tìm đến dọc đường xa quê
trái tim gọi thức cơn mê…
hồn thiêng Đất nước lắng nghe chút lòng…
21. IV – 20. V. 1993
Cước chú của bài Mặc niệm:
(*) Chu Văn An, Lê Hữu Trác, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, bốn danh nhân dân tộc được nhân dân thờ kính, trải qua nhiều thời đại với nhiều quan điểm, góc độ đánh giá khác nhau. Tất nhiên, cũng cần phải ghi nhận hạn chế của Trần Hưng Đạo và nhà Trần, đó là tệ hôn nhân đồng huyết trong nội bộ hoàng tộc. Cần phải triệt để phê phán thói hôn nhân loạn luân ấy. Về trường hợp Nguyễn Trãi, lúc sinh thời vào những năm cuối đời và khoảng 20 năm sau khi ông bị án tru di tam tộc (1442 – 1464), Nguyễn Trãi còn bị nhiều sự gièm pha, vu khống của bọn gian thần. Ở đây, chỉ để hướng chân tâm, “thực nghiệm tâm linh”, gồm cả việc mài sắc ý thức phê phán mặt hạn chế của danh nhân một cách tỉnh táo.
(Chú thích năm 1993 & bổ sung vào ngày 08. 03. 2005).
HÁT RU GIÙM TRÁI TIM TÔI
em thân yêu, trăng đã xuống ngoài hiên
ru êm giùm tôi nguồn thơ mê sảng
trái tim tôi có một mảnh Khuất Nguyên
đông khô nhiều giọt lệ Người Điên
vẫn nỗi đau Lỗ Tấn!
tia mặt trời chiếu thẳng
cũng thành đêm dài sầu hận?!
bức hiếp cuồng với khát vọng nhân quyền
được làm người ngẩng cao vầng trán
đã Li tao đắng
đã Nhật kí mặn
đã chiêu hồn mình tìm chút bình yên
quên đi em. Chỉ còn tình thơ thân thương
trầm lắng
xin nhẹ ru tôi giấc trẻ ngoan hiền.
1992
Phụ lục (bổ sung, 2005):
GS. LƯƠNG DUY THỨ
NHẬT KÍ NGƯỜI ĐIÊN
(Cuồng nhân nhật kí, 1918),
truyện ngắn đầu tay của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn.
Nhân vật chính là một trí thức mắc bệnh “bức hại cuồng”, luôn luôn nơm nớp lo sợ bị người khác ăn thịt. Thấy con chó nhà địa chủ họ Triệu nhe răng ra sủa, nhìn con mắt lườm lườm của cụ Triệu, ra đường thấy bọn trẻ lánh mặt, nghe người đàn bà nọ mắng con: “Tao có ăn được thịt mày một miếng mới hả giận”, anh ta đều nghĩ họ đang mưu toan ăn thịt mình. Anh cố tìm nguyên nhân và nghĩ đến hành động hai mươi năm về trước mình đã giẫm lên cuốn sổ ghi nợ mấy mươi đời của ông Cổ Cữu (ông Lâu đời) làm ông ta căm giận nên rủ rê cụ Triệu hãm hại mình và bày vẽ cho bọn trẻ con chống lại mình. Anh còn cố nhớ lại những điều đã học trong sử sách và hiểu ra rằng việc ăn thịt người vốn đã thường xuyên xảy ra. Anh liền giở cuốn lịch sử bốn ngàn năm Trung Quốc ra tra cứu và bỗng phát hiện đằng sau các dòng chữ dày đặc những “nhân nghĩa đạo đức” nổi bật lên mấy chữ “ăn thịt người”. Thầy thuốc đến bắt mạch chữa bệnh cho anh, anh lại nghĩ chẳng qua họ sờ xem gầy hay béo để tiện ăn thịt mà thôi. Anh phát hiện mưu kế của họ không muốn ra mặt giết người mà cố bức cho phải tự chết để ăn thịt. Anh hiểu thêm có kẻ lấy ăn thịt người làm lẽ sống, có kẻ do thói quen, có kẻ biết sai nhưng không chịu bước qua ngưỡng cửa giác ngộ mà a tòng. Anh chất vấn một người trẻ tuổi, ăn thịt người là không nên, tại sao vẫn cứ ăn. Rồi anh nghĩ đến việc khuyên can mọi người, bắt đầu từ ông anh, không nên ăn thịt người. Anh bị cự tuyệt, bị nhốt vào phòng và mọi người đua nhau đến xem thằng điên. Trong cơn điên loạn, anh thét bảo mọi người phải thay đổi, từ chân tâm mà thay đổi, vì tương lai không ai dung thứ những kẻ ăn thịt người. Và anh bỗng loé lên niềm hi vọng vào những đứa trẻ chưa từng ăn thịt người, anh vội vã kêu cứu: Hãy cứu lấy trẻ em!
Lỗ Tấn đã khéo thông qua diễn biến tâm lí của một người điên để lên án bản chất ăn thịt người của chế độ gia tộc và lễ giáo phong kiến, gắn với nó là sự bóc lột tô tức và sưu dịch nặng nề. Người điên mang dáng dấp hình tượng một chiến sĩ dân chủ, thức dậy sớm khi mọi người còn mê ngủ, nhìn rõ bản chất ăn thịt người của chế độ cũ, kêu gọi đạp đổ nó và tìm cách cứu lấy mầm non của tương lai. Mặc dù niềm hi vọng thay cũ đổi mới của tác giả còn mang màu sắc tiến hoá luận và hình ảnh người chiến sĩ dân chủ còn đơn độc, sống bằng sức mạnh tinh thần, còn ít nhiều chịu ảnh hưởng học thuyết siêu nhân của Nitsơ (F. Nietzsche [TXA. chua thêm]), nhưng Nhật kí người điên đã vang lên như bài hịch tuyên chiến chống phong kiến, đáp ứng nhu cầu giải phóng tư tưởng của thời đại Ngũ tứ (04. V. 1919, 1917 – 1924 [TXA. ct.]). Hình thức mới mẻ, cách điệu độc đáo, tác phẩm đã chinh phục người đọc ngay từ khi mới ra đời.
(Trích: Nhiều tác giả, Từ điển văn học, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 111 – 112: mục từ 156, bài viết của GS. Lương Duy Thứ. Hoặc: Từ điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế Giới, 2004, tr. 1258: cũng bài viết trên).
Xin xem lại chú thích của Trần Xuân An
ở Lời đề tựa:
Đó là sự phản ánh của quy luật tự nhiên, hiện thực xã hội, và quy luật, hiện thực đó đã kết tinh thành biểu tượng, như trong Nhật kí người điên của Lỗ Tấn.
Ở ý nghĩa triết học, phải chăng nhân vật Người điên ấy bị ám ảnh về tội sát sanh tàn bạo có tính quy luật của thế giới sinh vật muôn loài, đến mức cho rằng địa chủ, kẻ cho vay nặng lãi, thầy thuốc cùng ông nội, bà con ruột thịt, láng giềng, làng xóm và cả xã hội loài người đều nhăm nhe ăn thịt anh ta? Anh ta sợ hãi, kinh hoàng, khủng khiếp trước sự thể “người ăn thịt người” đó. Trong tập thơ này, tác giả (Trần Xuân An) đã vận dụng thủ pháp nhập thân để thể hiện ám ảnh hãi hùng, rùng rợn của một Người điên khác, về quy luật “người cưỡng hiếp người”.
Cùng với việc giải mã (một cách khám phá sáng tạo) hình tượng tác phẩm trên của Lỗ Tấn, tôi (TXA.) đã bổ sung thêm một trong hai tiên đề quan trọng của vô thần luận (phủ nhận Thượng đế [hay còn gọi là Đức Chúa Trời], mặc dù vẫn hi vọng có sự tồn tại của cái ngã siêu linh [hay linh hồn] ở mỗi con người – sinh vật cấp cao).
Nói rõ ra, sát sanh (“người ăn thịt người”) và loạn luân (“người cưỡng hiếp người”) là hai quy luật tồn tại của sinh vật (nhất là ở loài người nguyên thuỷ, ở sinh vật cấp thấp từ nguyên thuỷ đến nay: chó, mèo, gà, vịt…). Do đó, không thể có một Thượng đế (Đức Chúa Trời) sinh thành ra vũ trụ với muôn loài như vậy.
Chính loài người sẽ ngày mỗi tiến bộ, cải tạo được cả quy luật tất yếu của thế giới tự nhiên (sát sanh, loạn luân [mà kết quả của sự tiến bộ về ý thức đạo đức văn minh là đã trở thành sự tố cáo kinh hoàng: “người ăn thịt người”, “người cưỡng hiếp người”]…). Thế giới tự nhiên bao gồm tất cả các chủng loại sinh vật từ cấp thấp đến cấp cao, trong đó có loài người; nhưng cho đến nay, chỉ loài người mới đạt được trình độ đạo đức văn minh đó. Chính sự phấn đấu cho mục đích văn minh ấy đã làm cho lịch sử loài người có ý nghĩa sâu sắc. Sống và lao động một cách rất có ý nghĩa nhân văn như thế, đâu phải là một tiến trình phi lí!
Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản 2003; và phụ lục (trích Từ điển văn học) ở cuối tập thơ này.
(TXA. chú thích ngày 07 & 26. 03. 2005).
ĐỂ HIỂU MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
VÀ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất
của chủ nghĩa thực dân Pháp”, “những người trung
nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”,
XIN TÌM ĐỌC:
PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)
(truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử)
trọn bộ 4 tập (985 tr. 16 x 24 cm)
Tác giả: TRẦN XUÂN AN
Hội đồng Tư vấn, Phản biện & Giám định
thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam giám định.
Tổng Thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
DƯƠNG TRUNG QUỐC
viết lời giới thiệu.
NXB. VĂN NGHỆ TP. HCM. ấn hành, 12. 2004
FAHASA phát hành
TÔI VẪN Ở TRÊN ĐƯỜNG
Thơ
Trần Xuân An
◘ Thơ ngỏ (trích Nắng và mưa)
◘ Sự an ủi dịu dàng của cái đẹp
(lời tựa của Tần Hoài Dạ Vũ)
1. Từ cõi nhớ em về
2. Đức Trọng và “Quán bên đường”
3. Ngõ rêu
4. Đâu đó giữa vô biên (4 bài)
5. Đọc lại Đạo Đức Kinh, thấm buồn
6. Hình như có một sớm mai tuổi thơ – Phụ bản 1: Trẻ thơ
7. Tạ lỗi một người
8. Tôi vẫn yêu trái đất này
9. Trang thứ nhất
10. Hai mươi năm trước, khi uống trà ở chùa
11. Tạ ơn
12. Giữa vô cùng
13. Mùa vàng miền cao
14. Với truyền thuyết về khát vọng cứu rỗi
15. Tin quê
16. Này là mình và máu nhà thơ – Phụ bản 2: Hoài niệm
17. Giá như
18. Sau mười năm, chiều Đà Lạt
19. Hát trước mặt trời Bách Việt
20. Bài thơ có tên là “Bé”
21. Kính tặng Mạnh Tử
22. Ka Đum
23. Đạo Nội – cái đẹp và trẻ thơ
24. Đà Lạt và em
25. Thăng hoa sinh thực khí
26. Tôi vẫn ở trên đường thơ
27. Thoáng thiên thu
28. Ám thị “hoang tường bị cưỡng hiếp và bị bôi nhọ”
29. Áo đỏ
30. B’Lao, một thoáng tiếng hát
31. Gặp em và Nam Hoa kinh – Phụ bản 3: Mỏi mòn
32. Hình dung khi định lập nghiệp ở Sài Gòn
33. Mặc niệm
34. Hát ru giùm trái tim tôi (thơ bạt)
◘ Phụ lục (GS. Lương Duy Thứ, “Nhật kí người điên”,
trích Từ điển văn học)
◘ Mục lục
TÔI VẪN Ở TRÊN ĐƯỜNG
Thơ
TRẦN XUÂN AN
Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP. HCM.
1993
Chịu trách nhiệm xuất bản:
NGUYỄN QUỐC THỦ
Chịu trách nhiệm bản thảo:
HỒNG DUỆ
Biên tập: BÍCH TIÊN
Tranh bìa: NGUYỄN PHAN
Trình bày: NGUYỄN CHINH
Sửa bản in: NHẬT VĂN
In 1.000 bản, khổ 13 x 19 cm tại ITAXA. Giấy phép xuất bản số 1 – 67 B / VN – 93 và giấy đăng kí kế hoạch xuất bản số 102 / CXB. In xong và nộp lưu chiểu, tháng 8. 1993.
Bìa 4
…
trái tim tôi có một mảnh Khuất Nguyên
đông khô nhiều giọt lệ Người Điên
vẫn nỗi đau Lỗ Tấn!
…
quên đi em. Chỉ còn tình thơ thân thương
trầm lắng
xin nhẹ ru tôi giấc trẻ ngoan hiền.
1992
…
chưa đến tuổi ba mươi
bàng hoàng trước muôn đời lá biếc
và chấm nắng xưa sau trong mắt trẻ non tươi
tôi mãi ở trên đường. Lặng lẽ nụ cười.
1982
Giá: 6.000 đ.