I. Tập thơ Nắng và mưa
(Hội VHNT. Quảng Trị & Tạp chí Cửa Việt xuất bản, 1991):
TÓC BAY SƯƠNG TRẮNG
kính tặng Mẹ
bây giờ ngoài mình mưa chưa
con nghe lành lạnh ngày thưa chân người
nhìn sông nước lã trôi xuôi
con như lạc giữa dòng đời đã lâu
bỗng dưng không biết từ đâu
bay ngang trời đất một màu tóc sương
con úp mặt nhớ quê hương
thương sao quán mẹ bên đường mưa bay.
1973
BÀI THÁNG GIÊNG
má đi chào ai năm mới
áo bay bay gió tháng giêng
tinh sương con gà đã đợi
gáy ran ngoài ngõ láng giềng
bầy chim đứng hót không yên
chuyền cành chíp chiu luyến láy
bươm bướm nhấp nhô nhấp nháy
như là đôi mắt thiên nhiên
nắng reo mướt tóc thanh niên
em thơ xênh xang áo mới
nụ cười bên đọt dứa hiền
tiếng pháo hồng treo khắp lối
mời nhau dăm múi sầu riêng
thấy vườn Mỹ Tho bùi ngọt
nối lửa đôi ba điếu thuốc
nghe xao xuyến trời Điện Biên
lời chúc câu chào huyên thuyên
rượu nồng bay trong mái lá
niềm vui tràn ra ngoài hiên
từng mảng nắng vàng rất lạ
thăm nhau thăm nhau tháng giêng
áo khăn nhạt rồi bóng tối
má ơi, nắng ngoài Hà Nội
bay vào thơm lúa Thừa Thiên
thoảng hương đất, nhớ tổ tiên
đã cho cái nương cái rẫy
thương, thương đàn con biết mấy
giữ gìn mùa xuân y nguyên
cây xanh tình Bác, thiêng liêng
lộc non nao nao lòng dạ
mơ ước về trong tay má
xin đời ngát mãi tháng giêng.
1976
TẠ ƠN MẢNH ĐẤT QUÊ NHÀ
1.
quê nhà chiều gió bình yên
con về đây hỡi cõi miền yêu thương
rưng rưng nắng lọc hàng dương
con đường quê hỡi con đường vàng mơ
chim chuyền cành hót ngây ngô
con bươm bướm cũ bây giờ còn bay
con về đây con về đây
nghẹn lòng con giữa đất này quê hương
2.
ngọn đèn đêm vặn sáng hơn
bàn tay mẹ vẫn run run tủi mừng
hai hàng nước mắt rưng rưng
nụ cười mộc mạc thoáng bừng nắng phai
xóm giềng cũng đến sum vầy
tay con mềm lại trong tay bạn bè
3.
con nằm trong ánh trăng khuya
chợt thương sao tiếng tắc kè rừng xa
thác đồi mù sương mù sa
bàn chân tứa máu vượt qua vẫn cười
phố đông đường trổ gai đời
chân lao đao, bước chơi vơi, hãi hùng
mấy ai nhắc chuyện đục trong
đắng cay nay bởi chút lòng, mẹ ơi…
1982
THƯA VỚI MẸ
kính tặng Mẹ
hai năm, hai năm con về nhà
hai năm ngồi trong cửa nhìn ra
vẫn con đường nắng loà bụi đỏ
mùa mưa về mưa bão lùa qua
hai năm, hai năm con về đây
cơn đau con làm mẹ hao gầy
mái tóc bạc càng thêm bạc trắng
con cúi đầu úp mặt trong tay
những mong vơi buồn lo mẹ ơi
thêm tin ba mất ở xứ người
vành khăn trắng trắng phơ tóc trắng
thương con đau, mẹ khóc thầm thôi
nhiều đêm năm nước mắt chảy dài
thương mẹ già buồn trĩu hai vai
anh chị con đi không về nữa
mẹ con mình, côi cút, lạc loài
có một dạo cứ ngỡ lành rồi
con mừng, mẹ quá đỗi mừng vui
người con gái đến thăm ngày bệnh
thành dâu hiền, mắt mẹ lại tươi
ngờ đâu con lại trở cơn đau
vợ con lo, quay quắt, buồn rầu
mẹ lại lo thuốc thang tất tưởi
thương con, lại thêm nỗi thương dâu!
nên cứ mong nhà sẽ vui hơn
vợ chồng con có cháu mẹ bồng
con khoẻ ra, làm ăn thay mẹ
mẹ lại hồng hào bên cháu con
mẹ ơi, buồn lo giờ đã xa
giữa làng quê ấm áp thật thà
có cháu con đứng quanh lưng mẹ
nắng xin thơm tóc trắng tuổi già.
1985
LỜI THIÊNG
ngỡ lòng tan nát chai mòn
thương con ba gắng xanh non cách nhìn
tìm xem truyện cổ thần tiên
nghe con bập bẹ lời thiêng đầu đời
bà bà mẹ mẹ ba ơi
tiếng yêu thương toả sáng ngời đôi môi
bà ơi mẹ ơi ba ơi
ngọn nguồn cái đẹp cũng lời đầu tiên
theo con ra cửa, trông lên
cùng con tập nói trước thềm tương lai.
1988 – 1989
BÀI THƠ RU BÚP BÊ
cho Phú và con
chưa đầy mười tám tháng
con đã biết ru em
ngân điệu hò vạn cổ
với tay đưa rất mềm
cũng nhịp nhàng êm êm
con hò rồi con dỗ
mắt búp bê cứ mở
cho con ru, ru hoài
thơ của ba đôi bài
dăm khúc ca quê ngoại
thấm vào hồn thơ dại
giờ con ru búp bê
nội mỉm cười ngồi nghe
mẹ đứng bên nhắc khẽ
(thơ ba làm vụng thế
cũng được thành ca dao!)
con đáng yêu biết bao
với điệu ru muôn thuở
cho chiếc nôi bé nhỏ
như trôi trên vô cùng
có chi là lạ lùng
con chưa tròn giọng nói
sao tiếng ru nguồn cội
cứ hồn nhiên à ơi
mấy phần tâm hồn người
đã tượng từ lòng mẹ
mấy phần xa hơn thế
tự nghìn xưa, bao đời
cứ ru đi, à ơi
đến búp bê bằng nhựa
cũng có tim rực lửa
toả chất thơ tình người
cứ ru đi, à ơi
con ru đi, à ơi…
1990
II. Tập thơ Hát chiêu hồn mình
(Nxb. Đồng Nai, 1992):
THOÁNG XƯA
nhớ dòng sông Nhùng quê ngoại
(Thượng Xá, Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị)
tôi trở về đây sông ơi
bước trên lối cỏ một thời ấu thơ
ơ kìa chú bé ngây ngô
mải theo chiếc bướm thoắt chờ thoắt bay
dù áo đầy bông cỏ may
súng vang, tiếng mẹ khô gầy tìm con!
vẫn thơm nắng gió say hồn
vời trông cánh nhỏ chập chờn dần xa
sông ơi bao năm trôi qua
thoáng xưa gặp lại ướt nhoà mắt tôi.
1990
HUẾ VÀ NGÀY SINH
kính tặng Mẹ và Huế
một hừng đông xám
dâng lên phía bên ngoài cửa thành
tháng mười một và cơn mưa dầm
miên man mỏi mệt
gió lùa thốc qua mặt đường lặng câm
cánh lá
lao đao
cắm vào bùn lầy hẻm vắng
tất cả nhoà sau cơn mưa phùn
người phu xe đứng ngã tư đường
không buồn ngước mắt
chân như gốc cây ướt rêu cắm chặt
vào mùa đông
thôi thì mặc gió mưa bão bùng
cây muôn đời muốn lặng
tháng mười một và cơn mưa dầm
mưa miên man mỏi mệt
mầm sống cựa mình và cơn đau thắt
người mẹ hoài thai trong nỗi đau thầm
nửa đời chưa nguôi nước mắt
lại sợ giật mình nghe tiếng khóc sơ sinh
ngày con làm người Đất nước chưa yên…
một hừng đông xám
dâng lên phía bên ngoài cửa thành
mầm sống cựa mình
bật khóc
chiếc lá nhỏ nhoi úa lạnh…
tiếng mưa xa xăm
rơi vào bóng tối
tiếng mưa thâm trầm
rơi buồn mái ngói
tiếng mưa bổi hổi
ướt đầm trong khăn
mẹ ru êm giấc ngủ con nồng
vành nôi ấm bàn tay của mẹ
ấm mảnh chăn ủ quanh thân bé…
và nhịp nôi đưa
từ hôm nay nghiêng về quá khứ
nhịp nôi đưa
từ xa xưa oà về gần gũi quá
nhịp nôi đưa
từ trái tim đập khẽ
bồi hồi
như thực như mơ
ba mươi năm trôi qua không ngờ
giông gió nào đã thổi qua đời người mẹ trẻ
cất giọng hát ru trong khuya sâu thẳm
dư âm gió giông trong hơi ngân và tiếng thở dài
nắng vàng mật ong vầng trăng con gái
sao vội tan nhoà trong mưa đêm nay
người mẹ ấy hiểu tháng năm cuộc đời
bằng kỉ niệm
bằng tiếng ru buồn không nguôi
nối cùng câu hát xa xưa, sờ vào còn ấm lửa
người mẹ ấy lớn lên giữa đời
ngờ đâu giọng ru hời
không buông bâng quơ trong khuya
ngờ đâu
không phải vô tâm, tiếng mưa rơi, bát ngát
quanh giấc ngủ trẻ thơ theo nhịp đưa nôi
chiếc nhau bám vào lòng mẹ
khi con nở sinh hình hài
chiếc nhau tan vào mặt đất
cho con đi đứng giữa đời
câu hát là dòng sữa ấm
chảy từ ngàn năm xa xôi
chú bé lớn dần trong tiếng mưa rơi
âm vang trong thành phố cổ
âm vang trong lòng mẹ
tiếng à ơi
bao quanh vành nôi
ơi hạt mưa rơi
giọt nước mắt
hãy thấm vào mặt đất
và qua đất
dưới nắng ấm sớm mai
thành giọt sương như mảnh trời vỡ nát
long lanh soi
hạt sương và ai
ra đời trên tay mẹ
rất diệu kì như đất
ơi cơn mưa
mưa đến mỏi mòn sớm mai tháng mười một
ơi cơn mưa
mưa tản mạn mênh mang bát ngát
nơi có trái tim bé nhỏ tinh khôi
mưa bật khóc…
bây giờ tóc mẹ đã bạc rồi
sao mẹ nhắc mãi tháng năm chia lìa tan tác ấy
hay khi mẹ nhìn vào vầng trán con
ở đó, còn nguyên những gì không phai nhạt nổi
trong đời người suốt cả đời người
hay khi con nói con cười
có nét nào của tiếng mưa xa xăm vọng lại
xui mẹ nhớ hoài…
và con đọc trong mắt mẹ, mẹ ơi
cả niềm u uẩn đằng sau lời kể ngậm ngùi mộc mạc
như lời ru tự bao giờ qua mẹ hát
chưa được sinh ra con đã thuộc rồi…
1984
TỰ TRẤN AN
TRONG ĐÊM VỀ PHÉP
xa nhà mấy năm trời
ngẩn ngơ con đường nhỏ
cây em trồng ngày đó
xanh tốt đến không ngờ
ôi tóc mẹ bạc phơ
vẫn nắng chiều óng ánh
sờ tóc mình đen nhánh
có sợi cằn đang rơi!
ngẩng mặt nhìn đất trời
xấu hổ cùng cây cỏ
trước tuổi già đời mẹ
con vẫn chưa nên người!
một thoáng gió thở dài
giữa rừng khuya mưa lũ
để bây giờ, mẹ ơi
xoáy lòng con, bão tố
đêm, bên bàn học cũ
giọt lệ ngời Gương Soi (*)
từ mắt con nóng hổi
hạt bụi nào tan, trôi…
tóc mẹ trắng chân trời
sáng cho con tầm mắt
con đường quê êm mát
cũng chỉ đường về thôi!
con hiểu rồi, mẹ ơi
tháng, năm như ghềnh, thác!
lòng vẫn trong mạch nước
từ nguồn đến biển khơi?
1981
(*) Nguyên văn đã in trong tuyển tập thơ “Như anh em một nhà”, Sở Văn hoá - Thông tin, Lâm Đồng, 1981: “Ảnh Bác ngời gương soi”. Trong bản in 1992 này, tôi chữa lại như trên.
Nếu hình ảnh Bác Hồ trong thời kháng chiến, đặt trong phòng riêng thuở sinh viên, là tấm gương về nghị lực, thì “giọt lệ” trong ngữ cảnh trên, thích hợp với tâm trạng tự vấn trước sự thách thức bởi hoàn cảnh cam go, sự dao động ý chí của nhân vật chủ thể trữ tình hơn. Một, tấm gương sáng để noi theo; hai, ý thức tự vấn để quyết tâm khắc phục khó khăn, trở lực. Hai hình ảnh đều có giá trị tư tưởng hướng đến chân thiện mĩ. Tuy vậy, cũng có thể phối hợp lại, “giọt lệ ngời Gương Soi” sẽ tạo nghĩa thứ ba: tấm gương sáng để noi theo phản ánh vào giọt lệ tự vấn của bản thân.
(Chú thích ngày 05. 03. 2005).
CƠN BÃO VÀ CÂY SẦU ĐÔNG
mưa bão xoáy điên cuồng trên vùng đất lửa
cây sầu đông cây sầu đông
cây sầu đông bên thềm gạch vỡ
ngã xuống nơi mình đã toả bóng xanh
sầu đông sầu đông
mưa bão chạm tận cùng cội rễ
nhánh rễ nào còn bám chặt đất thiêng lòng mẹ
sẽ còn vươn chồi biếc giữa quê hương
sức sống lạ lùng bền bỉ
tự định nghĩa chính mình
từ nhánh rễ đến từng hạt quả
đâu chỉ bằng một thoáng hương thơm
từ nhánh rễ kia cây mới lại mình.
1985
BA HÁT VÀ CON RU
bây giờ ba làm thơ
ước gì ba có thể
sống lại thời tấm bé
để nô đùa cùng con
như mấy chú chim non
thơ có là phép lạ
là hạnh phúc cho người
cho con còn tất cả
tiếng nội ru, à ơi…
ngọn nắng vàng, xa xôi…
cho ba còn tất cả
kỉ niệm hoà ước mơ
mơ đẹp hơn ngày xưa
và cho con tất cả
trong và ngoài lời thơ
bây giờ ba làm thơ
thơ yêu thương con nhé
ba hát và con ru
tuổi hồng con sướng thế
có bao nhiêu là thơ!
1989
GIỌT LỆ CỦA MẸ
TRONG NHỮNG NGÀY CON BỆNH
hạt sương rơi tự bốn phía đất trời
đất trời đọng vào hạt sương nhỏ bé
ôi nước mắt nước mắt không chỉ thế
khi nhìn con từ lòng mẹ trào ra…
1988
HƯƠNG LAM CHIỀU HÔM
lam mờ khói nhang trầm mặc giữa trời
khẽ giật mình trước dáng đứng nghìn năm phơ phơ
ngỡ mơ hồ ai đánh thức
hồn thiêng bao đời núi sông hiện khuất
trong hương lửa chiều hôm, thăm thẳm tấc lòng
giữa rối bời hốc hác lo toan chất chồng
chợt nhớ chợt quên
bụi bặm phủ đầy những gì tưởng chừng
huyễn hoặc
mất trong còn và còn trong mất
như với mỗi nụ cười, chiếc lá,
tính tuổi làm sao mỗi vật mỗi điều
lam mờ khói nhang trầm mặc cuối chiều
thiêng liêng cả những gì bình thường nhất
nhân loại và muôn nghìn năm
chứa trong từng hạt đất
với thoáng hương lửa chiều tà, ngọn gió tương lai
cũng hừng sáng trong tâm
dáng đứng nghìn năm phơ phơ lặng thầm
giữa lam mờ chiều hôm, mẹ trở thành huyền diệu
con cảm nhận những gì ngỡ chừng không thể hiểu
máu xương thực thế kia thì trời đất có linh hồn…
1991
III. Tập thơ Tôi vẫn ở trên đường
(Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 1993):
TÔI VẪN YÊU
TRÁI ĐẤT NÀY
trên đầu là bao la
dưới chân nghe bát ngát
thân tôi muôn bụi cát
vạn hừng đông trăng tà
hồn thiêng hoài khẽ hát
tự cội nguồn mờ xa!
cúi đầu ơn mẹ cha
nhắm mắt niệm quê nhà
ôi chấm xanh – quả đất
rưng rưng cùng thiên hà
có có và mất mất
thoáng đọng và tan ra
hư vô sao chất ngất
nhưng nỡ nào im bặt
còn nợ triệu năm qua!
chắp tay vọng chim ca
quỳ lạy từng đoá hoa
hết mình rồi vữa nát.
1993
TẠ ƠN
từ vành nôi đến mồ chôn
ngửa và sấp – kiếp đã tròn – thoáng thôi
lún sâu tận đất đen rồi
có khi kết mật cành đời, xanh non
thấm thía cõi ta bà hơn
vẫn ơn cha mẹ cho con làm người.
1991
GIỮA VÔ CÙNG
xanh lên xanh với đất xanh
cơn mưa ngọn nắng kết thành thân tôi
thương ai thơ biết mỉm cười
lắm khi trào nước mắt đời cùng ai
mưa từ thiên cổ không phai
long lanh dòng nắng trôi hoài, ngàn xưa
quê Cha bão hạn vạn mùa
xanh từ lòng Mẹ xanh chờ tóc em
tôi nhìn tôi đứng bên thềm
vô cùng chạm trái tim mềm, khẽ ngân…
1993
TIN QUÊ
lá cuối thu xanh ngắt
đông phương nam óng vàng
quặn chút lòng chưa lạc
tổ tiên nơi ruột gan…
mưa lũ đã khoả tràn
sóng duềnh con nước bạc
miền gió lửa, hạn, cát
bão dìm trong tan hoang!
quê nhà ơi quê nhà
dù vòng tay bền chắc
cái lo nhìn rất xa
qua trùng trùng buốt rát…
dù đất đai quê nhà
mùa lại thơm thiết tha
sương bâng khuâng tím ngát
rưng rưng hồng phù sa…
sách tuổi thơ nhoè nát
giạt trong em, bàng hoàng
chơi vơi… Mẹ thương làng
chiều trắng dâng nhoè mắt.
1992
HÌNH DUNG
KHI ĐỊNH LẬP NGHIỆP Ở SÀI GÒN
lời quê kính tặng Mạ
Mạ đã già rồi Mạ ơi
một đời quê kiểng, nay rời xa quê!
phố phường ào ạt người xe
đi dọc vỉa hè cũng níu tay con
vì con, xưa sống neo đơn
giờ lo cho cháu Mạ thương Mạ vào
xa quê nhớ cả gió lào
ngốt bụi đỏ với bão gào mưa ru
gặp ai, Mạ chỉ ậm ừ
giọng làng trĩu nặng, trầm như điệu hò
ngồi nhà, nhớ đến bơ thờ
bao năm quên phố, ngẩn ngơ lạc loài
đang đi, giấu tiếng thở dài
nhìn con nhìn cháu mũi cay môi cười
cháu như bay giữa đường đời
Mạ con mình hoá mây trời bay theo.
1991
(xem tiếp: phần 2)