Tức điên người, Đóng nhanh chóng cởi tấm ni lông làm áo tơi, cởi ba lô, ném xuống vệ đường, và lao vào tên đánh lén đang bịt mặt kia, quyết bắt sống y. Kẻ bịt mặt không ngờ Đóng phản ứng như vậy, nên vội ngã người ra trong khi đã nắm được vai áo Đóng. Một bàn chân của y đạp vào hạ bộ Đóng, đẩy lên, đồng thời tay y kéo cả người Đóng vượt lên người y, hất ra sau, khiến Đóng như một khúc gỗ bị lao xuống mặt đường. Đóng biết đã trúng vào thế võ hi sinh của kẻ bịt mặt, nhưng anh cũng kịp ngẩng cổ lên để vai rơi xuống mặt đường, rồi vụt đứng dậy. Kẻ bịt mặt cũng tức khắc đứng dậy, nhặt thanh tre ai để bên đường, quật ngang vào Đóng. Lần này, vì tránh đòn, Đóng trượt chân ngã xuống dốc. Kẻ bịt mặt chồm lên người Đóng, đè nghiến xuống, khoá một tay của Đóng bằng cách bẻ quặt ra sau lưng. Y rút dây, cột cứng cả hai tay Đóng. Y đứng dậy, bảo Đóng đến ngồi tựa vào gốc cây ven đường. Y lại rút thêm một sợi dây nữa, trói cổ Đóng vào gốc cây.
- Tao nhắc lại, không được phấn đấu bằng cách đạp trên lưng đồng đội, đồng bào nghe chưa! Lần này, tao tha chết. Nếu ngoan cố, lần sau, sẽ cho mày chết không kịp ngáp.
Lúc đó, nhờ câu nói khá dài, và khi nói, y đứng khá gần, nên Đóng đã phân biệt được giọng của kẻ bịt mặt. Đó không phải là giọng Huế, mà bảy phần chắc là giọng Nam, hay đúng hơn là giọng Bắc giả Nam. Thế thì y là ai? Thanh niên xung kích hay dân KTM. Suối Hương bỏ trốn ra Mađagui, ra Phương Lâm, thuê các tay giang hồ anh chị vào đây đánh lén Đóng chăng? Hay y là kẻ hành hiệp như trong các truyện chưởng? Thời này, làm gì có kẻ hành hiệp như thế! Và hỡi ơi, lại lầm lẫn đến thế! Đóng thoáng nghĩ như vậy và chỉ trả lời:
- Anh lầm người rồi.
Kẻ bịt mặt cười to:
- Không thể nhầm người được!
Trong một thoáng, không hiểu nghĩ sao, y mở sợi dây đang nghiến siết hai tay của Đóng, sau khi đã tính toán rằng sợi dây thứ hai, y cột cổ của Đóng vào thân cây, mặc dù có độ nới vừa phải để Đóng không phải chết ngạt, Đóng cũng không thể tự mở được.
- Tao cho mày biết thế nào là sên vắt hút máu. Có điều, tao vẫn cho mày được phép dùng hai tay mà gỡ sên vắt. Thế là tao còn nhân đạo với mày đó, biết chưa!
Nói xong, y bỏ đi, hướng về phía Đạ Tẻh, dưới trời mưa như trút.
Kẻ bịt mặt là một gã đàn ông cao to, khá vạm vỡ, mặc chiếc áo mưa khá dày và chắc đã cũ. Đóng chỉ kịp nhận xét thêm như thế. Y đã đi khuất. Người ướt đẫm và lạnh, Đóng cố tìm cách mở sợi dây buộc cổ anh vào thân cây nhưng không thể mở được. Thế này, chỉ còn biết chờ đến sáng sớm hôm sau, mới có người đi đường giải cứu!
Đóng đau đớn và vừa tức giận vừa nhục nhã đến nghẹn ngào. Sên vắt bắt đầu bâu vào người anh. Anh chỉ còn biết lần tay tìm gỡ, ném những con sên rừng, vắt rừng ra xa. Máu từ những vết cắn chảy đỏ, nhoè ướt cả mười ngón tay. Bỗng anh tìm ta một nút tháo dây. Hẳn kẻ bịt mặt cũng không ngờ, nên đã sơ suất như vậy? Hay y thực tâm muốn cảnh cáo Đóng thôi?
Đã mở thoát ra được khỏi sợi dây, Đóng lần mò tìm tấm ni lông áo tơi lấm bùn, tìm ba lô đựng hàng hoá của anh em đồng đội, ráng gùi lên tấm lưng bầm dập, nhức buốt, bước xuống dốc “Mạ ơi!” để về đơn vị.
Hôm đó, và trong những ngày tháng sau đó, Đóng vẫn nghĩ kẻ bịt mặt kia chỉ hiểu lầm Đóng mà thôi.
4
Leo lên những bậc cấp được lát bằng những phiến đá rừng, Đình thấy trước sân ngôi nhà tranh Ban Quy hoạch có một chiếc cột với những dụng cụ thô sơ tự chế để quan trắc lượng mưa: trên cột là một cái thùng thiếc cỡ vừa, bên ngoài có những vạch khắc bằng sơn, ghi những con số với đơn vị đo lường dung tích. Chung quanh nhà có nhiều chậu hoa tươi, khiến ngôi nhà tranh trở nên tươi sáng hẳn.
Anh Cửu và Đóng cùng dăm cựu thanh niên xung kích đón hai thầy giáo Đình và Hoan như đã hẹn trước.
Sau những lời chào, những cái bắt tay thân mật, anh Cửu và Đóng cùng với Đình và Hoan bước vào chỗ đặt bộ bàn ghế gỗ để tiếp khách. Tất nhiên là không thể thiếu trà thuốc, trước khi bắt đầu cuộc chuyện trò thăm viếng.
- Các thầy giáo về đây chắc hẳn là buồn, phải không? Nhưng cố gắng yên tâm giảng dạy, công tác nghe! – Anh Cửu cười vui –.
- Vâng, bây giờ cũng đã quen dần rồi. – Hoan nói –.
Thăm hỏi sức khoẻ và sinh hoạt thường ngày một lúc, Đình xin phép đi vào vấn đề chính:
- Anh Cửu hôm trước có bảo sẽ cung cấp cho một ít số liệu và thông tin cụ thể, thật hơn, so với các bản báo cáo... – Đình nhắc –.
Những số liệu, những thông tin đó anh Cửu đã thuộc nằm lòng, nhưng anh cũng đến chiếc tủ gỗ để lấy ra những xấp hồ sơ. Sau một lúc ghi chép, Đình ngước mắt lên, nhìn anh Cửu:
- Bây giờ xin hỏi thật anh Cửu, một số người ở đây có nói là đã mấy lần anh Cửu được đề nghị phong anh hùng. Điều đó có đúng không anh?
Anh Cửu trầm ngâm, rồi nói:
- Cũng có ý kiến đó, nhưng đề nghị chính thức thì chưa có. Vả lại, tính mình cũng hơi ngang... Mình tự xác định, ra sức làm việc là chính. Nếu có chút gì gọi là cống hiến thì cũng vì dân mà thôi. Quan điểm của mình, nói thật, cũng không thích anh hùng cá nhân, nhưng anh hùng tập thể thì quả là quá khó...
Đóng định nói gì đó, nhưng rồi anh cũng im lặng.
Một lát sau, anh Cửu đập tay xuống mặt bàn, giọng nói chợt nghiêm hẳn:
- Mình nói thật, mươi năm tham gia kháng chiến trước 1975, và từ 1975 đến nay, mình đều xác định ý thức, động cơ và quan điểm riêng của mình là vậy. – Anh Cửu cười chua chát –. Mà thật ra, thành tựu ở vùng kinh tế mới Hương Lâm này có gì đâu? Nếu người lãnh đạo được phong danh hiệu anh hùng thì trước hết, vùng Suối Hương này phải được phong anh hùng! Hai thầy giáo không nhớ sao, mình đã có lần tâm sự là hiện nay, mình đang khổ tâm vô cùng vì chưa trả được món nợ với dân Huế tại Suối Hương, mặc dù lời tuyên truyền “đi xây dựng thành phố mới tại Lâm đồng” không phải xuất phát từ mình...
Đình gấp cuốn sổ và đậy nắp bút lại:
- Tết Kỉ mùi 1979, cách đây gần tròn năm, báo Lâm Đồng có ra một số đặc biệt về Suối Hương. Trong số báo ấy, em có đọc bài viết về anh, bên cạnh những bài báo về nhiều con người, về những tập thể ở Suối Hương, đặc biệt là về hai trung đoàn thanh niên xung kích Huế.
Anh Cửu gật đầu:
- Đó là lúc đánh dấu một năm, từ tháng 12-1977 đến tháng 12-1978. Lúc đó Bắc Kinh chưa tấn công ta ở biên giới phía Bắc. – Bỗng anh khoát tay –. Thôi, số báo đó cũ rồi. Nếu viết về mình và Suối Hương lúc này, thì xin hãy viết rằng mình đang rất khổ tâm... Một số mục tiêu cụ thể như Suối Hương phải tự sản xuất đủ ăn; phải có trường học cấp phổ thông cơ sở, cấp phổ thông trung học thật khang trang; phải có một bệnh viện ít ra là với 20 giường, hai bác sĩ và y sĩ, thuốc men thiết yếu đầy đủ, và với một xe cứu thương để chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên; phải có đường giao thông thuận lợi cho cả hai mùa mưa nắng... Chỉ vậy thôi mà đã đạt được đâu. – Anh bỏ ngang để hỏi Đình và Hoan –. Hai thầy giáo có biết cô Nếp không, cô Nếp mà dân ở đây hay gọi là Nếp Hương đó? Cô ấy là một y sĩ, năm 1977 tốt nghiệp Trường Cán sự y tế Huế hẳn hoi, thế mà theo gia đình vào đây, phải thất nghiệp, bèn học nghề thợ may! Có vô lí không? Nhưng nghề thợ may cũng thất nghiệp! Trong khi đó, tỉ lệ bệnh nhân ở đây là rất cao, vùng đỏ sốt rét trên bản đồ y tế mà! Và cũng trong khi đó, tỉ lệ người thiếu áo quần lành lặn, đàng hoàng ở đây là rất nhiều! Thiếu thuốc thang, thiếu phương tiện y tế, thiếu vải vóc, là chịu bó tay! – Anh Cửu lại đập tay xuống bàn, nói khẽ và kéo dài mỗi từ như mỉa mai –. Còn quan điểm và cơ chế sử dụng nhân lực nữa! Thật là bó tay, bị trói trước quan điểm và cơ chế sử dụng nhân lực...
Đóng trầm ngâm rồi nói:
- Đó là sự thật đó hai anh! Anh Cửu đã lê gót ra Huế, ra Hà Nội, lên Đà Lạt nhiều lần, đến nhiều cơ quan ban ngành, nhưng tất cả cũng đều im lặng cả, chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Thấy gương mặt anh Cửu trở nên đăm chiêu, thể hiện sự dằn vặt nội tâm, nên không ai muốn nói gì nữa. Ngồi im lặng một lúc, Đình và Hoan xin phép về lại Phân hiệu, hẹn sẽ có dịp khác đến thăm Ban Quy hoạch.
Tuy vậy, khi chia tay, anh Cửu vẫn bày tỏ niềm hi vọng:
- Việc Bộ Giáo dục và Ty Giáo dục Lâm Đồng cho khởi động việc hình thành phân hiệu cấp 3 ở đây là tín hiệu đáng mừng. Biết đâu, trạm xá y tế cũng sẽ trở thành bệnh viện theo cách như thế... – Anh Cửu bỏ lửng câu nói –.
Cùng tiễn chân một đỗi đường, anh Cửu lại khẽ tâm sự:
- Nếu đưa dân thành phố Huế vào đây chỉ vì mục tiêu an ninh về xã hội, chính trị và giải quyết khó khăn lương thực thôi, thì... quá đau! Bọn mình hoá ra cũng bị cấp trên lừa!
Trên đường về, Hoan cũng vừa cười cay đắng vừa lắc đầu như muốn than trời, thông cảm cho nỗi niềm chung và nỗi đau của một vùng đất được gọi là KTM. Suối Hương. Đình cúi đầu im lặng suy nghĩ, tự hỏi thầm, không hiểu anh Cửu vẫn còn chân thành bám víu vào ảo vọng Suối Hương sẽ được ưu ái trợ cấp, hay vẫn còn dùng ảo tưởng, niềm hi vọng lạc quan gì đó, để động viên Đình và Hoan?
Hai thầy giáo trẻ chợt cùng nhìn vào một căn nhà lợp tôn, có lẽ duy nhất ở đây, trong đó có một máy phát điện chạy bằng diesel, ở một góc “quảng trường”, bởi tiếng khởi động máy.
- Sắp có điện! Vậy là 6 giờ chiều rồi! – Hoan nói –.
- Chiếc máy nhiệt điện này nghe đâu cũng sẽ được di chuyển ra huyện lị Mađagui. Không biết sẽ được tiếp tục chạy ở đó hay để cất vào kho, mặc dù nó là tài sản có được bởi ngân sách KTM.! Nay Suối Hương đâu còn được hưởng quy chế, ngân sách KTM.! – Đình bật cười cay đắng –. Thế thì làm sao có trường phổ thông trung học và bệnh viện ở đây được! Đây đâu phải là huyện lị!
- Anh Cửu khổ tâm, dằn vặt quá nên lẩn quẩn mất rồi!
- Mình hiểu anh ấy vẫn đang vận động để Suối Hương trở thành một thị trấn tự trị, tự quản gì đó!
Cả hai tuy nói vậy, nhưng lòng đều chùng xuống, trĩu nặng.
5
Sáng sớm, vượn hú phía cụm đồi sau nhà, còn về khuya, khắp tứ bề, Đình nghe có tiếng một loài sinh vật nào đó rất lạ, cứ phát ra âm thanh vun vút như tiếng roi quất vào không khí. Hình như đó là một loài chim, nhưng cũng không chắc lắm. Nghe nói, trên vùng đất Suối Hương này, ở đâu cũng có âm thanh hoang dã ấy.
Mỗi buổi tối, bóng đèn điện tròn treo cố định ở vị trí giữa ngôi nhà, không biết bao nhiêu watt, nhưng cũng chỉ sáng cho vui nhà, để họp hành, chứ cũng không đủ để đọc được sách. Khi đến giờ cúp điện, tiếng vun vút của loài sinh vật lạ ấy lại cất lên!
Ban đầu thì có cảm giác hơi kì dị, nhưng riết rồi cũng quen đi.
Đêm nay, hầu như Đình không để ý gì đến giờ đèn sáng, giờ đèn tắt và cả tiếng vun vút kia, bởi anh mãi suy nghĩ về “nụ cười tươi tắn” của Nếp Hương.
Cách đây một tuần, anh đã nghe Đóng kể lai lịch của Nếp Hương, nhưng để chắc hơn, anh lại hỏi “thổ công” trong nhà là Thừa. Thừa cũng bảo đúng như thế. Chiều nay, một lần nữa, Đình lại nghe anh Cửu tình cờ xác nhận lại.
Thật không ngờ!
Có điều, Đình không hiểu vì sao trong hoàn cảnh rất bi kịch, Nếp Hương vẫn giữ được nụ cười tươi tắn! Đó là một nụ cười khiến Đình ngẩn ngơ, vì quả thật, chưa bao giờ trong đời, Đình lại bắt gặp một nụ cười tươi tắn đến mức như vậy trên một gương mặt đẹp phúc hậu đến thế. Dáng dấp của Nếp Hương cũng rất thon tròn và còn có vẻ đài các nữa! Đình cứ ngỡ cô ấy chỉ là thợ may thôi, thậm chí còn đau hơn nữa là thợ may giỏi nhưng không có khách hàng, vì dân cư ở đây không đủ tiền mua vải để may mặc theo kiểu sống thành phố. Nào ngờ, Nếp Hương còn là một y sĩ được học hành chính quy hẳn hoi tại Huế, nay lại thất nghiệp về ngành y!
- Mình với cô Phin, tốt nghiệp đại học sư phạm xong cũng không được bổ nhiệm, phải đăng kí đi KTM., thì trường hợp của Nếp Hương cũng vậy thôi, có gì đâu mà ông ngạc nhiên? –. Thừa cười và nói, chừng như xem sự thể như thế không có gì lạ, trong thời buổi này, riêng Thừa cũng đã quen với sự thể bi đát như thế rồi –.
- Sao hôm mới gặp, Thừa không nói hẳn về Nếp Hương là vậy, mà chỉ úp mở rằng cô ấy là thợ may bán chuyên nghiệp? – Đình nói –.
- Ở đây còn có những nhân vật “đặc biệt” lắm, như em gái ruột của một anh hùng Côn Đảo, như một xướng ngôn viên Đài Phát thanh Huế, lại có cả sinh viên Đại học Sư phạm Huế nữa... Đó là chưa kể những cô gái giang hồ, các tay anh chị khét tiếng... mà cuộc đời thật của họ còn hơn cả tiểu thuyết. – Thừa chậm rãi nói –. Có điều, Nếp Hương vẫn là người khiến nhiều người lưu tâm nhất!
Đêm nay, Đình lại nhớ đến mẩu chuyện trò giữa anh với Thừa, trong khi vẫn không thể quên được một câu nói của anh Cửu: “Thật là bó tay, bị trói trước quan điểm và cơ chế sử dụng nhân lực”!
Bỗng dưng, Đình hình dung ra Nếp Hương không phải trong bộ áo quần lam lũ, đội chiếc nón lá đã cũ đến mức ố vàng mưa nắng và bùn bụi, mà Nếp Hương đội mũ trắng có dấu chữ thập đỏ, mặc áo quần y tế trắng với bảng tên trên ngực, mang giày trắng với đế cao su êm nhẹ đang chăm sóc các bệnh nhân ở Bệnh viện trung ương Huế, đúng như lẽ ra là phải vậy, hay hình ảnh Nếp Hương, ngay tại Suối Hương này thôi, cũng là một y sĩ của bệnh xá tranh tre nứa lá. Và Đình gục đầu không hiểu nổi!
Trong hoàn cảnh bi kịch đến thế, sao tới lúc này Nếp Hương vẫn giữ được nụ cười tươi tắn quá đỗi hồn nhiên? Cô ấy lạc quan vì tin vào hi vọng nào đó sẽ thành hiện thực? Thật không hiểu nổi!
Theo mạch ngẫm nghĩ, Đình lại nhớ thêm lời nói chưa rõ ràng lắm của anh Cửu, của Đóng về sự vận động để xin cho Suối Hương trở thành một vùng tự trị, tự quản.
Bất giác, Đình lại chợt nhớ anh Hỉ, một trong năm thành viên của ngôi nhà láng giềng bên trái, gần nhất với nhà tập thể Phân hiệu, thỉnh thoảng đi ngang đường trước ngõ, lại nói to lên một cách đùa cợt: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa tự trị Suối Hương!”. Anh Hỉ, theo Đình biết, là thanh niên xung kích năng nổ, tiên tiến, ưu tú thuộc Đại đội Suối Hương, lâu nay đã trở thành trưởng Ban Công an xã, sao lại đùa cợt một cách “mất quan điểm” như vậy? Anh ấy cường điệu, đùa cợt vô tư? Hay thân tình và vui vẻ phóng đại, châm biếm anh Cửu? Hoặc giả, có lẽ nào anh Hỉ đó lại thử lòng nhà tập thể Phân hiệu này? Tự quản hay tự trị như thế tuy không phải là cát cứ, nhưng danh nghĩa và quy chế dành cho các khu tự trị trên Miền Bắc đến nay đâu còn tồn tại, hiệu lực?
Có một điều cũng lạ nữa, sao anh Cửu vẫn còn ra sức đi Hà Nội, quay vào Huế rồi lên Đà Lạt vận động cho Suối Hương theo hướng tự quản, tự trị đó? Sao anh Cửu, một người dạn dày kinh nghiệm, lại “lạc quan tếu” như thể ngây thơ cho rằng sự khởi động dự án thành lập Phân hiệu Trường Phổ thông trung học tại Suối Hương là một thắng lợi lớn, là tín hiệu có ý nghĩa?
Đình cứ tiếp tục suy nghĩ trong khuya, và thỉnh thoảng bất giác buông tiếng thở dài...
Nhưng nụ cười tươi tắn trên gương mặt ngời sáng phúc hậu của Nếp Hương lại khiến Đình nhìn lại cái nhìn của mình, về vô vàn ngổn ngang, gian khó ở Suối Hương.
15: – 18:10 & 20:06, 14-9 HB12
17:13, 17-9 HB12
TXA.
Xem tiếp chương III (truyện ngắn 3)