HÁT MỘC VỚI BIỂN ĐẢO
& NHỮNG BÀI THƠ KHÁC
đã được ấn hành
Thơ ca không thể thờ ơ, lãnh đạm với nỗi đau của Đất - Nước.
Hoàng Sa, Trường Sa là nỗi đau nhức nhối từ mấy chục năm nay của mỗi người Việt Nam. Gần đây, những dặm vuông mặt biển thuộc lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông lại bị xâm phạm chủ quyền! Nỗi đau nhức nhối ấy lại càng nhức nhối nhiều lần. Vì thế, thơ ca không thể im lặng!
Biển đảo là một trong những nguồn mạch của các tài nguyên thiên nhiên quý báu của Đất - Nước ta. Và chỉ riêng khía cạnh nguồn sống thiết thực của ngư dân nước ta, thì biển đảo tự bao đời là ngư trường để sinh sống, cũng như rừng suối, nương rẫy là nguồn sống của nông dân miền núi, ruộng đồng, sông rạch là nguồn sống của nông dân miền xuôi. Gần đây, ngư dân Miền Trung lại liên tục bị tàu thuyền ngoại xâm bạo hành! Vì thế, thơ ca làm sao có thể im lặng!
Hoàng Sa, Trường Sa và những dặm vuông Biển Đông thuộc chủ quyền dân tộc ta còn là phên giậu, thành luỹ ngoài khơi của Đất - Nước. Từ lâu đời, Việt Nam đã thực thi chủ quyền bằng mồ hôi và cả xương máu. Sử sách đã ghi nhận ít ra là từ hai thế kỉ XVI – XVII, cho đến nay. Trước đây, các triều đại Trung Hoa và nước ta cũng chưa hề có tranh chấp về biển đảo.
Công ước quốc tế về biển đảo cũng đã rất rõ ràng.
Thế mà chủ quyền và sự toàn vẹn Đất - Nước bị xâm phạm! Các lĩnh vực sử học, luật học đã lên tiếng. Thơ ca lẽ nào lại im lặng, trong khi chính nó là tiếng nói nhạy bén nhất của trái tim, khối óc.
Chính lúc cái “lưỡi vạch” của ngoại bang đang tính toan “liếm sạch”, độc chiếm Biển Đông, mọi người Việt Nam đều phải thực sự hoà giải và đoàn kết, để cùng các nước Đông Nam Á và toàn thế giới chung tay giữ lấy Biển Đông. Đó là sứ mệnh đặc trưng của thơ ca. Thơ ca do đó càng mặn nồng tình đất nước – tình biển đảo và tình dân tộc, tình láng giềng ASEAN và tình yêu công lí của nhân loại...
Nhiều nhà thơ đã được thời cuộc đánh thức để cất cao, tiếp nối mạch thơ về Đất - Nước, trong đó, biển đảo là đề tài rất nóng bỏng, bức bối nhưng cũng thật sâu xa, trầm tĩnh. Trần Xuân An cũng thế, nhưng theo cách viết và giọng thơ, độ sâu và chiều rộng riêng.
Từ những bài thơ của Trần Xuân An, vốn đã được đăng tải trên báo giấy, báo mạng và các điểm mạng của bản thân đồng thời đăng trên các điểm mạng tụ hội nhiều người cầm bút, Trần Xuân An đã tập hợp lại để xuất bản, qua Nhà Xuất bản Thanh Niên, vào đầu tháng 02 - 2012 này. Trong đó, về đề tài biển đảo, gồm mười hai bài mới viết và ba bài viết đã lâu (1994), dùng làm thơ “thay lời ngỏ” và phụ đính.