xin thể hiện rõ ra, triệu người chống cộng,
mãi yêu Tổ quốc, quê nhà
triệu người cộng sản đấu tranh giai cấp, nhưng
vẫn yêu quê nhà, Tổ quốc
.
Trích từ bài "LẼ
RA ĐÃ TỪ 1973"
Trần Xuân An
-----------------------------------------------------------------------------------------
CỰU THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
BBC TIẾNG VIỆT
(Xuân Hồng thực hiện)
TRÍCH NGUYÊN VĂN NHƯ
SAU:
Xuân Hồng (BBC.): Một số người khác bên đây chiến tuyến thì họ cũng có những mất
mát về gia đình của họ, cũng như bên phía gọi là “cách mạng” thì cũng có sự mất
mát về gia đình. Thưa ông, làm sao mà hóa giải được hận thù đó, làm sao mà có
thể đi đến sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Ông có một biện pháp cụ thể nào để đề
xuất chuyện đó hay không?
Võ Văn Kiệt (VVK.): Trong quan niệm của tôi ngay sau lúc sau giải phóng Miền Nam,
một trong những người có liên quan đến chủ trương đối với người Mỹ mất tích ở
Việt Nam, liên quan đến hài cốt của người Mỹ mất tích ở Việt Nam, trong lúc đó
thì chưa có quan hệ bình thường với nhau, nhưng trong lãnh đạo chúng tôi đều
xác định rằng đấy là một vấn đề nhân đạo. Người đã mất rồi, mình chưa có khả
năng ấy, thì bây giờ người Mỹ có khả năng ấy, thì mình cho họ tìm lại hài cốt
và tạo điều kiện giúp đỡ cho họ. Tiếp tục bây giờ vẫn còn cái đó.
Việt Nam, nhất là ở
miền Nam tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên. Chính trong
thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và
số bên kia. Cái đó nó có hoàn cảnh của nó – có khi bị ép, có khi thế này thế
khác. Hay trong một vùng mở rộng du kích, con cháu nó ở trong vùng đó thì phải
tham gia. Ở những vùng khác tạm thời bị chiếm đóng thì phải làm nghĩa vụ quân
dịch. Và cái đó người dân không có sức chống đối được. Cho nên ngay trong thân
nhân của tôi cũng có hai bên.
Có những gia đình, một
người mẹ có con đi chiến đấu chết ở bên này và một đứa con khác thì đi chiến
đấu chết ở bên kia. Trên bàn thờ hai người con. Thế thì người mẹ họ suy nghĩ
gì? Không lẽ họ chia ra? Con nào cũng là núm ruột cả. Điều đó ngay cả trong một
gia đình cũng là một gắn bó. Hay trong giòng họ, nhất là ở miền Nam thì mối
quan hệ đó rất bình thường. Như vậy là đối với cả dân tộc của mình thì chuyện
bên này hay bên kia thì nguồn gốc nó là gì? Từ đâu nó sinh ra cái này. Bây giờ
chúng tôi khẳng định cũng là từ bên ngoài. Chuyện mà nếu không có từ bên ngoài
xen vào…
XH: Ông nói từ bên
ngoài là như thế nào?
VVK: Tức là từ chủ
nghĩa thực dân, tôi xác định, tham gia vào, như Pháp. Cách mạng tháng 8 là đã
giải quyết về chủ quyền của mình rồi, nhưng sau đó thực dân Pháp trở lại, tái
chiếm lại ở Việt Nam. Mỹ cũng là từ bên ngoài. Nếu trong Việt Nam – Việt Nam
với nhau hoàn toàn có khả năng có thể hòa giải được. Nếu có những quan điểm,
chính kiến, hay một cái gì đó khác nhau. Hoàn toàn không có bên ngoài chen vào
thì chúng ta có thể hòa giải được.
XH: Nhưng bây giờ có
khả năng hòa giải được không, thưa ông?
VVK: Tôi cho đây là
một cơ hội có thể nói hết sức là tốt. Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm,
thì không có lý do gì mà có thể là giữa chúng ta với nhau không hòa giải được.
Vì kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù của Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ
thù của Việt Nam là Trung Quốc trong thời đánh biên giới Việt Bắc, chúng ta
cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta với chúng ta lại không khép
lại quá khứ ấy, mà chúng ta cứ đối kỵ với nhau, rồi có những sự chống đối.
Tôi cho rằng bây giờ
thì càng có điều kiện để chúng ta làm điều đó.
XH: Nhưng thưa ông,
phải có những biện pháp, để mình đi từng biện pháp để đi đến chỗ hòa giải với
nhau. Ông đề xuất ra biện pháp nào?
VVK: Tôi cho trong hòa
hợp dân tộc thì không có vấn đề gì. Liên quan đến hòa giải, theo quan điểm của
tôi, hòa giải trong tình hình hiện nay không có nghĩa là hai chiến tuyến, tức
là một bên là quốc gia, tôi tạm gọi là như thế, một bên gọi là cộng sản như trước
đây… Có lúc giữa quốc gia và cộng sản đối nghịch nhau vì anh là quốc gia tôi là
cộng sản. Bây giờ không còn cái gọi là một bên là quốc gia, một bên là cộng sản
để hòa giải với nhau. Cái đó tôi chống – không có.
Việt Nam với Mỹ cũng
khép lại quá khứ và bàn chuyện hợp tác với nhau: Hợp tác hữu nghị và nhắm vào
tương lại. Thì quá khứ của nó là cái gì? Quá khứ của nó là hận thù, chúng ta
khép lại. Bây giờ chúng ta tính đến tương lai là sự hợp tác cùng phát triển.
Trong quá trình hợp tác phát triển không phải không có vấn đề kèm theo có hòa
giải trong này những vấn đề cụ thể như chất độc màu da cam. Nhưng đó là cục bộ,
đó là những vấn đề cụ thể, chớ không phải là toàn bộ. Không phải là hai chiến
tuyến bây giờ phải bàn với nhau để hòa giải.
Từ đó mà tôi nghĩ rằng
giữa những người Việt Nam chúng ta không còn có chuyện hòa giải như hồi còn đối
đầu với nhau, trong lúc còn Mỹ chủ mưu đối với dân tộc. Không có hòa giải theo
kiểu đó.
XH: Nghĩa là theo ý
ông thì với thời gian, chiến tuyến giữa quốc gia với cộng sản đã mờ nhạt dần,
phải không ạ?
VVK: Tôi cho rằng cái
đó nó vô lý. Tôi nói ngay cái này, có một số anh em trước đây cùng chiến đấu
bên cạnh Mỹ, nhân danh là người quốc gia, xác định chúng tôi chiến đấu lại
người cộng sản - nghĩa là người cộng sản không có quốc gia. Như vậy y như là
bao gồm cả chuyện mà nói là người cộng sản không có quốc gia – không phải.
Chúng tôi có quốc gia chớ, chúng tôi yêu nước, chiến đấu cho dân tộc này, cho
quốc gia này. Các ông xem xuyên suốt (thì thấy) chúng tôi chiến đấu cho quốc
gia nào khác nữa.
Tôi nói chuyện với anh
Nguyễn Văn Hảo. Anh hay xưng anh là người quốc gia và tôi là người cộng sản.
Nhưng hai anh em cũng thân lắm. Tôi nói rằng đấy là anh tự xác định, như thế là
anh coi anh là quốc gia, còn tôi không có quốc gia? Nếu nói đầy đủ hơn, đúng
nghĩa hơn, anh là quốc gia, thì chuyện do thân ai, thì chuyện đó chúng tôi có
thể đặt ra. Anh quốc gia thân Mỹ, thân Pháp. Nhưng tôi người quốc gia theo chủ
nghĩa cộng sản. Chớ còn anh phủ định, coi như là người cộng sản không có quốc
gia, người cộng sản không có dân tộc – hoàn toàn không đúng.
Bây giờ phải nói với
nhau là quốc gia là của mình, quốc gia là của chúng ta, dân tộc là của chúng
ta. Nhưng anh quốc gia không cộng sản, tôi quốc gia cộng sản, thì có thể còn
khác với nhau chỗ đó, ngoài ra không có khác gì nữa.