DA VÀNG, ĐẤT VÀNG –
TỪ NGỮ ĐƯỢC ƯỚC LỆ HOÁ
Trần Xuân An

Thời còn là học sinh trung học đệ nhất, đệ nhị cấp (cấp 2, cấp 3 hiện nay), những người cùng lứa tuổi như tôi thường nghe và đọc thấy những cụm từ có hai chữ “da vàng”: thân phận da vàng, ca khúc da vàng, khát vọng da vàng, tình tự da vàng… Nhạc Trịnh Công Sơn là một ví dụ.
Tại sao hai chữ da vàng lại được dùng nhiều đến thế? Dĩ nhiên là có nguyên do lịch sử.
Đất nước Việt Nam từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XXI phải đối đầu với 4 loại ngoại xâm:
1) chủ nghĩa thực dân cũ (Pháp, Tây Ban Nha);
2) chủ nghĩa phát xít [1] (phát xít Nhật);
3) chủ nghĩa thực dân mới cộng sản (hai đế quốc cộng sản Liên Xô, Trung Quốc) [2];
4) chủ nghĩa thực dân mới tư bản (đế quốc tư bản Mỹ).
Nhưng rõ ràng Nhật Bản, Trung Quốc cũng thuộc da vàng. Như vậy, khi cả xã hội đều thích dùng hai từ “da vàng” với tâm trạng chung của thời đó, chẳng lẽ không kể đến hai đế quốc phát xít, cộng sản ấy!
Tuy nhiên, xét cho cùng, các thứ chủ nghĩa, lực lượng xâm lăng ấy đều xuất phát từ châu Âu, châu Mỹ da trắng. Mặc dù Nhật Bản, Trung Quốc đều thuộc chủng tộc da vàng châu Á, nhưng bị rìu hoá [2] bởi phát xít châu Âu, bị đỏ hoá bởi cộng sản châu Âu da trắng.
Và thậm chí, hơn thế nữa, chừng như người Việt vô hình trung không còn xem Nhật Bản, Trung Quốc thuộc chủng tộc da vàng chăng?
Thật ra, ngôn từ có văn cảnh cụ thể, bối cảnh lịch sử cụ thể của nó. Hai chữ “da vàng” trong các cụm từ nói trên chỉ được hiểu là dân tộc Việt Nam từ Nam chí Bắc đất nước ta, trong bối cảnh lịch sử là nạn nhân của các thứ chủ nghĩa của người da trắng như đã kể trên.
Có thể xem “da vàng” như một dạng ngôn từ đã được ước lệ hoá, hiện nay còn được sử dụng rất phổ biến, như tóc xanh (đúng ra là tóc đen thời trẻ tuổi), mắt xanh (đúng ra là mắt sáng, tinh tường), áo trắng (học trò trung học), mực tím (học sinh cấp hai), rừng vàng, biển bạc…
Đất nước và Da vàng, gọi tắt là Đất Vàng, chỉ có một nghĩa là đất nước Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, mặc dù người ta cũng gọi “đất vàng” là đất đắc địa, đất sinh lợi cao, hoặc chỉ đơn giản là xuất phát từ câu tục ngữ “tấc đấc, tấc vàng”, đất là vàng (kim loại), quý như vàng. Ca dao cũng có câu tương tự:
Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
Với tôi và bạn bè thời tuổi nhỏ, Đất Vàng chỉ là Đất nước và Màu da của người Việt Nam chúng ta.
T.X.A.
08-5 HB15 (2015)
_____________________
[1] Fascisme với biểu tượng bó gậy cố kết, cái rìu chém đầu.
[2] Cộng sản Việt Nam xuất phát từ khát vọng cứu nước khỏi ách ngoại xâm là thực dân Pháp, nên có lẽ khác với cộng sản Liên Xô, cộng sản Trung Quốc, xuất phát từ chủ trương đấu tranh giai cấp.
FACEBOOK:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1573682179572394&set=a.1398271570446790.1073741831.100007918808885&type=1&theater