TẠI SAO CÓ SỰ “DỊ ỨNG”
ĐỐI VỚI CỤM TỪ “CHIẾN TRANH Ý THỨC HỆ”?
Trần Xuân An
Có một điều khá
khó hiểu là nhiều tác giả thuộc các ban tuyên giáo từ cấp tỉnh đến trung ương ở
nước ta lại rất ghét cụm từ "chiến
tranh ý thức hệ". Thậm chí họ còn xem nội dung của cụm từ đó là luận
điệu phản cách mạng!
Như thế, phải
chăng họ tự mâu thuẫn với chính mình?
Bởi lẽ, hơn ai hết,
các đảng cộng sản chính thống chính là những lực lượng chủ động phát động chiến
tranh cách mạng, với phương châm "giải
quyết cuộc đấu tranh "AI THẮNG AI" giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa
tư bản, giữa cách mạng và phản cách mạng". Cuộc đấu tranh giữa "HAI CON ĐƯỜNG", cộng sản và tư bản,
cũng là cụm từ họ thường xuyên sử dụng. Thêm nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn
công khai tuyên bố "Đảng ta luôn
luôn giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", mà
ngọn cờ chủ nghĩa xã hội là gì, nếu không phải là đấu tranh về hệ ý thức
(ideology), tức là về ý hệ, hệ tư tưởng, nhằm truyền bá và thực thi hệ ý thức
marxist - leninist trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - giáo dục, chính trị,
xã hội...?
Như vậy, rõ ràng
là các đảng cộng sản đều chủ trương "chiến tranh ý thức hệ".
Thực ra, các vị
tuyên giáo chỉ ghét "chiến tranh ý thức hệ" đơn thuần, vì theo họ, ở nước
ta, phải tiến hành song song, đồng thời hai cuộc chiến tranh (hai nhiệm vụ chiến
lược) là độc lập dân tộc (đánh đuổi ngoại xâm) và chủ nghĩa xã hội (xây dựng đất
nước theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu).
Thế nhưng, thiết
tưởng cũng cần lưu ý: Lê-nin (Lénine) tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga (1917)
chỉ giương cao duy nhất một ngọn cờ chủ nghĩa xã hội mà thôi, chứ nước Nga có
ngoại xâm đâu vào thời điểm ấy để giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc? Rõ ràng
Lê-nin chỉ làm chiến tranh cách mạng để lật đổ chế độ quân chủ Tsa-hoàng và
chính quyền tư sản Ke-ren-sky (Alexander F. Kerensky), chứ không có ngoại xâm
nào để phải đồng thời tiến hành chiến tranh chống thực dân, giành độc lập (*).
Chúng ta có thể đi
đến kết luận: "Chiến tranh ý thức hệ"
chính là chiến tranh cách mạng, đánh đổ chế độ cũ (quân chủ, tư sản) để xây dựng
chế độ mới, xã hội chủ nghĩa. Còn ở nước ta, trước 1945, là một nước thuộc địa
nửa phong kiến, nên mới giương cao hai ngọn cờ (hai nhiệm vụ chiến lược): độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Vì thế cho nên,
tôi muốn nói:
“MỘT MẶT CHỦ YẾU CỦA VẤN ĐỀ: CHIẾN TRANH Ý THỨC HỆ
Để nhận thức đúng và đủ về cuộc chiến tranh
1945-1954-1975, không nên quên một trong hai khía cạnh chủ yếu, cốt tủy của nó:
Chiến tranh ý thức hệ (điểm nóng "Chiến tranh lạnh" giữa hai Khối).
Chính khía cạnh ý thức hệ (chiến tranh "hai con đường", chiến tranh
"ai thắng ai") khiến cuộc chiến trở nên dài dằng dặc và quá phức tạp,
gây nên vô vàn vết thương tinh thần khủng khiếp bên cạnh bao núi xương sông
máu...
T.X.A. -- 10-10 HB14 (2014)”.
(Xem tại:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1476007932673153)
12-10 HB14 (2014)
T.X.A.
-------------------------------------
(*) Sau khi Cách mạng
Tháng Mười Nga thành công, Nga xô-viết mới bị Đức đe dọa, tấn công. Nhưng rốt cục,
Lénine đã kí hòa ước Brest - Litovsk với Đức, 3 tháng 3 năm 1918, nhường cho Đức
nhiều lãnh thổ vốn là thuộc địa của Nga Tsa-hoàng.