Web Tác giả Trần Xuân An
1. TRẦN XUÂN AN – CHÙM THƠ VỀ MẸ
Bài 1
GIA PHẢ
chọn nơi đây mẹ yên nghỉ vĩnh hằng
gia phả thêm một quê nhà, đất cội
bát nhang như cánh đồng làng
thu gọn vào khung ảnh tối
lúa trổ hạt ngọc hồng, gốc rạ đỏ hoàng hôn
tấm bia hoa cương đen – nền trời đêm gần hơn
gương mặt mẹ in vầng trăng già,
ngưng tuổi
soi thắm lá sen, đài sen đọng hương
dòng chữ sáng bừng tên quê ngoại xa xăm
vọng niệm những địa danh kết chuỗi
thêm Phan Huyên lăng (*), nơi đây, lồng ngực vang thầm
ảnh mẹ trên ban thờ, sớm hôm hương khói
mộ phần này thành cõi nghìn năm
trên mặt đất và trong tâm,
gần gũi
cháu chắt vẫn mừng thọ mới,
mỗi mùa xuân
từng ngày giỗ, đất thiêng tụ hội
Phan Huyên lăng
gia phả ngát hương trầm.
(*) Phan Huyên lăng: lăng mộ của người mẹ họ Phan.
5 HB8 (2008)
Bài 2
NGHĨA TRANG
nơi đây, gò vắng, phố xa
mẹ yên nghỉ giữa cỏ hoa đất trời
cho con thấm hiểu lẽ đời
khăn tang phần mộ giúp người lắng sâu
nỗi niềm còn – mất, xưa – sau
vẳng từ mộc mạc những câu trối buồn
hồn nghe nghẹn toả khói hương
nghìn mưa nắng vạn trăng sương muôn trùng
chút tâm chạm thấu vô cùng
mỗi tuần con viếng thấm từng lời ban
gió nghĩa trang gột bụi trần
giúp con về phố thêm thân thiết đời.
5 HB8 (2008)
Bài 3
MỒ CÔI
ở tuổi năm mươi, trở thành đứa trẻ mồ côi
– điều bình thường muôn thuở –
nhưng từ nay, bước chân ra đi,
không bao giờ còn nữa
đôi mắt mẹ già nua mong ngóng đợi con về
từ nay, trong niềm kính nhớ
là bát nhang khói mờ, trời mây trắng xa
mộ phần lặng im, vô ưu hoa cỏ
đành tập quen dần cùng buồn khổ
lẽ đời, tự bao giờ
nghiêng mình
trước bao nỗi mồ côi từ thuở bi bô
nhưng mồ côi ở tuổi nào
cũng là tuổi nhỏ
bơ vơ
– điều bình thường mênh mang thiên cổ –.
5 HB8 (2008)
Bài 4
Và một bài tứ tuyệt viết từ năm 2007
TIỂU ĐỐI KÍNH GHI Ở BIA PHỤ
nhà cháy quán xiêu thương xứ vắng
tin nhoà thuyền giạt vọng tang xa
mươi năm phố nhỏ nguôi lòng Mẹ
vạn thuở lăng cao sáng ảnh Bà.
2007
TRẦN XUÂN AN
2. TRẦN XUÂN AN – THƠ VỀ HÀ NỘI
Bài 1
CÙNG QUẢNG TRỊ DẠO CHƠI
BA MƯƠI SÁU PHỐ PHƯỜNG (1)
cuốn tròn bảy sắc cầu vồng
thành phim
em tặng người không quen này
ba mươi sáu phố xưa gầy
bên nhau cho đó và đây chung hình
em ngoan, Hà Nội rất tình
những tên mộc mạc nối mình vào ta
nôm na mượt giọng lụa là
khác hương khói một quê nhà cũng thân
em ngoan, mới gặp nửa lần
làng thi ca, xa là gần, phải không
liều ra Hà Nội lông bông
ơn Quảng Trị đưa đi rong đỡ buồn
chớp xong ba sáu phố phường
thừa hai kiểu?
thiếu con đường Hàng Thơ
ngắm cô Hàng Sách, ngẩn ngơ
tâm hồn thi sĩ bây giờ bụi phơi!
theo em, vọng tiếng à ơi
lần ca dao, quẫy chèo ngời Văn Chương (2)
kết phim ai bấm giùm luôn
thử duyên may, có nhoà sương nhạt hình?
và đâu Hàng Cát lung linh
quê xương rồng đoá thuỷ tinh hoa đời
phim chưa dám tráng để coi
em pha lê, ngại chói trời thủ đô!
ngoan ngoan đáo để mộng mơ
Ba Phi chạm Trạng ơ ờ Quỳnh em (3)
hư vô vẫn cười giòn thêm
phố ba-bảy-rưỡi, trắng thêm tấm này?
Hà Nội, 02 và 05.3.1997
Tp. HCM., 10.4.1997
(1) Ngày xưa, chỉ có ba mươi sáu phố cổ. Về sau, từng thời kì, mọc thêm một số phố, cũng được đặt tên bằng các sản vật hàng hoá (trên 43 phố). Hàng Thơ và Hàng Cát, hai tên phố này tác giả tự đặt thêm để diễn đạt tứ thơ.
(2) Một hồ nước có tên là Văn Chương.
(3) Ba Phi, Trạng Quỳnh, tên riêng, hai nhân vật văn học dân gian.
Bài 2
MỘT QUÃNG THÁI HÀ
rét tháng giêng Hà Nội mịn mưa sương
thả bước suốt ban mai chưa ướt áo
bay ngàn tia nắng bay bay, huyền ảo
xóm bãi rác ơi, đường Thái Hà nghiêng
ngỡ nghiêng nghiêng bao dòng chữ nét duyên
đọc vô ngôn trên đất trời lóng lánh
cầu ván nhỏ, ghềnh, kênh không đen quánh
mùi bùn sình, mạch đất bẩn, thoáng phai
ban mai bãi rác bâng khuâng hương lài
phải lài chăng? Mượt xanh ngời trắng muốt
hoa góc vườn nhà quen, đằm và khướt
say, anh say, anh bảng lảng, nơi này
tháng giêng Hà Nội, hồn tịnh thơ chay
mùa chay tịnh rất đời! Cơ hồ nắng
hình như mưa! Chẳng cách nào câm lặng
làm sao thật, đành mơ, xóm Liều (*) ơi
ma rượu ngốc, khùng nơi anh đi rồi
nắng thoảng ấm tình, mưa khôn, ngoan thế
chắp tay ơn em, cười từ giã nhé
trời đất nghiêng mình, anh nghiêng mình, yêu …
Hà Nội, 03.3.1997
(*) Tên của xóm dân cư …
Bài 3
THOÁNG CHIỀU HÔM
BÊN ĐƯỜNG THANH NIÊN
gần hai mươi hai năm
chiều đầu tiên, Hà Nội!
rét tháng giêng sương khói
ngân nhoà chuông thu không
tiếng sáo nào mênh mông
Hiên Xanh trải trắng lòng?
mùa Xuân Hương, Trúc Bạch
Nhà Trăng Xưa? Gò hoang? (1)
vết móng bò cội lan
hoá bướm bay thành lá
pha tím dâu – tháp lạ –
bông hoàng hậu Tấm ngời? (2)
cô bán chiếu gon ơi
xanh xưa mười bảy tuổi
tình hoa râm vọng nuối
nọc ngọt tim người hùng? (3)
tiếng chuông như kiếm vung
chùa thành đồn Giữ Nước (4)
trong cung, sau và trước
tham si, điệp và trùng
dấu hỏi quyện chập chùng
Lê Quan Âm giam đói …
công nên thù, Ức Trai!
triều, Tố Như khó nói … (5)
Chiêu Lì thầm gọi ai
trăng trời vỡ, trăng nước
vỡ! Cuồng trung, thở dài
chuếnh choáng, dốc cạn chai? (6)
thương, mừng, len u hoài
hồn kinh đô vời vợi
sử, không là người dưng
máu cội Hồng bổi hổi (7)
lắng đêm, bước ngập ngừng
buốt gió, chẳng quay lưng
Hồ Tây ơi, thế đó
em đẹp đến lạ lùng
khuya, huyền thoại mung lung
quá vô cùng Hà Nội
nghìn xa, nghìn xưa hỡi
mới thoáng gặp. Rưng rưng …
Hà Nội, 01.03.1997
Tp. HCM., 18.03.1997
(1) Thanh Hiên: hiệu của Nguyễn Du. Trúc Bạch, tên một hồ nước ở cạnh Hồ Tây. Cổ Nguyệt đường của Hồ Xuân Hương cũng ở ven hồ ấy. Đoạn này, nhắc đến Độc Tiểu Thanh kí.
(2) Hoa “móng bò” còn có tên chữ là “hoàng hậu”. Hoàng hậu Ỷ Lan được nhân dân gọi là cô Tấm, thờ và tôn xưng là Quan Âm. Bà vốn là họ Lê.
(3) Một sự tích hoang đường hoá: mối tình Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Thị Lộ có thời gian bán chiếu gon ven Hồ Tây.
(4) Chùa Trấn Quốc, Ỷ Lan nhiều lần đến lễ chùa này.
(5) Mặc dù được trọng dụng, làm đến chức hữu tham tri bộ lễ (thứ trưởng), Nguyễn Du (Tố Như) vẫn còn mang một nỗi mặc cảm là con trai Nguyễn Nghiễm và em ruột Nguyễn Khản,hai tể tướng - tham tụng (thủ tướng chính phủ) của vua Lê, chúa Trịnh Đàng Ngoài.
(6) Phạm Thái với Chiến tụng Tây Hồ phú, bút chiến với Nguyễn Huy Lượng và những ai cộng tác với Quang Trung.
(7) Hồng Bàng.
Bài 4
VIẾT SAU TẤM ẢNH HỒ GƯƠM
tựa lưng vào dĩ vãng đời mình
mây trắng
tựa lưng vào Tháp Bút nghìn năm
vút thẳng
em rất đỗi quê nhà
và vô cùng Hà Nội
mai nay
bóng đỉnh tháp nghiêng vào Đài Nghiên
đọng nắng
viết bài thơ hoa lên mùa non cỏ cây
viết vào tương lai
và vô cùng trang thơ em
sâu lắng
xin chấm vào nửa trái tim tôi,
buốt đắng
bằng ngón tay ngọn bút thon dài
viết vào từng gợn sóng khói bay
và vô cùng trưa gió đang say
dòng chữ màu áo em
đỏ thắm.
Hà Nội, 06.03.1997
Bài 5
TẢN BỘ QUA CẦU CHƯƠNG DƯƠNG
sông Hồng chảy ấm tháng giêng
nguyên màu hừng đông sóng nước
gió nâng lâng lâng thả bước
nắng trưa óng ngọt phù sa
hồn mênh mông trong bao la
tôi về đứng giữa nguồn xa thơ mình
ngang đâu, Hồng thành tâm linh
câu lượn ngược xuôi quan họ (1)
trống đồng âm vang núi Đọ (2)
vỗ sóng trầm hùng biển đông
thiêng liêng vai địu nách bồng
dấu bùn choãi ngón chân không, đôi bờ
bãi cồn, Hồng vun xanh ngô
Long Biên lung liêng liền khúc
ngỡ mây quàng vai kịp lúc
ô hay! Chớp mắt, sững im
đất trời và em, vào tim
bạt ngàn thăm thẳm nổi chìm vạn năm
sông Hồng đón mình ra thăm
em bận, không dưng trĩu nhớ
đen mượt tóc hương, áo đỏ
ảo thị, xinh từ vô cùng (3)
thơ tôi trải tận mung lung
ơn duyên thầm ngát muôn trùng sử thi.
Hà Nội, 05.3.1997
Tp. HCM., 08.4.1997
(1) Lượn (Tày), quan họ (Kinh): 2 loại dân ca đối đáp giữa trai và gái.
(2) Núi Đọ (Thanh Hoá): nơi các nhà khảo cổ phát hiện được di chỉ người Việt cổ.
(3) Ảo thị: cái nhìn đinh ninh là thật về ảnh ảo trước mắt. Ở đây, chỉ là một cách nói tu từ.
Bài 6
VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN
BÔNG ĐÙA BÊN HỒ HOÀN KIẾM
hồ toả khói mờ, trời xuống mây mơ
ngàn cánh nắng mai đậu trên Thê Húc (1)
em là trăng, nên ngày không còn thực
rất hoa đào, thắp ấm một hừng đông
ngỡ em quan họ tung lụa cầu vồng
hay từ tay áo nâu sồng màu đất
lược cài tuổi thơ tươi non em cất
tự tiền kiếp nào, hoá Thê Húc xinh
em, con ngỗng trời huyền sử lung linh
bỗng bay bên vai, trắng ngần Hà Nội
tôi mặc áo the, đội khăn, tóc bối
guốc mộc nước qua, ngắm truyền thuyết xưa
lẫy nỏ Rùa Vàng tên bắn như mưa
triệu tia mặt trời gãy trong làn nước …
khi chụp ảnh với Thánh Trần, mắt ngước (2)
thấy gươm thần thành Tháp Bút, ngút trời
thi sĩ bông lơn đồng bóng giữa đời
nhặt lá bồ đề, ép tim vào sách
nửa thành Đài Nghiên – cái tâm hoá thạch
nửa hoá rùa vàng – chút tình thành kinh
yêu các em như trời đất, thất tình
đáng đời chăng, kẻ chỉ mê tín sắc
ơi ni cô đẹp nét không thơ Phật
ơi trăng ơi đào, ngỗng trời yêu ơi …
Hà Nội, 02.03.1997
Tp. HCM., 12.03.1997.
(1) Thê Húc: nắng ban mai đậu lại.
(2) Đền thờ Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần) vốn được xây dựng ngay trong chùa Ngọc Sơn.
Bài 7
NGẪM KHỔ ĐẾ (1),
TẢN MẠN NIỀM VIỄN TƯỞNG
QUANH CHÙA MỘT CỘT
ni cô cùng anh rong chơi
thăm chùa xưa – đoá sen đời sắc nâu
vuông hồ gói cả trời sâu
hay khăn lụa biếc óng màu chép kinh?
đọc từng hoa súng, giật mình
chùa này, bóng ảo của xinh xắn này?
nâu sồng ơi, nghìn xưa đây
khói hương là thoáng sương bay hương đồng
cửa không, thơ không hư không
dáng chùa, ngọn đuốc toả hồng lửa thiêng
nhớ xưa, một nụ hôn thiền
ấm phương Nam ngưỡng vọng miền tâm linh
hoa súng ơi, anh đa tình
nhìn đâu cũng thấy lung linh hoa đầy
ngỡ bừng đuốc tuệ đêm ngày
thôi hiểu nhầm Quả đất này: trần gian
địa ngục? Cũng thành niết bàn
khi hai tay khoẻ tưởng ngàn cánh tay
cõi người viễn tưởng, hồn chay
với Tự nhiên, ta hết dày vò ta
cùng ni cô giữa ta bà
tâm đau khổ đế, la đà buồn ai …
tự thưa, tên kẻ khổ sai:
một mái nhà và chẳng hai bạn tình (2)
cô em ni cô hát kinh …
quanh chùa Một Cột gặp mình đang bay
phật đày thương chăng phàm đày? (3)
hạnh bồ tát tu trong cay đắng đời
người bóc người, đỏ mồ hôi
tình lột tình, gió tình ơi, héo tình!
vấp chân ngọn cỏ sơ sinh
giẫm dăm chú kiến, giật mình. Cứ đi!
về thôi, bông súng từ bi
anh còn cày ruộng xanh rì trang thơ
địa ngục? Ừ (1). Yêu ngẩn ngơ
lúa thơm vào áo, gạo no tâm hồn
cõi người viễn tưởng, yêu hơn
cũng là Quả đất đầy tròn dưới chân
mộng mơ thơ biếc bạt ngàn
nai nhà rộng trảng, ngựa hoang quên rừng
vẽ vời cùng cô em cưng
nông trang chùa dựng nâu cùng áo em
búp tim mở một cánh mềm
dáng chùa hoa súng ngày đêm một người
mặn mà mắt mặn môi tươi
phật yêu dấu là tiếng cười anh thương
chùa trong anh đi muôn đường
chùa em, hoài ghé nghe chuông, xanh đời.
Hà Nội, 03.03.1997
Tp. HCM., 13.03.1997.
(1) Khổ đế (một trong tứ diệu đế Phật giáo): chân lí về khổ đau; khổ đau của hiện thực trần gian là có thật. Tập khổ đế: nguyên nhân khổ đau, trong đó có tham vọng tư hữu… Trần gian, theo đó, là địa ngục.
(2) An, theo chữ Hán, tượng hình: một người nữ dưới một mái nhà.
(3) Phật (Buddha), chữ Phạn: người giác ngộ chân lí ngay trong đời sống, dù là đời sống phàm tục. Bất kì ai cũng có thể là Phật.
Bài 8
VU VƠ CHIỀU VĂN MIẾU,
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGHÌN XƯA
Thiên hà ngôn tai!
(Trời có nói gì đâu!).
Khổng Tử
1.
cô nàng mặc áo tứ thân
từ nghìn xưa đến hát gần bên tôi
điện thờ, thầy Khổng sững ngồi
nhập thân tình tứ chọn lời Kinh Thi? (1)
thưa em, duyên yêu là chi
râu nghiêm bạc, úa tim si thánh hiền
đâu vô danh vô vi thiền
đây bia chất xám, niềm riêng chói trời
giọng ca như rượu chuốc mời
em quan họ khảm vào đời ảnh em!
2.
tôi quỳ bên vuông cỏ mềm
chớp phim bè bạn, gió thêm rối bời
soi tôi xuống nước, nhìn tôi
mỗi bọt chữ, mỗi lả lơi ỡm ờ!
vì đời, thầy Khổng tìm thơ
ngọt nồng em hát thực mơ, dâng đời
tiếng thơm, thơm cho nơi nơi …
(vẫn thương kính Lão tuyệt vời, quên danh
Gióng vô danh hoá Trời Xanh (2)
nghìn sau nhang khói vờn quanh tâm hình!)
3.
rùa thiêng, biểu tượng thần linh?
bia tên tuổi trĩu dân mình, bước lê?
lưng rùa, dựng sách tỉnh – mê
mê, bành trướng, mê, a ê bao đời! (3)
(như Thánh Kinh vút trùng khơi
da dê mục chữ nhầm lời, buồn không!)
một thẻ tre cách điệu xong
mai rùa một mảnh – mênh mông: bia ngời …
“đàn bà khó dạy” (?!) ấy ơi (4)
tôi nhạt đạo, ngoại đạo rồi, thưa em
4.
tháng giêng Văn Miếu, bên thềm
ngắm nàng đàn trong êm đềm chiều xanh …
thầy Chu An ngát hương thành …
yêu là Đạo! Tôi tập tành trăm năm
ngài ơi, công nghệ lú câm
giàu nhân nghĩa sao âm thầm rạ rơm?
cái danh cái lợi – cái hòm?
cái tình, và cái lom khom rạp mình!
… tâm linh – ơn dựng miếu đình
tâm hồn, ngài hỡi – môi xinh í ời
5.
tôi về gò Đống Đa thôi
thắng Tàu, bởi học, vượt lời Tàu xưa!
Hà Nội, 02.03.1997
Tp. HCM., 14.03.1997.
(1) Ở đây, chỉ chú trọng mảng đề tài lớn nhất trong Kinh Thi: yêu đương (phần Quốc phong).
(2) Lão:ông già. Gióng (tên làng); Thánh Gióng là biểu tượng Chiến sĩ Vô danh.
(3) Phần hạn chế trong Kinh Thi (chủ yếu trong Tiểu nhã, Đại nhã, Tụng). Kinh Thi chỉ là một trong chín pho sách kinh điển của Khổng giáo. Cả chín pho đều bị mất mát ít nhiều, lại bị lắp ghép, xuyên tạc, thêm bớt.
(4) Quan điểm của Khổng Tử về phụ nữ.
TRẦN XUÂN AN
71B Pham Văn Hai
Phường 3, Tân Bình
TP.HCM.
ĐT.: (08) 3 8453955 & 0908 803 908